Nếu anh yêu em, anh sẽ không muốn thay đổi em
Có lẽ khi gom tất cả những lần góp ý lại, ta nhận ra người bạn đời của mình đang có khá nhiều điều muốn thay đổi ở ta.
Có lẽ khi gom tất cả những lần góp ý lại, ta nhận ra người bạn đời của mình đang có khá nhiều điều muốn thay đổi ở ta. Họ để ý việc ta cứ chần chừ không gọi điện cho mẹ. Họ muốn ta ăn mặc táo bạo hơn. Ba lần gần đây họ nhắc ta nên quản lý tài chính chặt chẽ hơn. Họ cũng ngụ ý rằng ta nên dành nhiều sự quan tâm hơn đến bài tập về nhà của con cái và tham gia tổ chức những bữa tiệc tối thường xuyên hơn. Điều này, thú thật, chẳng mấy dễ chịu. Nhưng rồi, nếu nhìn lại, chính ta cũng nhận ra mình có không ít điều muốn thay đổi ở họ.
Tất cả những điều này nghe thật sai trái. Cái ý niệm rằng ta muốn thay đổi người yêu mình dường như mâu thuẫn với tinh thần của tình yêu. Nếu yêu và được yêu, hẳn sẽ không có chuyện thay đổi nhau? Chẳng phải tình yêu là sự chấp nhận trọn vẹn một con người, cả những điểm tốt lẫn những khuyết điểm hay sao?
© Flickr/Andrew Stawarz
Suy nghĩ rằng tình yêu không bao giờ đòi hỏi sự thay đổi bắt nguồn từ quan niệm lãng mạn về tình yêu. Theo đó, dấu hiệu chính của tình yêu là khả năng chấp nhận một con người toàn vẹn – yêu cả những mặt tốt đẹp lẫn những khía cạnh tồi tệ của họ, đặc biệt là những khía cạnh tồi tệ. Theo triết lý này, yêu là yêu con người ấy đúng như họ vốn có, không cần bất kỳ sự thay đổi nào. Chỉ khi ta ôm trọn con người họ, ta mới xứng đáng với tình yêu mà ta tuyên bố rằng mình dành cho họ.
Vào một vài khoảnh khắc trong tình yêu, việc được yêu thương ngay cả ở những điều mà người khác từng chê bai hay không trân trọng có thể trở nên sâu sắc và cảm động vô cùng. Đó dường như là minh chứng tối thượng cho tình yêu: khi những góc cạnh khó khăn của ta có thể khơi gợi sự đồng cảm, lòng bao dung, thậm chí là niềm khao khát ở người ấy. Suốt cuộc đời, ta luôn ý thức rằng có những điều ở ta mà người khác không thích, và ta thường cố gắng bảo vệ bản thân khỏi sự chê trách hay chỉ trích. Thật hạnh phúc khi người yêu ta không cười nhạo sự ngại ngùng của ta tại các bữa tiệc, mà thay vào đó xem đó là biểu hiện của sự chân thành. Họ không xấu hổ vì ta ăn mặc hơi lỗi mốt, mà còn trân trọng điều đó như sự trung thực và bản lĩnh bỏ ngoài tai ý kiến dư luận. Khi ta say khướt, họ không trách móc vì ta uống quá nhiều, mà lại nhẹ nhàng xoa cổ, mang trà tới và kéo rèm để ta nghỉ ngơi.
Từ những khoảnh khắc ấy, một niềm tin không may mắn đã hình thành: rằng yêu một người nghĩa là chấp nhận họ hoàn toàn, và được yêu đồng nghĩa với việc được ủng hộ mọi thứ ta có và làm. Theo quan niệm lãng mạn, bất kỳ mong muốn thay đổi nào cũng đồng nghĩa với sự tổn thương, khó chịu và kháng cự sâu sắc. Nó như một bằng chứng rằng tình yêu không tồn tại, rằng mối quan hệ đã sai lầm – rằng ta nên chia tay.
Nhưng vẫn còn một triết lý khác, chín chắn và khả thi hơn về tình yêu – triết lý có nguồn gốc từ người Hy Lạp cổ đại. Triết lý này cho rằng tình yêu, trước hết và trên hết, là sự ngưỡng mộ đối với những điều tốt đẹp, những phẩm chất hoàn hảo ở một con người. Yêu là cảm giác hân hoan khi đối diện với một điều gì đó mạnh mẽ, thông minh, tử tế, trung thực, dí dỏm hay rộng lượng nơi người ấy. Với người Hy Lạp, tình yêu không phải một cảm xúc mơ hồ, khó gọi tên. Yêu không phải một hiện tượng hóa học kỳ lạ. Yêu chỉ đơn giản là lòng kính phục với những điều đúng đắn và đáng trân trọng ở người khác.
© Flickr/Brad Flickinger
Vậy thì, ta phải làm gì với những khuyết điểm, những vấn đề, những mặt không dễ thương của nhau? Quan niệm lãng mạn bảo ta hãy ôm trọn, thậm chí trân quý tất cả những điều đó. Và quả thực, ở một mức độ nào đó, ta phải làm như vậy: một mối quan hệ sẽ không thể bắt đầu nếu ta không chấp nhận được một vài khiếm khuyết. Nhưng đến một lúc nào đó, ta sẽ thấy mình không thể chịu đựng thêm nữa. Việc yêu cầu ta phải yêu ai đó với tất cả những gì thuộc về họ, hoặc nếu không thì ta là kẻ tồi tệ, là điều quá sức.
