Tôi yêu những gì tôi sở hữu

toi-yeu-nhung-gi-toi-so-huu

Tôi là đồ vật của tôi và đồ vật của tôi cũng là tôi. Tôi không muốn từ bỏ chúng: đây là lời dẫn cho câu chuyện của cuộc đời tôi.

Tôi là đồ vật của tôi và đồ vật của tôi cũng là tôi. Tôi không muốn từ bỏ chúng: đây là lời dẫn cho câu chuyện của cuộc đời tôi.

Có một bức tranh biếm họa trên tạp chí The New Yorker khiến tôi bị ám ảnh. Bức tranh mô tả một cặp đôi người Nhật mặc trang phục truyền thống đang đứng trước cửa nhà. Phía trước họ là một tấm thảm bị cong lên một góc. Bên trên là một bát cơm bị đổ, với đôi đũa nằm lăn lóc trên nền nhà. “Ôi không,” lời thoại của cặp đôi, “Nhà vừa bị trộm ghé.”

Tôi luôn nghĩ về nó. Dù rất thích sàn nhà sạch sẽ trơn láng, tôi chưa bao giờ sống tối giản. Nhưng khi bước sang tuổi trung niên và bên kia sườn dốc sự nghiệp, tôi lại đang tự đặt ra câu hỏi về mối quan hệ giữa tôi và đồ vật: tại sao chúng lại quan trọng như vậy? Chúng có ý nghĩa gì? Tôi có thể sống mà không có chúng, hay chuyển sang phiên bản điện tử - một chiếc túi xách trên Pinterest và một thư viện ebook?

Bằng một cách nào đó, chính sự gắn bó với đồ vật đã dẫn đường cho tôi. Nếu tôi sớm chấp nhận sự thật là cuộc hôn nhân của tôi đã đổ vỡ, có lẽ tôi sẽ không lấy chút tiền thừa kế cỏn con để mua chiếc xe Mini đã qua sử dụng, hoặc cong lưng trả số tiền đặt cọc khi mua căn hộ. Và có lẽ tôi đã thuê một luật sư ly hôn giỏi hơn. Thực chất thì, tôi phải trả tiền cho chồng cũ để anh ta từ bỏ quyền đứng tên nhà. Tôi không dọn đi, vì sau khi cân nhắc các sự lựa chọn, tôi nhận ra rằng mình chỉ có thể đi xuống trên nấc thang tài sản. Bên cạnh đó, sau khi xuất ngoại, tôi vẫn chưa chuẩn bị để từ bỏ căn nhà mà tôi đã đầu tư rất nhiều tiền: tôi nghĩ mình chỉ đang đảm bảo cho tương lai một cách hợp lý, chứ không phải đẩy tương lai vào chốn mịt mờ bằng cách trói buộc bản thân vào một bổn phận nào đó.

Tôi không lo nghĩ suốt mấy năm trời, cho tới khi phải tìm việc trên báo. Hiện tại, không còn dư dả tiền bạc nữa, tôi đành phải chọn cách bán đi một số đồ vật. Tôi làm bất cứ công việc nhỏ nào có thể, rồi tôi xin làm công việc lớn hơn, đôi khi còn có người đến thuê nhà. Cuộc sống của tôi không phải dạng túng thiếu, nhưng cũng sắp đạt đến mức đó rồi. Nguy cơ đang đến gần kề và dồn ép tôi vào chân tường trong căn nhà nội thất đẹp đẽ nhưng chật chội.

Vấn đề là tôi là đồ vật của tôi và đồ vật của tôi cũng là tôi. Tôi không muốn bỏ chúng đi. Không phải tôi tiếc của: chỉ là tôi không muốn bỏ rơi bản thân. Độc thân, không con cái, tất cả những gì tôi có: là tôi - và những đồ vật bên ngoài góp phần định nghĩa con người tôi, cũng là lời dẫn cho câu chuyện của cuộc đời. Những câu chuyện này kết nối tôi với quá khứ, hiện tại, tương lai, và hiện hữu trong mọi thứ tôi sở hữu. Những chiếc bàn gỗ sồi trong phòng khách là từ một cửa hàng ve chai ở Maryland, gắn vào nó là câu chuyện tôi dùng bánh cua mua chuộc một người bạn giúp vận chuyển nội thất về lại New Jersey. Cái đĩa có hình dạng giống con vịt đang bay kia lại khiến tôi nhớ về lúc nghiên cứu một quyển sách ở Nashville. Chiếc bình sứ không tráng men Rosenthal cứ hét lên “Trở lại Berlin đi.” mỗi khi tôi phủi bụi nó.

