Tầm quan trọng của sự ích kỷ

Chúng ta đã quá quen với ý nghĩ rằng sự ích kỷ là một trong những đặc điểm xấu xa nhất của con người, một cách sống gắn liền với lòng tham, sự đòi hỏi và tàn nhẫn.
Chúng ta đã quá quen với ý nghĩ rằng sự ích kỷ là một trong những đặc điểm xấu xa nhất của con người, một cách sống gắn liền với lòng tham, sự đòi hỏi và tàn nhẫn. Thế nhưng, đôi khi lý do khiến cuộc sống của ta không như ý lại bắt nguồn chính từ điều ngược lại: từ sự khiêm nhường quá mức, từ thói quen vội vàng chiều lòng người khác, từ một sự thiếu hụt đáng ngại và gây tác hại của sự ích kỷ.
Chúng ta dễ bị tổn thương chính bởi vì phần đông đều không phân biệt được đâu là sự ích kỷ tốt và đâu là sự ích kỷ xấu. Kiểu ích kỷ tốt, và đáng có, là khi ta dám đặt bản thân và những mối bận tâm của mình lên trước trong một vài thời điểm nhất định; là khi ta đủ tự tin để bày tỏ nhu cầu của chính mình, không phải để làm tổn thương hay dứt bỏ người khác, mà là để có thể phục vụ họ một cách sâu sắc hơn, bền bỉ hơn, và hết lòng hơn về lâu dài. Ngược lại, sự ích kỷ xấu lại không nhắm tới điều gì lớn lao hay cao cả hơn. Ta từ chối giúp đỡ không phải để dồn sức cho một món quà ý nghĩa hơn sau này, mà đơn giản chỉ vì… ta lười.
Tiếc thay, bởi vì không rõ ràng trong cách hiểu về sự khác biệt ấy, ta thường không dám nói rõ nhu cầu của mình, và hậu quả là chính những người mà ta định chăm sóc lại phải gánh chịu thiệt thòi. Muốn trở thành một người cha, người mẹ tốt, có thể ta cần một giờ đồng hồ mỗi ngày cho riêng mình. Có thể ta cần ngâm mình lâu trong làn nước nóng để suy ngẫm mọi chuyện. Có thể ta cần làm điều gì đó có vẻ hơi xa xỉ một chút, như vẽ mẫu khỏa thân hay học thổi kèn clarinet. Nhưng vì cảm thấy những mong muốn đó nghe có vẻ ích kỷ, trái ngược với kỳ vọng của người khác, nên ta chọn cách im lặng, và dần dần trở nên rệu rã, cáu bẳn, chua chát với chính những người đang dựa vào ta. Sự thiếu vắng ích kỷ sẽ âm thầm biến ta thành một người vừa khó chịu vừa kém cỏi.
Hoặc, thử lấy một ví dụ khác: ta nhận ra rằng đầu óc mình minh mẫn nhất ngay sau bữa tối, nhưng lại bị ràng buộc bởi truyền thống gia đình là phải cùng nhau dọn dẹp bếp núc trong khoảng hai mươi phút sau bữa ăn. Ta hiểu rằng nếu lặng lẽ rút lui vào lúc ấy sẽ khiến người khác cho rằng ta quá ích kỷ, sẽ bị trêu chọc, bị xa lánh. Thế là ta cúi đầu lau sàn, chùi nồi khoai tây, thay vì ngồi tính lại dòng tiền cho công ty hay luyện tập bài phát biểu cho hội nghị – những việc về lâu dài sẽ có giá trị gấp bội đối với người thân của ta, so với những nỗ lực nội trợ đầy miễn cưỡng và mệt mỏi.
Sự ích kỷ đúng đắn nảy nở từ một hiểu biết sáng suốt về điều gì là cần thiết để ta phát huy tối đa giá trị của mình cho người khác. Nó xuất phát từ sự không ngại ngần trong việc trau dồi bản thân, rèn luyện tinh thần, khơi dậy năng lực hữu ích nhất của mình, và sắp xếp lại dòng suy nghĩ, cảm xúc sao cho có thể đem lại lợi ích thiết thực cho đời. Ta nhận ra rằng sẽ có những thời điểm ta cần từ chối làm điều mà người khác mong đợi, và ta không thấy ngại ngùng khi lịch sự giải thích điều đó từ sớm; khác với những người luôn sống vì người khác, lúc nào cũng cười vui vẻ, rồi một ngày kia lại nổ tung trong cơn giận dữ và kiệt sức. Ta hiểu, với tư cách một “người ích kỷ tử tế”, rằng có thể người khác sẽ nhầm ta với những kẻ lạnh lùng, nhưng sự chắc chắn nội tâm về lòng chân thành của mình giúp ta đủ bình thản để đi theo con đường đã chọn.
Bí quyết nằm ở chỗ: hãy trở thành một “đại sứ” thuyết phục cho những gì ta thực sự mong muốn. Hãy học cách giải thích cho những người xung quanh hiểu rằng ta không lười biếng hay vô tâm, chỉ là ta sẽ phục vụ họ tốt hơn nếu được làm theo cách riêng, đôi khi trái với mong đợi thông thường. Những con người ngọt ngào, sống vì người khác, lại có nguy cơ trở thành gánh nặng cho chính những người họ thương yêu, vì một điều tưởng như cao đẹp, nhưng lại dễ gây tổn hại nhất: họ không bao giờ đặt mình lên trước.
Nguồn: THE IMPORTANCE OF SELFISHNESS | The School Of Life