Làm sao người yêu ta lại không muốn thay đổi bất kỳ điều gì ở ta, nếu họ thực sự hiểu rõ ta? Chẳng lẽ họ không có chút tham vọng nào đối với tiềm năng thực sự của ta? Bản thân ta cũng luôn mong muốn thay đổi, hoàn thiện chính mình. Vậy tại sao lại trách họ khi họ muốn điều mà tận sâu thẳm trong lòng ta cũng khao khát cho chính mình?
Đến đây, triết lý tình yêu của người Hy Lạp đưa ta đến một khái niệm mà ta rất cần khôi phục trong chính mình: giáo dục. Với người Hy Lạp, bởi con người vốn dĩ không hoàn hảo, một phần ý nghĩa của việc làm sâu sắc tình yêu là mong muốn dạy dỗ – và sẵn lòng được dạy dỗ. Hai con người yêu nhau nên nhìn mối quan hệ của mình như một cơ hội không ngừng để cải thiện bản thân và giúp đối phương trở nên tốt hơn. Khi những người yêu nhau nói với nhau những sự thật khó nghe, họ không phải đang từ bỏ tình yêu. Họ đang làm một việc rất đúng với bản chất của tình yêu: giúp đối phương trở thành một người đáng yêu hơn.
Chúng ta nên thôi cảm thấy tội lỗi vì muốn thay đổi người bạn đời, và cũng đừng oán trách họ khi họ muốn thay đổi ta. Cả hai mong muốn này, trên lý thuyết, đều hoàn toàn chính đáng, thậm chí cần thiết. Mong muốn uốn nắn người yêu của mình thực chất là một hành động trung thành với mục tiêu cốt lõi của tình yêu – giúp người kia trở thành phiên bản tốt nhất của chính họ.
Thế nhưng, dưới ảnh hưởng của quan niệm lãng mạn về tình yêu, hầu hết chúng ta lại trở thành những người thầy vụng về, và cũng là những học trò kém cỏi. Lý do là bởi ta không chấp nhận rằng việc có điều cần dạy và có điều cần học là hợp lý, chứ đừng nói đến chuyện nó còn mang ý nghĩa cao quý. Ta phản kháng lại toàn bộ cấu trúc giáo dục trong tình yêu, nơi những lời chỉ trích có thể được uốn nắn thành những bài học hợp lý, và ta có thể lắng nghe những lời khuyên ấy như một cách yêu thương để chỉnh sửa những nét tính cách gây phiền toái của chính mình.
Thay vào đó, trong vai trò một học trò, ngay khi phát hiện đối phương dùng giọng điệu của một “người thầy” (có thể là lúc họ chỉ ra ta nói hơi to trong bữa tối, hoặc một thói quen không mấy tốt lại xuất hiện nơi công sở), ta thường ngay lập tức nghĩ rằng mình đang bị “tấn công” và phản bội. Kết quả, ta đóng chặt tai trước mọi lời khuyên, đáp lại bằng sự mỉa mai hoặc thậm chí là giận dữ.
Ngược lại, khi đến lượt ta muốn “dạy” họ, do không chắc mình có được lắng nghe hay không (bởi ta đã quá hiểu cách những chuyện này thường diễn ra), hoặc không dám tin mình có quyền lên tiếng, những lời khuyên của ta thường được thốt ra bằng giọng bực bội và đầy căng thẳng. Ta trở thành những người thầy sợ hãi, bởi ta nhận ra mình đã “nhận dạy” một học trò không hề muốn học, và kết quả, họ đang làm hỏng cuộc đời ta cũng như chính họ. (Những học trò thông thường không nắm quyền kiểm soát cuộc đời thầy cô như cách người yêu ta ảnh hưởng đến ta trong một mối quan hệ, và đó là lý do họ dễ dạy hơn). Những gì đáng lẽ là một bài học ý nghĩa giờ lại trở thành chuỗi những lời mắng mỏ hoặc xúc phạm vội vã, để rồi bị học trò đáp trả bằng sự phản kháng hoặc phẫn nộ.
Trong “lớp học” của tình yêu, ta chẳng còn áp dụng bất kỳ kỹ thuật nào mà ta thường rất cẩn trọng sử dụng khi dạy dỗ trẻ em hoặc đồng nghiệp. Ta biết rõ rằng với họ, cần sự khéo léo, cần 10 lời khen để làm dịu 1 lời phê bình, cần nhiều thời gian… Nhưng trong “lớp học” của tình yêu, ta lại trở thành người thầy tệ nhất mà mình từng biết.
Dẫu vậy, ta không nên quá gay gắt với những nỗ lực dạy dỗ đầy vụng về ấy. Thay vì nhìn nhận mọi bài học như một sự tấn công vào toàn bộ con người mình, như một dấu hiệu rằng ta sắp bị bỏ rơi hay bẽ mặt, ta nên xem nó như những gì đúng với bản chất của nó: một biểu hiện – dù còn vụng về – rằng người kia vẫn quan tâm. Nếu không quan tâm, họ đã chẳng cần bận lòng. (Bạn bè ta ít phê bình ta hơn không phải vì họ tử tế hơn, mà bởi họ không cần bận tâm: vài giờ trong một bữa ăn, họ có thể rời đi và để ta lại phía sau).
Vì thế, ta đừng bao giờ cảm thấy xấu hổ khi cần dạy dỗ hay cần được dạy dỗ. Sai lầm duy nhất chính là từ chối cơ hội học hỏi khi nó được trao – dù nó có được truyền đạt vụng về đến đâu.
Tình yêu nên là một nỗ lực nuôi dưỡng để hai người cùng vươn tới tiềm năng tốt đẹp nhất – chứ không chỉ là một chiếc lò nung, nơi ta tìm kiếm sự tán đồng với mọi khiếm khuyết của chính mình.
Nguồn: IF YOU LOVED ME, YOU WOULDN’T WANT TO CHANGE ME – The School Of Life