Trong quyển Being and Nothingness (Tồn tại và Hư vô - 1943), Jean-Paul Sartre viết rằng con người mong ước sở hữu vật chất là để tăng nhận thức về bản thân, và ta chỉ có thể biết ta là ai bằng cách quan sát những gì ta có. Nghiên cứu về tính sở hữu và danh tính - thực hiện bởi chuyên gia tiếp thị, nhà nhân chủng học, nhà tâm lý học và nhà xã hội học - đều có chung kết luận: ta phản chiếu nhận thức về bản thân lên tất cả mọi thứ ta sở hữu. Theo Russell Belk, giáo sư ngành tiếp thị của Đại học York, tác giả của bài luận văn năm 1988 về tính sở hữu và nhận thức bản thân được xem là chuẩn mực cho tất cả các nghiên cứu liên quan sau này, kiểu phản chiếu này là một chức năng quý giá thể hiện tính cách lành mạnh, “tạo ra một phiên bản khách quan của bản thân”. Con người có nhu cầu cơ bản để lưu trữ ký ức, chuẩn mực và trải nghiệm trong đồ vật, có thể là để những ký ức đó vẫn được an toàn khi bị mất trí nhớ, là vật chứng chứng minh những chuyện ấy đã thực sự xảy ra.

Không nhất thiết phải sở hữu đồ vật mới có thể tưởng niệm. Mọi người thường hay nói về chương trình TV “của tôi”, ngôi sao điện ảnh “của tôi”, hay chỗ ngồi “của tôi” trong lớp - một dạng sở hữu cấp biểu thị gu thường thức của người đó. Những câu hỏi tựa như: “Bạn là Beatles hay Stones? Blur hay Oasis?” là các ví dụ cho thấy sở thích xếp ta vào từng nhóm thể hiện những khát khao, lý tưởng, và cả những mối quan tâm của chúng ta.

Ai là người “của tôi”? Mở cửa chính và điều đầu tiên bạn thấy là sách. Sách xếp dọc trên các bức tường, lởn vởn phía trên đầu, và chồng chất trên bàn. Đó đều là những quyển sách tự truyện, thứ nói lên tôi là ai khi đang đọc chúng, tôi yêu thích những gì tìm được trên từng trang sách và nơi chúng sẽ dẫn tôi đến. Umberto Eco hiểu rõ hiện tượng này, và nói: “Những thứ trên kệ sách của một người là một phần lịch sử của người đó, cũng như một bức chân dung tổ tiên.”

Tôi kết hôn vào năm 1997, và theo chồng đến Scotland quê anh ấy. Lúc ấy, tôi chuyển đi rất nhiều quần áo, nội thất, tranh ảnh và những vật trang trí khác nhưng lại để sách lại nhà một người thân. Tôi cảm thấy rất hụt hẫng và về sau, hội chứng thư viện ảo ám ảnh tôi. Tôi hay tìm một quyển sách - để xem một câu nói, chứng minh một luận điểm, tìm kiếm sự an ủi - và vươn vai. Sau một năm khắc khoải, tôi gửi thư nhờ họ gửi lại sách cho tôi. Chỉ khi chúng cập bến nhà tôi mới cảm thấy mình đã hoàn toàn di cư. Tháng năm không làm mai mòn đi nỗi đau cảm xúc ấy: và nếu như vì không có sách bên cạnh nên tôi mới cảm thấy lạc lõng và đau buồn đến thế, thì tôi không thể tưởng tượng tâm hồn tôi sẽ như thế nào nếu không có chúng.

Mỗi một inch trong căn hộ thời Victoria của tôi - với những bức tranh bạn tôi vẽ, nội thất cũ kỹ, đồ gốm thế kỷ 20 đầy màu sắc và rất nhiều đồ thủy tinh sản xuất hàng loạt giá rẻ từ thời kỳ Đại Suy thoái của Mỹ, máy điện báo để tôi ôn lại lịch sử và tìm cảm hứng và sự khai sáng - đều thể hiện tầm quan trọng của văn học và nghệ thuật trong quá trình hình thành tâm hồn tôi.

