Tại sao trẻ em học tốt hơn người lớn
Trong thí nghiệm về 'bẫy học tập', người lớn đưa ra kết luận nhanh hơn trong khi trẻ em khám phá và thu thập thêm thông tin.
- Bài của nhà tâm lý học Alison Gopnik trên WSJ, Cù Tuấn biên dịch.
Tóm tắt: Trong thí nghiệm về 'bẫy học tập', người lớn đưa ra kết luận nhanh hơn trong khi trẻ em khám phá và thu thập thêm thông tin.
Trẻ nhỏ có sự tò mò đặc biệt, thậm chí vô độ, kể cả khi có nguy cơ phải trả giá bằng tính mạng hay tay chân. Bạn có thể nghĩ rằng động lực khám phá này giúp trẻ học được rất nhiều điều một cách nhanh chóng. Nhưng có thực sự đúng là trẻ em khám phá nhiều hơn người lớn và điều này giúp chúng học hỏi?
Không dễ để kiểm tra ý tưởng này một cách khoa học. Người lớn và trẻ em khác nhau đến mức khó mà so sánh được. Nhưng trong một nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí Cognition, Emily Liquin, nhà khoa học nhận thức của NYU và tôi đã tìm ra một nhóm các bài tập giống hệt nhau cho cả trẻ em và người lớn. Chắc chắn rồi, bọn trẻ khám phá nhiều hơn và học hỏi nhiều hơn—nhưng chúng phải trả giá.
Chúng tôi đã sử dụng cái được gọi là “cái bẫy học tập”. Khi người lớn chúng ta thử một thứ gì đó mới, từ món hàu sống đến opera, và nhận được kết quả tồi tệ, chúng ta thường sẽ không thử lại lần nữa. Đó có vẻ như là loại trí thông minh cơ bản nhất - ngay cả những con chuột cũng tránh xa con đường dẫn đến những cú sốc điện. Nhưng nó có một nhược điểm quan trọng. Nếu chúng ta nhanh chóng kết luận rằng tất cả hàu sống và nhạc kịch opera đều khó tiêu hóa, và từ chối chúng mãi mãi, thì chúng ta sẽ không bao giờ biết được rằng thế giới là luôn phức tạp hơn thế. Một con hàu sống ôi thiu hoặc Aida khập khiễng có thể khiến chúng ta không bao giờ khám phá được sự thú vị của một con hàu Belon tuyệt hảo hoặc một cây sáo thần lung linh.
Trên thực tế, các chứng rối loạn lo âu, như ám ảnh sợ hãi và PTSD, có thể là kết quả của những cái bẫy học tập như vậy. Trải qua một lần đi trên máy bay bị rung lắc hỗn loạn, bạn buồn nôn và bạn có thể phát triển chứng sợ đi máy bay khiến bạn không bao giờ phát hiện ra rằng hầu hết các chuyến đi máy bay đều ổn.
Các nhà tâm lý học có thể tạo ra những cái bẫy học tập trong phòng thí nghiệm, và nhiều nghiên cứu cho thấy những người trưởng thành nhanh chóng rơi vào chúng. Nhưng còn trẻ em thì sao? Chúng tôi cho 64 đứa trẻ 4, 5 tuổi và 87 người lớn chơi một trò chơi đơn giản. Bạn có thể quyết định có nên đặt các khối khác nhau trên một chiếc máy hay không. Nếu đèn trên máy sáng lên, bạn sẽ nhận được một ngôi sao, đồng nghĩa với một phần thưởng: nhãn dán cho trẻ em hoặc một ít tiền cho người lớn. Nhưng nếu đèn trên máy không sáng lên, bạn sẽ mất gấp đôi (2 sao). Mục đích của trò chơi là tìm ra khối nào làm cho máy sáng lên và kiếm được càng nhiều sao càng tốt.
Trò này có vẻ dễ dàng, nhưng một cái bẫy học tập đang rình rập. Giả sử bạn chọn một khối có sọc trắng và bạn được một ngôi sao, sau đó bạn chọn một khối có đốm trắng và bạn bị mất hai ngôi sao. Những người lớn nhanh chóng kết luận rằng có một quy tắc đơn giản: Sọc là tốt và đốm là xấu. Bây giờ bạn thấy một khối đốm đen. Sợ mất sao thêm một lần nữa, bạn thậm chí sẽ không thử chọn nó, giống như món hàu và nhạc kịch opera.
Nhưng đây là điểm mấu chốt: Ngay cả thế giới khối đơn giản của chúng ta cũng thực sự phức tạp hơn. Trên thực tế, quy tắc là tất cả các khối đều cho bạn một ngôi sao, trừ những khối có đốm trắng; các khối đốm đen là tốt. Nhưng nếu bạn cứ thử những khối có sọc và tránh những khối có đốm, bạn sẽ không bao giờ phát hiện ra điều này. Trên thực tế, hơn 70% người lớn không bao giờ tìm ra quy tắc đúng.
Khi bạn đưa cho những đứa trẻ 4 và 5 tuổi cùng một vấn đề trên, chúng sẽ cư xử rất khác nhau. Lũ trẻ bị thu hút một cách không thể cưỡng lại để xem các khối mới sẽ làm được gì, mặc dù chúng thích sao và biết rằng chúng có nguy cơ đánh mất sao nếu chúng thử nghiệm.
Giống như sự thận trọng của người lớn có thể có nhược điểm, sự tò mò của trẻ nhỏ lại có lợi thế. Trẻ em thu thập được nhiều bằng chứng hơn người lớn và học tập tốt hơn nhiều. Hầu hết các em đã tìm ra quy tắc đúng. Tuy nhiên, chúng kiếm được ít sao hơn, so với những người lớn.
Các nhà khoa học máy tính nói về sự đánh đổi cơ bản giữa khám phá và khai thác, và bẫy học tập là một ví dụ điển hình. Người lớn chúng ta thường quá lo lắng để khai thác tình huống mà không khám phá. Chúng ta sợ mất phần thưởng đến nỗi bỏ lỡ cơ hội học hỏi điều gì đó mới. Ngược lại, trẻ em là những nhà thám hiểm một cách tự nhiên, sẵn sàng hy sinh phần thưởng để có được thông tin. Bạn cần cả hai kiểu tư duy để phát triển, nhưng suy cho cùng thì những người trưởng thành chúng ta cũng có thể học được điều gì đó từ những đứa trẻ tò mò vô độ trên.