Sức hấp dẫn của việc cứu rỗi người khác
Có lẽ ta thường nghĩ rằng mong mỏi lớn lao nhất trong tình yêu là tìm được một ai đó để chăm sóc cho mình; một người thật dịu dàng, có thể lắng nghe, chở che, nâng niu và khiến ta cảm thấy được an ủi và thấu hiểu.
Có lẽ ta thường nghĩ rằng mong mỏi lớn lao nhất trong tình yêu là tìm được một ai đó để chăm sóc cho mình; một người thật dịu dàng, có thể lắng nghe, chở che, nâng niu và khiến ta cảm thấy được an ủi và thấu hiểu.
Nhưng có một điều mà nhiều người không ngờ tới – đó là trong một số người, tồn tại một khao khát trái ngược hẳn: mong muốn tìm được một ai đó đang chìm trong đau khổ, rối bời, buồn bã và quá yếu đuối để có thể làm gì cho ta, nhưng lại là người mà ta có thể hết lòng nâng đỡ, vỗ về, xoa dịu và chữa lành.
Đối với nhóm người này, những tổn thương không chỉ là chuyện cần được xử lý, mà chúng còn là điều cốt lõi trong tình yêu. Trái tim ta thắt lại khi nghe ai đó từng trải qua tuổi thơ đau buồn, đang cô đơn, bị chèn ép trong công việc hay bị coi thường trong quá khứ. Những điều này không chỉ là những ngẫu nhiên đáng tiếc, mà là trung tâm cảm xúc của tình yêu.
Edvard Munch, On the Waves of Love, 1896, Wikimedia Commons
Để trở thành người như thế, thường là vì ta đã trải qua một tuổi thơ thiếu thốn. Có điều gì đó xảy ra từ sớm đã khiến việc giúp đỡ trở nên dễ dàng hơn nhiều so với việc đón nhận tình thương.
Ai cũng khao khát được yêu thương từ lúc nhỏ. Nhưng khi tình thương không xuất hiện, một cách để đối mặt với nỗi trống trải là biến mình thành người luôn sẵn sàng chăm sóc; trao tặng cho người khác điều mà ta từng ao ước được nhận, biến những thiếu hụt trong mình thành dư thừa cho người khác. Ta tìm kiếm phần yếu đuối của mình ở một người khác, rồi cố chữa lành cho họ, như một cách thay thế để đối diện với chính bản thân.
Khi ta phải từ bỏ mong muốn được chăm sóc và thấu hiểu – vì mẹ thường vắng mặt hay cha luôn ủ rũ – ta bắt đầu chăm sóc cho gấu bông, rồi đến bạn bè, và sau đó, khi trưởng thành, tìm thấy sự mãn nguyện lớn nhất trong việc xoa dịu nỗi đau của người mình yêu.
Đến giờ, ta sẽ thấy bồn chồn nếu sự chăm sóc ấy có lúc nào đảo chiều. Nếu người yêu bảo, “tối nay mọi thứ sẽ chỉ xoay quanh em thôi,” ta sẽ rụt lại. Nghe câu “anh muốn đặt em vào trung tâm thế giới của anh” có thể khiến ta hoảng sợ.
Không phải là ta không khao khát được yêu thương, mà là ta chưa từng trải nghiệm điều đó, nên nó trở nên lạ lẫm và đáng sợ – như một vết thương mà ta chưa đủ sức để nhìn lại, tức giận hay vượt qua.
Lối thoát khỏi vòng luẩn quẩn này là bắt đầu nhận ra nỗi sợ trong lòng mình. Ta có thể đã bao biện bằng cách xem mình là người hy sinh. Nhưng thật ra, ta phức tạp và thú vị hơn thế nhiều: ta đang rất sợ hãi. Ta không chỉ thiếu đi sự đáp lại, mà còn từ chối nó một cách cuồng nhiệt. Và như ta vẫn còn cơ hội khám phá, đôi khi, lòng hào phóng thật sự lại là cho phép người yêu làm cho ta điều mà cha mẹ ta từng không làm được. Đó là thôi không giữ lấy vai trò của một người cứu rỗi, mà thử dũng cảm để ở trong sự thương cảm của người khác. Đó là trải nghiệm – như lần đầu tiên – rằng ta cũng rất cần một ai đó. Sự trưởng thành thực sự có thể là khả năng không chỉ biết cho đi mà còn biết đón nhận.
Nguồn:
THE APPEAL OF RESCUING OTHER PEOPLE