Khi tôi dự liệu về tương lai của phong cách sống tối giản, tôi luôn canh cánh lời của nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi, tác giả của quyển Why We Need Things (Tại sao ta cần đồ vật - 1993), “Đồ vật cụ thể hóa con người … bằng cách thể hiện sức mạnh của người chủ.” Chúng “bộc lộ tính liên tục của bản thân con người qua thời gian, bằng cách tạo ra trọng tâm sự việc trong hiện tại, tạo ra vật lưu niệm của quá khứ, và dấu hiệu cho các mục tiêu tương lai… đồ vật là những minh chứng rõ ràng nhất cho vị trí của một người trong mạng lưới xã hội như là biểu tượng… của các mối quan hệ quý giá.” Vì thế, chúng củng cố danh tính của chúng ta, tạo ra một hình hài bền vững, bằng không ta sẽ “nhanh chóng tan biến trong dòng chảy nhận thức”.

Tôi sợ rằng vứt bỏ đồ vật sẽ làm tôi bị tan biến. Tôi đang chênh vênh trong chiếc bập bênh cảm xúc. Một bên là “sử dụng đặc quyền của mình đi” và “bệnh nhà giàu”, khiến tôi nhớ ra rằng có nhiều người hoàn cảnh còn tệ hơn tôi nữa. Bên kia là cảm giác đau đứt ruột khi nghĩ đến việc tôi sẽ bị xóa bỏ. Tôi thử phản chiếu bản thân vào một tương lai tự do và thanh thản. Nhưng tâm trí tôi chỉ hiện ra mình sống giữa căn phòng đơn trống trải được mà Muriel Spark mô tả.

Có lẽ tôi nên cảm thấy an ủi với họa sĩ người Anh Michael Landy, người đã phá hủy 7,227 vật dụng của mình trong một tác phẩm phát trực tiếp tên Break Down (Đổ vỡ - 2001). “Tôi luôn muốn từ bỏ bản thân để có thể bước tiếp.” ông nói. Tôi ấn tượng với rất nhiều khía cạnh trong dự án của Landy. Đầu tiên, ông không có gì cả trong chỉ khoảng 10 phút đầu, cho đến khi có người đưa cho ông một chiếc CD Paul Weller. Ông có thể từ chối nhận, nhưng đã không làm vậy. Thứ hai, những vật dụng có ý nghĩa nhất ông sẽ phá hủy sau cùng. Món đồ cuối cùng là chiếc áo khoác lông cừu của bố ông, ông đã rất muốn ai đó sẽ cướp nó đi trước khi nó bị xé rách thành từng mảnh vụn. Landy nói với tờ The Guardian: “Tôi thực sự cảm thấy mình đã làm phật lòng bố khi phá hủy chiếc áo đó.”

Khi nhắc lại về sự việc này sau đó, Landy nói với tờ Independent: “Tôi đã làm một việc rất tiêu cực và vô nghĩa, trong vòng một năm tôi không tạo ra một tác phẩm nghệ thuật nào cả. Tôi không làm gì cả.” Tôi cảm thấy như ông đã đánh mất ý thức về bản thân. Ít nhất thì điều này thể hiện quá trình khởi động lại tâm lý: đây là một tấm bảng trống. Bạn sẽ viết cái gì lên đó?

Sophie Woodward, giảng viên xã hội học tại Đại học Manchester, làm một dự án nghiên cứu tên Dormant Things (Đồ vật không được sử dụng). Cô nghiên cứu những đồ vật người ta cất trong ngăn tủ và gác mái, thường là những thứ họ không bao giờ xài, nhưng lại “thể hiện ký ức, cuộc sống, những thay đổi trong các mối quan hệ, và cũng để phát triển lối chi tiêu hợp lý hơn”. Woodward thường bảo con người ta thường nghĩ rằng mình cần phải tống khứ một số đồ vật, nhưng cô nói với tôi: “Càng nói chuyện với họ, tôi càng nhận ra họ có một niềm vui sướng lớn lao từ những đồ vật ấy, ngay cả những đồ vật mà họ còn chẳng nhìn đến, vì chúng gợi cho họ nhớ đến một điều gì đấy.”

