Suy ngẫm lại về ADHD ở người lớn

suy-ngam-lai-ve-adhd-o-nguoi-lon

Chuẩn chẩn đoán ADHD ở người lớn đang dần trở nên rộng mở hơn. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc nó đang bị chẩn đoán quá mức.

Cuối năm 2023, trong một khoảng nghỉ ngắn tại một hội nghị ở Baltimore, tôi chia sẻ với một đồng nghiệp đến từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) một biểu đồ do The New York Times thực hiện, dựa trên dữ liệu điều tra dân số chi tiết. Biểu đồ cho thấy, kể từ năm 2020, số người Mỹ báo cáo gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc ghi nhớ, tập trung hoặc ra quyết định, những triệu chứng đặc trưng của rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) đã gia tăng mạnh. Chỉ vài phút trước đó, đồng nghiệp của tôi vừa trình bày một biểu đồ có đường cong gần như giống hệt, lần này là về sự gia tăng đột biến các đơn thuốc chất kích thích dành cho người lớn từ năm 2020. Đến năm 2023, dữ liệu từ CDC xác nhận rằng 7,8% người trưởng thành ở Mỹ báo cáo đã được chẩn đoán mắc ADHD, con số cao kỷ lục. Số lượt tìm kiếm từ khóa "ADHD" trên Google tăng vọt, và các video mang hashtag #ADHD trên TikTok đã thu hút hơn 20 tỷ lượt xem. Ở mức cực đoan nhất, chúng ta có thể đang chứng kiến một "dịch" ADHD ở người lớn tại Hoa Kỳ. Ở mức tối thiểu, ADHD rõ ràng đã trở thành một hiện tượng rất “hợp mốt” với công chúng. Tuy nhiên, cũng có một khả năng thứ ba rằng, dù tốt hay xấu, chuẩn chẩn đoán ADHD có thể đang trở nên bao trùm hơn.

Người trưởng thành có thể phát triển ADHD hay không?

Hãy xem xét khả năng về một “dịch” ADHD ở người lớn. Kịch bản này chỉ có thể xảy ra nếu hiện tượng khởi phát ADHD ở tuổi trưởng thành là có thật. ADHD được phân loại là một rối loạn phát triển thần kinh trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm thần (DSM), tài liệu hướng dẫn chính thức do Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ phát hành để chuẩn hóa quy trình chẩn đoán rối loạn tâm thần cho giới chuyên môn y tế. Nhóm rối loạn phát triển thần kinh (trong đó còn có khuyết tật trí tuệ và rối loạn phổ tự kỷ) được đặc trưng bởi sự vận hành bất thường của não do sự phát triển thần kinh bị gián đoạn. ADHD chủ yếu được di truyền qua gen, nhưng cũng chịu ảnh hưởng từ các yếu tố môi trường như căng thẳng hay sự hỗ trợ bảo vệ. Theo định nghĩa của DSM, các rối loạn phát triển thần kinh khởi phát từ thời thơ ấu, nhưng thường kéo dài suốt đời. Trong trường hợp ADHD, DSM yêu cầu phải có ít nhất một số triệu chứng, chẳng hạn như khó kiểm soát bản thân, giảm chú ý, tăng động, bồn chồn tinh thần hay bốc đồng, xuất hiện trước năm 12 tuổi.

Phù hợp với mô tả trong DSM, nhiều nghiên cứu cho thấy ADHD là một trải nghiệm mạn tính và kéo dài suốt đời đối với phần lớn những người nhận chẩn đoán này. Các nghiên cứu tìm kiếm bằng chứng cho hiện tượng ADHD khởi phát ở tuổi trưởng thành gần như đều không tìm thấy kết quả đáng tin cậy. Vậy, điều gì giải thích cho sự gia tăng tỷ lệ ADHD ở người lớn tại Hoa Kỳ trong vòng năm năm trở lại đây?

Một yếu tố có thể là do DSM đã trở nên dễ tiếp cận hơn. Vào năm 2013, DSM được cập nhật lên phiên bản thứ năm (DSM-5) với một số thay đổi đã chính thức nới lỏng các tiêu chí chẩn đoán ADHD. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ những thay đổi này đã tác động ra sao đến tỷ lệ chẩn đoán về sau. DSM-5 đã dời độ tuổi khởi phát triệu chứng từ 7 lên 12 tuổi, giảm số lượng triệu chứng cần có để chẩn đoán ADHD ở người lớn từ 6 xuống còn 5, nới lỏng tiêu chí về mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật, và cho phép những người được chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ có thể đồng thời nhận chẩn đoán ADHD. Xét trên toàn diện, những điều chỉnh này, bằng cách mở rộng tiêu chuẩn chẩn đoán, có thể đã góp phần làm tăng tỷ lệ ADHD ở cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, bản cập nhật diễn ra từ năm 2013, vì vậy khó có thể là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự bùng nổ ADHD ở người lớn trong những năm 2020. Dẫu vậy, việc nới lỏng các tiêu chí ADHD ở người trưởng thành từ năm 2013 có thể đã đóng vai trò như một mồi lửa âm ỉ, dẫn đến làn sóng bùng phát mạnh mẽ hơn sau này.

Mặc dù DSM-5 mô tả ADHD như một chứng rối loạn mà bạn hoặc là có, hoặc là không có, nhưng trên thực tế, ADHD không đơn thuần là một ranh giới trắng – đen như vậy. Đó là một khái niệm mang tính liên tục, gồm những triệu chứng trải dài trên một phổ rộng. Trên thực tế, chẩn đoán ADHD phản ánh một tình trạng nằm ở mức cực đoan trong phổ các đặc điểm hành vi, giống như tăng huyết áp hay béo phì.

