Vì sao có người cứ mãi mắc kẹt trong những mối quan hệ lưng chừng

vi-sao-co-nguoi-cu-mai-mac-ket-trong-nhung-moi-quan-he-lung-chung

Vì sao ta cứ ở lại trong những cuộc tình gần như là tình yêu, và làm sao để bước đi khi chúng không còn phù hợp.

NHỮNG ĐIỂM CHÍNH

  • Những mối quan hệ lưng chừng trông giống như tình yêu nhưng thiếu sự rõ ràng, thiếu cam kết và không mang lại cảm giác an toàn về mặt cảm xúc.
  • Một số người chọn kiểu gắn bó này vào những giai đoạn nhất định trong cuộc đời, hoặc để tránh những kỳ vọng gò bó của chuyện hẹn hò truyền thống.
  • Nghiên cứu cho thấy kiểu quan hệ này dễ khiến con người lo âu và mất tự tin.

Có thể bạn chưa từng nghe đến cụm từ “mối quan hệ lưng chừng”, nhưng rất có thể bạn đã từng nếm trải cảm giác của nó.

Nó giống như hai người nhắn tin suốt ngày, thân mật như người yêu nhưng chẳng bao giờ hẹn hò nghiêm túc. Nó là những lần gần gũi thể xác, những cuộc kết nối đầy cảm xúc, rồi lại cư xử với nhau như người dưng hoặc như bạn bè khi ra ngoài xã hội.

Bạn không đăng ảnh họ lên mạng xã hội. Họ chẳng quen bạn bè bạn, bạn cũng không biết nhóm bạn của họ. Hai người có trò chuyện, nhưng chưa bao giờ là về tương lai, chỉ là hôm nay muốn làm gì, bây giờ muốn đi đâu.

Bạn cư xử như trong một mối quan hệ. Bạn cảm nhận đủ đầy cảm xúc của một tình yêu. Nhưng lại không có danh xưng, không có sự chắc chắn, và trên hết không hề có sự cam kết.

Dù bạn và người ấy dành cho nhau bao nhiêu thời gian, dù sự thân mật có sâu sắc đến đâu, cuối cùng, mọi thứ vẫn chỉ là: “đây không phải là một mối quan hệ thực sự.”

Bạn phải làm mọi việc giống như một người đang yêu mà lại không có chút bảo đảm hay an toàn nào. Thứ duy nhất níu chân bạn lại là sự gắn bó thể xác và cảm xúc đủ để khiến bạn chẳng nỡ rời đi. Và hãy thành thật, bạn có lẽ đang yêu người ấy, nhưng không đủ can đảm để thổ lộ điều đó.

Chào mừng bạn đến với mối quan hệ lưng chừng: một ảo ảnh mang hình hài của tình yêu, được xây dựng trên sự thân mật và dục vọng. Đây là một dạng gắn bó không cần cam kết, nhưng lại đầy mập mờ và rối rắm.

Đó là kiểu “có đôi mà không thực sự là một cặp” nơi bạn vẫn được xem là độc thân, nhưng lại bị cuốn vào một kết nối cảm xúc không lối thoát, nhiều khi còn mang theo cả nỗi đau.

Và các nghiên cứu đã chỉ ra: kiểu quan hệ này khiến con người dễ rơi vào lo âu, mất lòng tin vào bản thân và cảm thấy tổn thương sâu sắc. Đặc biệt khi chỉ có một người muốn nhiều hơn, nhưng lại không đủ an toàn để cất tiếng nói ra. Nghe có quen không?

Vì sao người ta lại ở trong những mối quan hệ như thế?

Có vô vàn lý do khiến người ta rơi vào và ở lại trong những mối quan hệ lưng chừng. Thường thì, họ hy vọng mối quan hệ sẽ trở thành điều gì đó nghiêm túc. Không phải vì họ thấy ổn với hiện tại, mà vì họ sợ: nếu nói ra mong muốn thực sự, họ sẽ đánh mất những gì ít ỏi đang có. Bạn có thể hỏi: vậy họ thực sự có gì?

Một nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, kiểu quan hệ này mang lại “cảm giác giả tạo về sự tiến triển” thông qua việc dành thời gian bên nhau, những cuộc ân ái, thậm chí đôi lúc còn có cả những buổi hẹn hò như các cặp đôi thật sự. Nói cách khác, mối quan hệ lưng chừng bắt chước một tình yêu đúng nghĩa, ngoại trừ một điều: sự cam kết.

