Vì sao chúng ta cần quay lại “trường học cảm xúc”
Một cách để hiểu về những người đang vật lộn với các vấn đề tâm lý như tự ti, lo âu, hay trầm cảm, đó là xem họ như những “nạn nhân” của một nền giáo dục cảm xúc dang dở.
Một cách để hiểu về những người đang vật lộn với các vấn đề tâm lý như tự ti, lo âu, hay trầm cảm, đó là xem họ như những “nạn nhân” của một nền giáo dục cảm xúc dang dở. Có những bài học quan trọng về sự vững vàng, hy vọng, hay yêu thương bản thân mà họ đã không được dạy, những bài học mà họ đã bị tước đi một cách tàn nhẫn trong hành trình trưởng thành. Sự thiếu vắng ấy là nguyên nhân dẫn đến những vấn đề hiện tại. Họ không đau khổ vì một khuyết điểm bí ẩn nào trong cơ thể hay bộ não, mà vì họ đã không được học những điều lẽ ra nên biết. Không phải những môn học khó nhằn như Toán hay Tiếng Pháp, mà là những môn học mềm mại, thiết yếu, nuôi dưỡng sự sống, như niềm tin, sự bình tĩnh, tình yêu bản thân, và sự tự lực.
Những tổn thương trong quá khứ đã kéo chúng ta ra khỏi “trường học cảm xúc,” cắt đứt ta khỏi những bài học nền tảng cho sự trưởng thành tâm hồn. Khi đáng lẽ chúng ta bắt đầu bài học về “Lòng tự tôn” (vào khoảng sáu tháng tuổi), thì “người thầy” của ta (rất có thể chính là cha mẹ) lại làm ta bẽ mặt, hoặc quay lưng chú ý đến anh chị em khác, khiến ta mãi mãi không thể học cách chấp nhận và yêu thương chính mình. Hoặc khi chúng ta ba tuổi, đáng ra đang học môn “Bình tĩnh trước nghịch cảnh,” ta lại chứng kiến những “người thầy” ấy mất kiểm soát, chìm đắm trong bạo lực hay rượu chè. Ta đã bỏ lỡ những bài học quan trọng, mang theo sự thiếu hụt ấy bước vào cuộc đời và rồi phải đối diện với những hậu quả như rối loạn ám ảnh cưỡng chế hoặc hành vi tự hủy hoại bản thân.
Photo by Jr Korpa on Unsplash
Đáng tiếc thay, những bài học bị thiếu này thường không tự lên tiếng báo động. Phải rất lâu sau ta mới nhận ra rằng mình đang thiếu gì. Những lệch lạc trong tâm lý dần trở thành bản năng thứ hai, hòa lẫn vào đời sống hằng ngày mà ta không hay biết.
Để cứu lấy chính mình, chúng ta cần tìm đến những “lớp học bù đắp.”
Xã hội ngày nay đã thiết lập sẵn vô số chương trình hỗ trợ người lớn bù đắp kiến thức học thuật: từ các lớp dạy đánh vần, học Toán, đến những khóa học ngoại ngữ. Nhưng lại gần như hoàn toàn thiếu vắng các “trường học” dành cho những môn học về cảm xúc. Ta có thể học sự tự tin ở đâu? Nghệ thuật yêu chính mình được dạy ở chỗ nào? Ai sẽ chỉ ta cách tìm sự bình an hay học yêu thương? Và những bài học đó sẽ được dạy như thế nào?
Chúng ta mới chỉ bắt đầu grappling, tức là vật lộn, với những câu hỏi nghe qua có vẻ kỳ lạ ấy. Nhưng việc đặt ra câu hỏi đã là bước đầu tiên để kích thích sự sáng tạo trong hành trình tìm kiếm giải pháp.
Một số “lớp học bù đắp” đã xuất hiện, như những buổi trị liệu tâm lý kéo dài 50 phút. Nhưng chắc chắn, chỉ vậy là chưa đủ. Trong tương lai, chúng ta có thể hình dung những giải pháp sâu sắc và toàn diện hơn: có thể là những khóa học lưu trú dài ngày, kết hợp cả hoạt động thể chất và cảm xúc, đưa chúng ta quay trở lại những giai đoạn tuổi thơ. Chúng ta đã bị tổn thương từ rất lâu, nên việc chữa lành cũng đòi hỏi ta phải quay lại, học lại những bài học cơ bản mà đáng lẽ mọi đứa trẻ đều được dạy từ 0 đến 10 tuổi trong một gia đình hạnh phúc.
Có lẽ, khi đã trung niên, ta vẫn phải bước vào những “lớp học” gợi nhớ đến không gian của nhà trẻ. Một lớp học như thế có thể là một căn phòng mờ sáng, ấm áp, mềm mại, nơi ta được ở cùng những con người vô cùng tử tế, yêu thương, hào phóng, và không đòi hỏi gì. Tất cả như thể ta đang ở trong một gia đình lý tưởng vây quanh một đứa trẻ nhỏ. Những lớp học ấy có thể kéo dài hàng năm trời, cho đến khi ta dần dần xây dựng lại sức mạnh và lòng dũng cảm. (Nếu để học một ngoại ngữ như Tiếng Pháp ta cần sáu năm, thì việc học sự tự tôn hay lòng dũng cảm hẳn cũng chẳng thể nhanh hơn.)
Trong khi chờ xã hội tìm ra mô hình các lớp học ấy, chúng ta có thể tự hỏi bản thân:
— Những triệu chứng mà tôi đang trải qua cho thấy tôi đã bỏ lỡ bài học nào?
— Tôi khao khát và cần được bù đắp những gì? (Hãy để trí tưởng tượng của bạn được tự do: có thể bạn cần chơi với bút màu, gõ trống, hoặc nằm lì trên giường cả năm trời. Cũng giống như những người bị tai nạn xe hơi cần thời gian hồi phục, các “tai nạn cảm xúc” cũng xứng đáng được đón nhận với sự thông cảm và chăm sóc như thế.)
Tổn thương là một dạng gián đoạn trong quá trình học tập. Chúng ta cần làm mọi cách để hiểu những bài học nào mình đã bỏ lỡ và dùng tất cả sự bền bỉ, sáng tạo để bù đắp những điều bị tước đoạt.
Nguồn: WHY WE NEED TO GO BACK TO EMOTIONAL SCHOOL – The School Of Life