Các chuyên gia y tế thường sử dụng một bảng liệt kê hành vi để đánh giá, từ đó xác định mức độ “ADHD đặc điểm” (trait ADHD) ở một người. Ai trong chúng ta cũng nằm đâu đó trên phổ này, vốn bao gồm khả năng chú ý, tổ chức công việc, ghi nhớ các hoạt động hằng ngày, cũng như điều chỉnh lời nói và hành vi vận động. Những người có mức ADHD đặc điểm rất thấp thường làm tốt hầu hết các mục trong bảng kiểm. Còn những người có mức ADHD đặc điểm cao thì gặp khó khăn ở nhiều khía cạnh. Khi một người thể hiện khả năng vượt trội so với mức trung bình, ta gọi đó là điểm mạnh. Còn nếu kém hơn mức trung bình, đó được xem là điểm yếu hoặc là triệu chứng.

Mức ADHD đặc điểm trong dân số Hoa Kỳ tạo thành một đường cong hình chuông, và các chuyên gia phải xác định ranh giới giữa điểm yếu và một chẩn đoán lâm sàng. Về mặt chính thức, DSM-5 đưa ra ngưỡng triệu chứng cho người trưởng thành, ít nhất năm trong số chín triệu chứng chính liên quan đến thiếu chú ý hoặc tăng động/bốc đồng. Tuy nhiên, các triệu chứng ADHD vốn phổ biến và dễ thấy, thực tế, người trưởng thành trung bình tại Hoa Kỳ trải nghiệm từ hai đến ba triệu chứng. Vậy mức độ nghiêm trọng như thế nào thì mới đủ để xem là “có triệu chứng”? Theo lẽ thường trong lâm sàng, khi một người không thể xoay sở trong cuộc sống hằng ngày vì có quá nhiều triệu chứng ADHD nổi bật và kéo dài, thì việc chẩn đoán là hợp lý. Thế nhưng, tất yếu vẫn sẽ có vùng xám, khi một người chỉ có vài điểm yếu nhẹ giống ADHD, nhưng không gặp khó khăn rõ rệt nào trong sinh hoạt thường nhật.

Việc chẩn đoán ADHD ở người lớn có thể được thực hiện một cách chắc chắn trong trường hợp như của Jake*, một chàng trai 26 tuổi mà tôi từng gặp lần đầu khi cậu là cậu bé lớp ba năng động quá mức thấy rõ. Nếu Jake bước vào một phòng khám sức khỏe tâm thần để đánh giá ADHD ở tuổi trưởng thành, cậu có thể kể lại rõ ràng những câu chuyện từ thời thơ ấu, là một đứa trẻ ham vận động nhưng bị bắt nạt dữ dội, từng phải nhận hỗ trợ đặc biệt tại trường vì khó khăn nghiêm trọng trong việc tập trung và hoàn thành bài vở. Cha mẹ của Jake, những người hết sức tận tâm, có thể xác nhận lời kể của cậu bằng chính những trải nghiệm của họ, từng phải vật lộn với Jake về chuyện vệ sinh cá nhân, hy sinh thời gian rảnh để giúp cậu hoàn thành việc học phổ thông trong gang tấc. Bước vào tuổi trưởng thành, Jake vẫn sống cùng cha mẹ, không có bạn bè, thu mình và vùi đầu vào trò chơi điện tử. Dù phải mất sáu năm, cậu cũng hoàn tất được tấm bằng cử nhân sư phạm, với ước mơ trở thành giáo viên. Nhưng vì thiếu động lực ổn định để tìm việc và gặp khó khăn trong giao tiếp xã hội, cậu hiện đang làm việc tại quầy bán vé của sở thú địa phương. Vì không có xe riêng (Jake từng đâm nát hai chiếc và không đủ tiền mua lại), cha của cậu mỗi sáng đều chở cậu đến chỗ làm trên đường đi làm của mình.

Những hạn chế mà Jake gặp phải do ADHD là điều mà bất kỳ chuyên gia lâm sàng nào cũng có thể dễ dàng nhận thấy. Suốt nhiều năm, cậu phải hứng chịu vô vàn hệ quả tiêu cực từ chứng ADHD mạn tính ở mức độ cao, và chính những hệ quả ấy đã làm suy giảm cũng như cản trở nghiêm trọng khả năng vận hành cuộc sống hằng ngày của cậu. Giống như Jake, nhiều người trưởng thành mắc ADHD cũng phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, từ công việc bấp bênh, học vấn không như kỳ vọng, mối quan hệ căng thẳng với người thân, ít bạn bè, cho đến các vấn đề an toàn khi lái xe hay rối loạn trong việc điều hành cuộc sống gia đình. Họ còn thường xuyên phải vật lộn với những tổn thương tâm lý thầm lặng như lòng tự trọng thấp, phản ứng căng thẳng thái quá, sự lo âu, nghi ngờ chính mình, và cảm giác lạc lõng giữa thế giới xung quanh.

Ngày càng có nhiều nhân viên y tế gặp gỡ những bệnh nhân đến khám với biểu hiện của một dạng ADHD “nhẹ” hơn. Khi Rebecca* bước vào phòng khám để kiểm tra khả năng lần đầu tiên được chẩn đoán ADHD, cô đã 41 tuổi. Trước đó, cô chưa từng nghĩ rằng mình có thể mắc ADHD, cho đến khi những quảng cáo trên Facebook bắt đầu liên tục hiện lên trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Một dòng quảng cáo viết: “Làm việc chăm chỉ nhưng mãi không tiến xa? Có thể bạn đang sống với ADHD mà chưa được chẩn đoán.” Một dòng khác thì hỏi: “Hay do dự? Lo âu? Chỉ cần hai phút để biết bạn có ADHD hay không.” Một ngày nọ, vì tò mò không kiềm được, cô bấm vào một bức ảnh. Nhìn lại hơn hai mươi năm đời sống trưởng thành của mình, Rebecca bắt đầu tự hỏi liệu một chẩn đoán ADHD có thể lý giải được những chật vật và thất vọng mà cô từng trải qua hay không.

