Luck – May mắn

luck-may-man

Một cái nhìn thực tế về vai trò của may rủi nên khiến cho chúng ta sẵn lòng hơn trong việc chấp nhận rằng sự tình cờ đóng một vai trò rất lớn trong cuộc sống của mình.

Vào tháng 3 năm 2014, Tan Bee Jeok, một tiếp viên hàng không của hãng Malaysia Airlines, đã đổi ca với đồng nghiệp của mình. Các tổ bay vẫn thường làm vậy, nhưng lần này, điều đó có nghĩa là cô ấy không làm việc trên chuyến bay MH370, chiếc máy bay sau đó đã biến mất trên Biển Đông, không bao giờ được tìm thấy. Bốn tháng sau, một cuộc đổi ca đã đưa Sanjid Singh – người chồng và cũng là đồng nghiệp của cô – lên chuyến bay MH17, chiếc máy bay bị phe li khai do Nga hậu thuẫn bắn hạ ở miền đông Ukraine, khiến mọi người trên máy bay thiệt mạng.

Bản thân mỗi sự kiện ấy đều là một ví dụ đáng chú ý về may rủi, tốt và xấu tương ứng. Tuy nhiên, khi mà cả hai sự kiện như thế cùng xảy trong một gia đình thì đây quả là một sự trùng hợp kỳ lạ, một điều mà nhiều người sẽ cảm thấy quá đỗi khác thường để có thể coi là trùng hợp ngẫu nhiên.

Những may rủi tột độ như vậy quả thực rất hiếm. Nhưng chúng ta đều đã từng trải qua cả hai kiểu may rủi ấy, và biến số xấu mới là điều khó có thể chấp nhận. Chúng ta đã cố gắng hết sức, ấy vậy mà vẫn chẳng có được cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp hay tìm được người bạn đời mà ta hằng ao ước. Ta tình cờ ở sai chỗ vào sai thời điểm và mắc phải căn bệnh quái ác, hoặc rơi vào một vụ tai nạn làm biến đổi cuộc đời mình. Ta cứ nghĩ rằng mình đã tìm được ngôi nhà như ý, chỉ cho đến khi lũ hàng xóm quỷ tha ma bắt chuyển đến sống ngay bên cạnh.

Tuy nhiên, nhiều người thường chống lại cái ý tưởng các sự kiện xảy ra đơn thuần là do ngẫu nhiên. Họ thấy thoải mái hơn khi nghĩ rằng mọi việc xảy ra bởi một nguyên do nào đó và rằng may rủi là thứ được kiến tạo, có lẽ là bởi chính chúng ta.

Con người đã nghĩ ra nhiều cách khác nhau để lý giải những sự việc thất thường đầy khó chịu đó. Trên Tiểu lục địa Ấn Độ, trong nhiều thiên niên kỷ qua, hầu hết các hệ thống triết học đã chấp nhận quan niệm về nghiệp, vốn ban đầu chỉ đơn giản là nguyên tắc: các hành động đều có hệ quả. Vào thời sơ kì của tín ngưỡng Bà La Môn, nó chủ yếu đề cập đến nhu cầu thực hiện đúng các nghi lễ để những người theo tín ngưỡng này có thể đạt được kết quả mà mình mong muốn. Qua thời gian, nó phát triển thành quan niệm rằng các hành động có hệ quả đối với tác nhân: những hành động tốt sẽ được đền đáp bằng kết quả tốt, hành động xấu cho kết quả xấu. Trong đạo Phật, điều này được mở rộng để bao hàm cả những suy nghĩ tốt và xấu cùng với hành động. Bên ngoài Ấn Độ, nhiều nơi cũng tin vào điều này ở một phiên bản ít hình thức hơn, mà thường được thể hiện trong câu nói ‘gậy ông đập lưng ông.’

Khi người tin vào nghiệp báo mô tả một ai đó như là ‘may mắn’, họ có ý rằng người đó ‘có phúc’ và rằng sự may mắn của người đó là hệ quả của những hành động trong kiếp trước thay vì là những nỗ lực ở kiếp này. Điều này giữ lại ý tưởng sự may rủi ở hiện tại nằm ngoài tầm kiểm soát của ta, trong khi cùng lúc đó lại khẳng định vận may hay vận rủi là điều chúng ta có thể cầu mà được.

