Tuy nhiên việc phát hiện, bắt giữ hung thủ luôn gặp phải những khó khăn, phức tạp do khó xác định được động cơ gây án của hung thủ. Vì vậy, trong một số trường hợp đặc biệt đòi phải có sự trợ giúp của các chuyên gia tâm lý.

Công việc của một chuyên gia tâm lý khi tham gia điều tra các vụ giết người hàng loạt là nghiên cứu những dấu vết, thông tin, tài liệu… có liên quan để tái tạo lại quá trình diễn biến tâm lý của hung thủ trong khi thực hiện hành vi giết người hàng loạt, từ đó tìm ra những đặc điểm tâm lý nổi bật của hung thủ góp phần định hướng cho hoạt động điều tra, thu hẹp diện đối tượng nghi vấn, phục vụ cho việc phát hiện và bắt giữ hung thủ.

Bị cáo Lê Thanh Vân trước vành móng ngựa tại phiên tòa ngày 25/8/2004.

Trong vụ giết người hàng loạt của "Tiểu sát thủ" Hồ Lê Đăng Khoa ở Thủ Thừa - Long An năm 1997, các chuyên gia tâm lý đã nghiên cứu các dấu vết tại hiện trường gây án, khai thác các thông tin có liên quan đến hung thủ, từ đó phân tích diễn biến tâm lý trong hành vi ứng xử của hung thủ, rút ra những đặc điểm tâm lý nổi bật của hung thủ và đưa ra nhận định tương đối chính xác về hung thủ.

Từ tháng 3 đến tháng 11/1997, Hồ Lê Đăng Khoa (14 tuổi) đã liên tiếp gây ra 4 vụ giết người làm chết 2 người, bị thương 2 người, nạn nhân đều là các cô gái trẻ, với phương thức thủ đoạn tương tự như nhau.

Thế  nhưng trong giai đoạn đầu, cơ quan điều tra chỉ có một vài thông tin từ các nhân chứng là: "Một gã con trai nhỏ con vừa chạy xe đạp vừa đâm" và với những thông tin ấy cơ quan điều tra đã không đủ cơ sở để định hướng chính xác cho hoạt động điều tra. Khi vụ án gần như bị bế tắc, cơ quan điều tra đã mời các chuyên gia tâm lý tham gia.

Các nạn nhân trong vụ giết người hàng loạt ở Perpignan - Pháp từ năm 1997 đến năm 2001.

Nghiên cứu diễn biến của vụ án và các thông tin do nạn nhân cung cấp, bác sỹ Nguyễn Thanh Tuyền giám định viên trưởng tổ chức giám định pháp y TP. Hồ Chí Minh - một chuyên gia tâm lý tội phạm -  đã nói: "Khi tham gia vụ án này, tôi đã đến hiện trường gây án để quan sát và nhận thấy một điều lặp đi lặp lại trong các vụ đâm người là cứ đâm xong một cô gái là thủ phạm chạy đúng một vòng tròn, lủi vào bụi tre, chạy qua ruộng lúa rồi về nhà. Tôi nghĩ ngay đến một đứa trẻ. Bởi vì tư duy trẻ con thì nó thường tìm về nhà sau khi làm một việc gì đó không bình thường… Mặt khác động cơ đâm người của hung thủ là không rõ ràng và tất cả nạn nhân đều là các cô gái trẻ cho thấy hung thủ là một người có tâm lý không bình thường …". Và, ông đã đưa ra nhận định: "Hung thủ là nam, có độ tuổi từ 12 - 16 tuổi, tâm lý không bình thường". Từ nhận định đó, cơ quan điều tra đã nghiên cứu sàng lọc chọn ra 3 đối tượng nghi vấn trong đó có Hồ Lê Đăng Khoa.