Photo by Anthony Devlin/Getty Images

Với trường hợp của Rebecca, bác sĩ lâm sàng có thể cảm thấy lưỡng lự, mắc kẹt khi đứng trước khả năng chẩn đoán ADHD ở ngưỡng ranh giới.

Điều khiến Rebecca trăn trở nhất là sự bấp bênh trong chuyện tình cảm. Cô đã có một người bạn trai gắn bó bốn năm, một người đàn ông tử tế, điềm đạm. Anh là chủ căn nhà mà họ cùng sống, có công việc ổn định và thành công. Anh nhỏ hơn cô tám tuổi và, giống như cô, cho rằng chuyện con cái chẳng khác nào xiềng xích phải né tránh. Thế nhưng, trước mối quan hệ này, Rebecca từng bị hai người đính hôn hủy cưới, và một mối tình lâu dài khác thì cô bị phản bội suốt nhiều năm. Điều tệ hơn cả là cả nhóm bạn thân của cô đều biết chuyện, nhưng không một ai lên tiếng. Rebecca mang tất cả những trải nghiệm ấy như một bản án tự kết tội mình, là lỗi của cô, dù cô không rõ mình đã làm sai điều gì. Cô có rất nhiều bạn bè thân thiết và sở hữu năng khiếu ở nhiều lĩnh vực, từ lướt sóng đến làm gốm, những tác phẩm của cô từng được trưng bày tại các phòng tranh địa phương và là nguồn thu nhập ổn định. Vậy mà Rebecca vẫn cảm thấy bản thân chưa thực sự là “một bức tranh hoàn chỉnh”. Không chỉ riêng chuyện yêu đương, mà gần như mọi phương diện trong đời sống tình cảm đều khiến cô day dứt và tổn thương.

Mặc dù Rebecca từng tốt nghiệp loại xuất sắc từ một trường đại học danh tiếng với chuyên ngành thiết kế công nghiệp, cô lại thường xuyên nhảy việc suốt nhiều năm, luôn phân vân giữa việc làm cho người khác hay tự làm chủ. Là một người đa tài, cô dễ dàng nhận việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng cuối cùng lại thường bỏ dở để lên đường làm việc và du lịch ở nước ngoài trong nhiều tháng. Giờ đây, khi bước vào tuổi trung niên, cô bắt đầu chất vấn chính mình về những lựa chọn cuộc đời đã khiến cô sống lay lắt từng khoản lương, không có tiền tiết kiệm hay tài sản gì đáng kể.

Rebecca là một trường hợp chẩn đoán khó khăn hơn nhiều so với Jake. Khi không có dấu hiệu rõ ràng về ADHD từ thời thơ ấu, một số chuyên gia có thể sẽ bác bỏ ngay khả năng cô mắc chứng rối loạn này. Thế nhưng, Rebecca lại kể về sự bất ổn vừa phải trong các mối quan hệ, công việc, cùng với hệ quả tài chính từ những quyết định trong đời, đi kèm là cảm giác tự trách và nghi ngờ bản thân dai dẳng. Những trải nghiệm tiêu cực đó có thể gắn với một mô thức bồn chồn, xao động trong tâm trí, một dạng tăng động tinh thần, nhưng khi làm bài kiểm tra sàng lọc ADHD, cô chỉ báo cáo ba triệu chứng liên quan đến thiếu chú ý và hai triệu chứng thuộc nhóm tăng động/bốc đồng, chưa đủ điều kiện để được chẩn đoán chính thức. Bác sĩ của Rebecca có thể rơi vào thế khó, không chắc nên đưa ra chẩn đoán ADHD ở mức ranh giới này hay không. Tuy nhiên, khi thực hiện một bước đánh giá cẩn trọng là phỏng vấn bạn trai của Rebecca, vị bác sĩ cảm thấy phần nào yên tâm hơn. Bạn trai cô mô tả sự đãng trí, khó hoàn thành việc nhà, hay nói quá nhiều và dễ bị xao nhãng như những nét tính cách “thuộc về con người cô ấy”.

Cuối cùng, bác sĩ đánh giá tình trạng của Rebecca quay về câu hỏi then chốt: liệu những triệu chứng đó có cản trở đáng kể đến cuộc sống hằng ngày của cô hay không? Và ông quyết định đưa ra chẩn đoán. Nhưng cũng dễ dàng tưởng tượng rằng, một bác sĩ khác có thể từ chối đưa ra chẩn đoán “ADHD nhẹ” này, với lý do những triệu chứng đó chưa thật sự gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của Rebecca, và tiền sử thời thơ ấu lại không rõ ràng.

Rất nhiều người, giống như Rebecca, nằm trong vùng xám của đường cong ADHD hình chuông. Trước khi vội vàng bác bỏ khả năng cô mắc ADHD, hãy xem xét một lập luận đáng cân nhắc về việc điều trị những người trưởng thành mắc ADHD ở mức độ nhẹ, hay còn gọi là “dưới ngưỡng chẩn đoán”. Trước hết, nhiều người trong nhóm này có thể sẽ tiến triển thành ADHD thực sự ở một giai đoạn khác trong đời, vì vậy, nếu giúp Rebecca ngay từ bây giờ (bằng các phương pháp có căn cứ như liệu pháp nhận thức - hành vi hoặc liều thuốc nhẹ), điều đó có thể được xem như một bước phòng ngừa.

