Khi Những Kí Ức Tốt Đẹp Dằn Vặt Ta
Những ký ức tích cực có thể là nguyên nhân dẫn tới cảm xúc tiêu cực ở người trầm cảm.
LUẬN ĐIỂM:
- Người có tiền sử mắc trầm cảm khi nghĩ về những ký ức tốt đẹp sẽ cảm thấy ít hạnh phúc hơn người bình thường.
- Suy nghĩ tiêu cực và khó xác định bản thân trong quá khứ góp phần tạo ra những trải nghiệm cảm xúc nhằm phản ứng với những ký ức tích cực.
- Chánh niệm bảo vệ con người khỏi những suy nghĩ tiêu cực, tự phê bình bản thân và cảm giác buồn bã khi nghĩ về những sự kiện tích cực trong quá khứ.
Nghe thì có vẻ ngược đời khi nghĩ về những ký ức vui vẻ lại có thể khiến chúng ta rơi vào tâm trạng buồn bã. Tuy nhiên, đó chính xác là cảm giác mà những người đang đấu tranh với trầm cảm có thể sẽ phải trải qua.
Khác với những người chưa từng mắc trầm cảm hoặc những người cải thiện tâm trạng bằng cách nhớ lại ký ức tốt đẹp trong quá khứ, những người mắc trầm cảm có thể cảm thấy tồi tệ hơn khi nghĩ về những ký ức tốt đẹp. Kể cả những người có tiền sử mắc trầm cảm thì họ vẫn có khả năng rơi vào tình huống này khi nghĩ về những gì tích cực trước kia. Điều này có nghĩa là những người đang chống chọi với trầm cảm sẽ không thể thúc đẩy tâm trạng tích cực trong cuộc sống hàng ngày bằng cách nhớ về những ký ức hạnh phúc đã qua. Một khả năng rất quan trọng nhằm duy trì sự tích cực về cuộc sống và hình ảnh bản thân cũng như nhanh chóng thoát khỏi tâm trạng chán nản, u uất.
Nhưng tại sao người từng có tiền sử mắc trầm cảm lại có trải nghiệm về quá khứ tốt đẹp khác với những người khác như vậy? Các nhà nghiên cứu đang tiến hành giải đáp câu hỏi này. Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Memory, tôi và các cộng sự đã làm rõ bốn yếu tố có thể đóng vai trò nào đó trong trải nghiệm cảm xúc khác thường của những người mắc trầm cảm về những ký ức tích cực trong quá khứ.
1. Những ký ức tích cực là rất quan trọng.
Trong nghiên cứu của chúng tôi, những người có tiền sử tái phát trầm cảm và những người chưa từng mắc trầm cảm đã báo cáo về trải nghiệm nhớ lại những ký ức tích cực xuất hiện tự phát trong tâm trí và cả những ký ức tích cực được yêu cầu nhớ về một cách có chủ đích. Chúng tôi nhận thấy rằng người có tiền sử mắc trầm cảm trải qua ít cảm giác hạnh phúc hơn so với người chưa từng mắc trầm cảm khi nghĩ về những ký ức tích cực tự phát và có chủ đích. Ngoài ra, khi đối diện với những ký ức tích cực hiện lên trong đầu một cách tự nhiên thì những người từng mắc trầm cảm cho biết có cảm giác buồn bã nhiều hơn so với những người không mắc trầm cảm.
Phát hiện này cho thấy rằng những người có tiền sử trầm cảm trong quá khứ nhận thấy ít cảm xúc hơn khi nghĩ về những ký ức tích cực so với những người không mắc trầm cảm. Họ cũng cảm thấy đặc biệt khó khăn trong việc xử lý những ký ức tích cực tự phát khi ký ức này xuất hiện một cách đột ngột và bất ngờ trong tâm trí, trái ngược với những ký ức tích cực mà họ cố ý nghĩ về.
2. Cảm nhận bản thân trong quá khứ khác với bản thân ở thời điểm hiện tại.
Một yếu tố khác liên quan đến trải nghiệm cảm xúc của những người từng mắc trầm cảm là ký ức về bản thân khi sự kiện tích cực được ghi nhớ xảy ra. Những người đã từng bị trầm cảm trong quá khứ cảm thấy có sự tương phản lớn hơn giữa cảm giác về bản thân ở thời điểm hiện tại và bản thân trong ký ức của họ trước đây so với những người chưa từng bị trầm cảm. Điều này có liên quan tới cảm giác trải nghiệm hạnh phúc giảm đi khi họ đối diện với những ký ức tích cực tự phát và cảm giác buồn dữ dội hơn khi nhớ về những ký ức tích cực tự phát và có chủ ý.