Hoặc, vụ nữ sát thủ Lê Thanh Vân giết chết 13 người bằng chất độc xyanua cũng là một vụ án giết người hàng loạt đặc biệt nghiêm trọng. Từ năm 1998, trên địa bàn một số tỉnh phía Nam liên tiếp xảy ra nhiều vụ chết người không rõ nguyên nhân gây bàng hoàng trong nhân dân. Cơ quan điều tra và các chuyên gia tâm lý tội phạm đã vào cuộc xác định được đối tượng và yêu cầu Lê Thanh Vân đến trụ sở làm việc.

Hai hung thủ trong vụ giết người hàng loạt ở Perpignan - Pháp từ năm 1997 đến năm 2001.

Khám xét trong giỏ xách của Vân, cơ quan công an thu được một gói hóa chất màu vàng được giám định là hóa chất kịch độc đối với con người. Chỉ cần một lượng nhỏ từ 0,15 đến 0,20 gram là đủ làm chết một người có trọng lượng 70-90 kg.

Thử nghiệm chất độc này đối với chó thì khoảng 7 phút sau chó chết. Tuy nhiên, khi giám định tử thi của nạn nhân cũng như mẫu ngũ tạng của chó, cơ quan chức năng không tìm ra chất độc mà thời hạn điều tra đã hết nên buộc phải tha đối tượng.

Sau khi được tha, không lâu sau, Vân lại tiếp tục gây án tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, TP HCM. Nhận thấy các nạn nhân đều có các triệu chứng giống nhau trước khi chết đồng thời lại luôn có sự hiện diện của Vân nên công an các tỉnh đã chuyển hồ sơ đến Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ công an điều tra làm rõ.

Lần theo các dấu vết, cơ quan chức năng đã xác định được chính xác loại thuốc độc mà đối tượng sử dụng. Đó là loại thuốc có đặc tính khuyếch tán nhanh khi vào cơ thể nên ngay lập tức Lê Thanh Vân bị bắt giữ.

Quá trình điều tra đã xác định được Vân giết chết 13 người, trong đó có số vụ Vân phối hợp với chồng "hờ" - Dìu Dãnh Quang thực hiện. Những nạn nhân mà Vân ra tay sát hại bất kể là ai, dù thân quen hay xa lạ chỉ "cần" người đó có tiền hoặc đã từng gây mâu thuẫn đối với Vân.

Qua các vụ án trên, chúng ta nhận thấy, việc nghiên cứu tâm lý hung thủ có ý nghĩa rất quan trọng trong điều tra các vụ giết người hàng loạt. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải nhận thức được rằng, đây là một công việc rất khó khăn, phức tạp. Bởi vì cơ quan điều tra chỉ cần đến sự trợ giúp của các chuyên gia tâm lý khi họ không có đủ thông tin và bế tắc trong việc định hướng điều tra.

Vậy vấn đề đặt ra ở đây là, các chuyên gia tâm lý phải làm gì để khắc phục khó khăn này, phải dựa trên cơ sở nào để tái tạo lại quá trình diễn biến tâm lý của hung thủ. Cũng  như điều tra viên, các chuyên gia tâm lý cũng phải dựa trên cơ sở của những dấu vết, thông tin, tài liệu có liên quan đến hung thủ, nhưng các chuyên gia này lại khai thác các dấu vết, thông tin, tài liệu này ở một khía cạnh khác -  khía cạnh tâm lý.

Tâm lý không những được hình thành trong hoạt động mà nó còn được biểu hiện thông qua hoạt động, đó là qui luật và hung thủ dù có cẩn trọng đến đâu đi nữa cũng có những sai sót nhất định. Chính những qui luật, những sai sót đó sẽ là chìa khoá để các chuyên gia tâm lý "giải mã" được những bí ẩn về tâm lý của hung thủ.

Đối với các vụ giết người hàng loạt, các vụ giết người này đều do cùng một hoặc một số đối tượng gây ra nên các vụ việc thường có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và phản ánh một cách tương đối rõ những đặc điểm tâm lý nổi bật của đối tượng gây án.

Đây chính là điều kiện thuận lợi để các chuyên gia tâm lý thực hiện chức năng "giải mã" của mình. Thực tế  trong việc điều tra vụ án giết người hàng loạt xảy ra tại Perpignan - Pháp từ năm 1997 đến năm 2001 đã chứng tỏ như vậy.

