Món quà của nỗi buồn

mon-qua-cua-noi-buon

Vì sao có những ngày, buồn lại là điều đáng để đón nhận?

Một nhà thơ từng đoạt giải, tên ông giờ tôi không nhớ rõ, đã từng được hỏi: liệu ông có lời khuyên nào dành cho những người trẻ ôm mộng thi ca không? Ông chỉ trả lời vỏn vẹn: “Buồn. Nhiều hơn. Buồn và dằn vặt.”

Có lẽ không khó để hiểu vì sao nỗi buồn lại là người bạn đồng hành của thơ ca. Nó vừa là chất liệu nuôi dưỡng sự sáng tạo, vừa là nguồn năng lượng thúc đẩy người nghệ sĩ đi đến tận cùng tác phẩm của mình. Nỗi buồn là chất liệu, bởi nó làm thay đổi cách ta nhìn thế giới. Khi buồn, ta không còn thấy mọi thứ như thường ngày, cảnh vật, âm thanh, cả con người cũng mang một màu sắc khác. Trong nỗi buồn, ta đổ hồn mình vào thế giới xung quanh, và thế giới ấy vì thế mà trở nên riêng tư, đầy sắc thái cảm xúc.

Nhưng nỗi buồn không chỉ tạo ra chất liệu, nó còn khơi nguồn động lực để con người sáng tạo. Vì trong cơn buồn, ta cảm thấy có một sự xung đột, một khoảng cách giữa tâm hồn mình và thế giới. Ta biết, bằng một trực giác mơ hồ, rằng sự xung đột ấy có thể được hóa giải hoặc ít nhất là dịu lại thông qua việc giãi bày bằng nghệ thuật.

Tất nhiên, không phải mọi cảm giác khó chịu đều có thể làm nên nghệ thuật. Uể oải hay dằn vặt cũng khiến ta cảm thấy xa rời thế giới, nhưng chẳng đem lại gì ngoài sự mệt mỏi. Nỗi buồn thì khác. Nó đứng giữa hai bờ: không sắc nhọn đến mức gào thét như nỗi đau, nhưng cũng chẳng nhạt nhòa như sự chán chường. Nỗi buồn là thứ đau ta có thể biến thành đẹp.

Nhưng nếu bạn không phải là thi sĩ hay người viết? Nỗi buồn có còn ích gì?

Nỗi buồn lặng – melancholia

Có một dạng buồn mà tôi muốn gọi là melancholia – nỗi buồn khiến ta cảm nhận rõ rệt về sự trôi đi không thể đảo ngược của thời gian, và sự mong manh, ngắn ngủi của đời người.

Melancholia là cảm giác đắng ngọt khi bạn trở về ngôi nhà cũ của cha mẹ và nhận ra: mình sẽ chẳng bao giờ còn là một đứa trẻ nữa. Đó cũng là cảm xúc thoáng qua nhưng sâu sắc khi bạn nghĩ đến sự thật rằng: mọi thứ ta yêu quý rồi cũng sẽ biến mất, cùng với chính ta. Rồi cả nền văn minh này cũng sẽ tan vào hư vô. Rồi cả trái đất cũng chẳng còn. Và nếu nghĩ theo cách ấy, thì bao nỗ lực, tranh đấu của ta hóa ra chỉ là cơn bão nổi lên trong một tách trà.

Gustave Flaubert, trong tác phẩm “Những tuần cuối cùng ở Ai Cập”, đã mô tả một dạng melancholia khác, nỗi buồn man mác khi ta tạm biệt một nơi mà ta biết sẽ không bao giờ quay lại: “Luôn có một nỗi buồn khi rời xa một nơi chốn mà ta biết mình sẽ không bao giờ trở lại. Đó là những nỗi u sầu của những chuyến đi – và có lẽ, chính là phần thưởng sâu sắc nhất mà việc du lịch mang lại.”

Nghe có vẻ lạ khi nói rằng ta có thể tận hưởng nỗi buồn khi kết thúc một hành trình. Nhưng quả thực là vậy. Lúc đặt chân đến nơi, ta thường chỉ nghĩ đến niềm vui. Phải thế thôi, đâu ai lên đường chỉ để mong mình buồn? Nhưng đến khi nỗi buồn ấy đến thật, ta lại nhận ra nó không đơn điệu, mà sâu, mà mênh mang. Ta chạm đến được tầng cảm xúc mà nếu thiếu nó, đời sống nội tâm sẽ nghèo nàn biết bao.

Tâm hồn con người tựa như một nhạc cụ, có thể ngân lên vô vàn trạng thái cảm xúc, cũng như một cây piano có thể chơi đủ mọi thể loại âm nhạc. Nhưng khác với piano, dây đàn cảm xúc trong ta sẽ lặng câm nếu ta không tự mình gảy lên.

Có lẽ đó là lý do vì sao ta yêu thích hư cấu. Ta đọc tiểu thuyết, xem phim, để những dây đàn cảm xúc trong ta, những dây chưa từng rung lên bởi cuộc đời thực, được ngân nga nhờ những số phận tưởng tượng.

