Vì sao ta cứ khư khư giữ lấy những niềm tin sai lầm

vi-sao-ta-cu-khu-khu-giu-lay-nhung-niem-tin-sai-lam

Vì sao những niềm tin sai lại khó rũ bỏ đến thế

Vào giữa thế kỷ XIX, giới phẫu thuật phải đối mặt với hai vấn đề lớn đã đeo bám ngành y suốt bao đời. Thứ nhất, phẫu thuật là nỗi kinh hoàng với bệnh nhân vì quá đau đớn. Đến mức, khi được bác sĩ thông báo rằng cần phải phẫu thuật mới mong sống sót qua khỏi một tai nạn hay căn bệnh hiểm nghèo, nhiều người đã chọn cách kết liễu cuộc đời mình thay vì chịu đựng nỗi đau đó.¹

Thế rồi, năm 1846, một nha sĩ tên là William Morton đã phát hiện ra một loại khí có thể khiến bệnh nhân tạm thời bất tỉnh và không còn cảm giác đau đớn. Đó là một phép màu đối với y học.

Tháng 11 năm 1846, Morton công bố phát hiện của mình với toàn thế giới, và chỉ tám tháng sau, đến tháng 6 năm 1847, thuốc mê đã được sử dụng rộng rãi trong các phòng mổ khắp nơi trên thế giới.

Vấn đề lớn thứ hai mà các bác sĩ phẫu thuật thời đó phải đối mặt là rất nhiều ca mổ dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng, gây tử vong. Không chỉ đáng sợ, điều này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của bệnh viện vì người chết thì không thể trả viện phí.

Nhưng đến những năm 1860, một bác sĩ phẫu thuật người Anh tên là Joseph Lister đã nảy ra một ý tưởng tuyệt vời: trước khi đưa tay vào vết thương hở, có lẽ bạn nên… rửa tay. Và không chỉ vậy, nếu khử trùng các dụng cụ y tế đúng cách, bạn có thể cứu được hàng ngàn sinh mạng.

Cuối những năm 1860 và đầu thập niên 1870, ông rong ruổi khắp thế giới, trình bày kết quả của mình cho bất cứ bác sĩ phẫu thuật nào chịu lắng nghe. Nhưng khác với William Morton và phát minh về thuốc mê, chẳng ai chịu để tâm đến Joseph Lister.

Nhiều thập kỷ sau đó, các bác sĩ vẫn tiếp tục mổ xẻ bệnh nhân bằng đôi bàn tay trần bẩn thỉu, áo choàng dính máu me lẫn bụi bặm, và những dụng cụ mổ chẳng buồn lau sạch giữa các ca phẫu thuật.²

Điều gì đã xảy ra vậy? Vì sao thuốc mê lại được chấp nhận nhanh chóng và dễ dàng đến thế, hầu như chẳng ai nghi ngờ, còn chuyện vệ sinh phẫu thuật thì bị phớt lờ? Vì sao có những niềm tin rất dễ tiếp nhận, trong khi những niềm tin khác thì khó lòng thuyết phục được ai?

Vì sao những niềm tin sai lại khó rũ bỏ đến thế

Nói đơn giản thôi: con người chúng ta… thật ngốc nghếch.

Tất cả chúng ta. Cả bạn. Cả tôi. Cả những bác sĩ có học vị cao chót vót. Ngốc. Ngốc. Và ngốc.

Bởi vì, dù chúng ta thích tin rằng mình là sinh vật lý trí, thì sự thật lại không phải vậy. Phần lớn những gì ta tin tưởng đều xuất phát từ cảm xúc, chứ không phải lý lẽ.

Với các bác sĩ phẫu thuật thế kỷ XIX, hiệu quả của thuốc mê là điều có thể thấy ngay trước mắt. Nó mang lại lợi ích rõ ràng cho cả bệnh nhân lẫn bác sĩ, và cách dùng lại rất đơn giản: chỉ cần cho bệnh nhân hít một loại khí, “bụp” một cái là họ bất tỉnh, và bác sĩ có thể bắt tay vào mổ.

Thật kỳ diệu. Cứ như có phép thuật vậy. Và vì hiệu quả quá rõ ràng, quá dễ nhận thấy, nên chuyện dùng thuốc mê đã lan rộng nhanh như bệnh giang mai trong một nhà chứa.

