So sánh xã hội đang đẩy chúng ta vào tuyệt vọng – nhưng không nhất thiết phải như vậy

so-sanh-xa-hoi-dang-day-chung-ta-vao-tuyet-vong-nhung-khong-nhat-thiet-phai-nhu-vay

Trong thời đại của mạng xã hội, dường như ta khó có thể ngừng so sánh mình với người khác. Nhưng nếu hiểu rõ bản chất của sự so sánh, ta có thể tránh được những cạm bẫy lớn nhất mà nó mang lại.

Trong thời đại của mạng xã hội, dường như ta khó có thể ngừng so sánh mình với người khác. Nhưng nếu hiểu rõ bản chất của sự so sánh, ta có thể tránh được những cạm bẫy lớn nhất mà nó mang lại.

Bạn có thường xuyên lướt qua những bức ảnh lung linh về cuộc sống "hoàn hảo" của người khác trên điện thoại? Bạn có để ý ai vừa được thăng chức, ai vừa mua xe mới, con cái nhà ai vừa vào được một trường danh giá? Hoặc ngược lại, bạn có từng tự hào vì nhận ra mình ăn mặc sành điệu hơn đồng nghiệp, thông minh hơn bạn học, hay đi du lịch nhiều hơn chị gái mình?

Nhìn thấy một người bạn trên Instagram đang thong thả nhâm nhi ly cocktail trên bãi biển trắng có thể mang đến nhiều cảm xúc trái ngược. Ta có thể ngưỡng mộ, thán phục, hài lòng, hoặc cũng có thể ghen tị, tức giận, thậm chí là oán trách cuộc đời. Những cảm xúc đó bắt nguồn từ một cơ chế so sánh tự nhiên trong não bộ con người. Chúng ta không chỉ so sánh những thứ hữu hình như giá cả khi đi chợ hay chất lượng sản phẩm, mà còn so sánh cả những giá trị vô hình như địa vị, danh vọng và sự nổi tiếng – những thứ gắn liền với tiền bạc, tài sản và cơ hội mà ta có được.

Chúng ta thường cảm thấy tốt hơn khi thấy mình vượt trội so với người khác. Cảm giác sung sướng khi đội bóng yêu thích giành chiến thắng, niềm tự hào khi biết mình thành công hơn bạn bè, hay sự an ủi khi thấy người khác gặp khó khăn – tất cả đều là những phản ứng quen thuộc của tâm lý con người. Chúng ta có thể cảm thông với người thua cuộc, có thể lo lắng cho những người kém may mắn hơn, nhưng đồng thời, cũng có thể cảm thấy nhẹ nhõm khi biết rằng ít nhất mình vẫn chưa rơi vào hoàn cảnh đó.

Photo by Jernej Graj/Unsplash

Ba hướng của sự so sánh xã hội

Các nhà khoa học đã chia hành vi so sánh xã hội thành ba hướng chính:

  • So sánh hướng lên: Khi ta nhìn lên những người giỏi hơn, giàu hơn, thành công hơn.
  • So sánh hướng xuống: Khi ta nhìn xuống những người kém may mắn hơn mình.
  • So sánh ngang hàng: Khi ta đối chiếu bản thân với những người có hoàn cảnh tương đương.

So sánh hướng lên có thể mang đến động lực để ta phấn đấu, nhưng cũng có thể khiến ta cảm thấy thua kém và tự ti. Nhìn bạn bè chơi đàn điêu luyện, ta có thể ngưỡng mộ họ, hoặc cũng có thể ghen tị vì mình không có khả năng đó. Nếu ta cho rằng việc học đàn là vô ích, ta thậm chí còn có thể coi thường nỗ lực của họ. Và đôi khi, ta cũng hoàn toàn thờ ơ, chẳng mảy may quan tâm.

