Tâm trí của một người ái kỷ vận hành như thế nào

tam-tri-cua-mot-nguoi-ai-ky-van-hanh-nhu-the-nao

Góc nhìn về cách người mang đặc điểm nhân cách ái kỷ nhìn thế giới quanh họ.

NHỮNG ĐIỂM CHÍNH

– Người ái kỷ tự đề cao bản thân quá mức và hạ thấp người khác.
– Chỉ riêng việc họ hiện diện thôi cũng đã đủ khiến những người xung quanh trở thành nạn nhân, và họ sẽ không thay đổi.
– Cách tốt nhất để đối phó với người ái kỷ là giữ khoảng cách.

Ta vẫn thường nghe đến cụm từ “người ái kỷ”, nhưng thật ra, điều đó thực sự có nghĩa là gì? Nó chỉ đơn giản là để nói về một người thích trở thành trung tâm của sự chú ý, hay mê mẩn vẻ ngoài của mình? Hay còn có điều gì sâu xa hơn thế? Trong y văn tâm thần học, người ái kỷ được định nghĩa là những người có những đặc điểm cụ thể, chẳng hạn như cảm giác mình luôn xứng đáng được ưu tiên hoặc luôn cần được người khác ngưỡng mộ quá mức. Nhưng trong đời sống thường nhật, người ái kỷ thật sự là những người như thế nào?

Bất kỳ ai từng sống chung hoặc làm việc dưới trướng một người ái kỷ đều có thể nói với bạn rằng, người ái kỷ luôn nhìn bản thân theo một lăng kính hoàn toàn khác và đầy thiên vị, so với cách họ nhìn người khác, khiến giá trị của những người quanh họ bị hạ thấp đi. Và đây chính là cốt lõi của vấn đề: Mọi thứ đều phải xoay quanh người ái kỷ. Ta không phiền lòng khi một đứa trẻ hai tuổi cần được chú ý liên tục, đó là điều hoàn toàn phù hợp với giai đoạn phát triển của trẻ. Nhưng ta sẽ rất khó chấp nhận khi một người trưởng thành bốn mươi tuổi cũng đòi hỏi mức độ quan tâm như thế, đặc biệt là khi để thỏa mãn điều đó, họ sẵn sàng khiến ta phải trả giá.

Chỉ bằng việc là chính mình, người ái kỷ đã vô tình biến những người xung quanh thành nạn nhân, và họ sẽ không thay đổi. Lời khẳng định ấy nghe có vẻ gay gắt, cho đến khi bạn thật sự lắng nghe những câu chuyện của những người từng bị một kẻ ái kỷ làm tổn thương. Khi ấy, bạn sẽ nhận ra những mối quan hệ với kiểu người này độc hại đến mức nào.

Làm việc cho một người sếp ái kỷ, bạn có thể bị ảnh hưởng đến mức kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần. Sống chung với họ, thậm chí có thể còn tệ hơn. Khi tìm tư liệu cho cuốn sách Những Nhân Cách Nguy Hiểm, tôi đã trò chuyện với rất nhiều người từng là nạn nhân của những cá nhân mang đặc điểm nhân cách ái kỷ. Hết câu chuyện này đến câu chuyện khác, về tuổi thơ bị cướp mất, những cuộc hôn nhân tan vỡ, những mối quan hệ đè nặng như gánh đá, tôi đều nghe thấy một điệp khúc lặp lại: Người ái kỷ luôn tin rằng họ đặc biệt đến mức không ai khác còn quan trọng. Không một ai. Và theo thời gian, những hành vi bắt nguồn từ các đặc điểm bệnh lý ấy sẽ tạo nên một vùng tàn tích rộng lớn toàn những đau thương và đổ vỡ.

Từ chính những người từng là nạn nhân, tôi đã học được những bài học mà không một cuốn sách y học nào có thể dạy được, và đó là những bài học dành cho tất cả chúng ta.