Bạn có thể bị uy hiếp bởi những đồ vật gần gũi. Phòng viên, dẫn chương trình truyền hình Aggie MacKenzie có một chương trình tên Storage Hoarders (Kẻ tích trữ kho - từ 2012 đến nay), một chương trình TV gây xôn xao dư luận với nội dung giúp đỡ những người dành số tiền lớn để duy trì những vật dụng đắt tiền trong nhà kho, hoặc những ai có gara và nhà vườn đầy những đồ vật không được sử dụng. Cô nói với tôi: “Đối với một số người, đó gần như là một sự đảm bảo khỏi cái chết: đồ vật còn thì tôi còn. Đối với một số khác, họ có suy nghĩ ‘sẽ có lúc cần đến’. Đồ vật cũng mang ý nghĩa: không có gì xấu có thể xảy ra nếu mọi thứ vẫn giữ nguyên.”

Trong một tập Thinking Allowed của BBC Radio 4 vào năm 2015, Woodward nói rằng chúng ta không muốn tống khứ các vật dụng đi vì chúng gợi nhắc một ý nghĩa nào đó. Ví dụ, đa số phụ nữ giữ lại những đôi giày mà họ không đi, và không đi được. Woodward cho rằng con người không bằng lòng “từ bỏ khả năng họ có thể làm một việc mà họ nghĩ họ có thể làm được, đó chính là lý do họ giữ những món đó vật ấy”. Tôi thừa nhận đây là một phần trong cuộc sống của tôi. Không ai cần bốn bộ gương trang điểm. Tôi còn không có bất kỳ cái tủ nào để trưng bộ gương trang điểm nữa. Nhưng tôi vẫn luôn mong muốn một căn nhà cầu kỳ, và những vật dụng xưa cũ này đại diện cho phòng ngủ. Không có chúng cũng giống như ngăn cách tôi khỏi mơ ước của mình mãi mãi. Nhưng giữ chúng lại nhắc cho tôi rằng mong muốn của một người phụ nữ nên vượt ngoài khả năng của họ. Và tôi thích nhìn ngắm chúng, tôi thích thu thập những đồ vật này.

Tâm hồn cần sự ổn định mà đồ vật mang lại

Điều này không giống như việc đánh lừa Grim Reaper. Tôi chấp nhận rằng sự sống của tôi có hạn và, ở tuổi 56, tôi hiểu rằng mình có ít tương lai hơn quá khứ. Người thân gần nhất của tôi là ở Dallas. Đồ vật của tôi chả có ý nghĩa gì với họ cả. Chẳng phải bây giờ vứt bỏ mọi thứ đi sẽ hữu ích hơn sao? Nhưng cái tôi của tôi lại cãi, tại sao? Không có lý do gì để hạn chế cuộc sống và thu nhỏ tính cách của mình để chiều lòng người khác.

Những dẫn chứng trong quá khứ càng củng cố trực giác của tôi rằng vứt bỏ mọi thứ sẽ làm hao mòn cái tôi của mình. Daniel Miller, nhà nhân chủng học tại Đại học Cao đẳng London, dành 17 tháng phỏng vấn 30 người dân London cho quyển sách The Comfort of Things (Niềm an ủi đến từ đồ vật - 2008), với mục đích tìm hiểu “vai trò của đồ vật trong các mối quan hệ, cả với người khác và với bản thân”. Ông thử nghiệm tính xác thực của một nhận định phổ biến rằng “mối quan hệ với đồ vật gây tổn hại đến mối quan hệ với con người.”

Ông khám phá ra rằng nhận định này không hề đúng: “thường thì mối quan hệ giữa ta và đồ vật càng gần gũi, mối quan hệ giữa ta và người khác càng sâu đậm”. Cuộc gặp mặt khó nhằn nhất của ông là với một người đàn ông không sở hữu bất kỳ thứ gì, sống - thật ra là neo đậu - giữa số đồ nội thất và quần áo ít ỏi được quyên tặng. “Người ấy mất đi hình hài, nhận thức, và sự toàn vẹn. Không có dấu hiệu của một con người có khả năng định nghĩa giới hạn và phạm vi của chính mình”. Điều này phù hợp với quan điểm của Csikszentmihalyi rằng tâm hồn cần sự ổn định mà đồ vật mang lại.

