Làm Thế Nào Để Xây Dựng Được Tính Kiên Định Trong Cuộc Sống?

lam-the-nao-de-xay-dung-duoc-tinh-kien-dinh-trong-cuoc-song

Lòng kiên định là một đức tính tuyệt vời để xây dựng và vận dụng vào cuộc sống của bạn. Và chìa khoá để hình thành lòng kiên định chính là chủ động thiết lập và đạt được các mục tiêu cụ thể.

Lòng kiên định là một đức tính tuyệt vời để xây dựng và vận dụng vào cuộc sống của bạn. Và chìa khoá để hình thành lòng kiên định chính là chủ động thiết lập và đạt được các mục tiêu cụ thể.

Hãy bắt đầu với việc xác định từng bước bạn có thể thực hiện để trở nên kiên định hơn trong cuộc sống, và từ đó hướng tới những mục tiêu nhỏ dưới đây. Theo thời gian, khi bạn đã dần có được sự kiên định, hãy giữ cho mình động lực và trách nhiệm để duy trì tính kiên định ấy. Điều này có thể đòi hỏi một số thay đổi trong suy nghĩ để bạn có thể luôn lạc quan và làm việc có hiệu quả trong suốt cuộc hành trình của riêng mình.

Phần 1: Thực hành những bài tập rèn luyện sự kiên trì

1. Đặt ra những mục tiêu cụ thể và thực tế. Sẽ khó để chạm đến vạch đích cuối cùng nếu bạn không có ý tưởng rõ ràng về những gì mình cần làm. Khi bắt đầu một hướng đi mới, hãy tạo ra những mục tiêu đơn giản, dễ dàng với những kết quả cụ thể và khả thi. 

Hãy bắt đầu bằng cách xác định ý nghĩa của lòng kiên định đối với bạn. Bạn có cần kiên định với thói quen tập thể dục của mình không? Bạn có đang hướng tới chất lượng công việc cao hơn? Bạn có muốn trở thành một người luôn mở lòng đón nhận, một người đáng tin cậy hơn trong các mối quan hệ của mình không?

Khi bạn đã xác định được mục tiêu cuối cùng của mình, hãy thực hiện các bước nhỏ hơn để đạt được mục tiêu đó. Ví dụ, nếu bạn muốn trở nên khỏe mạnh hơn, bạn có thể đặt mục tiêu tập thể dục 5 ngày trong tuần hoặc đăng ký một lớp học về thể chất.

Hãy đặt ra từng bước đi cụ thể. Thay vì nói "Tôi sẽ luôn đánh giá cao người yêu của mình", bạn có thể nói "Tôi sẽ nói cảm ơn người yêu của mình khi họ chịu rửa bát, nấu bữa tối hoặc giúp đỡ tôi hoàn thiện việc nhà."

2. Tạo một lịch trình cho chính mình. Bạn có thể dễ dàng đưa ra rất nhiều nhiệm vụ và lời hứa, nhưng những công cụ như là lịch, bảng kế hoạch hay là lịch trình sẽ giúp bạn đi đúng hướng. Lịch trình sẽ giúp bạn lập kế hoạch trong ngày để hoàn thành mọi việc đúng thời gian. Nó cũng sẽ giúp bạn hiểu những "cam kết" nào bạn có và không có thời gian để thực hiện .

Bạn có thể sử dụng sổ thiết lập kế hoạch hoặc lịch để bàn. Ngoài ra, hãy tải xuống ứng dụng hỗ trợ việc lập thời gian biểu trên điện thoại, chẳng hạn như là Google Calendar hoặc Outlook.

Hãy tận dụng tối đa thời gian thực tế cho mỗi nhiệm vụ. Nếu bạn không chắc chắn một nhiệm vụ sẽ mất bao lâu để hoàn thiện, hãy cho mình thêm thời gian để hoàn thành nó.

Đối với những mục tiêu lớn hơn, như viết sách hoặc giảm cân, hãy đặt ra những nhiệm vụ nhỏ hàng ngày mà bạn có thể làm để hướng tới mục tiêu lớn này. Ví dụ: bạn có thể đặt ra số lượng từ phải viết hàng ngày hoặc lên kế hoạch cho các bữa ăn cụ thể đối với từng ngày.

Đừng quên lên kế hoạch cho những giờ giải lao! Mỗi lần lên kế hoạch, bạn cũng chỉ nên thực hiện từng nhiệm vụ một thay vì thực hiện nhiều nhiệm vụ trong cùng một khoảng thời gian nhé.