Các nghiên cứu cho thấy ADHD ở mức dưới ngưỡng thường không liên quan đến những khác biệt đặc trưng về nhận thức như khó khăn trong điều hành hành vi (executive function), và ít có liên quan đến tiền sử gia đình mắc ADHD. Những người thuộc nhóm này thường không gặp trở ngại nghiêm trọng trong cuộc sống, cũng ít có các chẩn đoán tâm lý đi kèm, và thậm chí còn có xu hướng nhìn thấy mặt tích cực từ đặc điểm ADHD của mình, chẳng hạn như sự sáng tạo, điều mà những người mắc ADHD trung bình hoặc nặng ít khi cảm nhận được. Tuy vậy, so với dân số chung, họ lại có nguy cơ cao hơn về các biến chứng thứ phát, chẳng hạn như rối loạn sử dụng chất gây nghiện. Họ cũng có khả năng đáp ứng điều trị tương tự như những người đáp ứng đầy đủ tiêu chí ADHD. Do đó, nếu bác sĩ của Rebecca tin rằng điều trị có thể mang lại lợi ích, thì chẩn đoán có thể được đưa ra để cô đủ điều kiện tiếp cận chăm sóc.

Một yếu tố khác có thể đang khiến những bệnh nhân ADHD nhẹ hoặc dưới ngưỡng như Rebecca tìm đến phòng khám là làn sóng đang lên của phong trào đa dạng thần kinh (neurodiversity). Khi được chẩn đoán ADHD, Rebecca cảm thấy như lần đầu tiên mình nhìn rõ cuộc đời, và sự chữa lành cô trải nghiệm qua điều trị thật sự có ý nghĩa. Cảm giác biến đổi này, vốn rất phổ biến trong cộng đồng những người được chẩn đoán ADHD nhẹ ở tuổi trưởng thành, đang dần thách thức sự cứng nhắc trong các tiêu chí chẩn đoán truyền thống của ADHD. Lập luận đưa ra là: những người như Rebecca, có thể không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về mức độ suy giảm chức năng hay khởi phát sớm từ thời thơ ấu, vẫn xứng đáng có được một chẩn đoán mà họ cảm thấy phản ánh đúng bản chất con người mình và phù hợp với trải nghiệm sống thực tế. Cách nhìn này chính là cốt lõi của phong trào đa dạng thần kinh, vốn bùng lên mạnh mẽ trong cộng đồng ADHD suốt thời kỳ đại dịch COVID-19. Khung lý thuyết này khuyến khích một định nghĩa rộng mở hơn về ADHD ở người trưởng thành như một kiểu đặc điểm thần kinh mang tính chất suy giảm, bất kể mức độ ảnh hưởng bề ngoài rõ ràng hay không.

Một chuyên gia lâm sàng tiếp cận ADHD theo quan điểm đa dạng thần kinh có thể cân nhắc đến khái niệm “ngụy trang” (tức là che giấu các biểu hiện ADHD để hòa nhập với các chuẩn mực xã hội) và “bù trừ” (tức là áp dụng những chiến lược nhằm giảm thiểu tác động của triệu chứng lên cuộc sống thường ngày) khi đưa ra chẩn đoán cuối cùng. Trong một số trường hợp, họ có thể gác lại yêu cầu về bằng chứng suy giảm chức năng rõ rệt hoặc dấu hiệu từ thời thơ ấu nếu có thể chỉ ra được những yếu tố ngụy trang hoặc bù trừ cụ thể từng giúp che lấp các triệu chứng này. Phong trào đa dạng thần kinh cũng đặt ra một câu hỏi đáng suy ngẫm: liệu sự kiệt sức do phải kìm nén liên tục các biểu hiện ADHD có thể được xem là một dạng suy giảm chức năng thay thế hay không? Thật thú vị là trong DSM-5, nhiều rối loạn tâm thần phổ biến được xác định mức độ nghiêm trọng lâm sàng dựa trên tiêu chí “đau khổ và/hoặc suy giảm chức năng”, còn ADHD thì lại chỉ sử dụng tiêu chí “suy giảm chức năng”.

Bác sĩ của Rebecca có thể cho rằng trí thông minh và những tài năng được săn đón của cô chính là điểm mạnh đã che lấp các triệu chứng ADHD khi còn nhỏ, và cho phép cô bù đắp phần nào khi trưởng thành. Nếu như cô không học giỏi đến vậy, không sở hữu cá tính thu hút đến vậy, có lẽ những biểu hiện ADHD đã bộc lộ rõ từ thời niên thiếu. Nếu như cô không có nhiều kỹ năng có thể kiếm ra tiền, và không có một người bạn trai sẵn lòng cho cô ở miễn phí, có thể sự bồn chồn luôn hiện hữu nơi cô đã trở thành một mối đe dọa thực sự cho sự sống còn tài chính của chính mình. Ngay cả Jake cũng tìm được cách bù trừ cho ADHD nhờ sự hỗ trợ kiên trì từ cha mẹ, liệu cuộc đời cậu sẽ ra sao nếu không có ai thúc đẩy việc học hành, không có nơi ăn chốn ở ổn định, hay không được chở đi làm mỗi sáng? Tuy nhiên, nếu con người là tổng hòa của tất cả những gì họ có, thì cũng hợp lý khi nhìn ADHD theo cách toàn diện, rằng Rebecca là một người mà mức độ suy giảm chức năng tổng thể có thể không nghiêm trọng đến mức cần chẩn đoán.

Những năm 2020 đã chứng kiến một làn sóng thức tỉnh mạnh mẽ của phụ nữ, những người lần đầu nhận ra mình mang đặc điểm ADHD.