Cảm giác nền tảng và tiềm ẩn ấy sau đó được củng cố bằng tương tác. Ngay cả khi còn là một đứa trẻ, tôi thường sắp xếp lại đồ vật để quan sát chúng dưới mối liên hệ không gian mới. Thói quen này vẫn còn. Tôi sắp xếp lại và dọn dẹp mỗi khi tôi cảm thấy trì trệ. Đó là phương pháp xoa dịu căn bệnh “táo bón” tâm lý của tôi. Hay còn một lý do khác cho hành vi này? Một số nhà tâm lý học nói rằng ta yêu đồ vật ta sở hữu vì ta có thể điều khiển chúng, trong khi ta không thể điều khiển con người. Đúng thật khi cuộc hôn nhân đổ vỡ và chồng tôi bỏ đi, tôi tái thiết lập lại nội thất trong suốt hai năm, cải tạo lại không gian xung quanh, cải tạo lại bản thân mình - rửa trôi người đàn ông đó ra khỏi từng chân tơ kẽ tóc của tôi, bằng phương thức trung gian là trang trí nhà cửa.

Marc Allum hiểu đồ vật liên hệ với cái tôi như thế nào. Được biết đến với vai trò chuyên gia trong chương trình TV dài kỳ của Anh tên Antiques Roadshow, ông còn là một nhà văn và phát thanh viên tự do, ngoài ra còn tư vấn nhà đấu giá và những người sưu tầm. Ông rất thích tìm kiếm và sống với những đồ vật đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử, và nói với tôi rằng: “Chúng ta bị buộc phải cảm thấy tội lỗi vì sỡ hữu đồ vật. Tôi đã ngừng nói lời xin lỗi từ nhiều năm trước, vì tôi nhận ra rằng nếu không có những đồ vật xung quanh, tôi không thể chứng minh sự tồn tại của mình. Sự nghiệp của tôi sẽ không tồn tại nếu không có những đồ vật ấy.”

Allum không phải là người thích tích trữ đồ vật, nhưng ông có rất nhiều đồ vật, và thừa nhận rằng: “Nghe có vẻ lạ nhưng điều khiến tôi lo lắng là nỗi sợ mất đi tất cả.” Và nếu mất tất cả? “Đồ vật ở một khái niệm nào đó chính là bạn, mà cũng không phải là bạn, nhưng bạn không thể sống thiếu chúng. Một người quen của tôi nói: ‘Anh có biết đồ vật trong nhà anh đủ cho anh nghỉ hưu và sống suốt quãng đời còn lại?’ Tôi nói: ‘Với số tiền đó tôi cũng sẽ mua lại mọi thứ thôi.’ Dù cho tôi phải sống trong một túp lều trên bãi biển, bãi biển cũng sẽ trở thành bộ sưu tập của tôi. Mỗi ngày nó sẽ cho tôi thêm một cơ hội để thu thập những mảnh gỗ trôi.”

Tôi hiểu điều này. Mỗi lối thoát đều được bù lại bằng một lối vào. Hàng chục quyển sách xuất đi nhưng những quyển mới vẫn đến. Tôi bán một chiếc bình hoa nhưng một cái khăn trải bàn cổ xuất hiện tại vị trí đó. Nếu bạn cầm súng chĩa vào đầu tôi, bắt tôi phải chọn duy nhất một món đồ quan trọng nhất, có lẽ tôi sẽ để bạn bắn. Tôi không biết rằng liệu điều này có nghĩa tôi thấu hiểu danh tính của mình một cách mơ hồ hay sâu sắc.

Tôi nhớ về năm 1997, khi tôi chuyển đến Scotland, thời điểm tôi dời đi và tái tạo, nhưng xét kỹ lại thì lúc này tôi chỉ đang tự huyễn hoặc. Tôi chỉ vứt bỏ những thứ rất nhỏ nhặt: đồ điện có chấu cắm của Mỹ, một cái giường, một cái sofa, một cái nón vintage, bộ sưu tập cây đánh trứng, và một bộ cân cũ rất đẹp. Những thứ khác tôi cho vận chuyển từ Mỹ sang - lúc đó tôi có tiền. Nếu bây giờ tôi phải bán căn hộ, rất có thể tôi sẽ sống chật chội trong một căn phòng nhỏ hoặc ở ghép với bạn. Tôi không có đủ khả năng tài chính để tích trữ đồ đạc.

