Ôm lấy gian khổ: Sự khó chịu có thể tôi luyện một phiên bản tốt hơn của chính bạn

om-lay-gian-kho-su-kho-chiu-co-the-toi-luyen-mot-phien-ban-tot-hon-cua-chinh-ban

Những điều lính thủy đánh bộ dạy ta về trưởng thành, kiên cường và làm những việc khó khăn.

Hầu hết mọi người đều coi sự khó chịu như một mối đe dọa, một thứ cần phải loại bỏ hay né tránh. Nhưng trong quân đội Thủy Quân Lục Chiến, chúng tôi lại được dạy điều ngược lại: Ôm lấy gian khổ.

Đó không chỉ là một khẩu hiệu nghe cho vui. Đó là một cách nghĩ. Là một lối sống. Và hóa ra đó cũng là một điều hợp lý về mặt tâm lý học. Hồi đó, tôi chưa thấy hết được sự khôn ngoan trong câu nói ấy.

Giờ đây, khi đã trở thành một người thực hành tâm lý học tích cực và là chuyên gia tư vấn về hiệu suất đỉnh cao, tôi mới hiểu vì sao câu nói ấy lại hiệu quả đến thế. Nó không chỉ là ý chí thép. Đó là khoa học thần kinh. Đó là cách con người ta phát triển, hoàn thiện và chạm tới tiềm năng của chính mình. Và trong một thế giới ngày càng được tối ưu hóa cho sự tiện nghi, chúng ta lại càng cần nó hơn bao giờ hết.

Cái bẫy của sự thoải mái

Sự tiện nghi đang dần trở thành một cơn nghiện mới.

Chúng ta có thể gọi món ăn, mua thực phẩm, thậm chí đặt lịch với chuyên gia trị liệu tâm lý mà chẳng cần rời khỏi ghế sofa. Ta được dạy rằng: căng thẳng là độc hại, rằng những việc khó nên tránh càng xa càng tốt. Rằng dễ dàng thì đồng nghĩa với hạnh phúc.

Nhưng sự thật là gì? Quá nhiều dễ dàng không làm cuộc sống tốt đẹp hơn. Nó khiến bạn yếu đuối hơn. Và về lâu dài, điều đó khiến bạn kém hạnh phúc hơn.

Mỗi lần bạn né tránh một thử thách, là bạn đang gửi tới não bộ một thông điệp: Tôi không làm nổi đâu. Và não bạn tin vào điều đó. Né tránh không bảo vệ sự tự tin; nó bào mòn nó. Càng che chắn bản thân khỏi những khó khăn, bạn càng trở nên mong manh. Niềm tin vào khả năng của mình dần co lại. Cảm giác làm chủ cuộc sống cũng mờ nhạt dần.

Sự khó chịu, khi bị né tránh, không biến mất. Nó chỉ quay lại sau này, dưới dạng nghi ngờ, lưỡng lự hay tiếc nuối.

Cũng giống như cơ thể bạn. Nếu bạn ngừng sử dụng cơ bắp, chúng sẽ teo lại. Bạn trở nên mềm yếu, dễ chấn thương. Tâm trí bạn cũng hoạt động y như vậy: không thử thách = không sức mạnh.

Việc che chắn bản thân khỏi sự khó chịu không tạo ra sự an toàn; nó tạo ra sự dễ vỡ. Khi ta ngừng thử thách bản thân, ta cũng ngừng lớn lên.

Image Source: Pavel1964 / Shutterstock

Bộ não biết vượt khó sẽ lớn mạnh

Khoa học nói gì? Não bộ bạn thật sự trở nên mạnh mẽ hơn khi bạn làm những việc khó. Thật đấy.

Đó chính là thần kinh dẻo (neuroplasticity) đang hoạt động: tâm trí bạn thực sự tái cấu trúc để thích ứng với thử thách. Giống như cơ bắp đáp lại áp lực bằng cách lớn mạnh hơn, não bộ cũng thế. Những nhà nghiên cứu như Michael Merzenich, một trong những người tiên phong trong lĩnh vực này, đã chỉ ra rằng: nỗ lực tạo ra những kết nối mới, kỹ năng sắc bén hơn và bản lĩnh tinh thần bền bỉ hơn.

Trong não, vùng vỏ não trước (anterior cingulate cortex - ACC) chịu trách nhiệm cho các quá trình nhận thức và cảm xúc, đồng thời tích hợp thông tin giác quan sẽ “sáng đèn” khi mọi thứ trở nên rối rắm. Nó giúp bạn phát hiện vấn đề, vượt qua mâu thuẫn và thích nghi nhanh chóng. Hãy nghĩ về nó như công tắc bản lĩnh trong não bạn.

Vùng ACC phối hợp với vỏ não trước trán (prefrontal cortex), “bộ chỉ huy” ra quyết định, kiểm soát sự tập trung, lên kế hoạch và tự điều chỉnh. Càng thử thách bản thân, hệ thống này càng hoạt động hiệu quả. Nói cách khác: việc làm những điều khó thực sự giúp não bạn giỏi hơn trong việc làm những điều khó.

Và điều hay nhất là, càng vượt qua nhiều thử thách, não bạn càng quen với việc ấy. Ngưỡng chịu đựng được nâng lên. Nhận thức về bản thân thay đổi. Sự khó chịu không còn là mối đe dọa nữa. Nó trở thành dấu hiệu của tiến bộ.

Đó chính là ý nghĩa sâu xa của câu “ôm lấy gian khổ.” Bạn không chỉ đơn thuần là chịu đựng để rồi được vinh quang. Bạn đang rèn luyện bộ não để biết vươn mình đứng dậy.

