Phụ nữ tiết lộ bí mật vì... bản năng sinh tồn

phu-nu-tiet-lo-bi-mat-vi-ban-nang-sinh-ton

Theo lý thuyết ức chế suy nghĩ của nhà tâm lý học xã hội Daniel Wegner, ngay khi bạn bảo ai đó đừng kể bí mật mà mình sắp nói ra cho người khác, thì người đó đã bắt đầu có ý định ám ảnh rằng họ cần phải chia sẻ bí mật đó cho mọi người biết.

Theo lý thuyết ức chế suy nghĩ của nhà tâm lý học xã hội Daniel Wegner, ngay khi bạn bảo ai đó đừng kể bí mật mà mình sắp nói ra cho người khác, thì người đó đã bắt đầu có ý định ám ảnh rằng họ cần phải chia sẻ bí mật đó cho mọi người biết.

Trong sử thi tiếng Phạn của người Ấn Độ có kể một câu chuyện về Yudhishthira, một á thần sau này trở thành vua của Vương quốc Kuru. Yudhishthira là con trai cả của vương hậu Kunti với Yama, vị thần hiện thân cho công lý, luật pháp và sự trừng phạt.

Được thừa hưởng những phẩm chất tốt đẹp từ người cha của mình, Yudhishthira từ nhỏ đã là một người vô cùng thật thà, nhân từ và công tâm. Nhưng khi lớn lên ông đã phạm phải một trong những đại tội của Hindu giáo, đó là tàn sát chính anh em ruột của mình.

Trong trận chiến Kurukshetra, Yudhishthira đã giết chết Karna, một á thần khác mà không biết Karna chính là anh ruột cùng mẹ khác cha.

Vương hậu Kunti hóa ra đã giấu Yudhishthira điều đó. Karna là con trai của bà với thần Mặt trời Surya, và Kunti đã sinh ra Karna từ thời còn niên thiếu. Không muốn mang tiếng xấu về cho gia đình, Kunti đã bí mật bỏ rơi đứa trẻ.

Karna may mắn được nhặt về nuôi, cậu bé lớn lên, học bắn cung rồi trở thành một vị tướng trong quân đội Duryodhana, kẻ đối đầu với em trai mình ở Kurukshetra rồi bị chính tay em trai mình Yudhishthira hạ sát.

Trong thần thoại Ấn Độ, chuyện những người phụ nữ không giữ được bí mật vì họ phải chịu lời nguyền của á thần Yudhishthira.

Chỉ biết bí mật trong chính tang lễ của Karna được cử hành sau chiến thắng, Yudhishthira đã rất đau đớn. Trong cơn nóng giận của mình, ông đã buột miệng nguyền rủa tất cả phụ nữ trên đời từ rầy về sau sẽ không còn có thể giữ được bất kỳ bí mật nào nữa.

Lời nguyền của Yudhishthira sau đó trở thành một trong 12 lời nguyền nổi tiếng nhất trong thần thoại Hindu giáo. Nó là một lời giải thích thú vị - có điều không thuyết phục - cho lý do tại sao những người phụ nữ rất khó giữ bí mật, dù là của chính họ hay bí mật mà họ nghe được của người khác.

Vậy liệu chúng ta có thể đi tìm lời giải đáp đáng tin cậy cho thắc mắc này ở đâu? Từ phía khoa học, các nhà nghiên cứu có thể đưa ra câu trả lời rõ ràng hơn được hay không? Hãy cùng tìm hiểu:

Một khảo sát cho thấy phụ nữ có thể giữ bí mật… trong 47 giờ 15 phút

Khảo sát được thực hiện trên 3.000 người phụ nữ trong độ tuổi từ 18-65 ở Anh cho thấy trung bình, mỗi tuần họ đều nghe được ít nhất 3 chuyện bí mật của ai đó. Khoảng 75% những người phụ nữ này tích vào ô trống tự nhận mình là người có khả năng giữ bí mật cho người khác.

83% khẳng định rằng họ là người đáng tin cậy trong nhóm bạn thân, nghĩa là sau khi nghe được bí mật từ nhóm bạn thân này, họ sẽ không kể nó cho một người ngoài nhóm biết.