So sánh ngang có vai trò quan trọng trong xã hội, giúp ta xác định những chuẩn mực chung. Những quy tắc ứng xử khác nhau giữa các nền văn hóa cũng hình thành từ đây: nhai kẹo cao su trên phương tiện công cộng bị coi là thiếu lịch sự ở Singapore, nhưng chẳng ai để ý ở nhiều nơi khác. Ở chùa hay nhà thờ, ta ăn mặc kín đáo, nhưng trên bãi biển, ta có thể thoải mái hơn. Những so sánh ngang như vậy giúp ta định hình cách ứng xử trong các lĩnh vực khác nhau, từ học tập, thể thao đến công việc.

Mặt tối của sự so sánh xã hội

Mặc dù có những tác dụng nhất định, nhưng so sánh xã hội – đặc biệt là trong thời đại mạng xã hội – lại gây ra không ít tác động tiêu cực. Trước đây, ta chỉ so sánh mình với người thân, bạn bè, đồng nghiệp, nhưng giờ đây, chỉ với vài cú chạm màn hình, ta có thể nhìn thấy cuộc sống của cả thế giới. Và đó là những phiên bản đẹp nhất, trọn vẹn nhất của cuộc đời người khác – được chọn lọc và trau chuốt đến mức hoàn hảo.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc liên tục so sánh hướng lên có mối liên hệ chặt chẽ với các hội chứng trầm cảm, đặc biệt ở những người trẻ tuổi. Thay vì tạo động lực để ta phát triển, những hình ảnh lý tưởng hóa trên Instagram hay TikTok lại khiến ta mất niềm tin vào chính mình. Ta nhìn thấy người khác giỏi hơn mình ở mọi mặt, và cảm giác chán nản, ghen tị, tự ghét bỏ bản thân bắt đầu hình thành.

Khi cảm thấy tệ hại vì so sánh với những người thành công, ta có xu hướng tìm đến sự an ủi bằng cách nhìn vào những người kém may mắn hơn mình. Ta xem những video hài hước về người bị chơi khăm, người gặp rắc rối, người nghèo khổ hay kém cỏi. Ta cười cợt, khinh miệt, hoặc tự huyễn hoặc mình rằng ta đang may mắn hơn họ rất nhiều. Nhưng niềm vui ấy chỉ là thoáng chốc. Giống như một cơn nghiện, ta cần nhiều hơn những khoảnh khắc ấy để tiếp tục duy trì cảm giác tự tôn. Và dần dần, ta rơi vào vòng lặp so sánh không hồi kết – một cuộc đua đầy mệt mỏi mà chẳng có điểm dừng.

Dù thường bị xem là con dao hai lưỡi, sự so sánh xã hội không phải lúc nào cũng là điều tiêu cực. Khi so sánh hướng lên – nghĩa là nhìn vào những người giỏi giang và thành công hơn mình – ta có thể học hỏi từ chính trải nghiệm của họ trong những hoàn cảnh khó khăn. Họ đã làm gì để vượt qua thử thách? Họ đã nỗ lực ra sao để đạt được thành tựu ấy? Câu trả lời có thể giúp ta rút ra những bài học quý giá, truyền cảm hứng và thôi thúc ta làm điều đúng đắn.

Chúng ta cần những con người kiệt xuất – những người không chỉ thành công mà còn truyền động lực bằng chính câu chuyện của họ. Martin Luther King Jr., Malala Yousafzai, Serena Williams và nhiều nhà lãnh đạo khác đã chứng minh rằng, ngay cả trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, ta vẫn có thể sống đúng với giá trị của mình và tạo ra sự thay đổi. Nhưng nguồn cảm hứng không chỉ đến từ những vĩ nhân. Nếu ta nhìn kỹ hơn vào gia đình, bạn bè, những người xung quanh, ta sẽ thấy biết bao tấm gương đáng học hỏi: một người bạn kiên trì theo đuổi đam mê, một đồng nghiệp giỏi xử lý tình huống khó khăn, một người thân biết cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Từ đó, ta có thể tự hỏi bản thân: "Mình có thể làm gì để trở nên tốt hơn?"