3. Đặt những lời nhắc nhở xung quanh nhà, không gian làm việc hoặc thậm chí, là trên đồ đạc của bạn. Đôi khi, chúng ta rất dễ quên những mục tiêu, thói quen, cam kết hoặc lời hứa mới của mình, đặc biệt là khi chúng ta thực hiện vì lợi ích của riêng bản thân mình. Để có thể nhắc nhở bản thân trong suốt cả ngày, hãy đặt lời nhắc ở những khu vực dễ thấy.

Viết ra các mục tiêu của bạn trên các mẩu giấy ghi chú và dính chúng trên gương, máy tính, tủ lạnh, bảng điều khiển trên ô tô và bảng kế hoạch của bạn.

Nhét một tờ giấy đã ghi mục tiêu của bạn vào ví, ngăn bàn hoặc túi xách...

Nếu bạn đang cố gắng thực hiện một bài tập hàng ngày, hãy đặt lời nhắc trên điện thoại của mình. Đặt báo thức hoặc sử dụng ứng dụng nhắc nhở, và nó sẽ thông báo cho bạn khi mà bạn cần phải thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào.

4. Đưa ra lời hứa khi và chỉ khi bạn có thể thực hiện chúng. Sự kiên định thường liên quan đến việc thực hiện các cam kết và tuân thủ theo những cam kết ấy. Tuy nhiên, bạn sẽ rất dễ bị choáng ngợp nếu tự đặt ra quá nhiều lời hứa đấy. Nếu bạn nghĩ rằng yêu cầu bạn nhận được khá khó để thực hiện, hãy biết cách nói "không" nhé. 

Ví dụ, nếu bạn nói với người yêu của mình rằng bạn sẽ giải quyết một nửa công việc nhà, hãy đảm bảo rằng bạn có thời gian sau giờ làm để thực sự hoàn thiện chúng.

Trong một số trường hợp, bạn có thể thương lượng lại với đối phương những gì bạn có thể thực hiện được. Ví dụ: nếu ai đó yêu cầu bạn giúp họ chuyển nhà, bạn có thể nói, “Chà, tôi không thể đến trước 3 giờ chiều, nhưng tôi có thể đến giúp bạn sau quãng thời gian đó. Có được không?” Bạn cũng đàn tự hứa với bản thân mình.

Nếu bạn biết rằng việc viết 10 trang mỗi ngày cho cuốn tiểu thuyết mới của mình là không thực tế, hãy tự hứa với bản thân rằng ít nhất, mình sẽ viết mỗi ngày một ít.

5. Tự thưởng cho bản thân khi bạn hoàn thành một việc gì đó. Nếu bạn hoàn thành mục tiêu của mình, hãy tự thưởng cho bản thân nhé. Ngay cả những mục tiêu nhỏ cũng xứng đáng nhận được những phần thưởng nhỏ, để từ đó bạn có thể duy trì động lực trong suốt quá trình học tập và làm việc của mình. 

Ví dụ: nếu bạn đã cố gắng hoàn thành công việc của mình trước 5 giờ chiều mỗi ngày trong một tuần, hãy cho phép mình được nghỉ một buổi tối. Bạn có thể đi xem phim, hoặc là chiêu đãi bản thân một bữa tối đặc biệt.

Nếu bạn đang luyện tập chạy marathon và bạn đã cố gắng đạt được mục tiêu tập thể dục hàng ngày của mình, hãy đăng ký một cuộc thi chạy để mang lại cho bạn cảm giác thành công.

Nếu bạn đã cố gắng, kiên định hơn trong việc cải thiện các mối quan hệ, thì tình bạn của bạn có thể sẽ là một phần thưởng đó. Nếu bạn thấy tự hào về bản thân, hãy đưa bạn bè đi chơi hoặc tổ chức liên hoan một bữa tối.

Phần 2: Duy trì lòng kiên định

1. Hãy cứ tiếp tục ngay cả khi bạn mắc sai lầm. Ngay cả những con người có sự kiên định và có kỷ luận tổ chức tốt đôi khi cũng sẽ có lúc vấp ngã. Hãy lập kế hoạch cho những "thất bại tiềm ẩn", và đừng tự chỉ trích bản thân nếu bạn mắc sai lầm trên con đường của mình. 

Chỉ vì bạn phải hủy cuộc hẹn, thất hứa hoặc không hoàn thành được công việc đúng hạn không có nghĩa là bạn không có lòng kiên định. Đôi khi, dù cho kế hoạch của chúng ta có tốt đến đâu đi chăng nữa, thì các yếu tố bên ngoài vẫn có thể cản trở ta thành công.

Hãy lập kế hoạch cho những thất bại cũng như những lần tụt dốc của bạn. Nếu một người đại diện xuất bản từ chối bản thảo của bạn, hãy tìm nơi tiếp theo để gửi nó hoặc là duyệt lại bài để xem mình có thể cải thiện được những gì.