Source: Burlingham/Shutterstock

Người ái kỷ nhìn nhận bản thân như thế nào

  1. Tôi yêu chính mình, và tôi biết bạn cũng vậy. Mọi người đều yêu tôi. Tôi không thể hình dung nổi là lại có ai không như thế.
  2. Tôi không cần xin lỗi. Còn bạn thì phải hiểu, chấp nhận và bao dung tôi, bất kể tôi nói hay làm gì.
  3. Trên đời này hiếm ai sánh được với tôi, mà cho đến giờ tôi vẫn chưa gặp được ai như thế. Tôi là người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình, có thể là quản lý, doanh nhân, người tình, học sinh, v.v.
  4. Hầu hết mọi người đều không đủ tầm. Nếu không có tôi dẫn dắt, họ sẽ chỉ mãi loay hoay, lạc lối.
  5. Tôi biết là có những quy tắc và nghĩa vụ, nhưng chúng chủ yếu dành cho bạn, bởi tôi không có thời gian hay hứng thú để tuân theo. Hơn nữa, quy tắc là để áp dụng cho người bình thường, còn tôi thì vượt xa mức bình thường.
  6. Tôi mong bạn trân trọng tất cả những gì tôi là và mọi điều tôi đã làm cho bạn, bởi tôi tuyệt vời và không có gì đáng trách cả.
  7. Tôi cũng mong chúng ta có thể bình đẳng, nhưng thực tế thì không và sẽ chẳng bao giờ như vậy. Tôi sẽ thường xuyên nhắc bạn (mà không hề cảm thấy áy náy) rằng tôi là người thông minh nhất trong phòng, rằng tôi đã học hành, làm ăn, nuôi con xuất sắc ra sao, và bạn phải biết ơn vì điều đó.
  8. Có thể tôi trông có vẻ kiêu ngạo và trịch thượng, và điều đó chẳng sao cả với tôi; miễn là tôi không bị xem là giống bạn.
  9. Tôi đòi hỏi sự trung thành tuyệt đối từ bạn, bất kể tôi làm gì. Còn bạn thì đừng mong tôi trung thành với bạn theo bất kỳ cách nào.
  10. Tôi sẽ chỉ trích bạn, và bạn phải chấp nhận điều đó. Nhưng nếu bạn dám chỉ trích tôi, nhất là trước mặt người khác, tôi sẽ nổi cơn thịnh nộ. Còn một điều nữa: tôi sẽ không bao giờ quên hay tha thứ, và tôi sẽ trả đũa bằng cách này hay cách khác vì tôi là “kẻ góp nhặt vết thương”.
  11. Tôi mong bạn quan tâm đến những gì tôi đạt được và những điều tôi nói. Còn tôi, hoàn toàn không hề tò mò hay hứng thú với bạn hay thành công của bạn, nên đừng trông mong gì sự quan tâm từ phía tôi. Tôi thật sự không quan tâm.
  12. Tôi không phải kẻ thao túng; tôi chỉ muốn mọi việc được làm theo cách của tôi, cho dù điều đó khiến người khác khó chịu hay tổn thương ra sao. Cảm xúc của người khác không quan trọng với tôi, cảm xúc là dành cho kẻ yếu đuối.
  13. Tôi mong được biết ơn mọi lúc, kể cả vì những điều nhỏ nhặt nhất mà tôi làm. Còn bạn thì phải làm theo những gì tôi yêu cầu.
  14. Tôi chỉ giao du với những người ưu tú nhất, và thú thật là phần lớn bạn bè của bạn chẳng đạt chuẩn.
  15. Nếu bạn chịu làm theo lời tôi, mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

Như bạn có thể tưởng tượng, việc sống chung hoặc làm việc với một người mang lối suy nghĩ và hành xử như thế này thật không dễ dàng chút nào. Trải nghiệm của những người đã từng đi qua tình huống ấy dạy cho chúng ta một điều (và nếu bạn không nhớ được gì khác từ bài viết này, hãy nhớ điều này): người ái kỷ luôn tự đề cao mình và hạ thấp người khác, và điều đó có nghĩa là bạn. Bạn sẽ không bao giờ được đối xử như người ngang hàng, không bao giờ nhận được sự tôn trọng thật lòng, và theo thời gian, bạn sẽ bị xem nhẹ như một điều tất yếu, chỉ để họ có thể tiếp tục tự nâng mình lên cao.