Thể nhưng, có 40% phụ nữ cuối cùng thừa nhận rằng họ đã làm điều đó, kể một bí mật từ nhóm của mình cho một người bạn thân chơi ở nhóm khác. Ở một tỷ lệ tương tự, 40% phụ nữ nghĩ rằng việc họ nói bí mật của bạn bè mình với người mà họ không quen biết là điều có thể chấp nhận được.

Có 20% phụ nữ nghĩ rằng họ không làm điều đó, nhưng vẫn không thể cưỡng lại được mong muốn buôn chuyện của mình. Kết quả là có tới 60% phụ nữ sẽ kể một bí mật mà họ nghe được về ai đó, cho một người mà người này không quen biết.

Các nhà nghiên cứu đã hỏi khoảng thời gian mà những người phụ nữ có thể giữ bí mật, tính từ lúc họ nghe được đến lúc họ nói cho người khác. Cộng tất cả các con số ấy lại rồi chia trung bình, họ thấy phụ nữ có thể giữ bí mật trong 47 giờ 15 phút.

Có 45% những người phụ nữ trong khảo sát nói rằng họ buộc phải nói ra bí mật mình nghe được để cảm thấy thoải mái trong người. Nếu giữ bí mật quá lâu, quá 2 ngày, họ sẽ rất bứt rứt.

Chỉ 30% thừa nhận mình là những người nhiều chuyện và thích đi kể lể. Hơn 60% những người phụ nữ được hỏi cuối cùng cảm thấy tội lỗi khi họ đã tiết lộ điều lẽ ra mình phải giữ bí mật với người khác.

Tại sao phụ nữ bị thôi thúc phải kể ra những chuyện bí mật?

Hóa ra, họ có lý do chính đáng để làm điều đó. Tiến sĩ David Eagleman, một nhà khoa học thần kinh tại Đại học Stanford cho biết giữ bí mật là một hoạt động gây căng thẳng cho não bộ.

Khi bạn nghe được một bí mật của ai đó, từ một người nào đó, não bộ của bạn ngay lập tức bị đặt vào trạng thái căng thẳng vì nó bắt đầu phải đánh giá những tình huống đại loại như: Bí mật này là gì? Nó liên quan đến ai? Mức độ nghiêm trọng của bí mật của nó đến đâu? Mình có được phép kể chuyện này cho ai biết không?

Đa số các bí mật mà mọi người yêu cầu được giữ kín thường là những điều tiêu cực. Do đó, giữ một thông tin tiêu cực trong đầu tiếp tục đặt gánh nặng lên tinh thần của người nắm giữ nó.

Bây giờ, giả sử bạn đã nghe được một bí mật và tham gia vào một cuộc trò chuyện với một ai đó cần được nghe về bí mật đó. Việc bạn tiếp tục giữ bí mật đó đòi hỏi não bộ của bạn phải hoạt động liên tục để giấu kín nó, thông thường liên quan đến việc phải nói dối.

Điều này tiếp tục đặt gánh nặng lên não bộ, khi bạn phải suy nghĩ nhiều hơn để che giấu thông tin, bạn cần nghĩ ra đủ kịch bản để hợp lý hóa những lời nói dối của mình, thay vì chỉ đơn giản là nói ra bí mật, một sự thật.

"Các tài liệu tâm lý học chỉ ra việc giữ bí mật tạo ra rất nhiều căng thẳng. Những người giữ nhiều bí mật thì hormone căng thẳng của họ sẽ tăng lên. Họ có nhiều khả năng bị ốm hơn", tiến sĩ Eagleman cho biết. "Nhưng một khi giải phóng được những thứ đó, sức khỏe của họ sẽ được cải thiện đáng kể".

"Một lý do khác khiến mọi người thường kể một bí mật là vì họ cảm thấy tội lỗi khi nắm giữ nó. Ví dụ: nếu bạn của bạn kể cho bạn một bí mật nhưng bạn không chia sẻ nó với người ấy, bạn có thể cảm thấy tội lỗi vì đã không nói cho họ biết", Giáo sư Asim Shah, phó chủ tịch điều hành tại Khoa Tâm thần và Khoa học Hành vi Menninger tại Đại học Y Baylor cho biết thêm.

