Những ai cần một chiến trường
Chúng ta thường nghĩ rằng sống ở một đất nước yên bình chắc chắn tốt hơn là ở nơi chiến tranh loạn lạc.
Chúng ta thường nghĩ rằng sống ở một đất nước yên bình chắc chắn tốt hơn là ở nơi chiến tranh loạn lạc. Nhưng có một hiện tượng lạ lùng trong ngành báo chí: đó là những phóng viên chiến trường - những người sẵn sàng, thậm chí nhiều lần tự nguyện, đặt mình vào vùng xung đột và chọn bỏ lại cuộc sống an toàn để đến sống giữa nơi bị tàn phá. Công khai, họ giải thích lý do theo kiểu chính trị - rằng họ muốn đưa những đau khổ của nạn nhân đến với thế giới hoặc gây sức ép lên một tên độc tài. Nhưng riêng tư, họ có thể thú nhận những động cơ phức tạp hơn. Có người nói rằng họ thấy chiến tranh dễ đối mặt hơn là bình yên, rằng họ muốn được đối diện với những nguy hiểm mà vừa ghét vừa lại cảm thấy bừng tỉnh. Những cuộc xung đột họ cứ quay về vừa gian khổ về mặt thể chất lẫn tinh thần, nhưng dường như lại giúp họ thoát khỏi sự trống rỗng, mờ nhạt của hòa bình, yên tĩnh và những buổi chiều êm đềm.
Không phải ai cũng có được lòng dũng cảm hay lý tưởng ấy, nhưng trong cuộc sống cá nhân, có lẽ nhiều người chúng ta có đôi phần đồng cảm với các phóng viên chiến trường hơn là ta tưởng. Trong cách chọn mối quan hệ hay định hướng sự nghiệp, chúng ta cũng có thể thấy mình bị cuốn vào “chiến trận” – nơi có căng thẳng, lo âu, sợ hãi và hiểm nguy – nhiều hơn là “hòa bình”, nơi có sự thấu hiểu, yên tĩnh, tin tưởng, tình yêu và sự dễ dàng.
Trong các mối quan hệ, ta có thể bị thu hút bởi những người khó tính, với ai đó mà sự cho nhận yêu thương luôn trắc trở. Ta có thể thấy mình dễ thích nghi nhất khi ở cạnh người có tính cách lẩn tránh, không rõ liệu họ có muốn gắn bó hay không, hay không giỏi điều tiết cảm xúc và thể hiện ý định. Khi gặp gỡ những người trưởng thành, chín chắn, ta có thể thấy quý mến sự tử tế, điềm đạm và chân thành của họ. Nhưng sau buổi hẹn đó, có thể ta nhận ra một cảm xúc khó chịu: sự chán nản.
Trong công việc, ta có thể tự đẩy mình vào những giai đoạn căng thẳng, tự tạo ra những thời hạn gắt gao và đối mặt với nguy cơ bị chủ nợ truy đuổi. Ta có thể cảm thấy mình sống động nhất khi mọi thứ gần như rơi vào thảm họa.
Để hiểu được những xu hướng này, ta cần nhìn lại quá khứ. Có thể chúng ta đã lớn lên trong vùng “chiến sự” – không phải nơi có súng đạn, mà là một gia đình đầy những lời la hét, rượu chè, bạo lực hoặc áp bức, với tuổi thơ ngập trong kịch tính, nỗi sợ và cảm giác bị hạ thấp. Dù không dễ chịu, nhưng chính những điều đó đã định hình con người ta. Quá khứ ấy dạy ta cách sống trong cảnh luôn đề cao cảnh giác, luôn dò xét xung quanh, ngủ không sâu giấc, không tin tưởng ai và luôn chuẩn bị cho những điều tồi tệ nhất. Và vì thế, chúng ta giờ đây dường như “dị ứng” với sự bình yên mà ta từng ao ước. Ta thích tiếng quát tháo hơn là những lời thì thầm âu yếm. Ta cảm thấy bất an khi được đối xử tử tế hơn là khi tình yêu bị che giấu. Khi chỉ có tin tốt, ta bỗng ngờ vực, tự hỏi rằng điều khủng khiếp nào sắp ập đến. Cuối cùng, có thể ta nhận ra hòa bình quá đỗi khó khăn, và lựa chọn phá hủy những mối quan hệ tốt đẹp, từ bỏ sự nghiệp ổn định để đón nhận nỗi đau trước khi nó tự tìm đến.
Có lẽ sẽ hơi quá tham vọng nếu mong muốn thay đổi hoàn toàn bản chất con người mình. Ta có thể không dễ khiến “nhà báo chiến trường” bên trong mình - người đã trải qua bao tháng ngày tại những vùng đầy bất ổn - thích nghi được với cuộc sống bình yên của một vùng ngoại ô yên ả như Zurich hay Birmingham.
Nhưng có thể, chúng ta sẽ cảm thấy dễ chịu hơn nếu chấp nhận những mâu thuẫn trong mình. Dù có nói gì về việc tìm kiếm tình yêu hay công việc ổn định, ta cũng nên chấp nhận rằng mình không hoàn toàn phù hợp với những điều xa hoa đó. Một khi đối diện với “phóng viên chiến trường” trong lòng, có lẽ ta sẽ biết sống sáng suốt hơn trong khuôn khổ những khiếm khuyết của bản thân. Ta có thể, như người chiến binh khôn ngoan, chuẩn bị áo giáp tốt nhất và di chuyển trong những đoàn xe an toàn. Và khi lại thấy mình rơi vào cảnh hỗn loạn, ta nên nhắc nhở rằng một phần trong ta đã luôn muốn có cuộc hẹn này.
Nhưng có lẽ, một khi đã chấp nhận nỗi sợ trước sự yên bình và hài hòa, ta sẽ dần học được cách thưởng thức đôi ba ngày bình lặng, hoặc chịu đựng được một người bạn đời chỉ muốn đối xử tốt với ta. Ta rồi sẽ giảm bớt được những nỗi lo sợ về sự bình yên.
Nguồn: THOSE OF US WHO NEED A WAR ZONE