Một cách để đối mặt với thực tế ‘điều tồi tệ xảy ra’ là lập luận rằng sự hưng thịnh không đòi hỏi vận may. Một trong những ví dụ đầu tiên về điều này trong truyền thống phương Tây chính là Plato, người đã biện luận trong hai cuộc đối thoại riêng biệt rằng ‘điều xấu không thể xảy ra với người tốt’ và ‘người thông tuệ không cần tới may mắn.’ Ý tưởng của ông ở đây là một người có đức hạnh hoàn hảo không hề đặt giá trị vào những thứ chịu tác động của vận may, chẳng hạn như sức khỏe thể chất hay của cải vật chất, mà chỉ tìm kiếm sự thông tuệ, một thứ không hề chịu tác động trước những khó khăn gian khổ mà may rủi mang lại.

Vào thế kỷ thứ sáu, một quan điểm tương tự cũng được tìm thấy ở Boethius[1]. Sống vào thời kỳ Đế chế La Mã sụp đổ, ông dành phần lớn đời mình cho công việc học thuật. Tuy nhiên, sau khi dấn thân vào chính trường, ông bị thất sủng, bị tống vào ngục giam và cuối cùng bị xử tử. Chính trong tù là nơi ông đã chắp bút nên kiệt tác, The Consolation of Philosophy[2], dưới dạng đối thoại với nữ nhân cách hóa của triết học.

Trong tác phẩm, Boethius thể hiện mình là một kẻ khốn khổ, ca thán rằng thật bất công làm sao khi ông bị nữ thần Vận may ruồng bỏ, dù đã sống chính trực cả một đời. Ông phiền muộn một phần bởi ký ức về sự huy hoàng trong quá khứ của mình. Nàng Triết học[3] nhắc nhở ông rằng bản chất của Vận may là hay thay đổi. Boethius, nàng nói, đang trả giá cho những kỳ vọng sai lầm của mình: ‘ôi con người ngu ngốc, nếu như Vận may là bất biến, thì nàng ấy đâu còn là Vận may nữa.’   

Nàng Triết học hình dung nữ thần Vận may đang tự biện hộ cho mình và nói, ‘Ta điều khiển bánh xe của mình một cách công bằng; ta vui sướng biến điểm thấp nhất thành đỉnh cao, điểm cao nhất thành vực sâu. Hãy cứ vươn lên đỉnh cao nếu như ngươi mong muốn, nhưng với một điều kiện, rằng ngươi sẽ không cho là bất công khi xuống dốc bởi vì luật chơi của ta là vậy.’

Do đó, điểm đầu tiên là, có những thứ – chẳng hạn như sự giàu có, danh dự, quyền lực, tiếng tăm – xét cho cùng là món quà của nữ thần Vận may. Kẻ thông tuệ biết rằng chúng có thể bị tước đi vào bất kỳ lúc nào, vì thế họ coi chúng là một sự vay mượn thay vì là thứ mà mình toàn quyền sở hữu. Nhưng một điểm còn quan trọng hơn thế mà Nàng Triết học chỉ ra là Boethius không hề bị tước đoạt bất kỳ điều giá trị nào, bởi vì thứ thật sự có giá trị thì không thể bị tước đoạt: ‘Nếu … ngươi làm chủ được chính mình, ngươi sẽ làm chủ được những thứ mà ngươi không bao giờ muốn đánh mất, và là thứ mà nữ thần Vận may không bao giờ có thể lấy đi từ ngươi.’

Điều này phản ánh mạnh mẽ quan điểm của Chủ nghĩa Khắc kỷ, rằng đức hạnh là điều tốt đẹp duy nhất và vô đạo đức là sự xấu xa duy nhất. Tất cả những điều có vẻ như tốt đẹp khác mà rất nhiều người trong chúng ta thường khao khát là điều mà biệt ngữ Khắc kỷ gọi là ‘không đáng bận tâm.’ Chúng không chỉ bao gồm danh tiếng và sự giàu có, mà còn là cả những thứ như mối quan hệ, sức khỏe và thậm chí bản thân cuộc sống. Những điều không đáng bận tâm này được cho là có giá trị hạn chế: hãy cứ tận hưởng chúng khi chúng đến với ta, nhưng ta không nên thỏa hiệp những giá trị khác để có được chúng hoặc quá mức buồn bã nếu mất đi chúng.

Đây là một ý tưởng cao quý, nhưng nó quá mức tinh tế đối với hầu hết mọi người. Như Aristotle từng viết, ‘những ai khăng khăng rằng, chỉ cần một người có đức hạnh thì anh ta sẽ vẫn hạnh phúc dù có lâm vào cảnh khốn khó hay bị bủa vây bởi tai họa khủng khiếp, đều đang nói những điều vô nghĩa.’