Còn chuyện rửa tay, sát trùng các dụng cụ y tế thì sao? Hiệu quả của phương pháp tiệt trùng lại rất mờ nhạt, gần như vô hình. Hơn nữa, những biện pháp đó chỉ thực sự có lợi cho bệnh nhân, còn bác sĩ thì phải trả giá đắt cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Họ phải tốn thêm thời gian, tiền bạc để khử trùng mọi dụng cụ, phải mua áo phẫu thuật mới cho từng ca mổ, lại còn phải sử dụng những hóa chất khó chịu khiến đôi tay mảnh mai, trắng trẻo của họ bị kích ứng và bỏng rát.³

Thật là phiền toái. Và kết quả thì lại chẳng dễ thấy rõ ràng. Mạng người được cứu, nhưng không ai biết chắc là do đâu. Thế nên, các bác sĩ cứ lắc đầu, mặc kệ. Dù rằng đã có cả một núi bằng chứng khoa học chứng minh hiệu quả của việc sát trùng.

Thật dễ nản lòng khi nhìn vào những điều như thế. Nhưng sự thật là, chúng ta cũng hành xử y chang vậy. Như tôi đã nói: con người thật ngốc nghếch.

Một niềm tin càng dễ quan sát, thì ta càng dễ mắc kẹt với nó, ngay cả khi ta biết, về mặt lý trí, rằng nó có thể sai.

Chẳng hạn, nếu bạn lầm tưởng rằng mình lùn, thì chỉ cần đứng cạnh khoảng chục người là bạn sẽ thấy mình nhầm.

Nhưng nếu bạn tin rằng mình ngu ngốc, không hấp dẫn, hay không xứng đáng được yêu thương, thì sẽ rất khó để chứng minh điều ngược lại. Vì những thứ như trí tuệ, vẻ đẹp hay giá trị tình cảm là những khái niệm mơ hồ, trừu tượng. Chúng phụ thuộc vào cách nhìn nhận của mỗi người. Và nếu bạn đã tin rằng mình thiếu thốn những điều ấy, thì bạn sẽ tiếp tục diễn giải mọi trải nghiệm của mình theo hướng củng cố niềm tin đó.

Làm thế nào để (từ từ) thay đổi một niềm tin sai lầm

Niềm tin và những bằng chứng ta dùng để củng cố nó tạo thành một vòng lặp khép kín, cái này nuôi dưỡng cái kia. Nếu bạn tin rằng mình là một kẻ vô tích sự, vụng về, làm gì cũng hỏng, thì sự thiếu tự tin sẽ hiện rõ trong hành vi của bạn. Và từ đó, chính những hành vi ấy lại trở thành “bằng chứng sống” cho niềm tin ban đầu rằng bạn thật sự là một kẻ vô tích sự, vụng về, làm gì cũng hỏng. Cứ thế, lặp đi lặp lại.

Để thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của những niềm tin độc hại ấy, ta có hai lựa chọn:

Lựa chọn 1: Cố gắng thay đổi chính niềm tin đó;
Lựa chọn 2: Cố gắng thay đổi những bằng chứng mà ta dựa vào để tin như thế.

Có lẽ bạn không ngạc nhiên khi biết rằng Lựa chọn 1, dù nghe thì đơn giản, nhưng thực chất lại vô cùng khó khăn. Thử tưởng tượng nhé, tôi đề nghị đưa bạn 1.000 đô nếu bạn thực sự tin rằng tên mình là Mona Lisa và bạn chỉ có một chân. Dù muốn tin đến mấy, bạn cũng chẳng thể tự thuyết phục bản thân được, đúng không? Vì một lần nữa: ta cần bằng chứng. Và, theo như tôi biết thì tên bạn không phải là Mona Lisa, và bạn cũng không chỉ có một chân.

Vậy nên, ta quay lại với Lựa chọn 2: thay đổi những bằng chứng mà ta dùng để củng cố niềm tin của mình. Cái hay ở lựa chọn này là, tuy ta không thể kiểm soát trực tiếp tất cả các niềm tin, nhưng ta lại có khả năng kiểm soát nhiều hơn với các bằng chứng mà ta dựa vào để tin. Vậy nên, bằng cách thay đổi bằng chứng, theo thời gian, ta có thể ảnh hưởng đến chính những gì ta tin tưởng. Hãy tưởng tượng bạn đang phá vỡ một vụ án đình đám vậy. Bạn muốn bồi thẩm đoàn nghĩ rằng bạn vô cùng đáng nể, đúng không? Vậy thì đã đến lúc... chỉnh sửa lại một chút bằng chứng rồi đấy.

1. Xác định những bằng chứng đang củng cố niềm tin của bạn

Đây là lúc cần một chút tỉnh táo và thành thật với chính mình. Hãy tự hỏi những câu đơn giản, và đòi hỏi từ bản thân những câu trả lời đau thật, thật đau, nhưng trung thực.

