Tại sao không nên ham nổi tiếng?

tai-sao-khong-nen-ham-noi-tieng

Nổi tiếng là thứ rất nhiều người khao khát nhưng đồng thời nó cũng là thứ hủy hoại hạnh phúc.

Con người có thói quen xấu là nhiều việc biết có hại nhưng vẫn làm, ví dụ ăn nhiều đường sẽ làm hỏng răng và phá vỡ hệ thống insulin, lười tập thể dục có thể làm yếu xương và khiến tâm trạng ta chán nản.

Một ví dụ điển hình về sự không phù hợp giữa những gì chúng ta muốn và những gì thực sự nuôi dưỡng ta là mong muốn nổi tiếng.

Theo một nghiên cứu năm 2012, danh tiếng là mục tiêu lớn nhất trong cuộc đời của trẻ em Mỹ từ 10 đến 12 tuổi. Trong một cuộc khảo sát năm 2017 với 1.000 trẻ em Anh, lựa chọn phổ biến nhất cho nghề nghiệp tương lai là "YouTuber". Người lớn ít khi thừa nhận trực tiếp rằng họ thèm khát sự nổi tiếng, nhưng theo công ty tư vấn và phân tích Gallup, 92% người Mỹ trưởng thành tin "một người thành công nếu họ giàu có, sự nghiệp nổi bật hoặc được nhiều người biết đến".

Các chuyên gia cảnh báo sự nổi tiếng trên mạng xã hội có thể gây ra những vấn đề lâu dài với sức khỏe tâm thần của người trẻ. Ảnh: Businessinsider

Danh tiếng có vẻ khó đạt được khi bạn không phải là ngôi sao âm nhạc hay chính trị gia. Nhưng "người anh em" của danh tiếng - uy tín - được hầu hết người bình thường như chúng ta săn đuổi và phô bày nó trong cộng đồng nhỏ hay giới chuyên môn của mình.

Có thể giải thích sự ham nổi tiếng là cách giúp chúng ta được xã hội công nhận, mang lại thành công tiền bạc, ngoại hình hấp dẫn và xuất hiện trên truyền hình thực tế, theo một khảo sát năm 2012. Một cuộc khảo sát năm 2013 cũng cho thấy mọi người có thể muốn nổi tiếng để được nhìn thấy và đánh giá cao, ngay cả với những người xa lạ; có lối sống thượng lưu, địa vị cao; hoặc để có thể làm điều tốt cho người khác, chẳng hạn như trở thành một hình mẫu.

Nhưng ngay cả khi động cơ nổi tiếng là thành tấm gương tích cực nó cũng cho thấy bạn đang "sống bằng ý kiến của người khác". Trên thực tế, nổi tiếng dựa trên sự ghi nhận bên ngoài, trong khi các nghiên cứu cho thấy nó mang lại ít hạnh phúc hơn so với sự ghi nhận bên trong.

Tồi tệ hơn, nổi tiếng có thể gây nghiện, đặc biệt trong thời đại của mạng xã hội. Sự không biên giới của mạng xã hội cho phép bất kỳ ai có đủ động lực đều được một số người lạ công nhận. Nhưng tương tác ảo có thể gây nghiện cao, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi.

Tác hại của sự nổi tiếng, dù chưa có nghiên cứu khoa học đo lường, đã được nhiều người chỉ ra. Như nhà triết học thế kỷ 19 Arthur Schopenhauer nói: "Danh tiếng giống như nước biển. Càng có nhiều, chúng ta càng khát nước". Nhà triết học người Anh Francis Bacon nói: "Nó giống như một dòng sông, mang những thứ nhẹ và phồng lên, đồng thời nhấn chìm những thứ nặng và rắn". Hoặc như nữ ca sỹ người Mỹ Lady Gaga: "Danh vọng là nhà tù"...

Tìm kiếm sự nổi tiếng là sai lầm nếu bạn muốn hạnh phúc, bởi nó là một sự thôi thúc hứa hẹn sự hài lòng nhưng mang về điều ngược lại. Để đánh bại nó, chúng ta cần nhận thức được những thứ thuộc về bản năng và cam kết chống lại chúng.

Ảnh: Jan Buchczik

Một số hành động sau có thể giúp bạn:

Đầu tiên tự vấn động cơ của mình, nhất là vào thời điểm bạn đang tìm kiếm danh vọng, uy tín, sự ghen tị hoặc ngưỡng mộ, đặc biệt là từ những người lạ. Ví dụ, trước khi đăng lên mạng xã hội, hãy tự hỏi mình hy vọng đạt được điều gì. Bạn đăng để giải trí, thông báo cho người khác, hoặc chia sẻ điều gì đó nâng cao tinh thần? Hay bạn đang hy vọng bị so sánh ác ý?

Thứ hai, nếu động cơ là muốn nổi tiếng, hãy cân nhắc giá trị sẽ đạt được so với những gì bỏ ra. Giả sử bạn muốn đăng một vài tấm ảnh bikini trên bãi biển, lợi ích đạt được có lẽ là một lượng nhỏ dopamine được tiết ra khi tưởng tượng về sự ngưỡng mộ hoặc ghen tị mà người khác nhìn thấy ảnh. Nhưng cái giá phải trả nằm ở cách mọi người sẽ thực sự nhìn thấy bài đăng của bạn (và cả bạn). Nghiên cứu cho thấy phần lớn mọi người sẽ thấy khó chịu với sự khoe khoang này, ngay cả khi bạn ngụy trang bằng một lời khoe khoang khiêm tốn và do đó ít ngưỡng mộ bạn hơn chứ không phải nhiều hơn.

Thứ ba, hãy tự hỏi xem có thực sự muốn hạnh phúc của mình dựa trên sự đánh giá của người khác, đặc biệt là những người lạ không. Hãy tưởng tượng một người mà bạn không biết đưa ra ý kiến về ngoại hình, tính cách hoặc công việc của bạn. Có lẽ cách bạn đang kiếm sống không tránh được kiểu phán xét này. Nhưng bản thân việc tìm kiếm sự nổi tiếng - thu hút sự chú ý vào bản thân chứ không phải công việc của bạn - là đang tự đặt mình vào sự soi xét và điều này chắc chắn sẽ dẫn đến bất hạnh cho lòng tự trọng của bạn.

Nếu câu trả lời cho những câu hỏi này đưa bạn đến kết luận rằng việc tìm kiếm sự nổi tiếng hoặc uy tín không phải là lợi ích tốt nhất thì bây giờ là lúc phải đứng lên chống lại những cơn bốc đồng bản năng của mình. Đừng khoe khoang hay tìm kiếm sự chú ý, xóa bài đăng và nghỉ ngơi trên mạng xã hội. Thay vào đó, hãy kết nối với người thực sự yêu bạn vì chính con người bạn, không chỉ vì những thứ mà bạn hy vọng ai đó có thể ngưỡng mộ hoặc ghen tị.

Bảo Nhiên dịch

Nguồn: https://www.theatlantic.com/family/archive/2021/10/fame-prestige-happiness-trap/620379/

menu
menu