Cuộc Cạnh Tranh Của Phụ Nữ

cuoc-canh-tranh-cua-phu-nu

Nhiều nghiên cứu trong những năm gần đây cho thấy quan điểm truyền thống xem phụ nữ là thụ động và không có tính tranh đua là sai lầm.

Điều gì xuất hiện khi bạn nghe những từ sau:

Cạnh tranh. Gây hấn. Bạo lực.

Nếu bạn nghĩ về từ “đàn ông” thì có lẽ bạn không đơn độc đâu. Những đặc điểm trên thường được quy cho sự nam tính và tính chất đàn ông. Cạnh tranh, gây hấn và bạo lực giữa đàn ông thường chủ yếu nhắm đến những người đàn ông khác: trên chiến trường, trên sân chơi, trong văn phòng hoặc trên đường phố. Từ lâu, Charles Darwin đã nhận thấy sự tồn tại của cuộc cạnh tranh trong cùng giới giữa những người đàn ông; ông ấy cũng hiểu rằng mục đích cơ bản của tất cả những sự gây hấn này ở đàn ông là để chiếm được sự chú ý và đồng thuận sinh con từ phụ nữ.

Bị ảnh hưởng bởi Darwin, hầu hết các nghiên cứu về sự cạnh tranh trong cùng giới tập trung vào sự đấu tranh giữa những người đàn ông để giành quyền tiếp cận tình dục với phụ nữ. Chỉ đến những năm 80, khoa học mới bắt đầu nghiên cứu hiện tượng tương tự ở phụ nữ: cuộc cạnh tranh của phụ nữ để có một người đàn ông phù hợp.


Nhiều nghiên cứu trong những năm gần đây cho thấy quan điểm truyền thống xem phụ nữ là thụ động và không có tính tranh đua là sai lầm. Hóa ra, phụ nữ cũng tham gia vào một cuộc cạnh tranh với những phụ nữ khác, dùng mánh khóe (mang tính gây hấn) để chiếm được một người đàn ông phù hợp.

Theo thuyết tiến hóa, cuộc cạnh tranh trong cùng giới sẽ chủ yếu quan tâm đến những đặc điểm sẽ quyến rũ được giới kia. Nhà tâm lý học tiến hóa người Mĩ David Buss phát hiện thấy (trong những năm 1980-1989) cuộc cạnh tranh trong cùng giới có 2 hình thức chính: quảng cáo về bản thân và xúc phạm đối thủ. Đàn ông khoe về khả năng sinh lý và địa vị xã hội (những phẩm chất nam tính được phái nữ ưa thích). Còn phụ nữ thì có xu hướng khoe khoang về tuổi trẻ và ngoại hình quyến rũ của họ (những phẩm chất nữ tính được đàn ông ưa thích). Đàn ông tìm cách xúc phạm đối thủ của họ bằng cách xem thường sức mạnh kinh tế và thể chất của họ, còn phụ nữ thì chê bai tuổi tác, ngoại hình và tính cách của đối thủ của họ. Dựa vào nghiên cứu tiên phong của David Buss, nhà nghiên cứu Maryanne Fisher và Anthony Cox đã khám phá được thêm 2 thủ đoạn phổ biến được dùng trong cuộc cạnh tranh trong cùng giới: sự kiểm soát bạn tình và kiểm soát đối thủ.

Sự kiểm soát bạn tình bao gồm sự cố gắng kết thúc cuộc đua sớm khi chúng ta vẫn đang dẫn đầu, trước khi đối thủ của chúng ta bắt kịp. Ví dụ: Nếu bạn trai của bạn thường xuyên đến thăm bạn ở cơ quan, và sau đó có một đồng nghiệp hấp dẫn và còn độc thân mới vào làm cạnh phòng bạn, bạn có thể bị thôi thúc yêu cầu bạn trai của bạn dừng đến thăm bạn.

Sự kiểm soát đối thủ giống với việc tranh luận rằng một bộ phim là không đáng đồng tiền. Điều này có thể đạt được bằng cách nói xấu bộ phim (ví dụ nếu bạn kể với một ai đó những chuyện xấu xa về anh chàng mà bạn đang thích) hoặc tăng giá vé xem phim (khi bạn đầu tư rất nhiều tiền cho người tình của bạn để làm nhụt chí các đối thủ vì họ không thể đọ được với bạn về sự hào phóng).

