Vì sao ta dễ yêu những người không thể đáp lại tình cảm

Hiểu về tâm lý và sinh học đằng sau tình yêu đơn phương và con đường chữa lành.
NHỮNG ĐIỂM CHÍNH
- Tình yêu đơn phương kích hoạt hệ thống phần thưởng trong não, khiến ta cảm thấy như nghiện và khó buông bỏ.
- Chúng ta thường yêu hình ảnh tưởng tượng về một người, chứ không phải con người thật của họ.
- Việc thiếu một cái kết rõ ràng khiến tâm trí ta cứ mãi lặp đi lặp lại những suy nghĩ, càng khiến ta gắn bó sâu sắc, ngay cả sau khi bị từ chối.
- Những vết thương cũ không định nghĩa con người bạn. Sự chữa lành bắt đầu khi bạn ngừng theo đuổi người khác và bắt đầu chọn chính mình.
Yêu là điều kỳ diệu, cho đến khi không được đáp lại. Hầu hết chúng ta từng trải qua, hoặc chứng kiến ai đó yêu say đắm một người không có cảm xúc tương tự. Nỗi đau tinh thần kéo theo có thể dữ dội chẳng kém gì một cuộc chia tay, dù mối quan hệ ấy có thể chưa bao giờ thực sự tồn tại. Vậy vì sao tình yêu đơn phương lại khiến ta tổn thương đến thế? Làm sao bạn có thể gắn bó sâu đậm với một người không yêu mình?
Bộ não không chờ được phép yêu
Tình yêu không phải lúc nào cũng tuân theo lý trí. Các nghiên cứu thần kinh cho thấy khi ta yêu, hệ thống phần thưởng trong não, đặc biệt là các con đường dopamine, được kích hoạt, tương tự như khi sử dụng các chất gây nghiện. Sự hấp dẫn lãng mạn khơi dậy những phản ứng cảm xúc và thể chất mạnh mẽ. Trong các mối quan hệ đôi bên, não bộ nhận được phần thưởng đều đặn. Nhưng với tình yêu đơn phương, bạn thường chỉ đuổi theo những phần thưởng rải rác, một nụ cười, một lời nói tử tế, một khoảnh khắc quan tâm thoáng qua. Chính kiểu củng cố ngắt quãng này lại càng khiến cảm xúc gắn bó trở nên mạnh mẽ. Đây cũng chính là cơ chế khiến con người nghiện cờ bạc, và một khi não bộ đã rơi vào cái vòng xoáy ấy, việc thoát ra là vô cùng khó khăn.
Source: Unsplash by Logan Weaver
Bạn không yêu họ, bạn đang yêu ảo ảnh của chính mình
Tình yêu đơn phương thường dai dẳng không phải vì con người thật của đối phương, mà là vì hình ảnh bạn tưởng tượng về họ và những điều họ dường như đại diện. Ta thường phóng chiếu những nhu cầu chưa được đáp ứng, những hy vọng, hoặc hình mẫu lý tưởng của bản thân lên người ấy. Khi cảm xúc không được đáp lại, tâm trí ta không dễ gì buông bỏ. Ngược lại, nó có thể càng siết chặt và dựng nên một viễn cảnh ngày càng đẹp đẽ: “Giá như họ cũng yêu mình, mọi thứ chắc sẽ khác.” Và bởi những trải nghiệm tưởng tượng cũng có thể kích thích não tiết dopamine gần như tương đương với trải nghiệm thật, nên chính giấc mơ ấy trở thành phần thưởng cảm xúc tự thân. Cơn say ấy thật khó từ bỏ, ngay cả khi bạn biết rõ tình yêu này là không thật.
Não bộ luôn tìm kiếm sự khép lại, nhưng không phải lúc nào cũng chấp nhận được
Bộ não con người được lập trình để tìm kiếm sự kết thúc rõ ràng, nhưng không phải lúc nào cũng chấp nhận điều đó, nhất là khi nó khiến ta đau. Ngay cả khi bị từ chối một cách rõ ràng, cảm giác chấp nhận có thể trở nên không thể chịu đựng nổi. Thay vì buông bỏ, tâm trí bạn có thể cứ mãi mắc kẹt trong việc tua đi tua lại những cuộc trò chuyện, tưởng tượng các kịch bản khác nhau, hoặc tự vấn bản thân đã sai ở đâu. Đó không đơn thuần là sự chối bỏ thực tế, mà là cách bộ não cố gắng giải quyết một mâu thuẫn cảm xúc chưa khép lại, dù về mặt lý trí, mọi chuyện đã rõ ràng. Khoảng cách càng lớn giữa những gì bạn hy vọng và thực tế diễn ra, thì tâm trí càng nỗ lực lấp đầy. Trớ trêu thay, chính quá trình ấy lại giữ bạn trong mối bận lòng và khiến việc buông bỏ càng khó khăn hơn.