"Nếu bạn không chia sẻ một số điều nhất định với những người thân trong gia đình, vợ/chồng hoặc cha mẹ, trong thâm tâm bạn có thể phát triển một cảm giác nghi ngờ. Việc giữ hoặc chia sẻ bí mật thường đặt mọi người vào tình thế giành được hoặc đánh mất lòng tin của ai đó".

Ngoài ra, lý thuyết ức chế suy nghĩ của nhà tâm lý học xã hội Daniel Wegner nói rằng khi chúng ta cố gắng không nghĩ về điều gì đó, chúng ta thường chỉ nghĩ về nó nhiều hơn.

"Do đó, ngay khi bạn bảo ai đó đừng kể bí mật mà mình sắp nói ra cho người khác, thì người đó đã bắt đầu có một sự thôi thúc và ám ảnh cần phải chia sẻ bí mật đó cho mọi người biết", giáo sư Shah nói.

Giữ bí mật có thể khiến bạn bị ốm

Michael Slepian, một nhà tâm lý học đến từ Đại học Columbia, tác giả cuốn sách "Cuộc đời bí mật của những bí mật" cho biết những bí mật thực sự có thể đè nặng lên tâm trí bạn và khiến bạn bị ốm.

Trong 10 năm qua, Slepian đã thực hiện hàng trăm nghiên cứu về bí mật. Sau khi yêu cầu khoảng 50.000 người tiết lộ những điều họ thầm giấu kín, ông nhận thấy rằng khi mọi người càng giữ nhiều bí mật, họ càng có nguy cơ bị tổn hại về mặt tinh thần lẫn sức khỏe thể chất.

Những người nắm giữ nhiều bí mật hơn cho biết sức khỏe của họ kém hơn, họ cảm thấy cuộc sống có ít niềm vui hơn và trớ trêu thay, các mối quan hệ xã hội của họ có chất lượng kém hơn những người hay buôn chuyện.

"Giống như những cái bóng, những bí mật có thể bám chân chúng ta đi tới bất cứ đâu. Và nó sẽ chỉ bám theo một mình bạn, người duy nhất biết bí mật đó", Splepian nói. Nhiều người bị chuyện phải giữ một bí mật giày vò, họ bị cuốn vào những suy nghĩ tiêu cực lặp đi lặp lại về chúng.

Michael Slepian, một nhà tâm lý học đến từ Đại học Columbia, tác giả cuốn sách "Cuộc đời bí mật của những bí mật" cho biết những bí mật thực sự có thể đè nặng lên tâm trí bạn và khiến bạn bị ốm.

Slenpian cho biết những bí mật đặt nhiều gánh nặng lên sức khỏe nhất, và cũng là những bí mật khó nói ra nhất chính là những bí mật liên quan đến cuộc sống của bản thân mỗi người.

"Đó là những bí mật khiến họ cảm thấy tội lỗi, chẳng hạn như việc họ từng lừa dối ai đó, từng ngoại tình, những bí mật về tình dục, chuyện trong gia đình", Slepian cho biết.

Trong các khảo sát của anh ấy, cứ ba người được hỏi thì có một người thừa nhận ngoại tình. Một phần ba trong số này giấu hành vi sai trái của mình như một bí mật trọn đời. Một phần ba khác đã nói nó cho một người thứ ba. Một phần ba thú nhận với bạn đời của mình.

"Nếu có bất kỳ bí mật nào ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn, tôi khuyên bạn ít nhất nên nói chuyện đó với người mà bạn tin tưởng ", Slepian khuyến cáo.

Nhưng vẫn có những bí mật bạn không nên nói ra

Nói tóm lại, gánh nặng tâm lý, cảm giác tội lỗi, và lý thuyết ức chế suy nghĩ là những thứ đang thôi thúc phụ nữ nói ra những bí mật của họ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, buôn chuyện, nhất là chuyện bí mật của người khác sẽ chẳng phục vụ mục đích tâm lý chính đáng nào của phụ nữ cả.