Theo Joyce Benenson, một nhà nghiên cứu ở Emmanuel College ở Boston, cuộc cạnh tranh giữa phụ nữ có 3 đặc điểm độc đáo:

Thứ nhất, vì họ phải bảo vệ cơ thể họ khỏi sự xâm hại thể lý (để nó không gây trở ngại cho việc mang thai và sinh đẻ trong hiện tại hoặc tương lai), phụ nữ dựa vào sự gây hấn được che giấu đối với những phụ nữ khác hơn là việc đánh nhau.

Thứ hai, những phụ nữ có địa vị cao và rất quyến rũ ít cần đến sự giúp đỡ và bảo vệ từ những phụ nữ khác và ít có động cơ để đầu tư vào những phụ nữ khác (những người đại diện cho sự cạnh tranh tiềm ẩn). Do đó, một phụ nữ cố gắng khoe khoang hoặc làm nổi bật bản thân đang đe dọa đến những phụ nữ khác và sẽ gặp phải sự thù địch. Theo Benenson, một cách phổ biến mà phụ nữ dùng để xử lý với mối đe dọa từ một phụ nữ xinh đẹp và quyền lực đó là bằng cách nhấn mạnh những tiêu chuẩn của sự bình đẳng, tính giống nhau và sự sẻ chia với tất cả những phụ nữ trong nhóm và xem đó là những yêu cầu bình thường của nữ tính.

Thứ ba, trong những trường hợp cực đoan, phụ nữ có thể đề phòng những đối thủ tiềm ẩn bằng cách tẩy chay về mặt xã hội. Nếu một phụ nữ quyến rũ mới xuất hiện trong khu dân cư (hoặc trong trường học) thì tất cả phụ nữ có mặt ở đó có thể quay lưng lại với cô ấy, buộc cô phải rút lui khỏi sân khấu, do đó làm tăng cơ hội thu hút đàn ông của họ.

Những nghiên cứu gần đây cung cấp thêm bằng chứng ủng hộ cho hiện tượng “cạnh tranh giữa phụ nữ”. Ví dụ, Jon Maner và James McNulty cho biết mức testosterone của các phụ nữ tăng lên khi họ ‘đánh hơi’ được những cái áo thun của những phụ nữ trẻ đang sắp rụng trứng, có lẽ là họ chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh gây hấn. Các nhà nghiên cứu Tracy Vaillancourt và Aanchal Sharma cho thấy phụ nữ đánh giá và chỉ trích phụ nữ khác như thế nào dựa trên ngoại hình. Họ sắp xếp cho những người tham gia (là nữ) tương tác với một trợ lý nghiên cứu trẻ. Một số người tham gia nhìn thấy nữ trợ lý mặc quần áo khoe da thịt, trong khi những người khác thấy nữ trợ lý mặc quần jean và áo thun. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi phản ứng của những người tham gia với nữ trợ lý trong suốt cuộc gặp và sau khi cô rời khỏi phòng. Các kết quả: Cô trợ lý bị mọi người chỉ trích khi cô mặc đồ khoe da thịt và phần lớn mọi người phớt lờ khi cô mặc quần áo bình thường. Nghiên cứu này (và các nghiên cứu khác) ủng hộ dự đoán thuộc thuyết tiến hóa:

Một phụ nữ càng quyến rũ (người có nhiều đặc điểm mà đàn ông thích) sẽ nhận phải nhiều thái độ thù địch và ít hợp tác từ những phụ nữ khác vì sự hiện diện của cô ấy đe dọa đến khả năng tiếp cận phần thưởng thuộc tiến hóa của những phụ nữ khác.