Trong hầu hết các cuộc thảo luận về may rủi, người ta tập trung vào điều mà Thomas Nagel gọi là ‘may mắn do hoàn cảnh[4]’, đề cập đến việc ta thấy mình ở trong những hoàn cảnh tốt hay xấu trong cuộc sống – sống trong thời hòa bình hoặc chiến tranh, hay có cơ hội để được hưởng một nền giáo dục tốt. Tuy nhiên, Nagel cũng hướng sự chú ý đến ‘may mắn cấu thành[5]’, điều liên quan tới kiểu người chúng ta là, với những khuynh hướng và tính khí cụ thể, mà là sự kết hợp của bản tính tự nhiên và môi trường dưỡng dục.

Khi bạn nghĩ về việc cuộc sống phụ thuộc như thế nào vào may mắn do hoàn cảnh và may mắn cấu thành, có một khả năng đáng lo ngại là ngay cả đạo đức cũng trở thành một vấn đề của sự may rủi. Việc bạn có thể hành động có đạo đức hay không sẽ phụ thuộc vào những điều như là khí chất của bạn, bất kể quá trình trưởng thành của bạn có nuôi dưỡng năng lực hành vi xã hội hay không và hoàn cảnh mà bạn nhận thấy mình rơi vào ra sao.

 

Một người trở thành lính gác của một trại tập trung ở Đế chế thứ ba[6] có thể về cơ bản không tốt hay xấu hơn một người lớn lên trong một xã hội hòa bình và không bao giờ phải chịu thử thách. Nhiều người trong chúng ta đều đã từng lái xe trong tình trạng mệt mỏi hoặc kích động, nhưng chỉ những người gây ra tai nạn mới bị đánh giá là đã hành xử tồi tệ.

Một cái nhìn thực tế về vai trò của may rủi nên khiến cho chúng ta sẵn lòng hơn trong việc chấp nhận rằng sự tình cờ đóng một vai trò rất lớn trong cuộc sống của mình. Từ đó, nó sẽ khiến cho chúng ta trở nên từ bi hơn đối với bản thân và những người khác, khi ta nhận ra sự khác biệt giữa một người làm điều sai trái với người không làm vậy có thể chỉ là do may mắn.

Nếu như ta muốn tìm kiếm sự an ủi từ may mắn, vậy thì hãy ngẫm rằng thậm chí sự tồn tại của thế giới này cũng chính là một sự diệu kỳ, và rằng chúng ta được sinh ra ở đó. Là bởi may mắn mà chúng ta mới có thể có mặt ở đây để lắng nghe tiếng chim hót, để cảm thấy ánh nắng mặt trời ấm áp, để nhâm nhi ly rượu trong tay. Bù lại, hầu như, nếu không muốn nói là tất cả, những điều không may của ta là cái giá phải trả xứng đáng.

Đọc thêm:

Boethius, The Consolation of Philosophy (c. 523)

Thomas Nagel, ‘Moral Luck’ in Mortal Questions (Cambridge University Press, 2012)

[1] Anicius Manlius Severinus Boëthius, thường được gọi là Boethius (477-524) là một nguyên lão, quan chấp chính, và triết gia La Mã hậu kỳ. Sinh ra trong thời nhiễu nhương khi Italia rơi vào sự cai trị của Vương quốc Ostrogoth, ông bước vào chính trường và phục vụ dưới triều vua Theodoricus Cả, người mà sau này tống giam và xử tử ông. Trong chốn lao tù, ông viết kiệt tác De consolatione philosophiae luận về thời vận, sự chết, và các vấn đề khác, sẽ trở thành một trong những tác phẩm triết học quan trọng có nhiều ảnh hưởng nhất thời Trung Cổ.

[2] The Consolation of Philosophy hay De consolatione philosophiae theo tiếng La Tinh được biết đến với tên gọi tiếng Việt: “Sự An Ủi Của Triết Học.”

[3] Nàng Triết học (Lady Philosophy): nhân vật nhân cách hóa của Triết học trong tác phẩm De consolatione philosophiae của Boethius.

[4] May mắn do hoàn cảnh (circumstantial luck) là loại may mắn xảy ra do các yếu tố bên ngoài, không nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta

[5] May mắn cấu thành/ may mắn bẩm sinh/ may mắn chắc chắn (constitutive luck) là loại may mắn ảnh hưởng đến bản chất của một người hoặc một sự vật, và có thể dẫn đến những kết quả lâu dài và quan trọng.

[6] Đế chế thứ ba (t. Anh: Third Reich, t. Đức: Drittes Reich) hay Đệ tam Đế chế là tên gọi khác của Đức Quốc Xã.

 

Người dịch: Hương Đào

menu
menu