Một số yếu tố liên quan đến đại dịch cũng có thể đã góp phần vào cuộc giằng co xoay quanh ranh giới chẩn đoán ADHD. Khi người Mỹ bắt đầu dành nhiều thời gian trực tuyến hơn, ngày càng có nhiều người chia sẻ trải nghiệm cá nhân phong phú và đa dạng về cuộc sống cùng ADHD. Làn sóng các câu chuyện cá nhân tràn ngập trên mạng xã hội, dù có thể không hoàn toàn phù hợp với thông tin được xác thực bởi khoa học, đã góp phần mở rộng nhận thức công chúng về những gương mặt khác nhau của ADHD. Bởi vì các nội dung mới lạ, chưa từng biết đến thường thu hút nhiều lượt tương tác hơn so với các thông tin đã cũ, danh sách các triệu chứng “bí mật” hoặc “chưa được công nhận” của ADHD, do cộng đồng mạng cùng nhau chia sẻ, bắt đầu nở rộ trên không gian mạng. Và khi danh sách này càng dài, số người cảm thấy mình “thuộc về” chẩn đoán ADHD cũng theo đó mà tăng lên.

Sự trỗi dậy của thế giới #ADHD cũng mở ra không ít cơ hội kiếm tiền. Nhiều bài đăng chia sẻ trải nghiệm cá nhân với ADHD đi kèm đường dẫn trực tiếp đến các sản phẩm hoặc dịch vụ có thể mua được, chẳng hạn như thực phẩm bổ sung hoặc các khóa huấn luyện cá nhân. Đáng chú ý hơn cả, một số công ty khởi nghiệp kỹ thuật số quy mô lớn đã nắm bắt cơ hội khi luật kê đơn thuốc kích thích (nhóm thuốc điều trị chính cho ADHD) tại Mỹ được nới lỏng, và bắt đầu cung cấp dịch vụ chẩn đoán trực tuyến nhanh gọn, tiện lợi, phù hợp với mô hình kinh doanh quy mô lớn. Họ ồ ạt tung ra các chiến dịch quảng cáo kỹ thuật số hướng đến những khách hàng tiềm năng (giống như bài quảng cáo đã thu hút sự chú ý của Rebecca). Chính những quảng cáo này cũng có thể đã góp phần làm gia tăng tỷ lệ tự tìm đến chẩn đoán ADHD, dù là qua nền tảng khởi nghiệp kỹ thuật số hay các hình thức khác. Cũng cần lưu ý rằng một vài công ty chuyên kê đơn ADHD (như Cerebral và Done) sau đó đã bị điều tra liên bang vì các hành vi lạm dụng và đã phải ngừng hoạt động liên quan đến kê đơn ADHD. Ít nhất, ta có thể nói rằng: internet giờ đây đã có một lợi ích rõ rệt trong việc mở rộng định nghĩa về những ai có thể hưởng lợi từ các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến ADHD.

Một phong trào phụ nữ ngày càng lớn mạnh trong cộng đồng ADHD cũng có thể đang góp phần làm tăng tỷ lệ tự tìm đến chẩn đoán.

Như số liệu từ CDC và các nguồn khác cho thấy, phần lớn người trưởng thành lần đầu tiên đi tìm chẩn đoán và điều trị ADHD là phụ nữ trong độ tuổi 20, 30 và 40. Những năm 2020 chứng kiến một làn sóng thức tỉnh mạnh mẽ của phụ nữ, những người lần đầu tiên nhìn thấy chính mình trong chẩn đoán ADHD, nhờ vào việc chia sẻ trải nghiệm sống cùng nhau trên không gian mạng.

Sự trỗi dậy của phụ nữ trong cộng đồng ADHD là điều dễ hiểu. Lâu nay, người ta đã biết rằng ADHD thường được chẩn đoán ở tỷ lệ thấp hơn ở các bé gái so với bé trai. Vì phần lớn các nghiên cứu về ADHD trước đây đã loại trừ nữ giới, chúng ta vẫn chưa thể biết rõ liệu xu hướng này phản ánh một bất công mang tính hệ thống, hay phản ánh sự khởi phát muộn hơn của ADHD ở nữ giới (có thể bị ảnh hưởng bởi yếu tố nội tiết), hoặc đơn giản là vì phụ nữ và bé gái có xu hướng ít xuất hiện ở cực điểm của phổ đặc điểm ADHD (có thể nhờ vào tác động bảo vệ từ yếu tố sinh học nữ giới đối với các nguy cơ di truyền liên quan đến ADHD).

Những nghiên cứu mới nổi gần đây cho thấy ADHD có thể biến đổi rất mạnh trong suốt vòng đời của một cá nhân.

Một cách tự phát và lan tỏa từ dưới lên, phong trào phụ nữ ADHD đang được khơi dậy từ cảm giác rằng cả một thế hệ nữ giới mắc ADHD đã bị bỏ sót ngay từ thời thơ ấu, do các tiêu chí chẩn đoán từ lâu vốn thiên về nam giới. Một trong những mục tiêu hành động rõ rệt của phong trào này là kêu gọi mở rộng các tiêu chí chẩn đoán trong DSM-5 để phản ánh tốt hơn những biểu hiện lâm sàng đặc thù ở phụ nữ mắc ADHD. Hệ quả chẩn đoán mà phong trào phụ nữ trong cộng đồng ADHD tạo ra là vô cùng phức tạp, nhưng không thể phủ nhận: phụ nữ đang góp phần mở rộng định nghĩa về ADHD có thể mang hình hài như thế nào. Những bức chân dung mới về ADHD mang màu sắc nữ tính — cùng với tiếng nói về sự bất bình đẳng có tính hệ thống — đã bắt đầu thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia lâm sàng đầy thiện chí. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào xác định được rõ ràng cách thức tốt nhất để phát hiện ADHD ở nữ giới và trẻ em gái.