Một đấu trường chính của cuộc cạnh tranh giữa phụ nữ đó là hành vi tình dục. Các nghiên cứu cho thấy phụ nữ có xu hướng chỉ trích và từ chối những phụ nữ khác bị xem là lăng nhăng về tình dục. Nhà nghiên cứu Zhana Vrangalova và các cộng sự của bà ở Cornell University gần đây đã khảo sát 750 sinh viên đại học về những thái độ và hành vi tình dục của họ. Sau đó, những người tham gia đọc một bài miêu tả ngắn về một người (hư cấu) (cùng giới với họ) hoặc là có 2 bạn tình (không dễ dãi) hoặc có 20 bạn tình (dễ dãi). Sau đó những người tham gia đánh giá về người bạn tiềm năng này. Các kết quả tiết lộ rằng những người tham gia là nữ, bất kể mức độ dễ dãi của họ, hầu hết thích người bạn tiềm năng không dễ dãi hơn. Theo các nhà nghiên cứu, điều này là vì phụ nữ muốn bảo vệ người yêu của họ và do họ sợ định kiến xã hội: nếu bạn chơi với một ai đó bị xem là lang chạ (một “cô điếm”) thì bạn có nguy cơ bị dán cái nhãn đó lên bản thân.

Nghiên cứu này và các nghiên cứu khác phù hợp với sự quan sát thấy phụ nữ thường là những người thi hành những luật hà khắc và đôi lúc độc ác đối với ngoại hình của phụ nữ và hành vi tình dục. Ví dụ, tục lệ cắt âm hộ phụ nữ vẫn được thực hiện ở một số nước Hồi Giáo ở châu Phi, nó chủ yếu được tạo ra để làm các cô gái trở thành ‘cô dâu’ tốt cho đàn ông. Cắt âm đạo làm giảm khả năng hưởng thụ tình dục của cô và do đó làm giảm khả năng cô sẽ bị cám dỗ dẫn đến lừa dối chồng cô. Khâu âm đạo thường được thực hiện sau khi cắt âm hộ, làm giảm khả năng cô gái sẽ quan hệ tình dục trước hôn nhân, có lợi cho lợi ích trong tương lai của người chồng. Tuy nhiên, nghi thức này được cưỡng ép và thực hiện bởi phụ nữ (hầu hết là những người mẹ và người bà).

Ví dụ khác: Tục lệ bó chân bé gái ở Trung Quốc tồn tại suốt một ngàn năm (cho đến khi nó bị cấm đầu thế kỷ 20).Tục lệ cổ này (làm gãy các ngón chân của em bé, bọc lại chúng và bó chặt chân trong nhiều năm) chủ yếu được đề cao vì phụ nữ với bàn chân nhỏ được xem là đáng khao khát về mặt tình dục hơn (trong mắt đàn ông) và vì đôi bàn chân nhỏ, vô dụng của một người vợ là bằng chứng cho thấy sự giàu có của người chồng (‘Tôi quá giàu đến nỗi vợ tôi không cần làm việc; thực tế là cô ấy không thể làm việc.’) Trong trường hợp này, những người thực hiện và kiểm soát chính vẫn là các bà mẹ và những người bà.

Lời giải thích về mặt tiến hóa cho những hiện tượng đó dựa vào giả định rằng quan hệ tình dục với một phụ nữ (và do đó tiếp cận được tử cung của cô) là một nguồn lực sinh học quý hiếm và đáng khao khát đối với đàn ông. Trong số những phụ nữ độ tuổi sinh đẻ, làm giảm nguồn cung tình dục sẽ gia tăng quyền lực mặc cả của phụ nữ trong quan hệ kinh tế. Do đó, nó có lợi cho phụ nữ khi thực hiện chủ nghĩa bảo thủ về tình dục, thậm chí phải trả bằng cái giá là tẩy chay và kiểm soát những phụ nữ bị xem là dễ dãi. Những người mẹ và người bà có một động cơ mạnh mẽ để đảm bảo rằng con cháu họ sẽ trở nên rất quyến rũ trước đàn ông, thậm chí với cái giá là làm chúng chịu đau khổ và bị tàn tật từ rất sớm.

Tuy nhiên, tâm lý học nữ quyền cho rằng cuộc cạnh tranh giữa phụ nữ bị điều khiển chủ yếu không phải do những nhu cầu sinh học mà đúng hơn là do những cơ chế xã hội. Theo lập luận này, cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa phụ nữ chủ yếu là do phụ nữ được sinh ra và nuôi dạy trong xã hội do đàn ông thống trị, họ tiếp thu quan điểm đàn ông và làm theo nó. Đàn ông chủ yếu xem phụ nữ như những đối tượng/đồ vật tình dục đã trở thành một lời tiên tri tự ứng nghiệm (self-fulfilling prophecy).

