[Phân tâm học] Nếu con cái có 3 thói quen này khi ăn, cha mẹ cần cảnh giác

phan-tam-hoc-neu-con-cai-co-3-thoi-quen-nay-khi-an-cha-me-can-canh-giac

Ba thói quen tưởng chừng như bình thường này thực chất chính là những dấu hiệu về các bất ổn tâm lý ở trẻ nhỏ.

Là người sáng lập ra trường phái phân tâm học, nhà tâm lý học nổi tiếng người Áo Sigmund Freud từng để lại rất nhiều học thuyết có giá trị. Trong số này, không thể không kể tới học thuyết của ông về 5 giai đoạn phát triển tâm lý tính dục (5 Psychosexual Stages).

Theo đó, Freud tin rằng trẻ em đều sẽ trải qua một chuỗi các giai đoạn phát triển tâm lý tính dục giúp hình thành nhân cách trưởng thành sau này. Và trong số 5 giai đoạn mà Freud đã nêu ra, ông tin rằng Giai Đoạn Miệng có ảnh hưởng rất lớn tới quá trình phát triển nhân cách ở trẻ.

Cụ thể, giai đoạn miệng có tên tiếng Anh là The Oral Stage, dùng để chỉ khoảng thời gian trẻ nhỏ mới sinh cho tới lúc lên 1 tuổi.

Trong giai đoạn này, phương thức tương tác chính của trẻ là dùng miệng, nhu cầu vật chất chủ yếu là bú sữa, còn nhu cầu tinh thần là thiết lập sự thân thiết với mẹ hoặc người nuôi dưỡng.

Vì vậy, nếu được thỏa mãn cả hai nhu cầu nói trên, trẻ sẽ có cảm giác an toàn, tin tưởng, từ đó hình thành nên tính cách tự tin, năng động, vui vẻ.

Ngược lại, nếu không được đáp ứng đầy đủ nhu cầu về vật chất và tinh thần trong giai đoạn này, việc hình thành nhân cách của trẻ sẽ bị ảnh hưởng, từ đó dẫn tới nảy sinh tâm lý tự ti, mất lòng tin vào người khác, dễ nảy sinh những tính cách xấu như ghen tị hoặc phụ thuộc quá mức…

Từ ví dụ nói trên, có thể thấy thói quen ăn uống của trẻ nhỏ sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc hình thành nhân cách và phát triển mối quan hệ với những người khác.

BA THÓI QUEN TRÊN BÀN ĂN PHẢN ÁNH NHỮNG DẤU HIỆU TÂM LÝ BẤT ỔN Ở TRẺ NHỎ

Theo quan điểm của Baidu News (Trung Quốc), trong cuộc sống thường ngày, các bậc cha mẹ nên chú ý tới thói quen trên bàn ăn của con cái.

Và hãy thật cảnh giác nếu phát hiện thấy các em có những biểu hiện sau, bởi đó chính là dấu hiệu cho thấy con trẻ đang có một vài bất ổn đáng lo ngại về phương diện tâm lý.

Thói quen thứ nhất: Sạch sẽ thái quá

Chú ý tới vấn đề vệ sinh trong ăn uống luôn là điều nên làm, bởi người xưa có câu "bệnh từ miệng mà ra". Tuy nhiên trên thực tế, việc đòi hỏi sạch sẽ một cách thái quá khi ăn uống lại được cho là một trong những dấu hiệu tâm lý bất ổn, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.

Những bé bị ám ảnh về vấn đề này sẽ thường biểu hiện qua hành vi, thái độ, ví dụ như dù đi ăn ngoài hay ăn đồ ăn do cha mẹ chuẩn bị, các em vẫn có cảm giác bát đũa chưa đủ độ sạch sẽ.

Trên thực tế, suy nghĩ này có thể xuất phát từ cảm giác tự ti hoặc bức bối từ trong nội tâm, khiến trẻ không ngừng nâng cao yêu cầu của bản thân, từ đó sinh ra "ám ảnh cưỡng chế" về sự sạch sẽ.

Hơn nữa, thói quen này còn gây ảnh hưởng tiêu cực tới mối quan hệ của các em với những người xung quanh. Bởi khi có yêu cầu quá cao về sự sạch sẽ, các em sẽ vô tình cho rằng thứ của mình là tốt, còn thứ của người khác là "xấu", từ đó không muốn kết bạn hoặc thân thiết với mọi người.

Thói quen thứ hai: Kiêng ăn quá nhiều món

Trên thực tế, việc không thích hoặc không thể ăn một vài món là chuyện hết sức bình thường, bởi mỗi người đều có những sở thích khác nhau.