Không có ngành nghề nào không thể phát triển nhờ vào sự so sánh tích cực. Một nhà văn, một thợ sửa xe, một nhân viên cửa hàng, một luật sư hay một môi giới chứng khoán – tất cả đều có thể nâng cao tay nghề khi nhận ra rằng có người đang làm tốt hơn mình. Chúng ta không nên e ngại việc nhận ra những điểm yếu của bản thân, mà thay vào đó, hãy can đảm hỏi người khác: "Bí quyết của anh/chị là gì?"

Khi sự so sánh giúp ta hiểu chính mình

Nhà triết học David Hume từng nhấn mạnh vai trò quan trọng của sự so sánh trong hành trình khám phá bản thân. Chúng ta luôn tìm kiếm những điểm tương đồng và khác biệt giữa mình với người khác. Điều này không chỉ giúp ta nhận diện bản sắc riêng mà còn giúp ta gắn kết với những người có cùng chí hướng. Hume gọi đó là “sự đồng cảm” – một mối liên kết đặc biệt giữa những con người có chung giá trị, chung cách nhìn về thế giới.

Sự so sánh cũng là công cụ để ta đánh giá chính mình và người khác. Nó ảnh hưởng đến những người ta muốn kết giao, những người ta quan tâm. Hume cũng chỉ ra rằng cảm giác hạnh phúc của ta không chỉ dựa trên những điều kiện khách quan như trình độ học vấn, nhà cửa hay tài chính, mà còn phụ thuộc vào giá trị so sánh của chúng. Một tấm bằng danh giá hay một kỳ nghỉ xa hoa không chỉ đơn thuần là trải nghiệm cá nhân – nó còn mang ý nghĩa trong mối tương quan với xã hội. Chính nhờ sự so sánh mà ta hiểu được tầm quan trọng của những nguyên tắc đạo đức như sự tử tế, lòng vị tha và tinh thần công bằng. Nó giúp ta nhận ra những thiếu sót của bản thân và thúc đẩy ta cải thiện đời sống, từ việc học tập, nâng cao chất lượng sống đến việc vun đắp các mối quan hệ. 

Ngược lại với Hume, nhà triết học Søren Kierkegaard lại đưa ra một góc nhìn đầy cảnh báo về sự so sánh xã hội. Ông cho rằng sự so sánh có thể trở thành một cơn nghiện nguy hiểm, khiến con người bị nhấn chìm trong những tiêu chuẩn chung của xã hội, đánh mất cá tính và trở thành nô lệ của sự tầm thường. Ta có thể không nhận ra rằng mình đang liên tục so sánh bản thân với người khác – nhưng nó vẫn diễn ra âm thầm, từng phút từng giây, trong mọi khía cạnh của cuộc sống.

Và khi ta để sự so sánh chi phối quá mức, ta không còn tập trung vào hạnh phúc và sự phát triển của chính mình. Thay vào đó, ta bị cuốn vào vòng xoáy bất tận của những lo âu và ám ảnh về việc liệu ta có bằng người khác hay không. 

Hãy thử quan sát xem bạn thường so sánh bản thân theo cách nào, với ai, và trong hoàn cảnh nào. Những mô thức so sánh này có thể tiết lộ những cảm xúc sâu kín bên trong bạn. Nó có đang giúp bạn phát triển hay đang kéo bạn xuống vực sâu của sự bất an?

So sánh xã hội không phải lúc nào cũng xấu, nhưng cách ta sử dụng nó sẽ quyết định liệu nó trở thành động lực hay xiềng xích trong cuộc sống của mình.

Dựa trên quan điểm phê phán của Kierkegaard về sự so sánh xã hội, ta có thể rút ra bốn cách để tránh rơi vào những cạm bẫy nguy hại nhất của nó.

