Phương pháp hữu hiệu chữa lành tổn thương tinh thần

phuong-phap-huu-hieu-chua-lanh-ton-thuong-tinh-than

Sức mạnh chữa lành từ sự lắng nghe không kèm phán xét

 

Con người lớn lên cùng những nỗi đau tinh thần, dù họ có nhận ra hay không. Từ bao đời nay, ông bà ta, với sự sáng suốt và tình thương yêu, đã cho ra đời biết bao phương pháp chữa lành tinh thần hữu hiệu. Một trong số đó chính là sự lắng nghe không kèm theo phán xét.

Thế nhưng, khi văn hóa tây phương tràn vào, chúng ta mải miết chạy theo những cái bên ngoài mà chúng ta cho là tiến bộ, là thời thượng, để rồi dường như lãng quên đi những bài học tốt đẹp mà ông cha để lại. Mệt mỏi buồn chán ư? Đi ăn đi nhậu cho quên sầu, đi quẩy cho quên mệt. Thế nhưng, khi bẽ bàng nhận ra rằng đời sống hiện đại chỉ khỏa lấp tạm thời nỗi đau tinh thần, chúng ta lại quay về sống với những giá trị tinh thần bền vững.

“Để có thể xây dựng được một xã hội bền vững, chúng ta cần những con người sống bền vững. Điều đó bắt đầu bằng việc chữa lành vết thương tinh thần.”

– Jarmbi Githabul, Người bảo tồn Narakwal/ Githabul

Dadirri là gì?

“Dadirri là một hành động tỉnh thức được thực hiện bằng cách quay vào bên trong để lắng nghe chính mình. Dadirri giúp chúng ta nhận ra điều gì đang diễn ra bên trong mình. Theo ngôn ngữ hiện đại, chúng ta gọi nó là chánh niệm. Đây là món quà quý báu mà người Australia luôn luôn khát khao có được.”

– Miriam-Rose Ungunmerr-Baumann, Già làng Ngangiwumirr

Khi bàn về dadirri, Miriam-Rose Ungunmerr-Baumann đang muốn nói đến các bài luyện tập mang tính tinh thần để có thể lắng nghe được chính bản thân mình. Đây là khái niệm rất phổ biến trên khắp nước Úc, được nhiều bộ lạc biết đến với nhiều tên gọi khác nhau. Miriam chia sẻ rằng “Khi trải nghiệm dadirri, tôi cảm giác như mình đang được nhào nặn lại từ đầu. Tôi có thể an lạc ngồi cạnh bờ sông hoặc đi bộ dưới những hàng cây. Khi một người thân vừa mới mất đi, tôi vẫn có thể tìm thấy được bình an trong sự yên lặng này. Không cần lời nói. Cốt yếu của dadirri chính là lắng nghe chính mình.”

Học và tự chữa lành bằng việc lắng nghe

Theo Ungunmerr-Baumann, trẻ con khi mới sinh ra học bằng cách chờ đợi và lắng nghe thế giới xung quanh, chứ không phải đặt ra câu hỏi. Trong một văn hóa mà tất cả mọi người đều luyện tập thuần thục cách lắng nghe, khi nỗi đau tinh thần xuất hiện, mọi người có thể quây quần xung quanh nhau và lắng nghe người kia chia sẻ mà không kèm theo bất cứ đánh giá nhận xét nào. Chi tiết về việc luyện tập dadirri theo nhóm có thể được tìm thấy trong cuốn sách của giáo sư Judy Atkinson mang tên Trauma Trails, Recreating Songlines. Hiểu theo nghĩa rộng hơn, bản chất của dadirri chính là việc kiến tạo nên một không gian an lành để các câu chuyện về nỗi đau tinh thần được chia sẻ, được lắng nghe với tất cả tình thương và sự khoan dung.

Những người dân tộc tại Úc - những người có kết nối sâu sắc với đất nước - đã giúp tôi nhận ra rằng cả vùng đất đang thực sự hiện diện dưới hình dạng những con người này để lắng nghe tôi.

“Hàn gắn đất nước sẽ giúp chữa lành cho chính mình, và chữa lành cho chính mình cũng là cách để hàn gắn được đất nước.”

-Giáo sư Judy Atkin - người Jiman/Bunjalung, tác giả cuốn sách Trauma Trails, Recreating Songlines.