Tuy nhiên nếu một người quá kén ăn, kiêng ăn quá nhiều món thì đồng nghĩa với việc người đó ít có khả năng tiếp nhận, thích nghi với những điều mới và chỉ sẵn sàng ở trong "vùng an toàn" của riêng mình.

Thậm chí, nếu trẻ em có thói quen ăn uống này từ quá sớm, các em sẽ trở nên mặc cảm, rụt rè và nhút nhát. Khi đối diện với cuộc sống ngoài kia, các bé thường tương đối e dè, thận trọng, khó hòa hợp với người khác và đánh mất nhiều cơ hội trải nghiệm, thể hiện bản thân.

Nếu để thói quen này diễn ra trong thời gian dài, con cái của bạn rất có thể sẽ hình thành "hội chứng sợ xã hội", gây bất lợi cho sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.

Thói quen thứ ba: Luôn để thừa đồ ăn

Theo kết quả khảo sát một Viện nghiên cứu thuộc tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), 46,8% người tham gia khảo sát thường có thói quen để thừa lại một ít thức ăn bất kể lượng đồ ăn trong bữa đó có như thế nào.

Đối với trẻ nhỏ, thói quen ăn uống này là biểu hiện cho thấy các em đang thiếu cảm giác an toàn. Vì vậy việc để lại một chút thức ăn thừa trong bát sẽ giúp các bé cảm thấy thoải mái hơn.

Trên thực tế, các phụ huynh không nên coi nhẹ điều này. Bởi những trẻ thiếu cảm giác an toàn thường có mặc cảm tự ti, đồng thời cũng nhạy cảm hơn và thường có lòng nghi ngờ lớn.

Những điều này khiến cho các em thường xuyên đề phòng và từ chối người khác, thậm chí còn luôn phán đoán xem người khác nghĩ gì.

Nếu không kịp thời thay đổi, trẻ sẽ phải trải qua một cuộc sống mệt mỏi trong tương lai vì có quá ít người để tin tưởng và quá chú ý tới suy nghĩ của những người xung quanh.

BA CÁCH ĐỂ CHA MẸ GIÚP CON CẢI THIỆN THÓI QUEN XẤU VÀ ỔN ĐỊNH TÂM LÝ

Nhà tâm lý học nổi tiếng Maslow tin rằng, cảm giác an toàn chính là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sức khỏe tâm lý.

Vì vậy, muốn cải thiện tố chất tâm lý và giúp trẻ thay đổi những thói quen có hại như trên, các bậc cha mẹ có thể tham khảo những cách làm gia tăng cảm giác an toàn cho trẻ như sau:

1. Tăng thời gian ở cùng con

Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều bậc cha mẹ thường vì bận rộn công việc nên giao con cái cho ông bà hoặc bảo mẫu chăm sóc. Tuy nhiên việc phụ huynh ít dành thời gian cho con cái sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới việc hình thành cảm giác an toàn cho trẻ.

Vì vậy, cha mẹ nên dành nhiều thời gian để đồng hành cùng con, trò chuyện hoặc chơi đùa cùng các bé để giúp các em cảm nhận được nhiều tình yêu thương hơn.

2. Thường xuyên động viên, khuyến khích con

Sau khi đã dành cho con cái sự quan tâm, yêu thương đủ đầy, cha mẹ nên giúp các em thiết lập những quy tắc để khuyến khích sự tự lập ngay từ sớm.

Điều này sẽ giúp con trẻ tự xây dựng thế giới vững chắc và tìm kiếm những đối tác đáng tin cậy cho chính mình, từ đó có lợi hơn cho việc hình thành cảm giác an toàn.

3. Tạo bầu không khí hòa thuận trong gia đình

Nếu không lớn lên trong một gia đình êm ấm, ngày ngày chỉ nghe thấy tiếng cãi vã, mắng nhiếc, con trẻ sẽ dễ nảy sinh sự sợ hãi, bất lực từ trong nội tâm.

Một khi những cảm xúc tiêu cực này liên tục hình thành và bị dồn nén, các em sẽ dần trở nên mặc cảm, nhạy cảm và dễ bị tổn thương.

Từ những phân tích trên đây, có thể thấy dù trên bất cứ kỳ phương diện nào, sự quan tâm, yêu thương và định hướng từ phía cha mẹ mới là chìa khóa mấu chốt để trẻ em cải thiện những thói quen xấu và rèn luyện tố chất tâm lý ổn định, vững chắc.

*Dịch từ tư liệu nước ngoài.

menu
menu