Ngày 21/12/1997, thi thể cô sinh  viên Moktaria Chaib được phát hiện trong một khu đất trống cách nhà cô không xa. Ngực bị cắt, bộ phận sinh dục bị lấy đi. Mỗi vết thương được thực hiện với một sự phẫu thuật chính xác. Sáu tháng sau, một phụ nữ trẻ khác, Maria - Hélène Gonzalez, mất tích. Xác của cô này được tìm thấy 12 ngày sau (ngày 28/6/1998), gần một trạm thu phí phía nam của thành phố. Nạn nhân bị cắt đầu và hai tay. Một số bộ phận cơ thể bị ném rải rác gần đó. Hai vụ án mạng trên làm người ta liên tưởng đến vụ mất tích của Tatiana Andujar - nữ sinh trung học - vào tháng 9/1995. Vì  Tatiana Andujar cũng rất trẻ, đẹp và có tóc nâu như những nạn nhân khác.

Ngày 24/1/1998, vài tuần sau vụ sát hại Moktaria Chaib, một nhà phẫu thuật người Pérou - Jacques Rancon bị bắt. Nhưng ông ta đã phản đối điều người ta gán cho ông và chứng minh được vào thời điểm Gonzalez bị sát hại ông ta còn ở trong trại giam. Do đó cảnh sát đã không còn cơ sở để nghi ngờ ông ta.

Trong nhiều tháng liền cảnh sát tiến hành điều tra đặt ra nhiều giả thuyết khác nhau nhưng vẫn không có kết quả. Và nhiều tháng trôi qua, Perpignan sống trong sự bình yên, nhưng ngày 9/2/2001, lại phát hiện một vụ mới: Fatima Idrahon, nữ sinh 23 tuổi bị sát hại.

Tuy nhiên, lần này, một gã đàn ông tên là Marc Delpech ra đầu thú. Hắn khai rằng hắn đã siết cổ Fatima cho đến chết vì Fatima từ chối sự tán tỉnh của hắn và khẳng định đã ném xác Fatima xuống Địa Trung Hải.

Nhưng ngày 13/3/2001 người ta lại tìm thấy xác Fatima trong hồ Cannet. Lục soát nhà của Marc, cảnh sát tìm thấy những bài báo viết về những vụ án mạng ở Perpignan mà hắn sưu tầm và cất giữ. Dù vậy, một lần nữa cảnh sát lại lầm địa chỉ vì hắn có chứng cứ ngoại phạm trong các vụ án trước. Cảnh sát kết luận Marc không phải là tên giết người hàng loạt ở Perpignan.

Cuộc điều tra vẫn được tiến hành nhưng cảnh sát đã gần như bất lực chỉ biết kêu gọi người dân chú ý đề phòng tên giết người hàng loạt. Khi vụ án đã đi vào ngõ cụt thì họ mới nghĩ đến Leclair - một chuyên gia tâm lý tội phạm nổi tiếng của Pháp - và yêu cầu ông giúp đỡ.

Leclair đã lý giải theo cách riêng của mình: "Các vụ án mạng đều có một đặc điểm chung đó là các nạn nhân đều là nữ và tương đối giống nhau về ngoại hình cho phép chúng ta đặt ra giả thuyết cả hai vụ đều do cùng một hoặc một số hung thủ gây ra. Nhưng chìa khoá của vụ việc này lại là sự khác biệt giữa vụ án Moktaria Chaib và của Gonzalez. Ở trường hợp thứ nhất vụ cắt xẻo biểu hiện ở sự chính xác của phẫu thuật, trong khi vụ thứ hai lại rất vụng về và thô bạo.

