Lý do khiến một người mãi nghèo

ly-do-khien-mot-nguoi-mai-ngheo

Giáo sư kinh tế Abhijit Banerjee của Viện công nghệ Massachusetts (Mỹ) cho rằng nhiều người không thể thoát nghèo do họ chỉ nghĩ đến việc cải thiện thu nhập, kinh tế.

Giáo sư kinh tế Abhijit Banerjee của Viện công nghệ Massachusetts (Mỹ) cho rằng nhiều người không thể thoát nghèo do họ chỉ nghĩ đến việc cải thiện thu nhập, kinh tế.

Theo chuyên gia, trạng thái nghèo còn có nguyên nhân từ tinh thần, lối sống và nếu những yếu tố này không được thay đổi, con đường thoát nghèo của họ sẽ không thể có kết quả như ý muốn.

Truyền thống gia đình

Abhijit Banerjee sử dụng mô hình con cái và cha mẹ cùng đứng trên bậc thang kinh tế xã hội với sợi dây cao su buộc vào chân mỗi người để giải thích sự liên quan của gia đình với tương lai của mỗi người.

Theo đó, khi cha mẹ ở phía trên của chiếc thang, dây cao su sẽ kéo con cái lên khi họ ngã xuống. Nhưng nếu cha mẹ ở nấc dưới cùng của chiếc thang, con cái cố leo lên thì sợi dây buộc ở chân của cha mẹ sẽ lại kéo họ xuống. "Gia đình vừa là sự cứu rỗi vừa là sự ràng buộc của mỗi người. Cha mẹ thực sự là người đầu tiên viết nên kịch bản cuộc đời của con cái", chuyên gia kết luận.

Lý Mai Cẩn, giáo sư tâm lý Đại học công an nhân dân Trung Quốc, kể sau khi tốt nghiệp phổ thông bà nhận được một cơ hội việc làm rất tốt nên không muốn thi đại học. Nhưng mẹ của bà nhất định bắt con đi thi với lời hứa nếu không đỗ sẽ nuôi hết đời. Nhờ sự quyết liệt này, Lý Mai Cẩn về sau trở thành chuyên gia hàng đầu Trung Quốc trong lĩnh vực tâm lý tội phạm.

"Cách giáo dục của gia đình ảnh hưởng rất lớn đến vận mệnh một người. Nó có thể nâng con cái lên tầm cao hơn và cũng có thể biến thành một ngọn núi lớn đè con cái xuống", bà Lý nói. Nữ chuyên gia cũng cho rằng, nghèo đói có thể được di truyền. Nếu sinh ra trong một gia đình có xuất phát điểm thấp, con cái muốn làm giàu, nên tự quyết định cuộc đời của mình thay vì để bố mẹ định hướng.

Xiềng xích tư duy

Muhammad Yunus là nhà kinh tế học người Bangladesh đạt giải Nobel năm 2006 cho rằng một trong những nguyên nhân khiến người nghèo không thể làm giàu là do suy nghĩ hạn hẹp. "Sở dĩ người ta nghèo vì trong mắt họ chỉ có đồng tiền trước mắt. Họ bị mắc kẹt trong những khoản lợi nhuận nhỏ nhặt, luôn bận rộn và quay cuồng với nó", Yunus nói.

Có một câu nói trong cuốn bách khoa toàn thư Talmud, được người Do Thái coi như kim chỉ nam của cuộc sống: "Chỉ biết làm việc không ngừng nghỉ là chưa đủ. Người có tư duy tốt sẽ không thể nghèo mãi. Nhìn xa hơn và suy nghĩ sâu hơn, điều này sẽ mở rộng không chỉ ranh giới của suy nghĩ mà còn cả ranh giới của sự giàu có".

Xiềng xích bởi thông tin

Giáo sư Đại học Harvard Sunstein đã là người đưa ra khái niệm "Chiếc kén thông tin". Theo đó, trong việc phổ biến thông tin, nếu một người chỉ chú ý đến những điều hợp ý khiến mình vui vẻ, thoải mái thì theo thời gian, người đó sẽ giống như con tằm, tự nhốt mình trong chiếc kén.

Trong một cuộc khảo sát về sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo, Đại học Harvard phát hiện người nghèo có sử dụng Internet nhưng chủ yếu để thỏa mãn các đam mê như phim ảnh, âm nhạc, các trò chơi truyền hình. Người giàu lại khác, họ thích du lịch, thích ra ngoài trò chuyện với mọi người ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ cập nhật và tìm hiểu những tin tức mới nhất và nghiêm túc tiếp thu kiến thức mới trên mạng.

Các nhà nghiên cứu tin rằng, khoảng cách giữa người nghèo và người giàu nằm ở số lượng và giá trị của nguồn thông tin. Loại thông tin mà một người nhận được sẽ quyết định họ sẽ trở thành người như thế nào. Bằng cách mở rộng chiều sâu và chiều rộng của việc thu thập thông tin và sử dụng tất cả các loại kiến thức làm bậc thang, người ta có thể tạo thành những bậc thang và "nhảy được ra khỏi cái giếng".

Xiềng xích từ vòng tròn kết nối

Nhà văn đương đại nổi tiếng Trung Quốc Giả Bình Ao viết trong tác phẩm "Thế giới trò chơi" rằng: Vòng tròn bạn bè thực sự là thế giới cuộc đời bạn. Cuộc đấu tranh vì danh lợi của bạn mầm mống cũng từ vòng tròn bạn bè mà ra.

Theo ông, con người là sản phẩm của môi trường sống. Quan điểm, tính cách, thói quen của một người sẽ dần hội tụ ở cấp độ vòng tròn mà người đó sống. Nếu xung quanh là những tài năng xuất sắc, được tiếp xúc và làm việc lâu dài với họ, khả năng và phẩm chất của bạn sẽ được nâng cao. Còn nếu chỉ giao lưu với những người nhàn rỗi, bạn sẽ sớm mất động lực.

Thành công hay thất bại của một con người phụ thuộc và môi trường sống. Nếu một người ở trong vòng tròn cấp thấp thời gian dài, chắc chắn sẽ bị dìm xuống và trở nên hư hỏng. Muốn trở thành người chiến thắng, họ phải sát cánh cùng những người chăm chỉ, có chí tiến thủ, tích cực và có thành tựu.

"Cuộc đời là một trò chơi luôn nâng cấp, bạn vượt qua được bao nhiêu cấp độ tức là bạn tự quyết định mình đang ở cấp độ nào", Giả Bình Ao nói.

Trang Vy (Theo sohu)

menu
menu