Thứ nhất, điều quan trọng là phải hiểu rõ cách thức hoạt động của sự so sánh xã hội và những ảnh hưởng của nó đến hạnh phúc của ta. Khi ta nhìn vào người khác và bắt chước mong muốn, giá trị của họ chỉ để xây dựng vị thế, danh tiếng hay sự công nhận trong xã hội, ta đang lựa chọn một con đường đầy rủi ro về mặt tâm lý. Nó sẽ giam cầm ta trong trạng thái mà Kierkegaard gọi là “tuyệt vọng”. Hiểu theo cách đơn giản, tuyệt vọng ở đây là sự dao động không ngừng giữa hai trạng thái: nỗi tò mò lo lắng về cách người khác đánh giá mình và nỗi sợ bỏ lỡ những điều đang làm họ hạnh phúc.

Thứ hai, với tư cách là người đặt nền móng cho tâm lý học hiện sinh, Kierkegaard khuyến khích ta rèn luyện khả năng tự quan sát. Khi thấy mình bị cuốn vào sự so sánh, hãy tự hỏi: Ta thường so sánh mình với ai? Những cảm xúc nào xuất hiện trong ta khi điều đó diễn ra? Việc phân tích hành vi so sánh sẽ giúp ta nhận ra những khuôn mẫu và cảm xúc ẩn sâu bên trong. Đó có thể là dấu hiệu của những vấn đề đang tồn tại trong ta: sự tự ti, nỗi chán chường, cảm giác bất lực về tương lai, thậm chí cả sự ghét bỏ chính mình. Kierkegaard nhìn nhận rất thực tế về tác động của tuổi thơ lên cuộc đời mỗi người. Nếu khi còn nhỏ, thành tích của ta luôn bị cha mẹ đem ra so sánh với bạn bè hoặc anh chị em trong nhà, ta có thể đang chịu ảnh hưởng sâu sắc hơn so với những người không trải qua điều đó. Những lối tư duy so sánh ấy có thể đã ăn sâu vào ta từ lâu mà ta không nhận ra. Nhận thức được điều này là bước đầu để ta có thể thay đổi.

Thứ ba, để thoát khỏi xu hướng so sánh xã hội, ta cần ý thức rằng bản thân là một cá thể độc lập. Một cách để làm điều đó là hình dung về chính mình trong tương lai: Ta muốn trở thành ai? Ta cần làm gì để đạt được điều đó? Những hình dung này không chỉ bao gồm tham vọng hay mục tiêu, mà còn là những giá trị cốt lõi của ta. Và với Kierkegaard, “được là chính mình” chính là mối quan tâm lớn nhất của con người.

Thứ tư, thay vì nhìn người khác qua lăng kính so sánh, ta hãy thử nhìn họ theo một cách khác – không cạnh tranh, không đặt họ lên bàn cân với bản thân. Giáo sư triết học John Lippitt giải thích rằng theo Kierkegaard, thay vì quá tập trung vào bản thân và lo lắng người khác nghĩ gì về ta, ta nên mở rộng tầm nhìn, hướng về thế giới bên ngoài. Điều này không có nghĩa là ta phủ nhận giá trị của chính mình, mà là ta chấp nhận người khác như họ vốn có, không lấy họ làm thước đo cho bản thân.

Và cuối cùng, điều quan trọng nhất mà tôi muốn nhắn nhủ là hãy đối xử tử tế với chính mình. Hãy hiểu rằng ai cũng có giới hạn, và không ai là hoàn hảo. Khi nhận ra mình lại vừa sa vào cái bẫy so sánh, đừng quá khắt khe với bản thân. Hãy mỉm cười và nhắc nhở mình: “Ừ thì, lại mắc lỗi rồi! Nhưng không sao cả.” 

Nguồn: Social comparison is driving us to despair | Psyche.co

menu
menu