Dẫu vậy, làn sóng ADHD gần đây nhiều khả năng không chỉ phản ánh sự thay đổi về cách xã hội định nghĩa và nhận diện rối loạn này. Những nghiên cứu mới còn cho thấy ADHD có thể lúc mạnh lúc nhẹ theo thời gian. Điều đó đồng nghĩa: kể từ sau đại dịch, có thể ngày càng nhiều người Mỹ đang gặp những khó khăn nghiêm trọng và có ý nghĩa về mặt lâm sàng liên quan đến ADHD. Các phát hiện mới trong vài năm qua cho thấy, ngay trong một cá nhân, triệu chứng ADHD có thể dao động rất lớn trong suốt cuộc đời. Rất nhiều người, nếu không muốn nói là phần lớn, từng được chẩn đoán ADHD sẽ chỉ thỏa các tiêu chí chính thức trong một số năm nhất định, chứ không phải suốt đời. Một số nghiên cứu xác nhận rằng những biến động về nhu cầu và áp lực từ môi trường sống có thể khiến triệu chứng ADHD tăng lên hay dịu xuống theo từng giai đoạn. Thậm chí, những triệu chứng ấy có thể lên xuống thất thường cả ở những người không mắc ADHD.

Cách suy nghĩ này hoàn toàn phù hợp với quan điểm cho rằng ADHD là kết quả của sự tương tác giữa gen và môi trường. Nói cách khác, nguy cơ di truyền ADHD ở một người có thể bộc lộ thành triệu chứng thực tế hay không còn tùy thuộc vào những gì đang diễn ra xung quanh họ. Vì thế, nếu xã hội xuất hiện những điều kiện khiến triệu chứng ADHD trầm trọng hơn, những người vốn đã cận kề ngưỡng chẩn đoán có thể bất ngờ cảm thấy các triệu chứng bùng phát cùng lúc và nhiều người trong số họ sẽ chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ, dù đó là thuốc, trị liệu, huấn luyện cá nhân hay thậm chí là các loại thực phẩm chức năng.

Ý tưởng này cũng phù hợp với kết luận từ một tổng quan nghiên cứu quy mô lớn: trên toàn cầu, triệu chứng ADHD đã gia tăng trong thời kỳ đại dịch. Nó cũng khớp với dữ liệu điều tra dân số mà tôi từng cùng xem với đồng nghiệp từ CDC hồi ở Baltimore. Vì thế, nếu đúng là triệu chứng ADHD nặng hơn trong đại dịch, và mọi người bắt đầu nói nhiều hơn về điều đó trên mạng xã hội qua hashtag #ADHD, thì hoàn toàn hợp lý khi ngày càng nhiều người thuộc “vùng xám” bắt đầu tự hỏi liệu mình có mắc ADHD hay không. Nhưng điều gì thực sự khiến số chẩn đoán chính thức tăng vọt? Một lý do khả dĩ là sự trỗi dậy của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần từ xa, dễ tiếp cận, như các nền tảng trị liệu trực tuyến. Theo một báo cáo từ CDC năm 2024, khoảng 1 trong 5 người trưởng thành mắc ADHD đã nhận được chẩn đoán thông qua các hình thức trực tuyến, và một nửa số đó từng sử dụng dịch vụ khám chữa từ xa để chăm sóc ADHD trong vài năm gần đây.

Vậy các bác sĩ lâm sàng nên làm gì?
Liệu một chuyên gia có nên đưa ra chẩn đoán cho một người bình thường vốn không đủ tiêu chí ADHD, nhưng lại rơi vào giai đoạn đặc biệt khi triệu chứng bỗng bùng phát và vượt ngưỡng lâm sàng? Làm như vậy có thể không được xem là chẩn đoán quá mức, bởi người đó vẫn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về ADHD (DSM-5 chỉ yêu cầu có một vài triệu chứng xuất hiện từ thời thơ ấu, chứ không phải toàn bộ hội chứng ngay từ nhỏ). Trong tương lai, cộng đồng y học có thể sẽ công nhận rõ ràng hơn rằng ADHD là một rối loạn dao động theo suốt vòng đời và sẽ bắt đầu nghiên cứu kỹ hơn các yếu tố khiến triệu chứng trỗi dậy. Khi khoa học về sự biến đổi của ADHD dần được đưa vào thực hành lâm sàng, chuẩn chẩn đoán ADHD chắc chắn sẽ trở nên bao quát hơn. Lúc ấy, giới chuyên môn có thể sẽ bớt khắt khe hơn trong việc từ chối chẩn đoán cho những người có biểu hiện ADHD theo kiểu “lúc bật lúc tắt”.

Khi bắt gặp chính mình trong danh sách ngày càng dài những triệu chứng ADHD được cộng đồng mạng đóng góp và chia sẻ, chưa bao giờ có nhiều người trưởng thành tự vấn về khả năng mình mắc ADHD như bây giờ. Một số người sau đó đã rời khỏi không gian mạng để mang câu hỏi ấy đến gặp bác sĩ quen thuộc. Ngày nay, các bác sĩ đang phải đối mặt với những tình huống chẩn đoán ngày càng phức tạp, khi bệnh nhân mô tả ADHD của mình chủ yếu qua những biểu hiện phổ biến trong cộng đồng mạng nhưng chưa được công nhận trong DSM, như “siêu tập trung” (hyperfocus), “phản ứng cảm xúc quá mức”, hay “rối loạn sợ bị từ chối” (rejection sensitivity dysphoria).