Khi phụ nữ đi đến chỗ xem mình là phần thưởng của đàn ông thì họ bị thúc đẩy phải chiến đấu với những phụ nữ khác để được xem là phần thưởng của đàn ông.

Theo ý nghĩa này, lối tiếp cận nữ quyền cho rằng nhiều phụ nữ bị bủa vây bởi cái mà Karl Marx gọi là ‘nhận thức sai’ (false consciousness). Theo Marx, một công nhân bị thuyết phục rằng kẻ thù của anh là người công nhân khác đang tìm kiếm một công việc tức là đang có một nhận thức sai vì anh không hiểu rằng kẻ thù thực sự là người chủ của nhà máy, người làm cho những người công nhân chống lại nhau để nô dịch hóa họ và làm giàu trên giá trị của lao động của họ. Theo lập luận này, nhiều phụ nữ từ chối nhìn nhận rằng mối đe dọa thực sự với thành công, sức mạnh, giá trị và bản sắc của họ không phải là những phụ nữ khác, mà đó là sự kiến lập của đàn ông đã kiểm soát cuộc đời họ.

Cả hai cách, cuộc cạnh tranh giữa phụ nữ có một cái giá, và không chỉ ở cấp độ chính trị. Cuộc cạnh tranh này gây ra nhiều căng thẳng, ảnh hưởng đến hạnh phúc của nhiều phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trẻ. Nghiên cứu cho thấy so với đàn ông, phụ nữ có xu hướng nhạy cảm hơn trước thông tin cảm xúc và giải mã tốt hơn những thông điệp xã hội và thông điệp từ mối quan hệ. Thêm nữa, cảm nhận của phụ nữ về giá trị bản thân dựa nhiều vào những quan điểm của bạn bè về họ. Sự kết hợp của sự nhận thức nhanh nhạy – và nhạy cảm – trước những tín hiệu xã hội tinh tế làm cho phụ nữ dễ bị tổn thương hơn trước sự gây hấn gián tiếp trong mối quan hệ.

Ví dụ, nhà nghiên cứu Christopher Ferguson (đại học Stetson University) ở Florida và các cộng sự của ông yêu cầu những người tham gia xem 2 chương trình truyền hình (với một ngôi sao nữ mũm mĩm và một sao nữ mảnh dẻ) và tương tác với một phụ nữ (một ăn mặc quyến rũ hoặc một bình thường). Họ phát hiện thấy tâm trạng và hình ảnh bản thân của những người tham gia không bị ảnh hưởng bởi những show truyền hình mà bị tác động mạnh mẽ bởi những người họ gặp trực tiếp. Tiếp xúc với một phụ nữ quyến rũ mặc quần áo khoe da thịt khiến cho những người tham gia cảm thấy chán nản và tiêu cực về cơ thể của họ, đặc biệt nếu những cuộc gặp được tổ chức với sự hiện diện của một người đàn ông quyến rũ.

Xu hướng tham gia vào cuộc cạnh tranh trong cùng giới dường như là một phần của gen di truyền của chúng ta và là một đặc điểm được thừa kế từ nền văn hóa loài người. Gen và những thói quen xã hội của chúng ta không dễ dàng để thay đổi, chắc chắn là không thay đổi trong một sớm một chiều. Nhưng bước đầu tiên để hướng tới việc thay đổi một thói quen đó là trở nên ý thức được nó. Đàn ông có thể muốn tự hỏi bản thân liệu việc ‘giành được cô gái’ có đáng để đổ máu và gãy xương không, còn phụ nữ có thể cần suy ngẫm về liệu mục tiêu giành được một người đàn ông (và tinh trùng và sự chu cấp của anh ta) có biện minh được cho những thủ đoạn gây xấu hổ, kiểm soát hoặc tẩy chay những phụ nữ khác hay không.

 

Nguồn
http://www.psychologytoday.com/blog/insight-therapy/201401/feminine-foes-new-science-explores-female-competition

menu
menu