Tại sao chúng ta phải đấu tranh với những niệm tưởng của mình
Mỗi thói quen và khả năng đều được hỗ trợ và củng cố bởi những hành vi tương ứng, khả năng đi bộ bằng việc đi bộ, khả năng chạy bằng việc chạy.
Mỗi thói quen và khả năng đều được hỗ trợ và củng cố bởi những hành vi tương ứng, khả năng đi bộ bằng việc đi bộ, khả năng chạy bằng việc chạy. Nếu các anh muốn có khả năng đọc, thì hãy đọc đi; nếu muốn viết được, thì hãy viết đi. Khi các anh không đọc trong ba mươi ngày liên tục mà làm chuyện khác, các anh sẽ biết điều gì sẽ xảy ra. Nếu các anh nằm ì trên giường trong mười ngày liền, và rồi tỉnh dậy và cố gắng đi một quãng đường dài, các anh sẽ thấy đôi chân mình yếu ớt ra sao. Cho nên nếu các anh muốn thành lập bất cứ thói quen nào, hãy bắt tay làm việc đó; nếu anh không muốn hình thành thói quen đó thì đừng làm, mà hãy tập thói quen làm việc khác.
Nguyên tắc này cũng đúng với những thứ thuộc về tâm trí: khi các anh giận dữ, hãy biết rằng anh không chỉ làm sai, mà anh vừa củng cố thêm cho thói quen giận dữ đó, nói cách khác chính là đang thêm dầu vào lửa. Khi anh phục tùng những ham muốn nhục dục, anh phải biết rằng đó không chỉ là một sự sa chân nhẹ, mà hãy biết rằng anh đã dung dưỡng cho tính hoang dâm vô độ của mình và làm nó ngày càng mạnh hơn. Vì lẽ những thói quen và khả năng đều phải chịu ảnh hưởng bởi những hành động tương ứng; chúng sẽ được gieo mầm nếu chúng chưa tồn tại trước đó, hoặc được củng cố và tăng cường hóa nếu chúng đã có sẵn từ trước.
Đây chính là lý do các triết gia nói rằng thói quen không lành mạnh có nguồn gốc từ tâm trí. Như khi các anh nhận ra mình có tâm mong cầu tiền bạc, nếu lý trí phát huy tác dụng giúp các anh nhận ra điều ác quấy đó, tham vọng đó sẽ được chế ngự và năng lực chủ quản của tâm sẽ trở về với cương vị ban đầu của mình; nhưng nếu các anh không dùng biệt dược nào để chạy chữa cho tâm mình, nó sẽ không thể trở về cương vị ban đầu của mình mà một khi bị kích thích lần nữa bởi những niệm tưởng tương ứng, tâm ta sẽ bùng phát lên ngọn lửa tham vọng còn nhanh chóng hơn trước. Và nếu ta để cho điều này xảy ra hết lần này đến lần khác, cuối cùng cái nhân tham ác của chúng ta sẽ định hình, và sự bạc nhược sẽ khiến cho lòng tham trong con người trở nên kiên cố. Vì kẻ từng mắc bệnh cúm và khỏi bệnh sẽ không thể có thể trạng hoàn toàn như trước khi mắc bệnh, trừ khi anh ta đã trải qua một quá trình điều trị triệt để. Điều tương tự cũng xảy ra đối với những chứng bệnh thuộc về tâm. Chúng luôn để lại tì vết như những vết bầm gây ra bởi đòn roi, và nếu một người không thể loại bỏ chúng tận gốc, mỗi lần anh ta bị đánh đòn vào đúng những chỗ cũ, những vết bầm sẽ phát lên đau đớn. Vậy nếu các anh không muốn là người cáu bẳn, đừng dung dưỡng thói quen tức giận, đừng thêm dầu vào lửa. Trước hết, hãy giữ im lặng, đếm từng ngày ta không nổi cơn tam bành. — “Ta có một thời ngày nào cũng nóng giận, rồi có ngày giận ngày không, rồi ba ngày giận một lần, rồi bốn ngày.” — Nhưng nếu anh giữ mình được ba mươi ngày, hãy đem tin lành đó dâng lên Thiên chủ: bởi vì thói quen đó đã bị suy yếu và rồi một ngày sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn.
“Ta giữ cho mình khỏi phiền muộn trong hôm nay, và lại ngày mai, và thêm hai, ba tháng sau nữa, và khi điều kiện phát sinh kích thích nó bộc phát, ta nhẫn chịu đau đớn để kiềm chế nó.” Hãy biết rằng các anh đang tiến bộ rất tốt.
“Hôm nay khi ta thấy một người phụ nữ kiều diễm ta không tự nhủ rằng, ‘Giá như nàng là của ta!’ và ‘Diễm phúc thay cho người được làm chồng nàng!’ Bởi vì kẻ nói điều đó cũng sẽ nói, ‘Diễm phúc thay kẻ gian dâm!’ Ta cũng không hình dung ra cảnh tượng tiếp theo: người phụ nữ khỏa thân nằm bên cạnh ta. Ta vỗ đầu mình và nói, ‘Hoan hô, Epictetus, ngươi đã từ chối một ảo tưởng đẹp đẽ, thứ thấp kém hơn thứ gọi là “Chủ nhân ông”. Và cho dù người phụ nữ tội nghiệp kia có tự nguyện, ra hiệu với ta, gửi thư tình đến ta, và thậm chí ve vãn và sán lại gần ta, ta sẽ vẫn giữ khoảng cách và giành lấy chiến thắng, ta có thể phá giải được lời ngụy biện tinh vi hơn của ‘“Kẻ nói dối” hay “Kẻ câm lặng”. Đây là điều đáng để ta tự hào, thay vì dâng lời ngụy biện này cho “Chủ nhân ông”.
