Vì sao con người trở thành con nghiện?
Nghiện ngập có thể được xem là sự suy thoái khả năng lựa chọn.
Tác giả: Shahram Heshmat Ph.D | Nguồn: Psychology Today |Người dịch: Tram Hoang
*Chú thích*
(chữ in nghiêng): phần thêm vào của người dịch nhằm diễn giải nội dung.
Quá trình nghiên cứu các chứng nghiện ngập gặp phải thách thức lớn: làm thế nào và tại sao ‘con nghiện’ không mảy may đến hậu quả trong tương lai của hành vi sử dụng ‘chất gây nghiện’. Khi lựa chọn sự thỏa mãn tức thời, những con nghiện này chẳng bận tâm kết cục về sau. Khó khăn hơn nữa là phải hiểu tại sao lựa chọn này lại được tiếp tục dù hậu quả ghê gớm của nó đã và đang xảy ra. Nắm được động cơ thúc đẩy những lựa chọn sai lầm này chính là phần quan trọng trong việc phòng ngừa và điều trị.
Để tìm hiểu cơ chế gây nghiện, hãy cân nhắc quá trình của Mô Hình Kép Hình-thành-quyết-định (dual decision-making model – Kahneman, 2011). Mô hình này đã chỉ ra rằng một lựa chọn nào đó luôn phải ánh sự tương tác giữa hai hệ thống quyết định khác biệt & xung đột với nhau.
- Hệ thống Linh Hoạt (hệ thống cân nhắc – điều chỉnh theo mục tiêu)
- Hệ thống Bất Linh Hoạt (xảy ra tự động – do dựa vào thói quen đã có).
Nói đơn giản hơn, hai hệ thống này chính là Ý Thức và Vô Thức.
Sự cân đối giữa hai việc: quyết định nhanh hay đúng – là khía cạnh quan trọng không cần bàn cãi. Hệ thống Linh Hoạt (biết phân tích) thường đòi hỏi ý thức và diễn ra chậm rãi. Trong khi đó, hệ thống Bất Linh Hoạt thì ngược lại, diễn ra tự phát (trong vô thức) và không mất thời gian. Một số quyết định chuộng thỏa mãn tức thời (nhanh gọn) do chúng liên kết với Hệ thống Bất Linh Hoạt. Còn những quyết định ưu tiên kết quả dài hạn (đúng đắn) thường đi đôi với Hệ thống Linh Hoạt.
Để ra được quyết định hợp lý, hai hệ thống này sẽ phải hỗ trợ tốt cho nhau để giúp ‘thân chủ’ đạt được mục tiêu của mình. Hệ thống Ý Thức đôi khi cần phải ‘trên cơ’ hệ thống Vô Thức để kìm nén chứng ‘ngựa quen đường cũ’.
Nếu ví Vô Thức là con ngựa: bị chi phối bởi bản năng và đi theo lối mòn; Ý Thức sẽ là một kỵ sĩ phải thuần hóa ngựa của mình. Cái khó là nhận thức được thời điểm Ngựa và Người giằng co, chẳng hạn như “Tôi muốn chạy bộ tối nay để đạt mục tiêu sức khỏe, nhưng nằm nhà đọc sách cũng tốt, lại đỡ mất công hơn nhiều” (đây thường là giằng co nội tâm của người dịch, ).
Dựa vào mô hình kép ở trên, nghiện ngập xảy ra do mất cân bằng giữa 2 hệ thống, khi tư duy nghiêng về Vô thức quá nhiều. Cơn nghiện sẽ trỗi dậy ngay lúc Vô Thức thắng Ý Thức trong việc kiểm soát hành vi. Mức độ kiềm chế Vô Thức chính là yếu tố quyết định mức độ kiểm soát của thân chủ với cơn nghiện.
‘Tư duy khỏe mạnh’ chính là tư duy có 2 hệ thống Vô – Ý Thức cân bằng và tương hợp. Con nghiện đơn giản là những cá nhân thiếu ‘tư duy khỏe mạnh’.
Sự mất cân đối này lại bị kích hoạt khi thân chủ tái nạp chất gây nghiện vào người, từ đó nhạy cảm và thèm thuồng được thỏa mãn hơn trước. Đơn cử như việc sử dụng cần sa vào giai đoạn đầu ở tuổi trưởng thành có liên quan tới nguy cơ phát triển bệnh tâm thần (tâm thần là một chứng bệnh mà Ý Thức của bệnh nhân dần bị áp đảo). Người nghiện như bị dính vào cơ chế Vô Thức; họ quá coi trọng sự thỏa mãn mà lơ là hậu quả lâu dài.
