Làm sao để thay đổi thế giới
Thế giới cần được thay đổi – điều này hiển nhiên và cấp bách. Nhưng câu hỏi lớn hơn là: làm sao để thay đổi một cách hiệu quả nhất?
Thế giới cần được thay đổi – điều này hiển nhiên và cấp bách. Nhưng câu hỏi lớn hơn là: làm sao để thay đổi một cách hiệu quả nhất?
Tư duy Lãng mạn cho rằng thế giới bệnh hoạn là vì thiếu vắng những ý tưởng tốt. Do đó, việc cao quý và cấp thiết nhất là rút lui khỏi những ồn ào, viết một cuốn sách hoặc thành lập một viện nghiên cứu, nơi có thể phân tích mọi vấn đề: công lý là gì, biến đổi khí hậu bắt nguồn từ đâu, vì sao các mối quan hệ đổ vỡ, hay lý do cho sự bất công tràn lan trong xã hội.
Trong 300 năm qua, ý tưởng mới mẻ nhằm cứu rỗi nhân loại luôn được tôn vinh. Nhưng kỳ lạ thay, dù có không ít kế hoạch cải cách mang tính cách mạng và khôn ngoan, thế giới lại dường như chẳng thay đổi bao nhiêu. Nó vẫn bám víu dai dẳng vào những thói quen xấu cũ kỹ của mình.
Có lẽ, điều chúng ta bỏ lỡ là một sự thật căn bản. Thế giới không phải đang trì trệ vì thiếu ý tưởng tốt. Chúng ta đã biết gần như mọi điều cần thiết về công lý, vẻ đẹp, trí tuệ, sự thật và lòng nhân ái. Vấn đề không nằm ở sự khan hiếm ý tưởng, mà là ở sự cố chấp, không thể hành động hoặc triển khai đúng cách những ý tưởng hay mà ta đã có.
Thế giới không vận hành chỉ bằng ý tưởng, dù đây thường là lầm tưởng của các trí thức. Nó được cấu thành bởi luật pháp, thực tiễn, thể chế, hệ thống tài chính, doanh nghiệp và chính quyền. Nói cách khác, mọi cải tiến chỉ thực sự có giá trị khi hàng loạt con người cùng phối hợp, bắt tay vào công việc kém phần hào nhoáng nhưng vô cùng nhọc nhằn: xử lý các vấn đề phức tạp liên quan đến luật lệ, tiền bạc, truyền thông đại chúng, vận động chính sách và quản lý dài hạn.
Trong "Cộng Hòa" – cuốn sách triết học vĩ đại nhất từng được viết – Plato đã đưa ra một góc nhìn sâu sắc (rút ra từ kinh nghiệm cay đắng) về giới hạn của trí thức. Ông từng nhận định rằng thế giới sẽ không bao giờ được cải thiện trừ khi “các triết gia trở thành vua, hoặc các vị vua học làm triết gia”. Qua đó, Plato muốn cảnh báo rằng những người mang tư tưởng sâu sắc không nên chỉ mơ mộng rằng ý tưởng có thể thay đổi thực tại. Thay vào đó, ông nhấn mạnh rằng chỉ khi những tư tưởng đó được áp dụng thông qua quyền lực của các thể chế – thông qua "quyền vua" – thì chúng mới có cơ hội tạo ra ảnh hưởng thực sự.
Tuy nhiên, lý do các triết gia khó có thể trở thành vua nằm ở chính bản chất của họ. Những người sở hữu ý tưởng lớn thường không giỏi quản lý tài chính, khó chịu với chi tiết, không thích vận động, không giỏi làm việc nhóm. Tính cách gai góc khiến họ xa lánh tập thể, ghét những nơi như văn phòng, không thích đứng chung bục diễn thuyết hay phổ biến hóa ý tưởng. Họ thường tự hào với sự cô độc trí tuệ của mình, thậm chí còn xem việc không biết đọc một bảng cân đối tài chính là dấu hiệu của sự tinh hoa. Chính những định kiến Lãng mạn này đã vô tình bảo toàn sự trì trệ của thế giới.
Hành động đơn lẻ và cảm hứng bộc phát không thể là phương thức lâu dài để đối mặt với những vấn đề phức tạp nhất của nhân loại. Thay đổi thế giới đòi hỏi sự kiên nhẫn và hợp tác mang tính tập thể. Điều này cần đến nỗ lực của các doanh nhân, nhà quản lý sản phẩm, kế toán, chiến lược gia truyền thông, luật sư, nhà hoạt động, nghị sĩ và nhân viên xã hội. Quá trình này kéo dài nhiều năm, được tạo nên từ những chiến thắng nhỏ bé, đòi hỏi sự thỏa hiệp ở mọi giai đoạn và không ít lần bị đảo ngược, thất bại.
Nghe có vẻ rất phi Lãng mạn – và đó chính là điều cốt lõi. Muốn thay đổi thế giới, chúng ta phải thay đổi cách nhìn nhận về cách sự thay đổi diễn ra: rời xa những lý tưởng về sự độc tôn, trí tuệ và sự tự phát, để tiến gần hơn đến sự khiêm nhường, kiên nhẫn, kỷ luật và tinh thần hợp tác.
Nguồn: ON CHANGING THE WORLD - The School Of Life