Mắc kẹt trong sự sĩ diện không phải của chính mình

mac-ket-trong-su-si-dien-khong-phai-cua-chinh-minh

Một số người trong chúng ta thuộc về một thế hệ đặc biệt – những người từ nhỏ đã được cha mẹ mình gieo vào tâm trí một niềm tin mãnh liệt rằng việc giao du đúng chỗ, quen biết đúng người là điều tối quan trọng.

Một số người trong chúng ta thuộc về một thế hệ đặc biệt – những người từ nhỏ đã được cha mẹ mình gieo vào tâm trí một niềm tin mãnh liệt rằng việc giao du đúng chỗ, quen biết đúng người là điều tối quan trọng. Chúng ta, những đứa trẻ của những bậc phụ huynh luôn lo lắng về vị trí xã hội, bằng cách nào đó, đã hiểu rằng thế giới này không hề bình đẳng như những khẩu hiệu dân chủ đầy hy vọng vẫn thường tuyên bố. Trái lại, nó được chia thành nhiều tầng lớp khác nhau – và trong đó có những con người đáng để mình cố gắng làm thân, trong khi có những kẻ cần phải xa lánh, dè chừng, thậm chí khi không ai để ý thì còn có thể bí mật chế nhạo.

Có thể ngày nhỏ, chúng ta đã được diện những bộ đồ thật đẹp, được dặn dò kỹ lưỡng phải mỉm cười, ngẩng đầu lên, và tỏ ra lịch thiệp trong các buổi tụ họp mà "những người đúng mực" trao đổi những câu đùa ý nhị, chào hỏi nhau bằng sự hào hứng phô trương. Hoặc cũng có thể, ta chỉ đứng trong bộ đồ ngủ, nép ở cửa phòng, nhìn cha mẹ mình dồn bao tâm sức chuẩn bị cho những bữa tiệc được nhắc đến bằng giọng điệu đầy kính cẩn – những sự kiện có vẻ như quan trọng nhất đời họ. Có lẽ ta đã từng nghe đi nghe lại những cái tên như X hay Y, với một sự ngưỡng mộ rõ rệt, dù đâu đó ta cũng lờ mờ nhận ra rằng, có lẽ những nhân vật tầm cỡ ấy chẳng quan tâm mấy đến cha mẹ mình như cách cha mẹ mình quan tâm đến họ.

The Cracked Cardinal, George Condo, 2001, Wikimedia Commons

Dần dần, ta thấm nhuần một cách vô thức rằng việc có quan điểm "đúng đắn" về chính trị, theo đuổi những hoạt động giải trí "đẳng cấp", đọc đúng loại sách, hay sở hữu những ý kiến tinh tế về nghệ thuật và âm nhạc là điều tối quan trọng. Ta học được rằng tình yêu thương – theo cách cha mẹ ta truyền tải – thực chất là một thứ rất đỗi điều kiện.

Phải rất lâu sau, ta mới có thể nhận ra rằng tất cả những điều này đã thấm vào ta như thế nào. Khi còn nhỏ, làm sao ta nhận thức được rằng mình đã được đưa vào đời theo một cách đầy méo mó? Ta chỉ biết rằng những buổi tiệc mùa hè của X và Y là điều trọng đại, và rằng một số bạn bè của ta được cha mẹ đón tiếp nồng nhiệt, trong khi những người khác lại không.

Ta chẳng thể nào gọi tên vấn đề thực sự: rằng ta lớn lên trong một môi trường mà các nhà tâm lý gọi là "định giá từ bên ngoài". Ở đó, cái gì là tốt hay xấu, đáng ngưỡng mộ hay tầm thường, sang trọng hay xoàng xĩnh không phải do ta tự cảm nhận, mà phụ thuộc vào cách nhìn nhận của những người xa lạ và quyền lực – những kẻ mà ta đã vô tình phó mặc cả trái tim lẫn trí óc của mình để chạy theo hệ giá trị của họ.

Điều này không phải vì cha mẹ ta ác ý, mà vì họ đã rất sợ hãi, và – dù không tự nhận ra – họ đã phần nào tổn thương; bởi chính họ cũng từng chịu đựng những phán xét bất công từ những người không đánh giá họ bằng chính giá trị thật sự.

Và thế nhưng, điều mà chúng ta – khi còn bé – luôn khát khao lại rất khác: được là trung tâm của hệ giá trị riêng mình, được thể hiện bản thân một cách chân thực, được yêu thương những ai mình cảm thấy đáng yêu, được tránh xa những gì khiến mình tổn thương, và được nói ra khi mình chán nản. Ta từng mơ ước có những bậc cha mẹ tự do đủ để nói rằng: "Họ nghĩ gì thì có gì quan trọng, con chỉ cần lắng nghe bản thân mình thôi." Hoặc thậm chí là: "Ai mà thèm quan tâm họ nói gì cơ chứ?"

Có lẽ, món quà lớn nhất mà ta có thể nhận từ cha mẹ chính là hình mẫu của một người biết sống theo giá trị bên trong mình.

Nhưng khi thiếu vắng điều đó, ta cần đủ rộng lượng để tự chẩn đoán vấn đề, để tự tỉnh ngộ: "Giờ đây, tôi hiểu rằng mình là con của những bậc cha mẹ mang một vết thương, mà giờ đây vết thương đó đã trở thành của tôi – bởi việc thoát khỏi nỗi sợ hãi xã hội mà cha mẹ tôi truyền lại là điều cần rất nhiều thời gian và nỗ lực. Nếu không hành động, tham vọng của cha mẹ sẽ trở thành của tôi. Đó là lý do tại sao tôi không chỉ làm việc để kiếm tiền mà còn để tìm cách gây ấn tượng và thuộc về."

Dẫu vậy, sâu thẳm trong lòng, ta vẫn tồn tại một khao khát mãnh liệt: được dừng việc để tâm đến chuyện phân biệt giai cấp; được gặp gỡ mọi người như những người bình đẳng; được buông bỏ niềm tin mù quáng vào sự phân tầng xã hội; được làm việc chỉ vừa đủ cho nhu cầu vật chất của mình.

Thật là một gánh nặng không thể chịu nổi khi phải xoay quanh nỗi sợ "tụt hạng" trong xã hội, khi phải kiệt sức vì những lo âu thừa thãi về việc một ngày nào đó có thể phải đối mặt với đồng loại của mình trên một sân chơi bình đẳng.

Cần rất nhiều thời gian để nhận ra rằng phần lớn những gì ta tin tưởng không thực sự là của chính ta. Và còn lâu hơn nữa để biến nhận thức ấy thành kim chỉ nam cho hành động – để buộc bản thân ngừng cố gắng gây ấn tượng với những người đang chịu đựng nỗi lo âu giống hệt như những gì từng ám ảnh cha mẹ ta.

Cuối cùng, ta có thể hiểu ra: vấn đề không nằm ở việc ta không chấp nhận sự bình thường. Chính cha mẹ ta đã không thể chịu đựng điều ấy – không phải vì họ độc ác, mà vì họ chưa bao giờ được trao cơ hội để tận hưởng sự tự do đó trong chính tuổi thơ của họ. Nhưng vết thương của họ không nhất thiết phải trở thành vết thương của ta.

Sự nhận thức chính là cánh cửa dẫn đến những kiểu tình bạn và tham vọng mới – nguyên bản và tự do hơn.

Nguồn: SUFFERING FROM A SNOBBERY THAT ISN’T OURS – The School Of Life

menu
menu