Nỗi đau và niềm tự hào

Khi tôi 18 tuổi, tôi đang trong quá trình huấn luyện để trở thành một sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến. Tôi còn nhớ rõ mình đã ghét đến thế nào những buổi chạy vượt dốc ở miền Nam California. Tôi không thể theo kịp những người lính khác. Hai chân thì gào thét. Lồng ngực như bốc cháy. Lòng tự trọng còn đau đớn hơn cả cơ thể. Nói ngắn gọn, nếu bạn tụt lại phía sau khi chạy cùng lính thủy đánh bộ, ai cũng sẽ thấy. Và đó không phải là một ấn tượng tốt đẹp gì.

Tôi đã rất muốn bỏ cuộc, thoát khỏi nỗi nhục và cơn đau. Nhưng tôi không làm vậy.

“Ôm lấy gian khổ” không phải là câu khiến tôi nản chí. Nó chính là lời động viên mà tôi cần để tiếp tục và trở nên mạnh mẽ hơn.

Thế là tôi đã vượt qua.

Và sau những buổi chạy khổ sở, hàng ngàn lần hít đất, và những lần trèo dây rã rời, tôi không chỉ mạnh mẽ hơn. Tôi còn cảm thấy một điều mà tôi không ngờ tới: niềm tự hào.

Cũng như khi tập luyện thể chất, những thử thách tinh thần khiến ta đau đớn ngay lúc đó nhưng lại bồi đắp ta theo thời gian. Bạn không thể mạnh mẽ hơn bằng cách trốn tránh nỗi đau; bạn chỉ có thể mạnh mẽ hơn khi dám đối diện và vượt qua nó.

Vùng đất “vừa đủ”

Tất nhiên, bất cứ điều gì tốt đẹp cũng cần có giới hạn. Điều này không phải về sự khổ dâm hay chứng minh bản thân. Mà là về sự trưởng thành.

Có một vùng ngọt ngào giữa hai thái cực. Quá ít áp lực? Không có sự phát triển. Quá nhiều? Suy kiệt. Thử thách lý tưởng là thứ khiến ta thấy khó chịu, nhưng vẫn có thể vượt qua được.

Nhà tâm lý học Lev Vygotsky gọi đó là Vùng Phát Triển Gần Nhất, hiểu nôm na là vùng “vừa quá sức một chút”. Bạn phát triển mạnh mẽ nhất khi bị thúc đẩy vượt lên một chút khỏi khả năng hiện tại của mình.

Giống như xây dựng cơ bắp, bạn cần sự quá tải tăng dần và có thời gian phục hồi. Thử thách cộng với phục hồi tạo ra sự bền bỉ. (Đây là khoa học. Và cũng là lẽ thường.)

Vậy điều đó có ý nghĩa gì trong cuộc sống thực, nhất là khi bạn không đang trong quá trình huấn luyện để trở thành lính thủy đánh bộ?

Nó có nghĩa là hãy đặt ra những mục tiêu đủ lớn để khiến bạn hơi sợ hãi (hoặc rất sợ) với sự thấu hiểu rằng con đường phía trước sẽ không dễ dàng, nhưng nếu bạn nỗ lực, nó có thể thay đổi con người bạn.

Điều khó khăn nào bạn luôn mong muốn thực hiện nhưng nỗi sợ hoặc chỉ đơn giản là sự không thoải mái đã ngăn bạn lại?

Nộp đơn xin thăng chức.
Thử sức với hài độc thoại.
Viết một cuốn sách.
Hàn gắn một mối quan hệ đang rạn nứt.

Chọn một điều. Và bắt đầu.

Hãy thay đổi cách nghĩ. Thay vì tránh né sự khó chịu, hãy đón nhận nó, và nhắc nhở bản thân rằng đó không phải là kẻ thù. Nếu cần, hãy dán một mảnh giấy nhớ lên gương với dòng chữ: Ôm lấy gian khổ (thêm một cái mặt cười nếu bạn thích).

Mỗi ngày, làm một điều dũng cảm. Một bước đi không thoải mái nhưng đưa bạn tiến về phía trước. Nói ra điều bạn đang nghĩ. Đăng ký một khóa học. Viết trang đầu tiên. Khi mọi thứ trở nên khó khăn, hãy nhớ: chính những điều này đang xây dựng nên bạn.

Tìm cộng đồng của mình. Làm điều khó không có nghĩa là phải làm một mình. Hãy vây quanh mình bằng những người dám thử thách bạn, ủng hộ bạn và tin vào phiên bản táo bạo nhất của bạn.

Né tránh sự khó chịu làm xói mòn lòng tin vào chính mình. Chọn đối mặt với thử thách lại làm nó lớn dần lên. Và lựa chọn ấy, lặp lại mỗi ngày, sẽ cộng dồn sức mạnh.

Chọn con đường khó không phải là sự trừng phạt. Sự khó chịu chính là cách một con người tốt đẹp hơn được hình thành; đó là nơi sinh ra bản lĩnh, tự hào và sự trưởng thành thực sự.

Dễ dàng thì không thay đổi bạn được. Khó khăn thì có thể. Vậy hôm nay, hãy chọn một điều khó. Và bắt tay vào làm. Và khi bạn bắt đầu cảm thấy khổ sở? Hãy mỉm cười. Bởi bạn đang trở nên mạnh mẽ hơn rồi đấy. 

Tác giả: Jill Schulman USMC, MAPP

Nguồn: Embrace the Suck: Discomfort Can Build a Better You | Psychology Today

menu
menu