Chịu đựng một người ái kỷ

Việc hiểu rõ các đặc điểm của người mang nhân cách ái kỷ và cách họ nhìn nhận bản thân là rất quan trọng. Nhưng không chỉ vậy, điều cũng không kém phần thiết yếu là phải hiểu được chuyện gì sẽ xảy ra khi ta vướng vào mối liên hệ với họ. Một số người, như trẻ em, người thân cận, hay người lớn tuổi, có thể không có lựa chọn nào khác. Trong những trường hợp đó, trách nhiệm thuộc về bạn bè, người thân, thầy cô, huấn luyện viên, đồng nghiệp, những người có thể hỗ trợ họ hết mức có thể.

Và có những người, vì hoàn cảnh kinh tế, ràng buộc phức tạp hay mối quan hệ hôn nhân chằng chịt, đã chọn ở lại. Với họ, tôi chỉ muốn nói: hãy cẩn thận, bởi bạn sẽ phải trả giá. Tôi nói điều này không chỉ từ kinh nghiệm của bản thân, mà còn từ hàng loạt câu chuyện của những người từng là nạn nhân. Nếu bạn chọn sống hoặc làm việc với một người mang nhân cách ái kỷ, bạn cần sẵn sàng đón nhận những điều sau đây:

  1. Chấp nhận rằng bạn và họ không đứng ngang hàng vì với người ái kỷ, họ không tin là mình có ai ngang hàng cả.
  2. Những cảm giác bất an, hụt hẫng, nghi ngờ, hoặc mâu thuẫn mà bạn đang trải qua là thật và chúng sẽ tiếp tục hiện diện.
  3. Vì người ái kỷ luôn tự đề cao mình, bạn sẽ bị hạ thấp. Hãy chuẩn bị tinh thần bị làm tổn thương lặp đi lặp lại.
  4. Bạn sẽ bị nói năng và đối xử theo cách mà có lẽ trước đây bạn chưa từng tưởng tượng, và rồi bị yêu cầu phải chấp nhận điều đó như một lẽ bình thường.
  5. Nhu cầu, mong muốn và ham muốn của họ luôn phải được đặt lên hàng đầu, cho dù điều đó có bất tiện, phiền toái hay tổn hại đến bạn thế nào đi nữa.
  6. Hãy sẵn sàng cho khoảnh khắc họ quay lưng lại với bạn một cách lạnh lùng, như thể những điều tốt đẹp từng xảy ra chưa từng tồn tại. Khi họ thay đổi thái độ, bạn có thể nghi ngờ chính sự tỉnh táo của mình, nhưng đó lại chính là thực tại bạn đang sống.
  7. Khi người ái kỷ tỏ ra tử tế, họ có thể vô cùng dễ thương; nhưng nếu bạn vẫn thấy bất an, đó là vì sự tử tế ấy chỉ là một màn kịch, không xuất phát từ lòng chân thành. Sự tử tế, với họ, chỉ là công cụ xã hội, giống như cần một cây búa để treo bức tranh vậy.
  8. Bạn sẽ khát khao từng chút tử tế nhỏ nhoi từ họ, bởi nó rất hiếm hoi. Nhưng với người ái kỷ, sự tử tế chỉ là hình thức, một thứ công cụ, không hơn không kém.
  9. Hãy chuẩn bị tinh thần khi người ái kỷ nổi giận, không chỉ đơn thuần là giận dữ, mà là những cơn thịnh nộ dữ dội. Bạn sẽ thấy mình như bị tấn công, và phẩm giá của bạn bị xúc phạm.
  10. Đạo đức, lòng nhân ái và sự tử tế chỉ là những từ ngữ với họ, người ái kỷ học cách sử dụng chúng vì lợi ích cá nhân, không phải vì niềm tin thật sự.
  11. Người ái kỷ nói dối một cách thản nhiên, vì dối trá là công cụ để họ kiểm soát và thao túng người khác. Khi bạn bắt gặp họ nói dối, họ sẽ nói bạn bịa đặt, bạn hiểu sai, hoặc bạn là người có lỗi. Hãy chuẩn bị bị công kích và bị đổ ngược lỗi.
  12. Nếu bạn thấy họ chỉ có thể nói về bản thân, kể cả trong những khoảnh khắc chẳng mấy thích hợp, thì đó không phải tưởng tượng. Người ái kỷ chỉ nói về điều họ quan tâm nhất: chính họ. Đó là bản chất.
  13. Người ái kỷ thường kết giao với những người mà bạn thậm chí không dám nhờ giữ hộ xe, vì họ hấp dẫn những kẻ xem ái kỷ là điều đáng ngưỡng mộ, như kẻ ham quyền lực, kẻ cơ hội, những người bất lương, và cả những “kẻ săn mồi” trong xã hội.
  14. Đừng bao giờ trông chờ người ái kỷ nhận lỗi hay xin lỗi. Họ luôn đổ lỗi ra bên ngoài, chưa bao giờ biết tự soi xét bản thân. Nhưng họ lại rất nhanh trong việc chỉ ra lỗi sai của người khác.
  15. Họ mong bạn tha thứ, quên đi và trên hết là không bao giờ thách thức họ nơi công cộng. Hãy nhớ rằng họ luôn muốn mình thật hoàn hảo trước đám đông. Đừng làm họ bẽ mặt hay phản bác họ, nếu không, bạn sẽ phải trả giá.
  16. Hãy quen dần với việc mất ngủ, lo lắng, bồn chồn, mất kiểm soát, bất an triền miên, thậm chí có thể phát sinh những triệu chứng bệnh do tâm lý. Những bất ổn ấy chính là tiếng nói ngầm trong bạn, đang gào lên rằng bạn cần thoát ra.
  17. Thiếu vắng sự quan tâm và đồng cảm thực sự, người ái kỷ tự gạt bỏ trách nhiệm mang tên “yêu thương”, để lại cho bạn cảm giác bị bỏ rơi, rỗng không, đầy hụt hẫng và đau đớn.
  18. Họ sẽ không thèm quan tâm đến những điều nhỏ nhặt mà bạn trân trọng. Bằng cách ấy, họ làm giảm giá trị của bạn, khiến bạn thấy mình trống rỗng, thiếu thốn và không được công nhận.
  19. Bạn sẽ phải học cách sống với sự hờ hững của họ theo một trong hai cách: hoặc cố gắng nhiều hơn để được họ chú ý, dù chẳng thu về được gì vì với họ, nỗ lực đó là vô nghĩa; hoặc bạn sẽ dần trở nên cạn kiệt và chai sạn về mặt cảm xúc bởi người ái kỷ bào mòn bạn, từng chút một, bằng những tổn thương nhỏ nhặt nhưng liên tiếp.
  20. Bạn sẽ luôn phải làm “người cổ vũ” cho họ trong mọi hoàn cảnh, kể cả khi chính bạn mới là người đang cần được động viên nhất.

