Sự khôn ngoan của việc sống chậm

Thoạt nghe, chuyện “đi chậm” có vẻ như một chiến lược dè dặt, thậm chí là keo kiệt trong cách sống:
Thoạt nghe, chuyện “đi chậm” có vẻ như một chiến lược dè dặt, thậm chí là keo kiệt trong cách sống: khi trong lòng ta lại rất muốn bước thật nhanh, thật gần. Thay vì hỏi “Ngày mai bạn rảnh không?”, ta lại chọn cách nhẹ nhàng hơn: “Hay là vài tuần nữa mình gặp lại?”. Thay vì vội nắm tay từ lần thứ hai, ta đợi qua bốn lần gặp gỡ. Ta không vội vã giới thiệu ai đó với bạn bè, không cuốn vào những tin nhắn mỗi ngày, không vội thốt lên lời yêu khi mùa vẫn chưa kịp đổi.
Cách điềm tĩnh ấy nghe qua có vẻ khô khan, tẻ nhạt. Sao lại phải “ki bo” với cảm xúc như thế? Cuộc sống hiện đại chẳng phải đã giải phóng ta khỏi những nghi thức khuôn mẫu rồi sao? Ta tưởng rằng mình có thể sống theo tiếng gọi con tim, không cần e dè, không cần rào chắn.
Nhưng sống chậm không đồng nghĩa với cứng nhắc hay đạo mạo. Nó là dấu hiệu của một sự trưởng thành sâu sắc trong tâm lý yêu đương. Dù ta có cố tự trấn an thế nào, tình yêu chưa bao giờ chỉ đơn giản là điều ta mong muốn. Dẫu từ xa nhìn lại, nó có thể lộng lẫy, nồng nàn đến mê đắm – nhưng khi đến gần, tình yêu cũng có thể khiến ta hoảng sợ, khiến ta muốn bỏ chạy chẳng kém gì khao khát được ôm lấy nó.
Photo by Florian van Schreven on Unsplash
Vậy nên, sự thận trọng là điều tự nhiên. Bởi để đứng trước ai đó một cách trọn vẹn và yếu đuối, để trao cho họ cơ hội nhìn thấu con người thật của ta – rồi vẫn hy vọng họ sẽ thương ta như thế – là một canh bạc chẳng dễ gì thắng. Nếu nỗi đau chia ly có thể khiến tim ta rạn vỡ, thậm chí là suy sụp đến tận cùng, thì chẳng có gì lạ khi ta chọn bắt đầu bằng những bước chân rón rén, chậm rãi – như một cách tự bảo vệ mình trong thế giới quá mong manh này.
Bên dưới nỗi sợ chung của tất cả chúng ta khi yêu, một số người còn mang theo những lớp sợ hãi sâu hơn, dày đặc hơn – được hình thành từ thuở ấu thơ. Ta lớn lên trong những mái nhà mà tình yêu không phải điều hiển nhiên, mà là thứ quý hiếm, chập chờn như ánh sáng xuyên qua khe cửa. Có thể mẹ luôn vắng mặt, còn cha thì hay giận dữ. Có thể tuổi thơ ta là những bữa cơm đầy tiếng mắng, thiếu hẳn những cái ôm, những lời dịu dàng. Không ai lắng nghe nỗi buồn của ta, chẳng mấy ai quan tâm ta nghĩ gì, muốn gì. Và để tồn tại, ta học cách thu mình, tự chơi một mình, tự ru mình bằng những cảm xúc gầy gò, đạm bạc.
Thế nên, khi trưởng thành, nếu ai đó đến và trải ra trước mặt ta một bữa tiệc yêu thương thịnh soạn – khi họ trao ta hết lòng quan tâm, dịu dàng không giới hạn, khi họ ân cần và kiên nhẫn đến lạ – phản ứng đầu tiên của ta đôi khi không phải là hạnh phúc, mà là... buồn nôn. Không phải rung động, mà là hoảng sợ. Ta bối rối, lúng túng như kẻ lạc giữa một nơi quá xa lạ. Ta không biết cách đón nhận, không kịp tiêu hóa những “dưỡng chất” cảm xúc đang tuôn trào. Và rồi, chẳng hiểu vì sao, để giữ lại chút thăng bằng mong manh, ta quay lưng lại với người đã mở lòng với mình – trách họ là kẻ yếu đuối, kỳ quặc... rồi bỏ chạy.