30% những người phụ nữ trong khảo sát tại Anh thừa nhận rằng họ kể ra bí mật của người khác chỉ vì thích buôn chuyện. 27% thậm chí còn quên ngay những gì mình đã nói vào ngay ngày hôm sau.

Đối với hành vi này, các nhà tâm lý học cho biết họ làm vậy vì muốn nhận được sự chú ý là chính. Bí mật luôn là những câu chuyện kích thích trí tò mò và sự chú ý của mọi người. Khi bạn chuẩn bị kể ra một bí mật, mọi sự chú ý sẽ dồn về phía bạn và bạn sẽ trở thành người kể chuyện quyến rũ nhất.

Thật không may, một số bí mật mà bạn nắm giữ nếu kể ra có thể gây tổn thương cho người khác. Vì vậy, giáo sư Slah cho biết trước khi quyết định nói ra bí mật của ai đó, bạn nên tự đặt mình vào vị trí của họ để xem mình có nên nói ra điều đó hay không?

Trong trường hợp bạn thấy việc nắm giữ bí mật của họ là quá căng thẳng và mệt mỏi, hãy từ chối nghe bí mật đó ngay từ đầu. Còn nếu bạn đã lỡ nắm giữ quá nhiều bí mật mà vẫn không muốn chia sẻ chúng, dưới đây là một số cách sẽ giúp bạn giải tỏa gánh nặng tâm lý :

- Viết chúng xuống nhật ký: Hãy viết tất cả suy nghĩ của bạn về bí mật đó xuống nhật ký, bao gồm cả việc bạn cảm thấy thế nào, bạn bị thôi thúc phải nói bí mật đó ra với ai, bạn đánh giá bí mật đó thế nào… Trong trường hợp bạn muốn giấu bí mật đó ngay cả với nhật ký, bạn có thể bắt đầu giải tỏa nỗi lòng với mẫu câu như: "Tôi có một bí mật, nhưng tôi sẽ không viết nó xuống đây, tôi chỉ cảm thấy… 

- Đánh lạc hướng sự tập trung của bạn: Nếu trong một cuộc trò chuyện, bạn cảm thấy mình bị thôi thúc phải kể bí mật cho một người bạn không nên kể, hãy đánh lạc hướng chính mình sang câu chuyện khác hoặc rủ người đó tham gia vào một hoạt động khác không phải trò chuyện 

- Hãy nói chuyện với một người không liên quan: Mục đích không phải là việc bạn kể cho họ nghe bí mật đó, mà bạn chỉ nên kể ra việc bạn đang có một bí mật và muốn giải tỏa nó với ai đó. Người không liên quan này sẽ giúp bạn có góc nhìn khách quan để đánh giá thiệt hại trong trường hợp bạn muốn giữ hoặc muốn kể ra bí mật ấy. 

- Nói chuyện lại với người nắm giữ bí mật: Quay trở lại cuộc trò chuyện với người đã nói với bạn câu nói đó "Tôi có một bí mật, tôi kể cho bạn nhưng bạn đừng kể cho ai nhé". Bạn có thể hỏi lại họ rằng có thật đó là một bí mật quan trọng mà bạn bắt buộc phải giấu kín hay không? Hãy chia sẻ gánh nặng tâm lý mà bạn đang gặp phải khi nắm giữ bí mật của họ, đồng thời, xin phép họ kể ra bí mật đó với người mà bạn tin tưởng.

Cuối cùng, điều bạn có thể rút ra ở đây là mọi bí mật mà bạn đang nắm giữ đều đặt một gánh nặng tâm lý lên não bộ của bạn. Nó có thể khiến bạn bị căng thẳng, thậm chí bị bệnh.

Có nhiều lý do hợp lý ủng hộ những người phụ nữ thường xuyên chia sẻ chuyện bí mật với nhau. Hãy cứ tưởng tượng gánh nặng tâm lý mà vương hậu Kunti đã phải chịu đựng khi giấu kín bí mật của mình, về đứa con mà bà đã bỏ rơi, trong chính đám tang của anh ấy. 

Sau đó, bạn sẽ thông cảm được với những người phụ nữ không giữ được chuyện bí mật quá 48 tiếng đồng hồ.

Nguồn: Scientificamerican, Bigthink, Medicalxpress

menu
menu