(Mách nhỏ: nếu câu trả lời nào khiến bạn thấy không thoải mái, thì rất có thể, trong đó có phần sự thật.)

Dưới đây là vài ví dụ:

Nếu bạn tin rằng mình là người không khỏe mạnh, vậy thì bạn đang có những bằng chứng nào để tin như thế? Có phải bạn thừa cân, thể lực yếu, và nghĩ rằng "ừ thì, tôi vốn là vậy rồi, di truyền mà, làm được gì hơn đâu"? Có phải bạn thường xuyên ăn đồ ăn nhanh và thức ăn chế biến sẵn vì cho rằng mình không có thời gian, kỹ năng hay kiên nhẫn để học nấu ăn lành mạnh? Có phải bạn gần như không thể rời nổi chiếc ghế sô-pha để vận động vì công việc quá chán nản đã hút cạn sức lực, khiến bạn chỉ còn lại sự mệt mỏi khi ngày kết thúc?

Nếu bạn tin rằng mình không hấp dẫn và không xứng đáng có được một mối quan hệ với người tuyệt vời, vậy thì bạn đã dựa vào những gì để tin như thế? Có phải bạn lớn lên trong cảnh nghèo khó hay một gia đình đổ vỡ, và tin rằng chẳng ai muốn ở bên một người mang theo quá khứ như vậy? Có phải bạn từng trải qua những tổn thương thật sự khủng khiếp, và từ đó mang trong mình cảm giác mình không đáng được yêu thương, không xứng đáng được trân trọng? Hay là, có thể, những mối quan hệ gần đây, hoặc tệ hơn, cả bốn mối quan hệ gần nhất, đều kết thúc đầy bi kịch, khiến bạn đi đến kết luận rằng: "Tôi rõ ràng không biết cách yêu ai cả"?

2. Xem lại những “bằng chứng” mơ hồ, lỏng lẻo và tự hỏi: liệu chúng có thật sự giúp ích gì cho mình không?

Một trong những ý tưởng tôi nhắc đến trong cuốn sách nhỏ Ba tư tưởng có thể làm thay đổi cuộc đời bạn là: hãy tin vào điều gì thực sự có ích cho bạn. Điều này không có nghĩa là bạn nên tự huyễn hoặc bản thân tin rằng mình giàu có khi thực tế đang túng thiếu, rồi lao vào xài thẻ tín dụng như không có ngày mai.

Thật ra, niềm tin kiểu đó vừa không đúng, lại vừa chẳng mang lại điều gì tốt đẹp nếu hoàn cảnh của bạn đang như thế. Để có thể tin vào điều gì có ích cho bản thân, trước tiên bạn phải biết tách rời sự thật về hoàn cảnh với cách bạn diễn giải sự thật đó.

Có thể đúng là bạn đã lớn lên trong một gia đình tan vỡ, từng trải qua những mối quan hệ đầy tổn thương, cay đắng và đổ vỡ. Nhưng liệu điều đó có đồng nghĩa rằng bạn không có sức hút, hay không thể trở thành một người bạn đời tốt? Tất nhiên là không.

Ngược lại, bạn có thể nghĩ rằng chính những điều ấy đã làm nên con người bạn hôm nay, một người sâu sắc, từng trải, có nhiều điều để kể, và nếu bạn dám hé lộ một chút sự mong manh, dám mở lòng hơn đôi chút, biết đâu người khác sẽ nhìn thấy bạn là một tâm hồn phức tạp, từng lặn qua bão giông mà vẫn kiên cường sống sót. Và điều đó, xét cho cùng, có phải hấp dẫn và đáng nhớ hơn nhiều so với việc bạn kể về bộ phim truyền hình yêu thích không?

3. Tập trung vào những bằng chứng rõ ràng, cụ thể trong cuộc sống của bạn

Tôi từng tin rằng mình là một người vụng về trong giao tiếp, lo âu và kém thu hút. Điều trớ trêu là, tôi lại không hề như vậy. Tôi hoà đồng với mọi người khá tốt. Vấn đề chỉ là: tôi sợ phải bắt chuyện với họ.

Tôi có những niềm tin vô lý rằng người ta chỉ thích tôi nếu họ nhận được lợi ích nào đó từ tôi. Và cái niềm tin méo mó ấy đã dẫn tới một hậu quả tệ hại: tôi cứ thu hút vào đời mình những người chỉ muốn lợi dụng tôi mà thôi.