Hiện vẫn chưa rõ liệu khung lý thuyết về đa dạng thần kinh có được các bác sĩ lâm sàng chấp nhận rộng rãi như cách nó lan truyền trên mạng xã hội hay không. Tuy nhiên, chắc chắn đang có một làn sóng căng thẳng ngày càng rõ rệt giữa những cách tiếp cận chẩn đoán ADHD truyền thống và những cách tiếp cận mới mẻ hơn trong cộng đồng y khoa. Việc kỳ vọng rằng các bác sĩ phải bơi qua một “hố sâu giả định” với vô vàn điều kiện “nếu có thể” chỉ để tìm ra kiểu thần kinh ADHD tiềm ẩn nơi một người dường như không có suy giảm rõ rệt, là một nhiệm vụ quá sức với nhiều người. Mặc dù mức độ biểu hiện đặc điểm ADHD ở một người có tương quan cao với gánh nặng di truyền mà họ mang, hiện vẫn chưa có một chỉ dấu sinh học nào đủ sức khẳng định chẩn đoán ADHD một cách dứt khoát. Một số người dù mang nguy cơ di truyền cao vẫn không biểu hiện rối loạn; ngược lại, một số người được chẩn đoán ADHD lại không mang yếu tố di truyền rõ rệt. Đặc điểm ADHD là kết quả của sự đan xen phức tạp giữa các yếu tố sinh học, tâm lý và môi trường sống.

Một số bác sĩ lo ngại rằng ranh giới của ADHD sẽ trở nên quá chủ quan, làm tổn hại đến uy tín của chẩn đoán này.

Mọi thứ càng trở nên phức tạp hơn khi ADHD được nhìn nhận như một tổ hợp các “đặc điểm phụ” về nhận thức, như trí nhớ làm việc, khả năng phản ứng với phần thưởng, hay năng lực ức chế hành vi, tất cả cùng góp phần tạo nên đặc điểm hành vi ADHD tổng thể. Những người có điểm số cao trong bảng đánh giá hành vi ADHD có thể thể hiện sự kết hợp rất khác nhau giữa các đặc điểm phụ này. Vì thế, không nghi ngờ gì nữa, ADHD có thể xuất phát từ nhiều con đường thần kinh khác nhau, và mỗi con đường ấy lại có thể bị điều chỉnh tăng giảm bởi nhiều yếu tố, từ lâu dài đến tạm thời. Chính vì ADHD là một chẩn đoán mang tính đa dạng thần kinh rất cao, nên không thể có một bài kiểm tra nhận thức khách quan nào xác nhận chắc chắn được nó. Thay vào đó, các bác sĩ phải dựa vào việc ghi nhận một mẫu hành vi rõ rệt, kéo dài, gây ảnh hưởng chức năng và phù hợp với đặc điểm ADHD, với điều kiện là những quan sát này được xác nhận từ nhiều nguồn khác nhau.

Hiện nay, đang có cả những người ủng hộ mạnh mẽ lẫn những người phản đối khung lý thuyết đa dạng thần kinh trong việc hiểu về ADHD. Bản thân tôi cũng từng gặp những bác sĩ rất cởi mở, tin rằng khung tư duy này mang lại nhiều giá trị, nhưng vẫn do dự khi phải rời bỏ các tiêu chí truyền thống về mức độ suy giảm chức năng và khởi phát từ thời thơ ấu. Họ lo ngại rằng, nếu những ranh giới này bị làm mờ đi, chẩn đoán ADHD sẽ trở nên quá cảm tính, và như thế, uy tín của nó sẽ bị tổn thương. Với họ, đây là một chẩn đoán xứng đáng được bảo vệ, vì họ đã thấy rõ ADHD có thể gây ra khổ đau đến mức nào với những người thật sự mắc phải.

ADHD từ lâu đã phải hứng chịu sự kỳ thị, cả từ công chúng lẫn từ chính giới y khoa rộng lớn hơn. Vì nhiều lý do khác nhau, những cái nhìn khắt khe tương tự lại không thường xuyên nhắm vào các chẩn đoán “chị em” như rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn học tập, hay các rối loạn y khoa mang tính phổ như tăng huyết áp hay tiểu đường. Bởi vì đặc điểm ADHD tồn tại trên một phổ liên tục và có thể xuất hiện ở người bình thường, nên các tiêu chí về mức độ suy giảm chức năng và khởi phát sớm đã đóng vai trò như những điểm gác trọng yếu trong việc kiểm soát việc chẩn đoán. Nếu hai trụ cột này bị gỡ bỏ, ranh giới chẩn đoán rất có thể sẽ trở nên mơ hồ hơn bao giờ hết.

ADHD từ lâu đã dễ bị chẩn đoán nhầm, và chính vì vậy, việc gán cho nó cái nhãn “chẩn đoán quá mức” luôn là điều hấp dẫn với những người đứng ngoài cộng đồng ADHD. Trong quy trình chẩn đoán ADHD ở người trưởng thành, một phần tiêu chuẩn không thể thiếu là bác sĩ phải lần lượt loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây ra triệu chứng tương tự, một quá trình phức tạp được gọi là “chẩn đoán phân biệt”. Bởi lẽ, khó tập trung là triệu chứng phổ biến thứ hai trong toàn bộ DSM-5, và có vô số yếu tố không liên quan đến ADHD cũng có thể làm thay đổi môi trường hóa thần kinh tại các vùng não liên quan đến rối loạn này, từ đó tạo ra một tình trạng “giả ADHD” (ví dụ: các rối loạn tâm thần như lo âu, trầm cảm; tác dụng phụ của thuốc dùng cho mục đích khác; phản ứng bình thường với căng thẳng, thiếu ngủ; hoặc các rối loạn nội tiết và thay đổi sinh lý như suy giáp hay giai đoạn tiền mãn kinh). Trong hầu hết các trường hợp, chẩn đoán phân biệt chính là phần tiêu tốn nhiều thời gian nhất trong quá trình đánh giá ADHD một cách chỉn chu ở người trưởng thành. Đôi khi cần đến nhiều buổi thăm khám dài để hoàn tất quá trình này một cách đáng tin cậy. Nhưng trong hệ thống y tế hiện đại, không phải lúc nào cũng có đủ điều kiện để thực hiện mức thẩm định kỹ lưỡng ấy, điều này khiến ADHD càng dễ bị chẩn đoán sai.