Ở những người từ sử dụng sang nghiện ma tuý, việc sử dụng ma túy trở thành hành vi chế ngự (người nghiện lên cơn – cảm thấy ham muốn đang chế ngự bản thân, dù không có thế lực hữu hình nào thúc giục), điều này cho thấy Ý thức của họ bị mất vị thế trầm trọng. Cơn nghiện thậm chí lệ thuộc các tín hiệu bên ngòai, tức là dễ bị kích hoạt bởi các tình huống, địa điểm hoặc những người liên quan đến chứng nghiện (hút thuốc, rượu chè …). Không những bị kích hoạt một lần, cơn nghiện cũng tái diễn khi thân chủ phát hiện các tín hiệu này sau đó (ví dụ: mỗi khi nhìn người khác uống rượu). Sự gần gũi với các tín hiệu sẽ gây ham muốn tìm kiếm và thu nạp chất gây nghiện, chẳng khác gì một mẩu bánh phát tín hiệu trước mặt người đang ăn kiêng.
Cái giá của nghiện ngập lấy đi niềm vui khi ở bên bạn bè hoặc gia đình. Nó có thể mạnh mẽ đến nỗi không động cơ nào khác có thể cạnh tranh trong cuộc sống. Do đó, thách thức tiếp theo đối với những người nghiện là họ phải xây dựng một cuộc đời xoay quanh những gì có ý nghĩa, hơn là tự đào mồ chôn thân.
Tóm lại, nghiện ngập xảy ra khi hệ thống Vô Thức đánh bại Ý Thức về mặt kiểm soát hành vi. Cả 2 hệ thống đều quan trọng ngang nhau để tạo nên quyết định, và đa số những quyết định đúng đắn đều dựa trên sự hòa hợp tương tác giữa 2 hệ thống này.
Từ đó suy ra, việc cai nghiện đòi hỏi sự cân bằng trở lại giữa bốc đồng và tự chủ. Dần dà cần có một sợi dây liên kết để Ý Thức quản lý Vô Thức và điều chỉnh các hành vi nghiện ngập. Ví dụ, cai rượu không đơn giản là ngưng uống rượu, trước hết người cai cần dùng ý thức để xác định được động cơ nào đã đẩy họ vào con đường nghiện ngập. Ví dụ: rượu là rào chắn cho thân chủ trước những tổn thương, khiến họ nghĩ rằng họ không có vấn đề gì. Chứng nghiện ăn cũng vậy, người ta xem ăn uống như một cách để giải quyết sợ hãi, nghi ngờ.
Để cai nghiện hiệu quả, người nghiện cần dùng Ý Thức để nhận diện những động cơ thúc đẩy trong Vô Thức. Sau đó giao chúng cho Ý Thức kiểm soát và kết thúc cuộc giằng co (cụ thể là chấm dứt ngụy biện). Nếu 2 hệ thống này không đồng hành hiệu quả với nhau như trên, ta sẽ không bao giờ là một cá thể hợp nhất và trọn vẹn. Thực tế mà nói, mục tiêu của trị liệu cai nghiện là kết nối những ký ức từ các vùng ngôn ngữ khác nhau của não bộ và tích hợp chúng với nhau (để tìm ra nguồn gốc của động cơ Vô Thức). Một khi cốt lõi của những ham muốn vô thức đã sáng tỏ, ta sẽ cảm được sự tự do trong suy nghĩ thay vì xem mình là nạn nhân và bất lực với bản thân.
Tài liệu tham khảo
Chadwick B, Miller ML, Hurd YL. Cannabis use during adolescent development: susceptibility to psychiatric illness. Front Psychiatry. 2013;4:129.
Heyman G.M. Addiction: A disorder of choice. Cambridge, MA: Harvard University Press; 2009.
Kahneman Daniel (2011) Thinking, Fast and Slow, New York: Farrar, Straus and Giroux
Rangel, C. Camerer, and R. Montague, A framework for studying the neurobiology of value-based decision-making, Nature Reviews Neuroscience, 2008, 9, 545-556
Panksepp J, Biven L, 2012. The Archaeology of Mind: Neuroevolutionary Origins of Human Emotions. New York: W.W. Norton
Volkow, N.D., Baler, R.D. (2014), Addiction science: Uncovering neurobiological complexity, Neuropharmacology,76, 235-249