Rồi đến một lúc, tôi nhận ra rằng phần lớn những gì tôi tin về con người, về lý do tại sao ai đó thích hay không thích mình, đều là do tôi bịa ra trong đầu. Chúng chẳng hề dính dáng gì đến thực tế. Trong khi đó, những trải nghiệm thực tế mà tôi từng có lại hầu như đều tích cực.

Vấn đề là tôi đã đặt niềm tin vào một ý niệm trừu tượng rằng tôi là kẻ vụng về về mặt xã hội, dù thực tế chẳng có gì ủng hộ niềm tin đó cả. Nhưng những niềm tin trừu tượng về bản thân luôn rất khó thay đổi, chính bởi vì chúng xa rời thực tế đến mức gần như không gì có thể chạm tới. Sự trừu tượng ấy giống như một lớp vỏ bọc, giúp những niềm tin đó tránh bị va chạm, không bị bất kỳ bằng chứng thực tế nào làm lung lay. Và niềm tin càng mơ hồ bao nhiêu, thì ta càng khó lòng gỡ nó ra khỏi đầu bấy nhiêu.

Thế nhưng, nếu ta bắt đầu tập trung vào những bằng chứng thật sự, cụ thể trong đời sống, những bằng chứng nuôi dưỡng các niềm tin lành mạnh về bản thân, thì ta có thể dần dần thay thế được những niềm tin độc hại. Mỗi bằng chứng nho nhỏ giống như một cây kim đâm thủng vào những khối niềm tin to tướng, rậm rạp và vô dụng ấy. Càng có nhiều bằng chứng, ta càng dễ làm xẹp chúng xuống, đồng thời xây dựng lại những niềm tin mới, lành mạnh hơn, có lợi hơn cho chính mình.

Phải mất hàng thập kỷ thì các bác sĩ mới chịu chấp nhận những kỹ thuật sát trùng hiện đại, những kỹ thuật cuối cùng đã cứu sống hàng triệu, hàng triệu sinh mạng (và còn tiếp tục cứu sống mỗi ngày). Nhưng rồi họ cũng đã thay đổi. Dù chậm, nhưng chắc. Họ bắt đầu khử trùng dụng cụ mổ, rồi rửa tay, đeo găng, mặc đồ vô trùng, giữ phòng mổ sạch sẽ hơn, và dạy bệnh nhân cách chăm sóc vết thương sau mổ.

Ngày nay, các phương pháp phẫu thuật vô trùng không còn là điều gây tranh cãi nữa. Chúng là sự thật hiển nhiên trong y học. Mọi người đều tin vào chúng.

Cũng theo cách ấy, bạn hoàn toàn có thể từ từ thử nghiệm với tất cả những bằng chứng đang xoay quanh các niềm tin lớn mà bạn muốn thay đổi. Hãy tìm ra từng bằng chứng, từng giả định ẩn giấu đằng sau những bằng chứng đó, thứ đã khiến bạn tin vào điều không đúng, rồi bắt đầu đặt câu hỏi với chúng, không khoan nhượng. Sau đó, hãy bước ra khỏi cái vòng luẩn quẩn trong đầu, và bắt đầu tìm kiếm những bằng chứng thực sự, rõ ràng trong cuộc sống, những điều có thể giúp bạn xây dựng lại niềm tin lành mạnh. Và sau cùng, hãy tận hưởng chính quá trình chuyển mình đó.

Dần dần, những niềm tin cốt lõi của bạn sẽ thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn. Gần như là một cách tự nhiên. Đến mức bạn không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tin rằng: mình là người khỏe mạnh, là người biết giao tiếp, vì mọi bằng chứng xung quanh sẽ hét vào mặt bạn điều đó mỗi lần bạn uống cạn ly protein sau một buổi tập ướt đẫm mồ hôi, hay mỗi lần bạn bật cười cùng một người xa lạ.

Chú thích

  1. Có một tập rất hay của chương trình RadioLab kể lại vắn tắt lịch sử thuốc mê và cho thấy rằng, cho đến tận ngày nay, chúng ta vẫn chưa thật sự hiểu rõ cơ chế hoạt động của nó.
  2. Điều này thậm chí còn dẫn đến cái chết của Tổng thống James Garfield vào năm 1881 sau khi ông bị bắn vào lưng trong một vụ ám sát. Suốt 11 tuần liền, các bác sĩ đã dùng tay trần và dụng cụ bẩn để dò tìm và cố lấy viên đạn ra khỏi người ông. Garfield chết vì nhiễm trùng thứ phát.
  3. Mong manh dễ vỡ thật đấy.

Nguồn: Why We Hold On to Bad Beliefs | Mark Manson

menu
menu