Thú vị là, nghiên cứu còn cho thấy: dù những mối quan hệ này không có cam kết rõ ràng, nhưng những người trong đó vẫn thường đầu tư cả về cảm xúc lẫn tình dục một cách nghiêm túc. Dù vậy, các nhà nghiên cứu vẫn khuyên rằng: tốt nhất nên tránh xa những mối quan hệ như thế hoặc ít nhất, hãy cố gắng làm rõ ràng mọi thứ bởi vì chất lượng cảm xúc mà chúng mang lại thường rất thấp, dễ khiến người ta mỏi mệt và bế tắc.

Source: The Chaffins / Unsplash

Tìm đến những mối quan hệ lưng chừng ở tuổi trung niên

Dù thế hệ Gen Z là người đặt tên cho khái niệm “situationship”, mối quan hệ lưng chừng, và các cuộc khảo sát của YouGov cho thấy gần một nửa trong số họ từng trải qua kiểu gắn bó này, thì sự thật là, họ không phải là những người duy nhất bước vào những cuộc tình mập mờ như thế.

Nhiều nghiên cứu về phụ nữ trung niên chỉ ra rằng, không ít người, đặc biệt là phụ nữ da màu, những người có thu nhập cao, và những ai tự nhận mình thuộc cộng đồng LGBTQ+  đã chọn mối quan hệ lưng chừng như một cách để phản kháng lại những khuôn mẫu truyền thống về tình yêu và sự ràng buộc. Với họ, đó không phải là sự cam chịu, mà là một chiến lược: một cách để giữ gìn sự tự do cá nhân, tránh xa kiểu “tình một đêm” mà họ không hứng thú, nhưng vẫn có thể tận hưởng sự gần gũi thân mật theo cách riêng của mình.

Ở một số giai đoạn trong cuộc sống, kiểu quan hệ này có thể thực sự phù hợp. Khi bạn đang tập trung cho sự nghiệp, cho những mục tiêu riêng, thì việc ràng buộc quá sâu với ai đó có thể là điều chưa cần thiết.

Mối quan hệ lưng chừng cho bạn sự gần gũi về cả thể xác lẫn cảm xúc, mà không kèm theo những kỳ vọng như phải gặp cha mẹ của nhau, bàn chuyện lễ Tết, hay lên kế hoạch dài lâu. Bạn có thể sống đúng với nhịp điệu riêng của mình, không cần điều chỉnh để hòa vào lịch trình của người kia.

Nó khiến bạn có cảm giác như đang yêu, mà không phải đánh cược với những được - mất vốn luôn đi kèm theo yêu thương sâu sắc.

Tình yêu nửa vời cũng có cái giá của nó (giống như mọi thứ trong đời)

Dù kiểu quan hệ này mang lại rất nhiều tự do, nhưng nó cũng thường thiếu đi sự hỗ trợ ổn định. Bạn không có một người thực sự ở bên khi cuộc sống trở nên khó khăn. Sự mập mờ kéo dài ấy có thể gieo vào lòng bạn nỗi nghi ngờ, nỗi buồn, hay cả sự bất an. Bởi vì, suy cho cùng, bạn không thể trông chờ gì ở một mối quan hệ không có ràng buộc rõ ràng.

Sẽ đến lúc một trong hai người muốn nhiều hơn, còn người kia thì không. Và khi ấy, mâu thuẫn và lo âu sẽ bắt đầu. Mối quan hệ lưng chừng vốn dĩ tồn tại nhờ sự dậm chân tại chỗ. Miễn là cả hai vẫn thấy ổn với điều đó, thì nó có thể tiếp diễn. Nhưng chỉ cần một bên không còn thấy ổn, tất cả sẽ sụp đổ.

Những dấu hiệu cần cảnh báo 

Nếu kiểu quan hệ này đang đáp ứng được nhu cầu của bạn, thì không có gì sai khi bạn chọn ở lại.

Nhưng cũng có những dấu hiệu đỏ mà bạn cần lưu tâm: nếu người kia không thực sự quan tâm đến bạn hay cuộc sống của bạn, nếu bạn là người duy nhất cố gắng níu giữ sự kết nối, nếu những điều bạn cần chẳng được đáp lại thì bạn nên tự thương lấy mình mà bước đi.

Đừng để nỗi sợ cô đơn khiến bạn chấp nhận những điều ít hơn những gì bạn xứng đáng có được.
Đừng để viễn cảnh bạn nghĩ mối quan hệ này sẽ trở thành giữ bạn lại.

