"Mặt tối" của việc trao quyền không phù hợp cho trẻ

mat-toi-cua-viec-trao-quyen-khong-phu-hop-cho-tre

Bài viết này khám phá những cạm bẫy tiềm ẩn khi trao quyền không phù hợp cho trẻ em và những hậu quả của nó, đồng thời đưa ra những gợi ý giúp cha mẹ tránh những cái bẫy này.

Trao quyền cho con cái thường được coi là một chiến lược nuôi dạy tích cực, vì nó được cho là giúp trẻ phát triển tính tự lập, tự tin và khả năng phục hồi. Tuy nhiên, khi việc trao quyền được áp dụng sai cách hoặc quá mức, nó có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực không mong muốn. Tôi (tác giả bài viết) đã chứng kiến điều này trong công việc tư vấn tâm lý của mình với các bậc phụ huynh và gia đình. Những trải nghiệm lâm sàng này đã khơi gợi sự quan tâm của tôi; khi tìm hiểu tài liệu nghiên cứu, dường như có bằng chứng ủng hộ rằng việc văn hóa của chúng ta tập trung vào trao quyền cá nhân và sử dụng tiếng nói để tự bảo vệ đã đạt đến giới hạn, thậm chí vượt qua giới hạn đó.

Bài viết này khám phá những cạm bẫy tiềm ẩn khi trao quyền không phù hợp cho trẻ em và những hậu quả của nó, đồng thời đưa ra những gợi ý giúp cha mẹ tránh những cái bẫy này.

Image: fizkes/Shutterstock

  1. Các vấn đề về quyền lợi và thẩm quyền

Khi cha mẹ đối xử với con cái như như bạn bè đồng trang lứa, trẻ có thể bắt đầu xem mình là người ngang bằng trong việc đưa ra quyết định, điều này dễ dẫn đến cảm giác được hưởng quyền lợi. Trẻ có thể tin rằng mình có quyền đặt ra quy tắc và kỳ vọng trong gia đình, thách thức quyền lực của cha mẹ - yếu tố cần thiết để thiết lập cấu trúc và ranh giới. Nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ cần có những ranh giới rõ ràng để cảm thấy an toàn, đồng thời phát triển kỷ luật tự giác và sự tôn trọng đối với thẩm quyền.

Khi trẻ được trao quá nhiều quyền lực hoặc tự do mà không đi kèm với trách nhiệm tương ứng, trẻ có thể hình thành những kỳ vọng không thực tế về khả năng và quyền lợi của mình. Điều này có thể thể hiện qua việc khó chấp nhận các quy tắc, khó đối mặt với sự thất vọng, và các mối quan hệ cá nhân trở nên phức tạp. Một nghiên cứu về trao quyền trong gia đình đã nhấn mạnh rằng việc trao quyền không phù hợp có thể dẫn đến các vấn đề về hành vi, vì trẻ có thể không học cách điều hướng các ranh giới một cách hiệu quả.

Những vấn đề trong gia đình có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ. Các vấn đề về hành vi có thể xuất hiện ở trường học hoặc trong môi trường xã hội, nơi trẻ có thể không chấp nhận những giới hạn do giáo viên hoặc bạn bè đặt ra. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ranh giới rõ ràng là cần thiết cho sự phát triển tâm lý lành mạnh và chức năng xã hội.

Khi thiếu vắng phong cách nuôi dạy có thẩm quyền, trẻ sẽ khó học cách đối mặt với sự thất vọng và cảm giác hụt hẫng một cách hiệu quả. Điều này có thể dẫn đến việc trẻ chống đối các kỳ vọng và trách nhiệm trong gia đình, gây ra căng thẳng, sự thách thức và khó khăn trong việc quản lý cảm xúc. Các nghiên cứu về phong cách cha mẹ “trực thăng” (helicopter parenting) cũng gợi ý rằng sự can thiệp quá mức từ cha mẹ có thể cản trở sự phát triển khả năng tự điều chỉnh cảm xúc và tính độc lập của trẻ.

Cuối cùng, việc trao quá nhiều quyền cho trẻ không phải là cách chuẩn bị tốt cho giai đoạn trưởng thành. Trẻ có thể mong muốn mọi việc diễn ra theo ý mình trong mọi tình huống và gặp khó khăn trong việc kiên cường đối mặt với thất bại hoặc những tình huống ngoài tầm kiểm soát. Sự thiếu chuẩn bị này có thể cản trở khả năng thành công của trẻ trong những môi trường đòi hỏi sự hợp tác, thỏa hiệp và kiên trì.

  1. Cân bằng giữa trao quyền và hướng dẫn

Trẻ cần ranh giới rõ ràng và sự hướng dẫn nhất quán để cảm thấy an toàn, phát triển kỷ luật tự giác và tôn trọng các quy tắc. Nếu không có những yếu tố này, trẻ có thể gặp khó khăn khi đối mặt với sự thất vọng và điều chỉnh cảm xúc, dẫn đến việc không sẵn sàng cho những thách thức trong cuộc sống.

Để giảm thiểu những rủi ro này, cha mẹ nên trao quyền một cách cân bằng. Điều này bao gồm việc thiết lập kỳ vọng rõ ràng, cung cấp hướng dẫn công bằng và nhất quán, cũng như khuyến khích trẻ độc lập trong giới hạn đã được đặt ra. Cha mẹ cũng nên dạy trẻ tôn trọng thẩm quyền và hiểu rằng đây là sự hướng dẫn cho sự phát triển, không phải là sự xâm phạm quyền riêng tư.

Môi trường có cấu trúc và những người có thẩm quyền tử tế sẽ giúp trẻ phát triển ổn định về mặt tâm lý và cảm xúc xã hội. Ngoài ra, việc áp dụng phong cách nuôi dạy dân chủ, kết hợp giữa sự nghiêm khắc và ấm áp, sẽ tạo ra sự cân bằng lành mạnh giữa tính tự lập và tôn trọng quy tắc.

Bằng cách áp dụng những chiến lược này, cha mẹ có thể trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết trong khi vẫn duy trì cấu trúc và thẩm quyền để nuôi dưỡng và hướng dẫn trẻ phát triển, giúp trẻ trở thành những cá nhân toàn diện và kiên cường, có khả năng vượt qua những vấn đề phức tạp của cuộc sống.

Nguồn bài viết: The Dark Side of Empowering Your Child | Psychology Today

Lược dịch: Family & Child Psychology with Nguyen Minh Thanh

menu
menu