Xu hướng tự làm tâm trạng chìm xuống – trở về nỗi buồn và lo âu
Với một số người trong chúng ta, niềm vui và sự phấn khích dường như chẳng bao giờ kéo dài.
Với một số người trong chúng ta, niềm vui và sự phấn khích dường như chẳng bao giờ kéo dài. Cứ mỗi lần bắt đầu thấy tự hào về bản thân hay lạc quan về tương lai, thì không sớm thì muộn, một chuyện gì đó lại xảy ra, như thể phá vỡ hết thảy. Đôi khi, chính chúng ta là người làm điều gì đó khiến tinh thần sụp đổ. Lúc khác, một nỗi lo bất chợt ập đến, hay một sự việc không lường trước khiến ta bất an.
Có khi, ta đọc được điều gì đó trên mạng khiến mình thấy khó chịu hay hoang mang. Có khi chỉ cần lướt qua gương, ta đã thấy ghét bỏ chính mình. Hoặc đột nhiên, một kỷ niệm vụn vặt từ tận bảy năm rưỡi trước ùa về – thứ mà ta lo rằng đã bị người khác hiểu sai – rồi ta lại hoảng hốt. Thậm chí, vì một xung động kỳ quặc không thể lý giải hay cưỡng lại, ta làm điều gì trái ngược với giá trị của mình, để rồi ngập chìm trong cảm giác tội lỗi và xấu hổ. Và như thế, niềm vui vừa lóe lên vài giờ hay vài ngày trước đã nhanh chóng nhường chỗ cho nỗi sợ hãi, lo âu, thất vọng quen thuộc.
(Ảnh: Steven HWG – Unsplash)
Tựa như chúng ta đang sống theo một “luật ngầm” nào đó mà không hề nhận ra: Không được quá phấn khởi. Không được sống hết mình. Không được hạnh phúc. Không được tin vào chính mình. Phải lo lắng thật nhiều.
Nhưng cái mệnh lệnh kỳ quặc và buồn bã này từ đâu mà ra? Có lẽ, nó bắt nguồn từ một tuổi thơ lớn lên trong môi trường mà sự vui vẻ hay tỏa sáng của ta bị coi là điều không hoan nghênh, thậm chí là đáng giận. Có thể, mỗi lần ta vô tư hạnh phúc, ta đã vô tình khiến một người thân (một phụ huynh chẳng hạn) thấy tủi hổ hoặc phẫn nộ. Người đó có thể đang vật lộn với cảm giác thất bại, buông xuôi, và họ không chịu nổi việc thấy con mình được sống hạnh phúc hơn họ.
Vậy là, chúng ta lớn lên với niềm tin ngầm rằng: tâm trạng u buồn là thứ mang lại an toàn. Buồn bã thì không ai tấn công ta. Buồn bã thì chẳng ai ghen tị. Nỗi buồn giữ ta tránh xa rắc rối.
Vì thế, mỗi khi hạnh phúc dường như đang đến gần, một phần trong ta lại muốn kéo bản thân trở về mặt đất càng sớm càng tốt. Chúng ta có thể tìm đến những trang web “yêu thích” để xác nhận rằng mình thực sự không hấp dẫn, lập dị hay đang gặp nguy hiểm. Chúng ta khơi mào tranh cãi, chọc tức người khác hoặc tự chuốc lấy những lời xúc phạm. Nói cách khác, chúng ta có cả một kho “bí kíp” để tự gạt nụ cười khỏi khuôn mặt mình.
Nếu những điều trên nghe quen thuộc, hãy tự hỏi: trong những năm tháng đầu đời, đã từng có lý do gì khiến niềm hạnh phúc hay sự tự tin của ta bị xem như một “tội lỗi”? Ai đã từng thấy tổn thương khi ta hạnh phúc? Liệu có mâu thuẫn nào giữa sự tỏa sáng của ta và cảm giác an yên của ai đó?
Rồi hãy nhẹ nhàng trấn an đứa trẻ bên trong mình rằng: người từng đòi hỏi ta phải buồn bã để đổi lấy sự chở che của họ nay đã không còn quyền kiểm soát ta nữa. Chúng ta không cần xin lỗi vì bản thân xinh đẹp, thông minh, tài năng hay xứng đáng có được sự ổn định, bình yên và niềm vui. Dù từng tin điều gì đi nữa, ta vẫn có quyền sống mà không phải mãi chìm trong nỗi buồn và sợ hãi.
Nguồn: THE IMPULSE TO SINK OUR OWN MOOD – AND RETURN TO SADNESS AND WORRY