Về việc đi sở thú
Người ta thường nhìn mình một cách lạ lẫm nếu đi sở thú mà không có trẻ con.
Người ta thường nhìn mình một cách lạ lẫm nếu đi sở thú mà không có trẻ con. Lý tưởng nhất là nên dắt theo một nhóm nhỏ các em bé, kèm theo vài chiếc bóng bay và dấu vết kem chảy dính đầy áo. Thật khó để tưởng tượng một người lớn lại dành buổi chiều đứng ngắm những con rái cá vuốt ngắn phương Đông hay thạch sùng báo trong chuồng. Ở London lúc này, câu hỏi thời thượng nhất là bạn đã ghé qua triển lãm Phục Hưng Đức ở National Gallery chưa, chứ không phải bạn đã chiêm ngưỡng chú hà mã lùn mới được đưa về Sở thú Regent’s Park.
Nhưng nếu chẳng may cậu cháu trai năm tuổi đột ngột rút lui vào phút cuối (vì bỗng nhớ ra hôm đó là sinh nhật bạn thân), thì có lẽ bạn vẫn sẽ bướng bỉnh giữ kế hoạch của mình và dành một buổi chiều ở sở thú. Và khi ấy, suy nghĩ đầu tiên thật giản đơn: động vật trông kỳ lạ làm sao. Ngoài vài con mèo, chó hay ngựa thỉnh thoảng bắt gặp, có lẽ đã nhiều năm rồi bạn chưa được nhìn thấy một con thú đúng nghĩa – những sinh vật lạ kỳ, như bước ra từ cuốn The Jungle Book. Hãy nhìn lạc đà mà xem: chiếc cổ hình chữ U, hai cái bướu lông xù xì như kim tự tháp nhỏ, hàng mi dài như được chải mascara, và bộ răng vàng khấp khểnh. Bên cạnh đó luôn có một bảng hướng dẫn cung cấp thông tin thú vị: lạc đà có thể nhịn uống nước suốt mười ngày liền trong sa mạc, bướu của chúng không chứa nước mà là mỡ, hàng mi dài giúp chúng chống lại bão cát, còn gan và thận của chúng thì triệt để rút hết độ ẩm từ thức ăn, khiến phân của chúng khô và gọn.
Nếu động vật trông kỳ quái đến vậy, tất cả là nhờ khả năng thích nghi phi thường với môi trường tự nhiên, như Darwin từng dạy chúng ta. Ở Sở thú Regent’s Park, điều này hiện rõ hơn bao giờ hết. Loài gấu lười Sri Lanka có đôi môi dài, linh hoạt và hai chiếc răng cửa trên bị thiếu, giúp nó hút kiến và mối ra khỏi tổ – một đặc điểm khuôn mặt mà chắc chắn những ai theo đuổi chế độ ăn uống bình thường chẳng cần bận tâm phát triển.
Mỗi loài dường như đều được tạo hóa ban cho những kỹ năng tuyệt vời để sống sót trong môi trường riêng, nhưng lại hoàn toàn vô dụng trong những điều kiện khác. Loài cua móng ngựa, chẳng hạn, trông thật quái dị, như chiếc mũ bảo hiểm tí hon với đôi chân vòng kiềng. Nhưng nó lại là bậc thầy trong việc sống sót dưới biển sâu và tránh khỏi hàm răng của cá mập. Cuộc sống của nó diễn ra lặng lẽ, không chút xáo trộn, chỉ thỉnh thoảng trườn nhẹ trên đáy đại dương để săn vài con nhuyễn thể.
Thật khó để không thấy mình trong hình ảnh của một số loài vật. Trong những bức thư của mình, Gustave Flaubert từng ví mình như một con trăn (năm 1841), một con hàu nép mình trong vỏ (năm 1845), và một con nhím cuộn tròn để tự vệ (năm 1853, 1857). Có lẽ khi rời sở thú, bạn cũng sẽ thấy đồng cảm với loài heo vòi Mã Lai, chú hươu con okapi, lạc đà không bướu, hay con rùa (đặc biệt là vào những buổi tối chủ nhật đầy u ám).
Sở thú làm ta bối rối, bởi nó khiến động vật trông giống con người hơn, và con người lại hóa ra chẳng khác gì loài vật. “Khỉ là họ hàng gần nhất của loài người,” một tấm bảng bên chuồng đười ươi viết với giọng điệu vui tươi thường thấy, “bạn thấy có bao nhiêu điểm giống nhau?” Dĩ nhiên, là quá nhiều, đến mức khó chịu. Nếu cạo lông, mặc cho nó một chiếc áo phông và quần thể thao, thì con đười ươi đang gãi mũi ở góc chuồng kia có thể dễ dàng trở thành họ hàng xa của bạn. Vào tháng 5 năm 1842, Nữ hoàng Victoria từng ghé thăm Sở thú Regent’s Park, và trong nhật ký của mình, bà đã ghi lại cảm nhận về một con đười ươi mới đến từ Calcutta: “Nó thật kỳ diệu, biết pha trà và uống trà, nhưng nó lại mang vẻ đau đớn và khó chịu của con người.”
Thật dễ tưởng tượng cảnh chính mình bị bắt giam trong một căn phòng giống cái lồng ở khách sạn Holiday Inn, được đưa ba bữa ăn mỗi ngày qua một cái cửa nhỏ, chẳng có gì để làm ngoài việc xem TV – trong khi một đám hươu cao cổ đứng ngoài nhìn vào, vừa nhai kẹo vừa cười khúc khích, quay video và bàn tán xem sao cổ mình ngắn thế.
Khi rời sở thú, ta bỗng thấy những việc mình làm hàng ngày đều mang dáng dấp của bản năng loài vật. Gọi điện rủ bạn đi uống rượu ư? Chẳng qua cũng chỉ là một phần của nghi thức giao phối loài người, đâu khác gì việc những con lạc đà không bướu huýt sáo lạ kỳ với nhau trên cao nguyên Peru mỗi khi thu về.
Nhưng rồi cũng có chút an ủi khi nghĩ rằng mọi hành động của mình thực chất chỉ là biểu hiện của những bản năng cơ bản: tìm kiếm thức ăn, chỗ ở, và bảo tồn dòng giống.
Vì thế, đừng bao giờ đợi có trẻ con mới đi sở thú.
Nguồn: ON GOING TO THE ZOO - The School Of Life