Tuy nhiên, nếu có từng ấy trường hợp bị chẩn đoán sai ADHD, thì cũng có từng ấy người bị bỏ sót. Rất nhiều người trưởng thành mắc ADHD nhưng không được nhận diện sớm, thường chỉ tiếp cận hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần khi tìm cách điều trị cho các rối loạn đi kèm như lo âu, trầm cảm hoặc rối loạn sử dụng chất. Trong nhiều trường hợp, chính ADHD chưa được chẩn đoán mới là gốc rễ sâu xa của những phiền toái thứ cấp ấy, nhưng vì chưa được đào tạo bài bản, không ít bác sĩ đã bỏ qua dấu hiệu. Thế nên, cứ mỗi ca bị chẩn đoán quá mức ADHD, lại có thể có một trường hợp ADHD chưa được phát hiện.

Đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe tâm thần trên toàn thế giới, dẫn đến làn sóng người tìm đến các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến ADHD và nhiều vấn đề khác (ví dụ, việc nước Mỹ thiếu hụt thuốc kích thích Adderall là hậu quả trực tiếp từ nhu cầu điều trị ADHD tăng vọt). Lượng bệnh nhân tăng chưa từng có đã buộc hệ thống y tế phải mở rộng lực lượng chuyên môn, từ đó tạo điều kiện để những nhà cung cấp dịch vụ mới đảm nhận nhiệm vụ đưa ra chẩn đoán ADHD lần đầu ở người trưởng thành. Có vẻ như nhiều bác sĩ gia đình và điều dưỡng hành nghề độc lập đã bước vào để lấp đầy nhu cầu đó (bên cạnh các nền tảng chẩn đoán siêu tốc trực tuyến được đề cập trước đó). Những người mới bước vào lĩnh vực này thừa nhận rằng họ có tham khảo cả thông tin từ các nguồn phổ biến. Dù họ có thể dễ bị nhầm lẫn giữa ADHD và các rối loạn tương tự hơn so với các chuyên gia kỳ cựu, nhưng đồng thời họ cũng có xu hướng cởi mở hơn với các quan điểm toàn diện và bao hàm hơn về ADHD ở người trưởng thành.

Đã đến lúc chia nhỏ chẩn đoán ADHD thành nhiều rối loạn riêng biệt?
Các tiêu chí chẩn đoán của chúng ta cần làm tốt hơn trong việc phản ánh những gương mặt đa dạng của ADHD.

Giới khoa học từ lâu đã hiểu rằng ADHD là tập hợp của nhiều rối loạn có liên quan, cùng ảnh hưởng đến khả năng tự điều chỉnh và vì thế, ADHD rất dễ trở thành một “chiếc túi lớn” gom tất cả những ai có vấn đề về chú ý. Cách gộp chẩn đoán như vậy có thể khiến danh mục ADHD ngày càng rộng mở, kéo theo tỷ lệ chẩn đoán tăng cao đến mức khiến công chúng cảm thấy bất an. Thay vì bác bỏ ADHD, có lẽ đã đến lúc cân nhắc việc “chia nhỏ” nó. Trong 75 năm qua, DSM từng chia chẩn đoán trầm cảm, vốn trước đây là một khối thống nhất, thành nhiều nhóm riêng biệt như rối loạn trầm cảm nặng, rối loạn trầm cảm dai dẳng, rối loạn điều hòa cảm xúc rối loạn, và rối loạn rối loạn tiền kinh nguyệt. Có lẽ đã đến lúc làm điều tương tự với ADHD.

Việc phân tách ADHD thành một nhóm rộng lớn gồm nhiều rối loạn khác nhau cần được thực hiện qua nghiên cứu cẩn trọng, nhằm xem xét đầy đủ hệ quả của thay đổi này. Ngôn ngữ đi kèm cũng vô cùng quan trọng. Giống như cách từng tái tổ chức các dạng rối loạn trầm cảm, việc tái cấu trúc ADHD như một nhóm rối loạn về chú ý và tự điều chỉnh có thể dựa trên nhiều tiêu chí: mức độ nặng nhẹ (liệu có dạng ADHD “nhẹ” chủ yếu ảnh hưởng đến yếu tố tâm lý?), diễn tiến (liệu có dạng ADHD đặc trưng ở nữ giới, khởi phát vào giai đoạn dậy thì hoặc tiền mãn kinh?), mức độ ổn định (liệu có kiểu ADHD lên xuống theo môi trường sống?), và đặc điểm (liệu có dạng ADHD chủ yếu biểu hiện qua sự rối loạn cảm xúc?).

Điều cốt lõi ở đây là: mọi trải nghiệm cá nhân với những khó khăn giống ADHD và cách những khó khăn đó ảnh hưởng đến cuộc sống đều có giá trị. Các tiêu chí chẩn đoán của chúng ta cần làm tốt hơn trong việc phản ánh những gương mặt đa dạng của ADHD, và giúp bệnh nhân cùng bác sĩ có thể gặp nhau ở điểm chung khi kết luận về chẩn đoán. Cho đến khi các rối loạn về chú ý và tự điều chỉnh được phân loại đúng mức, ADHD sẽ còn tiếp tục mở rộng bao hàm, bởi những dạng vấn đề về tự điều chỉnh sẽ tiếp tục được đẩy vào danh mục duy nhất hiện có. Dù ta có thể chỉ ra vô số lý do khiến việc “gộp chẩn đoán” là một con dao hai lưỡi, thì những người như Jake và Rebecca vẫn đang rất cần sự giúp đỡ và chúng ta cần đảm bảo rằng họ sẽ được tiếp cận điều đó. 

* Tên nhân vật và một số chi tiết nhận diện quan trọng đã được thay đổi nhằm bảo vệ quyền riêng tư của bệnh nhân. 

Nguồn: Rethinking adult ADHD | Aeon.co

menu
menu