Làm gì khi người lạ làm ta phiền lòng
Trong cuộc sống, không ít lần chúng ta phải đối mặt với những tình huống mà người lạ gây ra sự khó chịu hay bực bội ...
Trong cuộc sống, không ít lần chúng ta phải đối mặt với những tình huống mà người lạ gây ra sự khó chịu hay bực bội: có thể họ bật nhạc quá lớn trên chuyến tàu, hoặc họ rung chân không ngừng bên cạnh ta trên máy bay. Có khi ta bị xếp vào căn phòng khách sạn có mùi ẩm mốc khó chịu hoặc máy lạnh cứ phát ra tiếng rít kỳ lạ. Ở nhà hàng, ta có thể bị ngồi ngay cạnh nhà vệ sinh, bánh mì thì cứng như đá, và – đúng như trong những câu chuyện trớ trêu – một con ruồi bơi lềnh bềnh trong bát súp của ta.
Với nhiều người trong chúng ta, nền tảng văn hóa hay cách giáo dục từ nhỏ có thể khiến ta chọn cách im lặng trước những phiền toái này. Ta lớn lên với cảm giác rằng, bất kể thế nào, mình cũng phải giữ yên lặng, không được gây phiền phức cho người khác.
Thế nhưng, bên trong, ta lại âm thầm bức bối. Đôi lúc, ta như muốn bùng nổ trong cơn giận dữ không thể kiểm soát. Bình thường vốn nhút nhát, nhưng chính ta cũng bất ngờ trước sự bực tức dữ dội mà mình trút lên quầy cho thuê xe, lễ tân khách sạn, hay cậu thanh niên trùm mũ ngồi trên tàu.
Tuy nhiên, cả sự im lặng nhẫn nhịn lẫn cơn giận bất ngờ ấy đều không phải là cách tốt nhất để đối mặt. Điều ta thực sự cần là tìm được cách vừa lịch sự vừa thẳng thắn, vừa nhẹ nhàng nhưng lại bày tỏ rõ ràng.
Để làm được điều đó, trước hết, ta cần có mối quan hệ lành mạnh với chính nhu cầu của bản thân. Ta cần hiểu rằng không phải mọi điều khiến ta hài lòng đều phù hợp hoặc thuận tiện với người khác. Nhưng dù vậy, ta vẫn nên kiên định và trân trọng những mong muốn của mình. Mong muốn không phiền hà ai là một đức tính đáng yêu, nhưng để sống một cuộc đời ý nghĩa, đôi khi ta cần dũng cảm và “khó chiều” một chút, khác xa với hình ảnh đứa trẻ ngoan ngoãn mà ta từng là.
Đồng thời, để không nổi cáu, ta cần giữ vững ranh giới giữa hành động của người khác và ý định thật sự của họ. Ý niệm về động cơ đóng vai trò rất quan trọng. Thật không may, ta thường không giỏi trong việc nhận biết động cơ thực sự đằng sau những việc khiến ta phát cáu. Ta dễ dàng nghĩ rằng mọi thứ đều có chủ đích, và từ đó phản ứng thái quá trong khi chẳng cần thiết.
Một phần lý do khiến ta dễ nhảy đến kết luận tiêu cực là một hiện tượng tâm lý đầy đáng thương: sự tự ghét bỏ bản thân. Càng không hài lòng về bản thân, ta càng có xu hướng tin rằng mình là mục tiêu hợp lý cho những bất công và phiền phức. Tại sao ngay lúc ta đang ngồi làm việc, chiếc máy khoan ngoài đường lại gầm rú? Tại sao bữa sáng phục vụ phòng mãi chưa đến trong khi ta sắp phải đi họp? Tại sao nhân viên tổng đài lại lâu tìm được thông tin của ta đến thế? Câu trả lời dễ nảy ra nhất là: có một âm mưu chống lại ta. Vì ta xứng đáng bị như vậy. Khi ta mang trong mình nỗi tự ghét âm ỉ, ta luôn tìm kiếm sự xác nhận từ thế giới rằng mình thật vô giá trị – và không may, thế giới thường rất sẵn lòng đáp lại.
Lời phàn nàn lý tưởng xuất phát từ một giả định không hoang tưởng: họ không cố tình làm phiền ta; họ chẳng có kế hoạch nào để khiến ta buồn bực cả, mà đơn giản là họ chưa nghĩ đến ta mà thôi. Ta có thể hình dung họ là một người tử tế, lịch sự, nhưng vô tình – và chỉ vô tình – làm ta không thoải mái.
- “Xin lỗi vì làm phiền, chắc bạn không để ý, nhưng lưng ghế của bạn đang chạm vào đầu gối tôi.”
- “Rất xin lỗi vì chen ngang, nhưng tôi đang nghe được nhiều hơn cần thiết từ cuộc trò chuyện của bạn.”
- “Bài hát này tôi cũng rất thích, nhưng hiện tại tôi cần chợp mắt một chút.”
- “Tôi biết đây không phải lỗi của bạn, nhưng hình như có một con ruồi vô tình rơi vào bát súp minestrone của tôi.”
Thực ra, lời nói cụ thể không quan trọng bằng giọng điệu nhẹ nhàng xuất phát từ sự tự tin về tính chính đáng của nhu cầu bản thân và niềm tin rằng người làm phiền không cố ý. Khi nhìn nhận như vậy, việc phàn nàn không còn là sự xúc phạm, mà là một hành động đầy tham vọng, chân thành và cuối cùng là tử tế – như thể ta đang cố gắng giúp ai đó nhận ra một bài học nhỏ trong cuộc sống.
Nguồn: WHAT TO DO WHEN A STRANGER ANNOYS YOU - The School Of Life