Nghiên cứu cho thấy, lý do khiến nhiều người cứ ở lại trong những mối quan hệ không rõ ràng chính là vì họ đã “đầu tư cho tương lai” nghĩa là họ không nắm giữ thực tại, mà chỉ níu lấy giấc mơ về những gì họ hy vọng một ngày nào đó sẽ thành hiện thực.

Chính giấc mơ đó mới là điều khiến chia tay một mối quan hệ lưng chừng trở nên đau đớn nhất. Bạn không chỉ buồn vì chuyện tình ấy chấm dứt, mà còn vì điều bạn từng tin nó có thể trở thành.

Làm sao để buông bỏ một mối quan hệ lưng chừng?

Một mối quan hệ thực sự cần sự chân thành và dũng cảm. Cần bạn nói rõ điều mình mong muốn, cần bạn thành thật về cảm xúc của mình. Mà điều đó, đôi khi thật đáng sợ.

Nếu bạn muốn một mối quan hệ rõ ràng, cam kết, nhưng lại không cảm thấy đủ thoải mái để ngồi xuống và trò chuyện thẳng thắn với người kia, thì đó là dấu hiệu rõ ràng rằng đây không phải là mối quan hệ có thể tiến xa hơn.

Nếu bạn không muốn rơi vào những mối quan hệ lưng chừng nữa, hãy thành thật ngay từ đầu về điều bạn tìm kiếm. Nếu bạn lo rằng điều đó sẽ khiến đối phương cho rằng bạn “bám dính” hay “đòi hỏi quá nhiều,” thì có lẽ người đó không phải là người dành cho bạn. Trong một mối quan hệ lành mạnh, bạn có quyền nói ra nhu cầu của mình.

Khi bắt đầu một mối quan hệ mới, hãy quan sát: người ấy có thực sự nỗ lực vì bạn không? Họ có làm như họ nói không? Nếu bạn bắt đầu cảm thấy lo lắng mơ hồ, cảm thấy không thể thẳng thắn nói về điều bạn cần thì hãy bước đi.

Dẫu rằng, bước đi có thể đau như cắt lòng, nhưng vẫn nên đi. Nếu bạn cứ mãi chờ đợi, hy vọng, và tự hỏi mình là gì trong lòng một người chẳng bao giờ thật sự hiện diện thì hãy tự mình đặt dấu chấm hết.

Hãy cho phép bản thân buồn vì điều bạn từng mơ ước. Hãy cho mình thời gian để lành lại. Và rồi, khi thực sự sẵn sàng, hãy chọn sự bình yên, sự rõ ràng, và một sự gắn kết khiến bạn thấy an toàn khi là chính mình và nói ra những điều bạn thật sự cần. Bởi vì một mối quan hệ đúng nghĩa sẽ không bao giờ để bạn phải sống trong những câu hỏi bỏ lửng.

Tài liệu tham khảo:

Armstrong, E. A., Hamilton, L. T., Garrison, S. A., Giles, K. N., Hoffman, C. M., & Perone, A. K. (2024). “It’s Complicated”: How Black and White Women Innovate with Situationships at Midlife. Social Problems, spae021.

Bakshi, A., & Ansari, S. A. (2022). The key role of vulnerability in developing authentic connections in romantic relationships. Kıbrıs Türk Psikiyatri ve Psikoloji Dergisi, 4(1), 103-109.

George, A. S. (2024). Escaping the Situationship: Understanding and Addressing Modern Relationship Ambiguity Among Young Adults. Partners Universal International Innovation Journal, 2(3), 35-56.

Gibson, T. J. (2020). If you want the milk, buy the cow: A study of young black women's experiences in situationships.

Goodfriend, W., & Agnew, C. R. (2008). Sunken costs and desired plans: Examining different types of investments in close relationships. Personality and social psychology Bulletin, 34(12), 1639-1652.

Langlais, M. R., Podberesky, A., Toohey, L., & Lee, C. T. (2024). Defining and describing situationships: An exploratory investigation. Sexuality & Culture, 28(4), 1831-1857.

Spielmann, S. S., MacDonald, G., Maxwell, J. A., Joel, S., Peragine, D., Muise, A., & Impett, E. A. (2013). Settling for less out of fear of being single. Journal of personality and social psychology, 105(6), 1049.

Nguồn: Why Some People Stay Trapped in Situationships | Psychology Today

menu
menu