Chủ nghĩa khổ dâm lãng mạn – Tâm lý tự ngược đãi trong tình yêu lãng mạn

chu-nghia-kho-dam-lang-man-tam-ly-tu-nguoc-dai-trong-tinh-yeu-lang-man

Tâm lý tự ngược đãi trong tình yêu lãng mạn

Có một kiểu người trong hành trình tìm kiếm tình yêu luôn khiến ta không khỏi thương cảm. Dẫu họ luôn mang những ý định tốt đẹp và không ngừng nỗ lực, nhưng dường như số phận cứ đẩy họ từ mối tình thất vọng này sang mối tình thất vọng khác, mà chẳng bao giờ có được hạnh phúc trọn vẹn. Một người tình hóa ra đã kết hôn bí mật, một người khác thì sau những lời hứa hẹn nồng nhiệt ban đầu lại biến mất không lý do, còn một người nữa thì là kẻ nghiện rượu đầy bạo lực… Thật khó để không cảm thông cho chuỗi “vận đen” bất tận ấy.

Thế nhưng, nếu nhìn kỹ hơn, có lẽ ta sẽ nhận ra rằng vận rủi chỉ giải thích được một phần nhỏ. Bên cạnh đó, còn có một quá trình lựa chọn có chủ ý âm thầm diễn ra. Người bất hạnh ấy không chỉ vô tình bước vào đời những kẻ lạnh lùng, thô lỗ, mà họ đã chủ động tìm kiếm, chào đón những con người như thế, đồng thời đảm bảo rằng những người tử tế hơn sẽ không bao giờ có cơ hội tiến gần đến trái tim họ. Và vì vậy, họ vẫn rất đáng thương, nhưng không phải vì lý do họ thường kể lể.

Photo by Annie Spratt on Unsplash

Về mặt lý thuyết, thật dễ hình dung rằng điều chúng ta mong muốn trong tình yêu là một người đối xử với mình bằng sự tôn trọng, dịu dàng, chung thủy và chân thành. Thế nhưng, với một số người, những phẩm chất tưởng như lý tưởng này lại mang đến nỗi bất an sâu sắc, thậm chí đôi khi là cảm giác ghê sợ.

Có vẻ như chẳng có gì đẹp hơn nếu một người tình mang bữa sáng lên giường, gọi ta bằng những cái tên âu yếm, nói rằng họ nhớ ta từng giây từng phút, rơi nước mắt khi phải xa ta một thời gian dài, và đưa cho ta một chú gấu bông để ta mang theo trên chuyến đi. Những điều đó lẽ ra phải khiến ta hạnh phúc vô cùng, nhưng chỉ trừ khi… ta không mang trong mình nỗi ngờ vực về giá trị bản thân.

Đối với những ai không yêu chính mình, những sự quan tâm ngọt ngào như vậy có thể gây nên sự lo âu và khó chịu sâu sắc: Tại sao người yêu mình lại nghĩ mình tốt đẹp hơn cả những gì mình tự thấy? Tại sao họ lại đặt mình lên cao đến thế trong khi mình chẳng thể chịu nổi hình ảnh của chính mình? Làm sao họ có thể nhìn mình như một người anh hùng, trong khi bản thân mình chỉ toàn thấy những điều tồi tệ?

Những cử chỉ yêu thương ấy, thay vì khiến ta cảm động, lại bị ta xem như lời tâng bốc giả tạo. Quà tặng, sự trân trọng, hay những lời khen ngợi… tất cả đều trở nên không thể chịu nổi, bởi tận sâu bên trong, ta tin rằng mình không xứng đáng với bất kỳ điều gì trong số đó.

Chạy Trốn Sự Dịu Dàng

Vì thế, để thoát khỏi cảm giác “buồn nôn” này, ta có thể tìm đến vòng tay của những người mà ta biết chắc sẽ đối xử với mình một cách khắc nghiệt. Họ chẳng mảy may quan tâm khi ta bước vào phòng, không hứng thú với tuổi thơ của ta, không hỏi han những điều xảy ra trong ngày, cũng chẳng tỏ ra nhiệt tình khi ở bên ta. Họ tán tỉnh người khác, không cam kết bất cứ điều gì và luôn khiến ta phải lo lắng liệu mối quan hệ sẽ tồn tại đến ngày mai hay không.

Nghe có vẻ khủng khiếp – và đúng là như thế – nhưng đối với ta, nó ít đáng sợ hơn so với việc bị bao bọc trong sự tử tế mà ta chắc chắn mình không bao giờ xứng đáng. Sự lạnh lùng và thờ ơ của họ, ít nhất, lại phù hợp một cách hoàn hảo với cái nhìn tiêu cực mà ta dành cho chính mình.

Những Người Tử Tế Bị Từ Chối

Trái ngược với những gì ta hay phàn nàn, luôn có những người tốt bụng và tử tế sẵn sàng yêu thương ta một cách chân thành. Nhưng thường thì, không hề ý thức được, ta đã trở thành bậc thầy trong việc từ chối họ ngay từ đầu, gạt họ sang một bên bằng những từ ngữ như “nhàm chán” hay “thiếu cảm hứng.” Điều ta thực sự muốn nói là: Họ không nghĩ tệ về mình như mình nghĩ về bản thân. Họ không làm mình đau khổ như cách mình cần để cảm thấy phù hợp với giá trị của mình.

Sự thật là, những người tử tế ấy không hề nhạt nhẽo hay kém cỏi. Họ đã nhìn thấy ở ta một điều mà chính ta chưa từng nhận ra: rằng ta không hề đáng ghét. Đằng sau những bức tường phòng vệ, ta vẫn là người ngọt ngào, tốt bụng và đáng được yêu thương. Nhưng những người ấy làm ta sợ hãi, bởi sự dịu dàng của họ thách thức nền tảng cốt lõi trong tâm lý ta: ý niệm rằng ta phải bị trừng phạt.

Ta sẽ học cách nhận ra những người tốt bụng ấy – những người luôn âm thầm chờ đợi ở phía sau. Và đến khi ta có thể chấp nhận rằng, dẫu có bao nhiêu khiếm khuyết (nhưng hoàn toàn bình thường), ta vẫn xứng đáng được yêu thương, ta sẽ sẵn sàng để họ bước vào cuộc đời mình. Lúc ấy, ta sẽ thôi không tự buộc mình phải chịu đựng những nỗi đau và thất vọng triền miên.

Nguồn: ROMANTIC MASOCHISM - The School Of Life

menu
menu