Nếu có thể, ta muốn thì thầm với họ: Làm ơn, đừng tốt với tôi quá. Hãy rộng lượng, nhưng xin đừng khiến tôi choáng ngợp. Hãy để tôi có thời gian, có không gian để chạm tới trái tim mình – rồi mới biết cách trao nó cho ai đó.
Nhưng ở phía bên kia, những người “rộng lượng” – những người luôn cho đi nhiều, luôn muốn yêu thật nhanh, thật sâu – cũng nên đủ can đảm để soi lại chính mình. Có thể, bề ngoài trông như họ đang rất lãng mạn (đưa nhau đi Paris ngay từ buổi hẹn thứ hai, gọi nhau bằng biệt danh sau vài ngày), nhưng thật ra, đằng sau những cử chỉ táo bạo ấy, là một nội tâm bất an đến đau lòng.
Ta nôn nóng vì nếu sau hai giờ không có tin nhắn, tâm trí đã cuống cuồng suy diễn. Ta muốn biết người ấy có yêu mình không, ngay cả khi bữa tráng miệng còn chưa mang ra. Ta trao đi không hẳn vì muốn, mà vì không đủ tin vào giá trị của bản thân. Ta yêu như một cách chạy trốn cảm giác mình không xứng đáng. Ta yêu như thể đang cố gắng giữ lấy tình yêu, trước khi nó kịp tan biến. Bởi tuổi thơ đã dạy ta rằng: không gì là vững bền, rằng yêu thương có thể biến mất bất cứ lúc nào, và rằng ta phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba người khác để giữ được nó – dù có phải đánh mất chính mình.
Ngược lại với những cơn say cuồng lo âu ấy, tình yêu trưởng thành nằm yên bình ở một khoảng giữa – có thể hơi... nhàm chán, nhưng vô cùng đẹp đẽ. Đó là nơi không có những cú lao đầu mù quáng, cũng không có sự khép kín rụt rè. Đó là thứ tình cảm được xây bằng niềm tin, sự điềm tĩnh và lòng tự tại.
Tình yêu trưởng thành có thể nói: Tôi thích người ấy, nhưng tôi chưa thật sự hiểu họ. Tôi muốn họ ở lại, nhưng tôi vẫn sống được nếu họ rời đi. Tôi bị họ thu hút, nhưng tôi không cần phải vội vàng chạy theo cơn thôi thúc trong lòng. Và trên hết, nó tin rằng: rồi sẽ đến lúc – không sớm, không muộn – tình yêu nở hoa.
Nghe thì có vẻ như là sự khôn ngoan sâu sắc, nhưng thật ra, điều đó thường đến một cách rất tự nhiên, vô thức – như một di sản quý giá từ những năm tháng được nuôi dạy bằng tình thương ổn định và vững vàng. Với những ai trong chúng ta không may mắn có được món quà ấy (mà thực sự, không có món quà nào lớn hơn thế), ta vẫn có thể tự mình học cách sống khác đi – chậm lại đôi chút với những nỗi lo, và tiết chế lại những xúc cảm mãnh liệt thường hay lấn át lý trí. Từ từ, qua thời gian và sự kiên nhẫn với chính mình, cách ta yêu cũng có thể trở nên nhẹ nhàng hơn, an yên hơn – và đầy lòng cảm thông với chính trái tim mình. Ta sẽ dần tin tưởng rằng: Rồi mình sẽ gặp được một người phù hợp, ở đâu đó thôi, bởi ta biết mình có điều quý giá để trao đi. Ta biết mình đủ mạnh mẽ để vượt qua những lần bị từ chối. Ta có quyền bước chậm, có quyền khám phá. Ta được phép dành nhiều thời gian để lắng nghe cảm xúc thật của mình – và nhất là, không cần phải xấu hổ vì mình chưa chắc chắn điều gì. Ta chỉ cần thành thật, tử tế nói ra những do dự ấy – và như thế, rồi sẽ đến một ngày, khi lòng mình thật sự thấy sẵn sàng, ta có thể dũng cảm đưa tay ra nắm lấy tay người kia, với sự bình thản trong tim: Dù chuyện gì xảy đến, mình cũng sẽ ổn.
Nguồn: THE WISDOM OF TAKING IT SLOWLY | The School Of Life