Lòng kiên định không có nghĩa là sự hoàn hảo. Nếu bạn bỏ lỡ một ngày tập thể dục hoặc không đọc sách cho con của bạn vào buổi tối, hãy khuyến khích bản thân bắt đầu lại vào ngày hôm sau.

2. Hãy dành thời gian nghỉ ngơi để nạp lại năng lượng. Kiên trì cũng không có nghĩa là bạn phải luôn làm việc. Trên thực tế, nếu bạn cho mình thời gian nghỉ ngơi, bạn sẽ có thể cải thiện được năng suất của mình và tránh bị kiệt sức. Lên lịch trình kịp thời cho bản thân và đừng để công việc hoặc các cam kết khác cản trở. 

Ví dụ: bạn có thể dành cho mình một giờ mỗi tối để đọc sách, tắm hoặc xem TV. Đừng làm việc vào khoảng thời gian này.

Thiền là một cách tuyệt vời để giúp cho bộ não của bạn yên tĩnh và mang lại cho bản thân chút bình yên. Tập thiền ít nhất 5 phút mỗi ngày và tối đa 15 phút mỗi lần.

Đừng gạt thời gian cá nhân của bạn sang một bên nếu bạn có những trách nhiệm khác phải thực hiện. Ví dụ, nếu bạn cần buổi sáng thứ Bảy để ngủ, đừng hứa với người ấy rằng bạn sẽ thức dậy sớm để cắt cỏ. Hãy nói với họ rằng bạn sẽ làm điều đó vào một ngày hoặc giờ khác (và đảm bảo thực hiện đúng lời hứa này!).

3. Sử dụng các công cụ tạo động lực để tiếp tục công việc ngay cả khi bạn cảm thấy không thích. Khi bạn mệt mỏi hoặc căng thẳng, bạn có thể dễ dàng để một ngày của mình trôi qua mà không thực hiện được mục tiêu nào, nhưng thói quen ấy có thể sẽ nhanh chóng khiến bạn đi chệch hướng. Nếu bạn cảm thấy chán nản hoặc lười biếng, hãy cố gắng tìm những nguồn động lực mới. 

Hãy đặt ra những phần thưởng nhỏ trong ngày để giúp bản thân tiếp tục theo sát mục tiêu nhé. Ví dụ: nếu bạn đang viết một bài báo dài, hãy dành cho mình 5 phút giải lao mỗi khi bạn hoàn thành 1 hoặc 2 trang.

Nhắc nhở bản thân về mục tiêu dài hạn của mình. Nói với bản thân rằng "nếu tôi muốn đạt được những mục tiêu đó, tôi sẽ phải hoàn thành nhiệm vụ này". Ví dụ: thay vì nói, "Tôi thực sự không muốn viết những báo cáo đó", bạn có thể nghĩ, "Khi tôi hoàn thành những báo cáo đó, tôi sẽ có thời gian để làm những việc khác".

Nếu bạn đang trải qua một ngày khó khăn, hãy học cách thỏa hiệp với chính mình. Ví dụ: nếu bạn muốn ăn uống lành mạnh hơn nhưng không thể tự nấu ăn, hãy chọn làm món salad thay vì gọi đồ ăn nhanh.

4. Hãy tự chịu trách nhiệm. Để trở nên kiên trì, bạn phải đảm bảo rằng bạn có thể nhận ra khi mà bạn không đạt được các tiêu chuẩn và mục tiêu mà mình đã đặt ra. Trong những thời điểm này, hãy cân nhắc xem mục tiêu của bạn có thực tế không hoặc tự hỏi bản thân xem bạn có thể làm gì để cải thiện tình hình. 

Trên thời gian biểu hoặc lịch của bạn, hãy đánh dấu các nhiệm vụ mà bạn đã hoàn thành. Điều này sẽ mang lại cho bạn cảm giác hài lòng. Nó cũng sẽ giúp bạn nhận ra những gì bạn có thể thực hiện trong 1 ngày.

Nhờ bạn bè, thành viên gia đình, người cố vấn hoặc đồng nghiệp để làm công việc như là một người giám sát của bạn. Hãy nhờ họ kiểm tra mỗi tuần một lần để xem tiến trình của bạn như thế nào. Nếu họ thấy bạn không có sự kiên trì, hãy cho phép họ ra lệnh cho bạn làm.

Đừng tự chỉ trích bản thân khi bạn không đạt được mục tiêu. Điều quan trọng là bạn luôn tiếp tục làm việc và hướng tới mục tiêu của mình với một sự kiên trì, bền bỉ.