Điều đó dẫn tôi đến với một sự thật đáng hổ thẹn sau chót. Dù tôi không mua những vật dụng đắt giá, những món đồ cao cấp, niềm kiêu hãnh tôi đặt vào những món đồ tôi sở hữu lại có liên hệ đến mong muốn được ngưỡng mộ và yêu thương. Tôi hy vọng những người đến thăm nhà tôi sẽ thấy được tôi theo cách mà họ không thể thấy khi gặp tôi ở một nơi nào khác. Ngoài ra, điều này đã xảy ra: chồng cũ của tôi thề rằng anh ấy phải lòng tôi khi thấy phòng sách của tôi và cuốn từ điển bên đầu giường. Nhưng tôi sẽ cần khách liên tục đến thăm nhà để phô trương tài sản khổng lồ của mình. Tại sao tôi lại cứ muốn biểu diễn với những khán giả không có thật, giống như nàng công chúa trong chuyện cổ tích chờ đợi được tìm thấy? Có lẽ ước mơ tiến bộ trong tương lai giữ cho ta toàn vẹn và sinh tồn. Có lẽ đó là điều tất yếu.

Không có đồ vật neo giữ và cho tôi niềm vui, tôi sợ mình đã bay khỏi Trái đất.

Nhưng nếu sự ngưỡng mộ và tưởng tượng thật sự quan trọng đối với đời sống tâm lý đến vậy, chắc hẳn tôi chỉ cần chuyển những món đồ đóng dày bụi, mắc tiền lên nhà kho số. Với hàng ngàn người theo dõi trên Twitter, hàng trăm trên Pinterest, và còn người xem blog của tôi nữa, khán giả chiêm ngưỡng tri giác của tôi nhiều hơn bao giờ hết - và tôi còn không phải đun nước pha trà mời họ. Tôi có thể chuyển phòng sách thành ebook, bộ sưu tập nhạc tải lên trang dịch vụ phát nhạc, chỉ giữ lại chiếc máy tính liên kết với cuộc sống và tình yêu của mình.

Đó là trên lý thuyết. Đối với tôi đó là một viễn cảnh ảm đạm, đau xót trong lòng, mặc dù điều này với một số người lại có hiệu quả.

Woodward nói rằng: “Tôi trò chuyện với một người phụ nữ thích dọn dẹp và học ngành nhân chủng học nghệ thuật. Cô ấy quay phim nhà của người khác trước khi họ vứt bỏ những món đồ nào đó. Việc làm này rất hữu ích, vì nó sẽ khiến đồ vật của họ không hoàn toàn mất đi. Chúng vẫn còn được ghi lại, cũng là một dạng tồn tại.” Nhưng ở câu tiếp theo cô so sánh cô gái này với một người phụ nữ khác đang lục lại những chiếc hộp cất giữ các món đồ từ thời thơ ấu. “Bạn có thể thấy cô ấy nhớ lại những kỷ niệm khi nhìn những đồ vật ấy. Điều này sẽ không xảy ra nếu cô ấy nhìn một tấm hình. Đồ vật lưu trữ cuộc sống của chúng ta.”

Dù rất rành công nghệ, tôi vẫn thích những đồ vật. Tôi nghĩ là do tuổi tác. Tôi chỉ sử dụng Kindle khi đi du lịch, nghe nhạc trên đĩa CD, và không có lý do gì để chuyển những bức hình cũ của tôi lên thư viện đám mây - vứt đi một bức hình chân dung khiến tôi cảm thấy mình vừa giết người. Ngay cả trong cộng đồng học giả, câu trả lời vẫn còn chưa được sáng tỏ: công nghệ này quá mới để có thể kết luận chắc chắn tài sản số có định hình danh tính con người qua thời gian được như tài sản hiện vật hay không.

Nếu tôi sống mà không có những vật dụng của mình, tôi vẫn có trí tuệ, vẫn có ký ức, chuẩn mực và niềm tin như hiện tại, nhưng nếu không có đồ vật neo giữ và cho tôi niềm vui, tôi sợ mình đã bay khỏi Trái Đất. Tôi biết tôi sẽ trở thành một người khốn khổ luôn lẩm bẩm: “Tôi từng có cái đó.” Như Belk đã nhắc nhở, con người khi vào quân đội, tập thể tôn giáo, trại cải thiện sự tập trung, nhà tù và những thể chế khác đều bị buộc bỏ lại những vật dụng cá nhân ngay lập tức, để loại bỏ đi cái tôi của mỗi người.

Nếu không có đồ vật, tôi vẫn là tôi thôi. Nhưng tôi e là không được lâu đâu.

 

Dịch: Hồng Phương

Nguồn: https://aeon.co/essays/why-i-love-my-possessions-as-a-mirror-and-a-gallery-of-me

menu
menu