Khi những vết thương cũ sống dậy
Đôi khi, tình yêu đơn phương khiến ta đau đớn sâu sắc hơn vì nó chạm vào những vết thương cảm xúc cũ. Nếu tình yêu thời thơ ấu từng đến một cách thất thường, có điều kiện hoặc bị giữ lại, thì bộ não người trưởng thành có thể vô thức tìm kiếm lại những mối quan hệ tương tự, với hy vọng lần này sẽ “làm đúng” và được đón nhận. Các nhà tâm lý học gọi đây là "ám ảnh lặp lại", thôi thúc tái tạo lại những mô thức quan hệ đầu đời để vượt qua chúng.
Khi ai đó tỏ ra lạnh lùng hoặc luôn nằm ngoài tầm với, điều đó có thể đánh thức trong bạn một khao khát mãnh liệt, không chỉ để được yêu, mà còn để được công nhận và cảm thấy mình xứng đáng. Cái thách thức quen thuộc của việc cố gắng giành lấy sự yêu thương ấy phản chiếu trải nghiệm xưa kia khi ta phải chật vật để có được tình cảm. Nhưng thay vì chữa lành quá khứ, những kiểu quan hệ này thường chỉ khiến vết thương thêm sâu, dẫn đến nhiều hoài nghi, bất an và tan vỡ hơn nữa.
Cảm xúc của bạn là thật, nhưng không phải là gánh nặng của người khác
Một trong những điều đau lòng nhất của tình yêu đơn phương là cảm giác bất công. Bạn yêu sâu đậm, tận tâm, chẳng lẽ điều đó không đáng được đáp lại sao? Nhưng tình yêu, khi lành mạnh, cần đến từ cả hai phía. Dù cảm xúc của bạn mãnh liệt đến đâu, điều đó cũng không có nghĩa là người kia có trách nhiệm phải cảm thấy giống như bạn.
Điều đó không làm cho tình yêu của bạn kém chân thật hay thiếu ý nghĩa. Cảm xúc của bạn là có thật, hoàn toàn xứng đáng được thừa nhận. Việc ai đó không thể đáp lại không phải là sự phản ánh giá trị con người bạn, mà là sự phản ánh mức độ sẵn sàng, khả năng cảm nhận, hoặc lựa chọn riêng của họ. Đôi khi, ta nhầm lẫn giữa cường độ cảm xúc và sự hòa hợp, nhưng một mối quan hệ thực sự cần nhiều hơn là những cảm xúc mãnh liệt. Nó cần sự quan tâm lẫn nhau, những giá trị chung, sự chăm sóc bền bỉ và một cảm giác an toàn trong cảm xúc. Thiếu những điều đó, dù tình yêu có sâu đậm đến đâu, nó cũng khó thể trở thành một mối quan hệ thực sự.
Tiến về phía trước với sự nhân từ
Nếu bạn đang yêu một người không yêu bạn, điều đó không có nghĩa là bạn có vấn đề. Điều đó chỉ cho thấy bạn có một trái tim biết yêu rất nhiều. Nhưng có lẽ đã đến lúc bạn nhìn lại thật sâu vào điều bạn đang thực sự khao khát.
Hãy tự hỏi mình:
Mình thực sự đang mong chờ điều gì từ mối quan hệ này?
Mình đang giữ lấy hy vọng hay một ảo mộng?
Sẽ ra sao nếu mình hướng tình yêu ấy về chính mình?
Sự chữa lành bắt đầu từ khi bạn ngừng theo đuổi hình bóng người mà bạn nghĩ họ có thể trở thành, và bắt đầu trân trọng con người thật của chính mình. Tình yêu đơn phương thường phản chiếu những nhu cầu chưa được đáp ứng hoặc những vết thương xưa cũ, nhưng nó không cần phải định hình tương lai của bạn. Khi bạn nhận ra rằng giá trị của mình không nằm trong việc người khác có thể yêu bạn hay không, bạn lấy lại quyền làm chủ của chính mình.
Từ sự sáng tỏ và tôn trọng bản thân ấy, bạn sẽ dần nhận ra những tình yêu thật sự tốt lành dành cho mình, một tình yêu có qua có lại, vững chắc và an toàn. Tình yêu ấy không đến từ việc bạn chạy theo ai đó. Nó bắt đầu từ giây phút bạn biết trao cho chính mình sự quan tâm và dịu dàng mà bấy lâu nay bạn tìm kiếm từ người khác.
Tài liệu tham khảo:
Acevedo, B. P., & Aron, A. Neural correlates of long-term intense romantic love. Social Cognitive and Affective Neuroscience | Oxford Academic
Sbarra, D. A., & Coan, J. A. (2018). Relationships and health: The critical role of affective science. Emotion Review, 10(1), 40–54.
Levy, K. N., Attachment and Psychotherapy: Implications From Empirical Research Article. Canadian Psychology. August 2018
Tác giả: Jennice Vilhauer Ph.D.
Nguồn: Why We Can Fall for People Who Won't Love Us Back | Psychology Today