Làm sao có thể làm được điều này? Hãy quyết tâm chuyên nhất để biết hài lòng với bản thân, quyết tâm biểu hiện thật cao quý trước Thiên chủ; anh phải khát khao trở nên thuần khiết thuận theo sự thuần khiết trong con người anh và thuận theo Thiên chủ.“Để khi một niệm tưởng như vậy tấn công anh”, Plato nói, “hãy hiến dâng những món tế phẩm chuộc tội, hãy ra dáng vẻ của một kẻ khẩn cầu và dâng lên những vị thần chống lại cái ác”; chỉ cần các anh lui về cộng đồng những người khôn ngoan và đức hạnh và luôn lấy họ ra để so sánh với chính mình, bất kể nhân vật đó đang đi giữa thế giới người sống hay người chết, chỉ như vậy là đủ. Đến với Socrates và xem ông nằm cạnh chàng trai Alcibiades và xem nhẹ vẻ điển trai trẻ trung của chàng. Cứ nghĩ xem thắng lợi đó to lớn thế nào, như ông tự nhận định là ngang với chiến thắng của nhà vô địch Olympic, con người đó chiến thắng chính mình— và ông biết được điều đó —một vị trí xứng đáng với những người nối gót anh hùng Heracles! Một chiến thắng đáng được vinh danh, “Hoan hô, con người đáng ngưỡng mộ”, hơn cả những võ sĩ và đô vật vô hồn, hay những chiến binh giác đấu!” Nếu các anh dùng những tư duy này để đối trị với niệm tưởng của mình, các anh sẽ chinh phục được nó, và không bị nó cuốn đi. Nhưng đầu tiên đừng để rơi vào thế bất ngờ vì sự đột phát của niệm tưởng, những nói, “Chờ ta một chút, này niệm tưởng ơi. Để ta nhìn ra ngươi là gì, và ngươi đe dọa đến điều gì: để ta khảo nghiệm ngươi.” Và đừng để nó dắt mũi các anh bằng cách vẽ ra viễn cảnh tiếp theo. Nếu các anh để điều đó xảy ra, niệm tưởng sẽ kéo lê anh đến bất kỳ đâu nó muốn. Hãy ném thứ niệm tưởng đáng ghê tởm này đi và mời những niệm tưởng khác vào, những niệm tưởng đẹp đẽ và cao thượng, để thế chỗ cho nó. Ta khẳng định rằng, nếu các anh thành lập được thói quen rèn luyện bản thân theo cách này, các anh sẽ thấy mình luyện được bờ vai nở nang như thế nào, gân cốt cứng cáp, và sức khỏe ra sao; nhưng hiện tại các anh chẳng có gì hơn là những mỹ từ rỗng tuếch.
Kẻ thực sự rèn luyện là kẻ khép mình vào kỷ luật để đối mặt với những niệm tưởng như vậy. Hãy vững vàng, hỡi kẻ bất hạnh kia! Đừng để bị cuốn đi. Vĩ đại ở nơi tranh đấu, thần tính ở chỗ cần lao; giải thưởng là vương quyền, là tự do, là an lạc, là một tâm hồn không loạn vọng. Hãy nhớ đến Thiên chủ, gọi ngài đến trợ lực cho các anh, cũng như những thủy thủ gọi vọng đến Song Tử Dioscuri giữa cơn bão biển. Có bão tố nào khủng khiếp hơn cơn bão bạo phát từ niệm tưởng sân giận quét đi cả lý trí? Vì bão tố là gì ngoài một niệm tưởng? Hãy loại bỏ nỗi sợ cái chết, cứ đem đến bao nhiêu sấm sét và giông tố tùy thích, và các anh sẽ phát hiện ra sự thanh bình và tĩnh lặng thẳm sâu trong tâm hồn mỗi người. Nhưng chỉ cần một lần các anh để mình bị đánh bại và tự huyễn ta sẽ chiến thắng trong lần sau, rồi lặp đi lặp lại điều đó, hãy yên tâm rằng các anh sẽ trở nên hèn yếu và bất hạnh; các anh sẽ không bao giờ nhận ra được lỗi lầm của mình trong những lần sau, mà sẽ bắt đầu tạo ra những lời biện hộ cho hành vi của mình: và rồi anh sẽ xác nhận sự thật trong những vần thơ của Hesiod,“Kẻ trì hoãn mãi vật lộn với muôn vàn tai ương.”
Bài viết được trích từ cuốn sách NHỮNG LỜI GIÁO HUẤN CỦA EPICTETUS.
Tìm hiểu thông tin về cuốn sách ở đây