Phần 3: Thay đổi suy nghĩ

1. Hãy cho bản thân thời gian để có thể nhận ra những thay đổi. Bất cứ khi nào bạn cố gắng thiết lập những thói quen mới, hãy hiểu rằng nó sẽ mất thời gian. Thay vì "rời bỏ' cuộc sống cũ và bắt đầu với tất cả các hoạt động mới cùng một lúc, hãy cho phép bản thân có thời gian để tìm ra con đường nào sẽ có hiệu quả. Hãy thực tế với những gì bạn có thể thấy theo thời gian. 

Nó sẽ thường mất 3 tuần liên tục làm một điều gì đó để tạo thói quen mới. Cứ sau ba tuần, hãy đặt ra một mục tiêu nhỏ để đạt được trong khoảng thời gian đó. Đừng giải quyết quá nhiều. Bắt đầu với những nghi thức nhỏ và xây dựng theo cách của bạn.

2. Đặt ranh giới cho các lời cam kết và các mối quan hệ cá nhân của bạn. Ranh giới sẽ giúp bạn dễ dàng giữ đúng cam kết của mình hơn, vì bạn có một giới hạn cụ thể để thực hiện. Trước khi đảm nhận những nhiệm vụ hoặc lời hứa mới, hãy xác định những gì bạn sẵn sàng và có thể làm cũng như những gì bạn biết trên thực tế mình không thể làm. 

Ví dụ: bạn có thể khẳng định rằng mình sẽ không nhận điện thoại trong bữa tối cùng gia đình. Nói với sếp, đồng nghiệp và bạn bè của bạn rằng thời gian này là khoảng thời gian "bất khả xâm phạm". Và hãy đặt điện thoại của bạn trong một căn phòng khác trong bữa tối.

Bạn cũng có thể thiết lập các điểm đánh dấu chất lượng cho chính mình. Ví dụ, bạn có thể nói với bản thân rằng mình sẽ kiểm tra công việc của mình hai lần trước khi trình lên sếp. Hãy cho bản thân thêm thời gian để hoàn thành nhiệm vụ này và bạn sẽ có thể đạt được một chất lượng ổn định.

3. Xây dựng khả năng kiểm soát hành vi của mình. Lòng kiên định đòi hỏi phải có ý chí để đạt được, bởi vì nó có nghĩa là bạn phải thực hiện một số việc ngay cả khi bạn không cảm thấy thích. Và để làm được điều đó, bạn cần phải có khả năng kiểm soát hành vi này. 

Tránh cám dỗ bất cứ nơi nào có thể. Ví dụ, nếu bạn muốn kiên trì xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, hãy đảm bảo rằng bạn có sẵn các "lựa chọn lành mạnh" để dùng khi đói. Và tất nhiên là đừng để những thứ không lành mạnh xung quanh đó

Kiệt sức có thể khiến bạn dễ bỏ qua các nhiệm vụ. Thế nên, hãy ngủ ít nhất 7-9 tiếng mỗi đêm để duy trì hoạt động của bản thân.

Nhắc nhở bản thân về những lợi ích lâu dài bất cứ khi nào bạn cảm thấy không có động lực. Thử đọc qua danh sách các mục tiêu của bạn để tìm cảm hứng.

4. Loại bỏ suy nghĩ tiêu cực. Suy nghĩ tiêu cực là rào cản của sự kiên định và ý chí. Khi bạn suy nghĩ tiêu cực tức là khi bạn đang khiến bản thân ít có khả năng giữ vững những hành động kiên định của mình. 

Hãy chú ý đến những kiểu suy nghĩ tiêu cực sẽ cản trở bạn trong tương lai. Hãy nắm quyền kiểm soát bản thân nếu trong đầu bạn bắt đầu manh nha những suy nghĩ như "Tôi không thể làm điều này" và "Tôi thật ngu ngốc."

Khi bạn nhận thấy những mẫu suy nghĩ tiêu cực kiểu như vậy, hãy xoay chuyển chúng hoặc đưa ra một suy nghĩ tích cực hoặc trung lập hơn. Vì vậy, chẳng hạn nếu bạn thấy mình đang nghĩ "Tôi không thể làm được điều này", hãy quay lại và nghĩ, "Tôi sẽ làm điều này, ngay cả khi tôi không giỏi cho lắm."

Nếu bạn đang bắt đầu lo lắng về một nhiệm vụ hoặc một mục tiêu, hãy xem xét lại nhiệm vụ, mục tiêu mà bạn đã đặt ra hoặc kết quả mà bạn đã đạt được. Chia mục tiêu thành các bước nhỏ hơn hoặc hứa sẽ thưởng cho bản thân khi hoàn thành xong những nhiệm vụ ấy.

----------

Tác giả: Klare Heston, LCSW 

Link bài gốc: How to Be Consistent: 13 Steps

Dịch giả: Nguyễn Hải My - ToMo - Learn Something New 

menu
menu