Giải phóng cảm xúc

Theo giáo sư Stan Grof, các trải nghiệm sẽ bao gồm 2 thành tố: mặt thể chất và mặt cảm xúc. Tổn thương tinh thần xảy ra khi chúng ta đã hoàn tất trải nghiệm về mặt thể chất nhưng vẫn chưa hoàn thành về mặt cảm xúc. Nói một cách dễ hiểu hơn, vào cái khoảnh khắc biến cố xảy đến trong cuộc đời, chúng ta bị choáng ngợp, sợ hãi đến mức thâm tâm hét lên rằng “Dừng lại, tôi không muốn cảm thấy điều này!” Thế là trong vô thức, chúng ta đóng cánh cửa cảm xúc lại. Chúng ta nghĩ vầy là đã xong rồi, theo thời gian, chúng ta sẽ quên đi trải nghiệm đau thương kia. Thế nhưng, bạn biết không, bạn không thể ngăn trải nghiệm về mặt cảm xúc được, bạn chỉ đang tạm thời dừng nó lại mà thôi.

Khi chúng ta không có đủ can đảm và kĩ năng cần thiết (vì chúng ta vẫn còn nhỏ, vì không ai dạy mình cả) để có thể thực sự cảm nhận tất cả các cung bật cảm xúc mà biến cố tinh thần đó đem lại, chúng ta sẽ tự động bật cơ chế phòng thủ. Chúng ta tìm mọi cách để chối bỏ, để quên đi. Dadirri là phương pháp thực hành giúp chúng ta mở lòng, dũng cảm nhìn nhận vào những cảm xúc tiêu cực mà mình đã luôn tích trữ bấy lâu nay. Và với sự giúp đỡ của đoàn thể, ta có thể từ từ giải phóng nó đi.

“Tổn thương tinh thần ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của bản. Nó khiến bạn mất đi sự sáng suốt và không thể đưa ra những quyết định đúng đắn cho bản thân.”

– Jarmbi Githabul, người bảo tồn Narakwal / Githabul

Điều quan trọng trong việc luyện tập dadirri chính là không được đưa vào những ý kiến đánh giá, nhận xét. Theo thời gian, câu chuyện được chia sẻ vào các dịp khác nhau trong một cộng đồng đầy yêu thương và chấp nhận. Nhờ vậy, người bị tổn thương sẽ dần bóc tách các cảm xúc tiêu cực và giải phóng chúng để lấp đầy thái độ yêu thương chính mình.

– Jarmbi Githabul, người bảo tồn Narakwal / Githabul

Cộng hưởng hệ viền (Limbic Resonance) và cách thay đổi nó

Các nhà thần kinh học lý giải tác dụng của sự lắng nghe bản thân dựa theo sự hoạt động của hệ viền (hệ thần kinh điều khiển các cảm xúc và nhu cầu cơ bản), tế bào thần kinh gương (các tế bào được hoạt hóa và bắt chước hành động của người khác) và cơ chế thần kinh mềm dẻo (não bộ có thể thay đổi). Hệ viền cho thấy rằng nếu như con người không nhận được liên tục tình thương và sự chấp nhận trong thuở thiếu thời, não bộ sẽ không thể phát triển đầy đủ được. Và cái phần bị mất đi đấy chính là khả năng bền bỉ kiên trì trước những chấn thương cảm xúc. Phương pháp chữa lành hiệu quả chính là chúng ta phải tái cấu trúc hệ thống thần kinh trong não bằng cách sống trong môi trường lành tính, nhiều tình yêu thương và hành động yêu thương. Có như thế thì chúng ta mới có thể kích hoạt tế bào thần kinh gương để não bộ hình thành các liên kết mới nhằm bắt chước người xung quanh và thấu cảm được yêu thương. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra nhờ tính mềm dẻo của não. Đó là lý do tại sao mà dadirri lại đem lại lợi ích tốt đẹp cho những người từng gặp chấn thương tâm lý.

Tôi cảm thấy vô cùng may mắn khi được sống trong thời điểm mà các giá trị tinh thần bền vững tốt đẹp đang được sống dậy trở lại. Chúng ta nhận diện ra sợi dây liên kết phương pháp chữa lành bản thân trong quá khứ và hiện đại. Và nhờ đó, chúng ta lý giải được dựa trên góc nhìn khoa học.

 

Dịch: Hạnh Nguyên

Nguồn: http://upliftconnect.com/indigenous-approach-to-healing-trauma/

menu
menu