Vì sao sự phô trương là triệu chứng của tự hận
Nếu muốn hiểu về sự tự hận, ta nên dành chút thời gian để quan sát những con người dường như luôn hài lòng một cách kỳ diệu với mọi thứ thuộc về họ.
Nếu muốn hiểu về sự tự hận, ta nên dành chút thời gian để quan sát những con người dường như luôn hài lòng một cách kỳ diệu với mọi thứ thuộc về họ. Họ toát ra sự mãn nguyện, kiêu hãnh – mặc dù đôi khi rất khó để tìm ra căn cứ nào cho sự tự tin thái quá ấy. Họ thống trị các cuộc trò chuyện, sải bước đầy kiêu hãnh, và luôn khiến mọi người biết rằng họ vừa đặt chân đến. Họ không giỏi lắng nghe – vì câu chuyện hay rắc rối của bạn đương nhiên chẳng thể quan trọng bằng những điều vĩ đại và thú vị về cuộc đời họ.
Nếu bị thiếu tôn trọng dù chỉ một chút (chẳng hạn trong nhà hàng hay cửa tiệm), họ sẽ lập tức sửa sai: nổi giận đùng đùng tại quầy làm thủ tục hạng thương gia hay chất vấn người bồi bàn tội nghiệp – người chẳng may mang nhầm loại mù tạt – rằng liệu anh ta có biết mình đang đối mặt với ai không. Những người tính khí hiền lành chỉ có thể nhìn họ với một chút ghen tị, chút ngưỡng mộ pha lẫn kinh hoàng – và tự hỏi làm thế nào mà những nhân vật này lại có được niềm tin bất diệt vào bản thân đến vậy.
Nhưng câu trả lời không giống như ta vẫn tưởng. Dù sự tự hận thường là nguyên nhân của sự thiếu tự tin, thì hóa ra nó lại là yếu tố cốt lõi đằng sau kiểu hành vi mà ta gọi là phô trương. Phải ghét bỏ chính mình đến một mức độ phi thường mới khiến người ta ép buộc tất cả mọi người phải lắng nghe mình, không cho phép bất kỳ ai bất đồng, và luôn đòi hỏi mình là trung tâm của mọi căn phòng. Sự tự tôn phóng đại không phải là kết quả của tình yêu bản thân vô hạn, mà là bông hoa độc nở lên từ một tâm trí run rẩy, đầy nghi ngờ.
Photo by Austin Distel on Unsplash
Trong tuổi thơ của những người hay phô trương, ta thường tìm thấy một sự hỗn độn cảm xúc: họ lớn lên trong một môi trường mà cha mẹ vừa nâng họ lên tận mây xanh, lại vừa bất ổn, xao nhãng. Bố mẹ có thể từng nói rằng họ là những đứa trẻ xuất chúng, được định sẵn để đạt đến vinh quang – nhưng lại không làm gì để giải thích vì sao hay hướng dẫn cách để đạt được điều đó. Cha mẹ có thể rời bỏ gia đình, chìm đắm trong trầm cảm, hoặc mải quan tâm đến người khác. Thông điệp bề ngoài là họ là những thiên tài – nhưng nếu vậy, vì sao cha mẹ chẳng bao giờ thực sự lắng nghe họ, cảm thông với thực tại của họ, hay kiên nhẫn với những khủng hoảng tuổi thơ?
Đứa trẻ ấy lớn lên trong một vai diễn hào nhoáng mà chính bản thân nó không hiểu nổi vì sao mình được trao vai ấy, hay làm thế nào để sống đúng với kỳ vọng. Đến khi trưởng thành, họ phải khẳng định sự đặc biệt của mình bằng sự quyết liệt bởi bên trong, họ đang đối mặt với một nỗi sợ hãi khủng khiếp: rằng có thể họ chỉ là những con người bình thường. Rằng họ từng bị bỏ rơi, không được yêu thương khi còn nhỏ. Rằng họ từng được tâng bốc lên cao nhưng thực chất là cô đơn và không được quan tâm.
Một mối quan hệ lành mạnh với chính mình đòi hỏi ta chấp nhận những sự thật thách thức: rằng đôi khi mình đã nói sai, rằng mình không giỏi như mình hy vọng, rằng mình vẫn còn rất nhiều điều cần học hỏi. Với tình yêu bản thân đủ lớn, ta có thể đón nhận những cú sốc này mà không sụp đổ. Ta có đủ sự ấm áp bên trong để chịu đựng những cơn gió lạnh của sự nghi ngờ. Ta hài lòng với chính mình đến mức không cần lúc nào cũng phải đúng; ta đủ thoải mái với bản thân để không phải luôn nhấn mạnh sự đặc biệt của mình.
Nhưng những người phô trương lại không có được sự xa xỉ đó. Chỉ cách lớp vỏ tự tin hào nhoáng của họ một chút thôi là một vùng đất hoang tàn, trống rỗng, đau đớn đến tận cùng. Không ai từng đủ tử tế để cho phép họ thất bại mà vẫn được yêu thương, cho phép họ nói hay làm những điều ngốc nghếch mà vẫn được trân trọng. Thế nên không có gì ngạc nhiên khi họ phải nói thật to và không thể mạo hiểm với dù chỉ một khoảnh khắc bị hạ nhục.
Để chấp nhận rằng mình có thể là một kẻ ngốc, rằng hầu hết mọi người chẳng nghĩ nhiều về mình, và rằng khi mình chết đi, vũ trụ sẽ chẳng mảy may xao động, cần một tình yêu bản thân rất lớn. Đó là một đặc ân tâm lý khổng lồ khi biết cách sống một cuộc đời bình thường.
Điều đáng buồn ở những người phô trương là căn bệnh của họ khiến người khác không muốn bước tới để trao cho họ sự tử tế mà họ cần. Bề ngoài, những con người tự tin quá mức có vẻ như chẳng cần được an ủi. Cần một trí tưởng tượng tinh tế mới đoán ra được rằng, đằng sau tiếng la hét của người khách hàng đỏ gay giận dữ, là một đứa trẻ sợ hãi, đang tuyệt vọng tránh đối mặt thêm một lời nhắc nhở nữa rằng bản thân mình chẳng mấy quan trọng.
Ta cần sự trưởng thành đạo đức rất cao để nhìn thấy nỗi đau và sự thiếu thốn ẩn sau lớp vỏ phô trương ấy. Những người bệnh nặng nhất không phải lúc nào cũng là những bệnh nhân dễ mến nhất; sự giúp đỡ là điều họ khao khát nhất, nhưng cũng chính họ lại khiến người khác không muốn trao đi.
Chúng ta nên – khi có thể – bỏ qua lớp vỏ bên ngoài của những người phô trương. Ta nên cư xử như những bậc cha mẹ yêu thương, hiểu rằng cơn giận dữ của con mình bắt nguồn từ nỗi sợ hãi, chứ không phải từ sự xấu xa. Những câu nói như “con ghét mẹ” thực ra chỉ là lời cầu cứu ngụy trang: lời van xin hãy giải thoát con khỏi nỗi đau vì cần mẹ quá nhiều.
Chỉ khi nào ta có thể giữ mãi trong lòng hình ảnh đứa trẻ giận dữ, lạc lối, bị bỏ rơi và tổn thương ẩn sâu trong những lời lải nhải khó chịu của người trưởng thành tự tin thái quá, khi ấy ta mới thực sự học được cách làm người tử tế.
Nguồn: WHY GRANDIOSITY IS A SYMPTOM OF SELF-HATRED - The School Of Life