Tại sao nên cắt đứt liên lạc với người cũ?

tai-sao-nen-cat-dut-lien-lac-voi-nguoi-cu

Việc không liên lạc với người yêu cũ có thể giúp cả hai bước tiếp theo những cách lành mạnh.

Có một số lý do quan trọng cần phải cắt đứt liên lạc và tạo ra ranh giới với người yêu cũ khi chia tay. Đầu tiên nó cho phép bạn tập trung chữa lành và hạnh phúc của bản thân. Nhờ việc này, bạn có không gian, thời gian để quan tâm cảm xúc của mình và tiến về phía trước mà không cần phải luẩn quẩn trong những cảm xúc gắn bó và ký ức đã qua.

Việc tạo ra ranh giới cũng cho phép bạn lùi lại, có cái nhìn thấu đáo, đánh giá thiệt - hơn mà mối quan hệ gây ra cho mình, từ đó đưa ra được quyết định sáng suốt trong tương lai.

Nhưng việc tạo ranh giới không hề dễ dàng, đặc biệt khi bạn vẫn còn cảm xúc, sự gắn bó với anh ấy (cô ấy).

Cắt đứt liên lạc với người cũ là việc quan trọng cần làm sau chia tay. Ảnh: Thecoolist

Việc thiết lập ranh giới cũng đòi hỏi sự quyết đoán và tự tin. Bạn phải đứng lên bảo vệ bản thân và ưu tiên cho hạnh phúc của mình, ngay cả khi điều đó có thể khiến bạn cảm thấy không thoải mái hoặc đối đầu với người khác. Điều này có thể đặc biệt khó khăn nếu bạn đã quen phụ thuộc hoặc luôn muốn làm hài lòng mọi người.

Những kỳ vọng về văn hóa xã hội cũng khiến việc thiết lập ranh giới với người yêu cũ khó khăn, nhất là khi hai bạn có nhiều bạn chung hoặc con chung. Điều này có thể tạo ra cảm giác tội lỗi hoặc nghĩa vụ, gây khó khăn cho việc thiết lập những ranh giới cần thiết cho sự chữa lành và phát triển của bạn.

Bất kể tình huống là thế nào, việc thiết cắt đứt liên lạc với người cũ sau chia tay là rất quan trọng. Nhà trị liệu tâm lý John Kim, tác giả của nhiều đầu sách bán chạy nhất ở Mỹ chia sẻ một số cách giúp bạn thiết lập ranh giới:

Cắt đứt liên lạc

Hạn chế hoặc cắt đứt hoàn toàn liên lạc với người yêu cũ. Điều này có nghĩa không có tin nhắn, cuộc gọi hoặc tương tác trên mạng xã hội nào có thể cản trở quá trình hàn gắn của bạn và khiến bạn không bước ra được khỏi quá khứ.

Hủy theo dõi, hủy kết bạn

Xóa người yêu cũ khỏi tài khoản mạng xã hội. Việc xem các cập nhật và hình ảnh về cuộc sống của họ có thể khơi dậy cảm xúc và khiến bạn khó tiếp tục hơn. Tạo ra khoảng cách trên mạng xã hội này là cần thiết, cho phép bạn tập trung vào sự phát triển của bản thân.

Tránh những địa điểm gắn với kỷ niệm

Tránh xa những địa điểm hoặc tình huống khiến bạn nhớ đến người yêu cũ. Điều này có thể giúp ngăn chặn những tác nhân kích thích cảm xúc không cần thiết và cho phép bạn tạo ra những trải nghiệm mới mà không bị ảnh hưởng bởi quá khứ.

Đặt ranh giới cảm xúc

Ngừng đắm chìm vào những gì đáng lẽ có thể xảy ra và tập trung vào hiện tại. Tránh hồi tưởng ký ức hoặc tưởng tượng ra những kết quả khác nhau. Chuyển hướng suy nghĩ của bạn sang việc tự chăm sóc bản thân, phát triển cá nhân và xây dựng một tương lai tươi sáng hơn.

Ưu tiên tự chăm sóc

Hãy chăm sóc bản thân về thể chất, tinh thần và cảm xúc. Tham gia vào các hoạt động mang lại cho bạn niềm vui, sự yêu thương bản thân và ở cạnh những người luôn hỗ trợ. Ưu tiên việc chăm sóc bản thân sẽ giúp bạn xây dựng lại cuộc sống và lấy lại sự tự tin, ý thức mạnh mẽ về mình.

Thiết lập ranh giới là một quá trình cần có thời gian và luyện tập. Ban đầu, bạn có thể cảm thấy không thoải mái hoặc không chắc chắn. Hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ bạn bè, gia đình hoặc nhà trị liệu.

Bảo Nhiên (Theo Psychology Today)

menu
menu