Nhưng hư cấu chỉ là cảm xúc vay mượn. Nó cho phép ta tập “cảm” trong sự an toàn. Vì thế, nhiều người chọn sống bằng cảm xúc vay mượn, thay vì đối mặt với cảm xúc thật của mình.

Nhưng hư cấu không thể thay cho cuộc sống. Nếu muốn sống trọn vẹn, để cảm nhận hết những cung bậc mà con người có thể cảm, thì ta phải bước ra ngoài hư cấu. Ta cần niềm vui thật sự. Và cả nỗi buồn thật sự. Cả melancholianữa.

Source: Cottonbro/Pexels

Chữa lành

Marcel Proust từng viết rằng: chỉ khi ta nếm trải trọn vẹn một nỗi đau, ta mới thực sự được chữa lành. Và điều đó có phần đúng. Có nhiều cách để đối mặt với khổ đau. Một trong số đó là lảng tránh, bằng sự bận rộn, tiêu khiển, công việc, hoặc bạn bè. Cách này có thể hữu ích, nhất là khi nỗi đau ta mang chẳng đem lại chút ý nghĩa nào – chỉ toàn là đau đớn vô nghĩa.

Nhưng nỗi buồn tôi đang nói tới ở đây không giống vậy, hoặc không nhất thiết phải vậy.

Một cách khác là dùng thuốc, cũng phù hợp trong nhiều trường hợp, đặc biệt là khi nỗi đau chạm đến mức khiến cuộc sống trở thành gánh nặng, như khi ta rơi vào trầm cảm. Nhưng nỗi buồn, như melancholia, không khiến ta gục ngã. Nó có thể khiến ta đau, nhưng cũng có thể là thứ ta thầm mến, không theo cách ta yêu niềm vui, mà theo một cách dịu dàng, sâu thẳm hơn.

Và có lẽ, điều quan trọng nhất: ta có thể chữa lành trong chính nỗi buồn ấy bằng cách lắng nghe, suy ngẫm, tìm về tận gốc rễ của những gì khiến ta đau, và hiểu được ý nghĩa của chúng.

Rất có thể, mục đích sâu xa nhất của năng lực biết buồn, chính là điều này: khả năng chữa lành bằng chính nỗi buồn ấy và từng bước gỡ bỏ khỏi tâm hồn ta những nguyên do đã tạo ra nó.

Homer đã biết điều gì?

Nỗi buồn là người thầy lặng lẽ định hình cái nhìn của con người về cuộc đời.

Thật khó, thậm chí có lẽ không thể tưởng tượng về một người thực sự khôn ngoan mà lại luôn né tránh nỗi buồn, hoặc chưa từng chạm đến chiều sâu và sự phong phú của cảm xúc ấy.

Trong một cuộc luận bàn về Odyssey của Homer, nhà văn Virginia Woolf từng gợi ý rằng, người Hy Lạp cổ đại có một khả năng rất đặc biệt: họ biết chấp nhận nỗi buồn như thể một vị khách trọ trong tim, người khách không đi không về, cứ thế sống mãi ở đó. Họ sống trong những tháng năm gian khó, và họ hiểu rõ mọi cách mà cuộc đời có thể gây đau đớn.

Những con người trong thế giới của Odyssey, theo lời Woolf,

“còn ý thức rõ hơn cả chúng ta về một số phận tàn nhẫn. Có một nỗi buồn luôn lặng lẽ ẩn sau cuộc sống, và họ không cố gắng xoa dịu nó. Họ hoàn toàn ý thức rằng mình đang đứng trong bóng tối, nhưng vẫn sống trọn vẹn với từng rung động, từng tia sáng nhỏ nhoi của sự hiện hữu, và cứ thế, họ sống tiếp…”

Có điều gì đó để ta học hỏi từ Homer và Woolf. Là sự khôn ngoan trong việc chấp nhận rằng: nỗi buồn luôn hiện hữu phía sau cuộc đời. Có thể người Hy Lạp thời ấy đâu có chọn lựa nào khác, cuộc sống của họ quá khắc nghiệt, và có lẽ, cách duy nhất để bước tiếp là học cách sống quen với đau đớn. Nhưng cho dù sự khôn ngoan ấy có bị cuộc đời ép phải sinh ra, thì nó vẫn là trí tuệ. Và có thể, trong một thế giới hiện đại ngập tràn phương tiện xua buồn, ta đang dần đánh mất một phần trực giác ấy, dù chính cuộc đời hôm nay vẫn có vô số điều khiến ta đau.

Tôi không hề muốn nói rằng ta nên mời nỗi buồn vào nhà. Điều tôi muốn chia sẻ, chỉ đơn giản là: ta không cần phải ra sức chống lại nó. Mà cũng không phải lúc nào ta cũng nên buông xuôi cho nó bước vào. Cũng như không phải thời điểm nào cũng thích hợp để xem một vở bi kịch. Nhưng thỉnh thoảng, sẽ có những ngày như thế. Những ngày mà nếu ta mở cửa đón nỗi buồn, ta có thể trở nên sâu sắc hơn, tinh tế hơn, sáng tạo hơn, và rồi, theo cách nào đó, trở thành một con người đầy đặn, trọn vẹn hơn.

Nguồn: 

The Gifts of Sadness | Psychology Today 

menu
menu