Đây là sự thật trần trụi về cách người ái kỷ nhìn nhận bản thân, về cách họ sẽ cư xử, và về cảm giác mà họ có thể gieo vào lòng bạn. Ước gì bức tranh ấy đẹp đẽ hơn, nhưng những người từng trải qua mối quan hệ với kiểu người này sẽ nói với bạn rằng: mọi thứ tồi tệ đến mức ấy, và độc hại đến thế. Như Stuart C. Yudofsky viết trong cuốn Fatal Flaws, một người mang nhân cách ái kỷ thật sự là “kẻ có nhân cách bị tổn hại nặng nề”.

Có thể lúc này bạn đang tự hỏi: “Vậy tôi phải làm gì?” Câu trả lời thường thấy là hãy tìm đến một chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ. Đó là lời khuyên khôn ngoan, nhưng không phải lúc nào cũng khả thi. Theo trải nghiệm của tôi, giải pháp duy nhất thực sự hiệu quả là giữ khoảng cách với người ấy ngay khi bạn nhận ra họ là ai, và khi nào bạn có thể thực hiện điều đó một cách hợp lý. Khi những vết thương tinh thần trong bạn dần lành lại, bạn sẽ thấy cuộc sống mình khởi sắc hơn, và lòng tự trọng được hồi sinh. Dù việc rời xa có thể khiến bạn đau đớn, nhưng trong rất nhiều trường hợp, đó là con đường duy nhất giúp cơn đau dừng lại và đưa bạn trở về với sự bình yên xứng đáng thuộc về mình.

Tác giả: Joe Navarro M.A.

Nguồn: How a Narcissist's Mind Works | Psychology Today

menu
menu