Phát hiện này cho thấy những người từng bị trầm cảm khi nghĩ về những kỷ ức tích cực đã qua, họ sẽ đấu tranh để xác định bản thân từng hiện hữu như thế nào trong quá khứ từ những ký ức đó gợi lại. Trải nghiệm sự khác biệt giữa cảm nhận về bản thân trước đây và hiện tại ảnh hưởng đến lợi ích của cảm xúc khi nghĩ về những ký ức tích cực và cảm giác buồn bã mà người từng có tiền sử trầm cảm trải qua khi nghĩ về.
3. Những suy nghĩ tiêu cực biến tốt thành xấu.
Yếu tố thứ ba liên quan đến trải nghiệm cảm xúc của những cá nhân từng bị trầm cảm là mức độ tiêu cực mà họ cân nhắc hoặc đánh giá khi nghĩ về những kỷ niệm tích cực. Những người đã từng bị trầm cảm cho biết họ cân nhắc hoặc đánh giá mức độ tiêu cực nhiều hơn khi nghĩ về những kỷ niệm đó so với những người không bị trầm cảm. Điều này liên quan trực tiếp đến việc cảm nhận sự buồn bã nhiều hơn khi đối diện với những ký ức tích cực hiện ra trong đầu một cách tự nhiên.
Một cách giải thích cho những phát hiện này là khi những người bị trầm cảm nghĩ về những kỷ niệm tích cực trong quá khứ một cách không chủ đích, họ bắt đầu suy nghĩ hoặc đánh giá những ký ức này một cách tiêu cực, khiến họ thấy buồn thay vì hạnh phúc.
4. Chánh niệm có thể bảo vệ ta khỏi những ý nghĩa và suy ngẫm tiêu cực.
Yếu tố cuối cùng liên quan đến cách cảm nhận của những người đã từng và chưa từng mắc trầm cảm khi nghĩ về những kỷ niệm tích cực là mức độ để tâm. Có nghĩa là, những trải nghiệm cảm xúc của họ gắn liền với nhận thức nội tâm qua từng khoảnh khắc một cách thụ động. Những người báo cáo mức độ thực hành chánh niệm cao hơn cũng ít có hành vi tự đánh giá bản thân và suy nghĩ tiêu cực hơn. Do đó, họ cũng có cảm giác buồn ít hơn khi nghĩ về những ký ức tích cực.
Giải thích cho sự phát hiện này là khi con người lưu tâm hơn đến những ký ức và suy nghĩ của mình, họ có thể ít bị đánh giá một cách tự động và tiêu cực về những ký ức và suy nghĩ này. Bằng cách đó, chánh niệm giúp họ tránh khỏi các cảm xúc tiêu cực, tạo ra các tác động ngược lại với cảm xúc của ký ức tích cực ở những người từng mắc trầm cảm.
Những phát hiện này giúp chúng ta tiến thêm một bước trong quá trình giải đáp câu hỏi rằng tại sao những người mắc trầm cảm không thể có tâm trạng tốt khi nghĩ về những sự kiện tích cực trong quá khứ như những người không mắc trầm cảm. Với nỗ lực tìm hiểu về những gì người mắc trầm cảm trải qua và cách họ phản ứng với những kỷ ức tích cực trong quá khứ, các nghiên cứu tương lai sẽ tiếp tục làm rõ câu hỏi này giúp chúng ta hiểu hơn về cách mà chánh niệm và các phương pháp trị liệu khác đang can thiệp nhằm làm giảm hoặc giúp con người tránh khỏi cảm xúc tiêu cực gây ra bởi các kỷ ức tốt đẹp trong quá khứ, cũng như đẩy mạnh quá trình thích ứng giúp cải thiện tâm trạng, có cái nhìn tích cực về thế giới và bản thân.
Tài liệu tham khảo
Isham, A. E., Watson, L. A., & Dritschel, B. (2022). Sad reflections of happy times: Depression vulnerability and experiences of sadness and happiness upon retrieval of positive autobiographical memories. Memory. http://dx.doi.org/10.1080/09658211.2022.2105364
Tác giả: Aleksandra Eriksen Isham Ph.D.
Dịch giả: Huyền My
Biên tập: Khánh Minh
Link bài gốc: When Happy Memories Make Us Sad
Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