Vì sao chúng ta thích thú khi người khác đau khổ

vi-sao-chung-ta-thich-thu-khi-nguoi-khac-dau-kho

Những người đàn bà đan len đã phơi bày một sự thật kinh hoàng về nỗi đau của người khác: rằng ta thích thú với nó.

Cuộc Cách mạng Pháp kéo dài mười năm – từ ngày 5 tháng 5 năm 1789 đến ngày 9 tháng 11 năm 1799. Trong suốt giai đoạn hỗn loạn và man rợ ấy, có một năm nổi bật với sự tàn bạo vượt mức: đó là giai đoạn được gọi là Triều đại Khủng bố (Reign of Terror) vào năm 1793-1794. Đó là thời điểm khi máy chém ở quảng trường Place de la Révolution (nay đã được “thanh lọc” thành Place de la Concorde) hoạt động không ngừng. Cứ nửa tiếng, những chiếc xe chở các tù nhân từ khắp nước Pháp lại lăn bánh đến đây – mang theo những kẻ bị nghi ngờ là phản cách mạng: quý tộc, nghị sĩ, những người ôn hòa, người kêu gọi hòa bình – và bất kỳ ai bị coi là kẻ thù của "tình hữu nghị và công lý". Họ bị kéo lên một bục gỗ, buộc phải xin lỗi đám đông, rồi bị xử tử. Sau đó, những chiếc đầu lìa khỏi cổ của họ được cắm lên cọc và trưng bày dọc các cây cầu ở Paris.

Ngay dưới chân máy chém, nơi có góc nhìn tốt nhất và đủ chỗ để kê ghế, luôn luôn có một nhóm phụ nữ náo nhiệt từ các khu nghèo nhất Paris. Họ được gọi là tricoteuses – những “người đàn bà đan len”. Họ đến từ tờ mờ sáng, mang theo đồ ăn nhẹ và thức uống, dành cả ngày để chứng kiến từng người một bị chém đầu. Họ cười, la hét, trò chuyện, bàn tán về thời tiết – và thản nhiên đan len.

Karl von Piloty, The Girondists, print from Harpers Weekly, August 1881

Chính sự tương phản giữa hành động chậm rãi, bình dị, đậm chất đời thường của việc đan len với sự tàn sát vô nhân tính diễn ra trước mắt làm ta khó lòng vượt qua được cảm giác bàng hoàng, ngay cả khi nhìn từ xa. Như thể nghe ai đó giải ô chữ trong lúc chứng kiến một vụ cưỡng hiếp, hoặc nghe một bản sonata piano vang lên giữa một cuộc tàn sát. Chúng ta tự hỏi làm thế nào trái tim con người lại có thể bị méo mó đến vậy – nhưng số lượng tricoteuses đông đảo đã cho ta thấy đây không phải là những trường hợp bệnh lý đơn lẻ. Đây không phải là vài cá nhân bất thường bộc lộ chứng rối loạn tâm lý trong một cuộc khủng hoảng quốc gia hiếm có. Đây chính là bản chất con người.

Những người đàn bà đan len đã phơi bày một sự thật kinh hoàng về nỗi đau của người khác: rằng ta thích thú với nó. Ta cảm thấy nhẹ nhõm khi chứng kiến nó; nó làm cho ngày của ta thêm phần thú vị. Ta cần bạn thất bại, ta mong mỏi bạn vấp ngã – và sẽ cảm thấy hân hoan tột độ nếu điều đó xảy ra. Ta sẽ kéo bè kéo cánh đến, chỉ trỏ và cười cợt. Ta sẽ bình phẩm về quần áo, kiểu tóc của bạn khi bạn bước lên bục xử. Ta sẽ chẳng mảy may quan tâm rằng bạn từng là một đứa trẻ, rằng trong bạn vẫn còn ánh sáng của sự thiện lương. Ta sẽ bám vào bất kỳ lý do nào để tin rằng bạn là kẻ xấu xa; ta sẽ tin vào những lời đồn thổi, không bận tâm kiểm chứng những cáo buộc. Với ta, bạn chẳng còn là con người nữa – và trái tim ta vẫn lạnh giá ngay cả khi bạn bị đặt cổ vào giá gỗ và lưỡi dao sắc bén cắt đứt động mạch bạn.

Bằng cách nào mà con người trở nên như thế? Điều gì cần xảy ra để biến một đứa trẻ sơ sinh, qua năm tháng, thành một tricoteur? Giá mà hành trình ấy gian nan và hiếm hoi hơn. Nhưng thực tế, tất cả những gì cần để tâm trí con người chất đầy thù hận và căm phẫn là một dòng nhỏ giọt đều đặn của sự nhục nhã – thứ mà cuộc đời nào cũng có thể mang đến.

Chúng ta đều đã chịu đựng đủ bất hạnh để có thể tìm thấy sự khuây khỏa và hài lòng phi thường từ sự suy sụp của người khác.

Các cuộc hành quyết công khai giờ đã hiếm, nhưng những tricoteuses thì vẫn luôn hiện diện quanh ta. Họ ở trong văn phòng, nhìn theo khi ta thu dọn đồ đạc và bị dẫn ra khỏi tòa nhà. Họ ở trong các bữa tiệc, giả vờ vô tình lắng nghe khi ai đó kể về cuộc ly hôn của ta. Họ nén một nụ cười khi nghe tin ta bị sỉ nhục, và – tất nhiên – họ ngồi bên bàn phím khi những dòng bình luận tràn ngập, phỉ báng ta là kẻ đáng kinh tởm.

Ta sẽ không bao giờ ngăn cản được họ – trừ khi ta có thể xóa bỏ mọi dấu vết của khổ đau trong cuộc đời của tất cả mọi người. Cho đến khi điều đó xảy ra, ta không chỉ phải chịu đau khổ mà còn phải chấp nhận một sự thật phũ phàng rằng nỗi đau ấy sẽ mang lại niềm vui lớn lao cho không ít người xa lạ.

Lá chắn duy nhất ta có là sự bi quan dành cho đám đông – và tình yêu mãnh liệt dành cho số ít, những con người hiếm hoi chưa bị tổn thương đủ để họ sẽ rơi nước mắt khi đến lượt ta bước lên bục xử.

Nguồn: WHY WE ENJOY THE SUFFERING OF OTHERS – The School Of Life

menu
menu