Vậy có hai tên sát nhân và giữa chúng không có liên hệ gì với nhau? "Tôi không nói thế. Tôi chỉ giả định rằng ở khu vực Perpignan có hai hung thủ. Một vài chi tiết có thể làm chỗ dựa cho sự kiện ấy. Thi thể của Moktaria đã được tìm thấy vào sau hôm cô bị mất tích. Cần biết rằng nạn nhân đã bị mất hết máu. Như vậy chúng đã thực hiện sự cắt xẻo chỉ trong một đêm.

Theo tôi một vụ việc như thế không thể tiến hành bởi một người chỉ trong một thời gian ngắn. Mặt khác, chúng tôi còn thấy một vũng máu lớn cách thi thể không bao xa chứng tỏ hung thủ đã dùng một cái chậu để đựng máu. Tôi hình dung thấy hai tên: một tên khiêng xác, còn một tên mang chậu rồi rải máu ra".

Thế còn vụ án mạng thứ hai? Cũng do những hung thủ ấy? "Không! tôi nghĩ rằng lần này chỉ có một trong hai tên sát nhân hành động. Đó là tên không trực tiếp phẫu thuật. Tên này, lần đầu tiên đã theo lệnh của thủ lĩnh của nó"

Nhưng tại sao lần này hắn lại hành động một mình? "Có thể vì tên đồng lõa của chúng đã bị tạm giam, do bị tình nghi bởi vụ án thứ nhất".

Leclair giải thích tiếp, "Như vậy một trong hai tên tội phạm chính là nhà phẫu thuật người Pérou? Tôi không thể nói thêm gì nữa".

Chính vì thế, chìa khoá của vụ việc ở đây chính là việc xác định được số lượng thủ phạm ít nhất là 2 chứ không phải là 1 như nhận định của cảnh sát và nó chỉ được tìm thấy khi Leclair nghiên cứu về khía cạnh tâm lý của vụ việc.

Như vậy, bằng việc nghiên cứu tâm lý của đối tượng gây án trong các vụ giết người hàng loạt, các chuyên gia tâm lý có khả năng khắc phục được những hạn chế về thông tin  để đưa ra nhận định chính xác về hung thủ, góp phần quan trọng trong việc định hướng cho hoạt động điều tra.

Và để đạt được kết quả trên, các chuyên gia tâm lý cần phải giải quyết nhiều vấn đề khác nhau, trong đó cần phải chú ý một số vấn đề sau:

- Phải dựa trên những tài liệu, chứng cứ xác thực về diễn biến hành động phạm tội của hung thủ từ đó phân tích diễn biến tâm lý của hung thủ khi gây án để có sự nhận định chính xác về hung thủ, tránh suy diễn chủ quan vô căn cứ.

- Nghiên cứu về diễn biến tâm lý của hung thủ gây án ở các vụ án mạng khác nhau phải tìm ra những điểm tương đồng và những điểm khác biệt của các vụ án mạng đó, tìm hiểu mối liên quan giữa các tình tiết trong các vụ khác nhau từ đó tìm lời giải đáp cho những điểm giống và khác nhau đó để đưa ra nhận định chính xác, thống nhất về hung thủ.

- Khi phát hiện ra mối liên hệ giữa các vụ giết người khác nhau, đủ cơ sở để khẳng định do cùng một hoặc một số đối tượng gây ra, cần phải tập trung vào nghiên cứu vụ án đầu tiên, bởi vì càng về sau hung thủ càng có kinh nghiệm đối phó với cơ quan điều tra và tránh được những sai sót so với những vụ trước.

- Nghiên cứu diễn biến tâm lý của hung thủ gây án phải tôn trọng ý kiến nhận định của người khác về hung thủ, chọn lọc những ý kiến hợp lý để đưa ra nhận định chính xác về hung thủ.

Qua đó, chúng ta nhận thấy, việc nghiên cứu tâm lý đối tượng gây án trong công tác điều tra các vụ giết người hàng loạt là hết sức cần thiết và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong hoạt động điều tra, góp phần định hướng cho hoạt động điều tra nhằm nhanh chóng phát hiện và bắt giữ hung thủ.

 

Tác giả: Tiến sỹ Đoàn Văn Báu