Về sự Phóng Chiếu
Một trong những khái niệm đầy cuốn hút trong trị liệu tâm lý chính là “sự phóng chiếu.”
Một trong những khái niệm đầy cuốn hút trong trị liệu tâm lý chính là “sự phóng chiếu.” Nói một cách đơn giản, mỗi người trong chúng ta đều mang theo cả một kho dự đoán về cách người khác sẽ cư xử và họ sẽ thế nào – mà thực ra, những suy đoán này ít liên quan đến người mà ta gặp hôm nay mà lại dính dáng rất nhiều tới những vướng mắc từ thời thơ ấu, thứ mà phần lớn đã bị chúng ta quên lãng.
Không chỉ vậy, những phóng chiếu này thường tiêu cực một cách đáng tiếc. Ta dễ nhìn người khác với một cái nhìn đen tối hơn họ đáng bị nhận; ta dễ dàng lo sợ, tức giận và xa cách hơn mức cần thiết, bởi trong tâm trí mình, ta chất chứa bao trải nghiệm u ám, phản ánh gốc rễ đau đớn trong quá khứ mà lại bỏ lỡ mất những điều tươi sáng, giản dị và nhiều hy vọng trong hiện tại.
Photo by Isi Parente on Unsplash
Vì vậy, phóng chiếu trở thành rào cản giữa chúng ta và thế giới xung quanh. Ta gặp gỡ người khác với một lượng lớn sự nghi ngờ, lo âu, sợ hãi hay hoài nghi – những điều không nhất thiết phải có trong bối cảnh hiện tại.
Lý thuyết về sự phóng chiếu nghe có vẻ đơn giản và dễ hiểu. Khó khăn ở chỗ làm sao biết được chính xác mình đang phóng chiếu điều gì. Chúng ta quá "trong cuộc" để nhìn ra được những thiên kiến của chính mình. Ta không nhận ra mình đã bóp méo cách đánh giá người khác thế nào; khoảng cách giữa những gì ta suy xét và lý lẽ của bản thân dường như chẳng tồn tại.
Chúng ta có thể tiến thêm một chút trên hành trình nhận thức về chính mình qua một bài tập đơn giản: dừng lại đôi chút để suy ngẫm về những gì chúng ta thường ngầm giả định về người khác. Trong khoảnh khắc tĩnh lặng, hãy lấy một tờ giấy và viết tiêu đề: “Tôi mong đợi người khác sẽ như thế nào…” rồi ghi ra những gì xuất hiện trong tâm trí.
Danh sách có thể trông thế này:
— Những người lớn tuổi và có quyền lực thường khó tính và dễ nổi giận.
— Người ta có thể bất ngờ quay lại và công kích mình dữ dội.
— Người đời chỉ coi trọng tiền bạc và địa vị.
— Những người dễ thương lại chẳng giỏi giang hay đáng được tôn trọng.
— Khi cần giúp đỡ thì không thể trông cậy vào ai.
— Có thể người ta đang cười nhạo mình trong im lặng.
Danh sách có thể tiêu cực một cách bất ngờ đến mức khiến ta ngạc nhiên. Bước tiếp theo là đặt câu hỏi: vì sao mình lại nghĩ như thế? Thông thường ta dễ lý giải rằng: vì thực tế là như vậy. Nhưng góc nhìn trị liệu lại phản biện: vì tuổi thơ ta từng như thế, và chính điều đó vô thức nhuộm màu, thậm chí đầu độc, cách chúng ta đánh giá người khác trong hiện tại.
Để có thể trân trọng đúng đắn cái phức tạp và niềm hy vọng của thế giới hiện tại, chúng ta nên tự hỏi rằng liệu những cá nhân nào từ quá khứ đã gieo vào ta những niềm tin tối tăm, cứng nhắc về con người. Trên mỗi dòng tổng quát trong tờ giấy của mình, hãy dùng một màu bút khác, viết tên cụ thể của ai đó từng khơi lên trong ta cảm nhận cay đắng về nhân loại.
Nếu đã trải qua một tuổi thơ nhất định, ta sẽ sớm có thể nhớ lại một số cái tên và ký ức rõ ràng. Khi bắt đầu khám phá, ta sẽ thấy rằng những dòng như “Những người lớn tuổi có quyền lực thường khó tính và dễ giận” thực ra bắt nguồn từ một người đàn ông cụ thể trong một khoảnh khắc nhất định, hay ý nghĩ bi quan rằng “không ai đáng tin cậy” là di sản từ những lần cụ thể mà người ta đã không giúp ta khi ta cần nhất.
Chẳng có gì khó khăn hơn là nhận ra thiên kiến của chính mình. Nhưng thông qua những bài tập như thế này, ta có thể phần nào giải phóng mình khỏi những chiếc xúc tu vô hình nhưng đầy ác ý của chúng. Quả thật, đôi khi người đời rất khó chịu, điều này không ai phủ nhận, nhưng có lẽ ta sẽ ngạc nhiên khi nhận ra rằng, vấn đề không phải nằm ở “con người nói chung.” Có lẽ, đó chỉ là những con người cụ thể, đã gây tổn thương cho ta từ rất lâu rồi, những người mà ta đã khéo léo đẩy lùi vào miền lãng quên.
Có thể, khi bắt đầu nhìn lại vài cái tên trong quá khứ bằng con mắt bao dung và buồn bã hơn, ta sẽ tìm lại được phần nào niềm tin vào nhân loại.
Nguồn: ON PROJECTION