Lòng kiên nhẫn khó đến như thế nào

Những người thiếu kiên nhẫn thật sự đáng thương: họ không chỉ phải chịu đựng chính nỗi khổ của mình, mà còn phải gồng mình hứng chịu sự sốt ruột lặp đi lặp lại từ những người xung quanh.
Những người thiếu kiên nhẫn thật sự đáng thương: họ không chỉ phải chịu đựng chính nỗi khổ của mình, mà còn phải gồng mình hứng chịu sự sốt ruột lặp đi lặp lại từ những người xung quanh. “Trời ơi, sao không chịu chờ một chút được à?” – họ thường bị mắng đúng ngay lúc mà việc chờ đợi thêm một giây thôi cũng đã trở nên không thể chịu nổi. “Thư giãn đi!” – lời khuyên đầy bực bội tuôn ra, trong khi nỗi lo lắng là điều duy nhất mà họ còn có thể bám víu.
Cả xã hội ta xem lòng kiên nhẫn như một đức tính phải được nhắc nhở gay gắt để thực hành, hơn là một phẩm chất cần được cảm thông nếu ai đó chưa có được, và có lẽ, cần được dịu dàng dẫn dắt để một ngày nào đó chạm đến. Nhưng kiên nhẫn không chỉ là một bài học đạo đức, nó là một thành tựu tâm lý, thường bắt nguồn từ những trải nghiệm đầu đời.
Mary Cassatt, Mother and Child, c. 1889
Nguồn gốc của sự thiếu kiên nhẫn
Cảm giác chờ đợi là điều tồi tệ, và thật ra, phần lớn không hẳn là lỗi của chúng ta. Mọi đứa trẻ chào đời đều mang trong mình khuynh hướng rõ rệt của sự thiếu kiên nhẫn, hay nói trắng ra, là hoảng loạn toàn tập. “Sữa của tôi đâu rồi trời?”, “Cái đau trong bụng này là cái quái gì vậy?”, “Ai cho cái ánh sáng chói loà này rọi vào mắt tôi?”, “Sao tôi lại bị ướt sũng giữa đêm khuya thế này?”. Những năm tháng đầu đời gắn liền với một khoảng cách khủng khiếp giữa mong muốn và thực tại. Thất vọng là cảm xúc căn bản nhất của thời thơ ấu.
Nếu sau này ta có thể dần hồi phục, ấy là nhờ một ai đó đã đến bên, một người bình tĩnh, sáng suốt và dịu dàng, một người từng được ai đó khác cho mình nếm trải sự kiên nhẫn của thế hệ trước.
“Rồi, rồi, sữa đang được hâm nóng đây mà…”, “Sắp rồi con, hai phút nữa thôi là thay được đồ khô rồi…” – người cha hay mẹ đủ tốt luôn hiện diện với hai điều tối quan trọng: sự trấn an và lòng cảm thông. Giải pháp sẽ đến, chỉ là chưa phải lúc này. Và con đáng thương quá, phải chịu đựng điều này quả là khó chịu biết bao.
Một vai trò căn bản nhưng hiếm khi được ca ngợi của cha mẹ, là giúp một sinh linh bé nhỏ vượt qua khoảng cách giữa điều ước ao và hiện thực. Là người thường xuyên nói, bằng lời hoặc bằng ánh mắt, cái ôm, sự hiện diện: Mẹ biết, thật tệ khi mọi chuyện không như con (và cả mẹ) mong muốn. Nhưng con không cô đơn. Những tiếng khóc của con là chính đáng; tất cả những người tốt và sáng suốt trên đời đều sẽ đứng về phía con, và mong mọi chuyện sẽ khác đi.
Nếu kiểu nâng đỡ này được lập đi lập lại đủ nhiều lần bởi một người khác, sau này, ta sẽ học được cách tự làm điều đó cho chính mình. Dù người chăm sóc năm xưa có thể đã khuất hay đã rẽ sang một cuộc sống khác, ta vẫn có thể nghe thấy giọng nói dịu dàng năm nào vang vọng trong tâm trí. Khi một khách hàng mãi không hồi âm, ta có thể tự trấn an: “Chắc họ đang đi nghỉ hay vướng dự án khác thôi.” Hoặc, nếu cần cứng rắn hơn để bảo vệ mình, ta sẽ nghĩ: “Kệ họ, mình chẳng việc gì phải quan tâm đến những người như thế.” Khi một mối quan hệ nữa lại tan vỡ, đứa trẻ từng được xoa dịu ngày xưa có thể bình thản bước đi, nghĩ thầm: “Có khi chỉ cần thêm một hai năm nữa là mọi thứ sẽ đâu vào đấy.”
Nhưng nhiều người trong chúng ta không may mắn đến vậy. Chúng ta, những người dễ hoảng loạn, không thể nhớ rằng cánh cửa trước nhà rồi cũng sẽ được sửa, rằng sẽ có người đến thay ống nước, rằng có thể làm lại chìa khoá mới, rằng tình yêu, sự nghiệp, tiền bạc hay tình bạn, rồi cũng sẽ có lúc hồi sinh.
Có lẽ từ sớm, ta đã bị ảnh hưởng quá nhiều bởi một người cha hoặc mẹ luôn gieo vào ta cảm giác rằng vũ trụ này chẳng bao giờ chiều lòng ai, rằng taxi trễ thì sẽ không bao giờ tới, rằng chẳng ai đủ nhạy cảm để thấu hiểu, rằng hét lên thật to là phản ứng hợp lý duy nhất trước nỗi đau. Sự thiếu kiên nhẫn, cũng như sự cay nghiệt, rất dễ lây lan.
Lòng kiên nhẫn: kỹ năng thiết yếu của người trưởng thành
Dù ngày xưa ta không học được cách kiên nhẫn, vẫn còn hy vọng. Ta có thể bù đắp bằng những “lớp học bổ túc”, đôi khi chỉ cần một người bạn tưởng tượng kiểu như một tác giả biết cách lắng nghe và viết ra điều ta cần. Ta có lợi thế lớn so với đứa trẻ ta từng là: ta có lựa chọn. Ngày ấy, ta chỉ khao khát có sữa; hôm nay, ta có thể tạm bằng lòng với nước lọc. Có những phương án B, C, và cả D.
Trong những lúc hoảng loạn, ta có thể mượn giọng nói dịu dàng từ một trang sách để tự nhắc mình về sự quan trọng của lòng kiên nhẫn. Ta có thể trở thành người cha, người mẹ cho chính mình mà nói: Mình từng ở đây rồi. Mình vẫn đứng vững. Mình sẽ vượt qua. Mình làm được mà.
Nguồn: HOW HARD IT IS TO BE PATIENT | The School Of Life