Cô đơn: lẽ tất yếu của kiếp người

Có lẽ chẳng điều gì khiến ta cảm thấy xấu hổ hơn là phải thừa nhận rằng mình đang cô đơn.
Có lẽ chẳng điều gì khiến ta cảm thấy xấu hổ hơn là phải thừa nhận rằng mình đang cô đơn. Người ta thường ngầm hiểu rằng, chỉ ai bất hạnh lắm – như vừa chuyển đến một nơi xa lạ hay vừa mất người thân – mới rơi vào trạng thái ấy. Một người “đàng hoàng”, “đầy đủ”, thì hẳn phải luôn có người bên cạnh.
Thế nhưng, sự thật là: cảm giác cô đơn sâu sắc là một phần không thể tách rời của kiếp người – nhất là với những tâm hồn nhạy cảm và trí tuệ. Đó là nét đặc trưng của một cuộc sống nhiều tầng lớp, nhiều suy tư. Và dưới đây là những lý do lớn khiến điều đó trở thành định mệnh của chúng ta:
– Rất nhiều điều ta cần được người khác thấu hiểu và công nhận – những điều mà nếu được chia sẻ sẽ đem lại cảm giác ấm áp vô cùng – lại thường không phù hợp để nói ra. Chúng quá kỳ lạ, quá phức tạp, quá trái ngược hay thậm chí khiến người khác sợ hãi. Vì vậy, ta luôn đứng giữa hai lựa chọn: sống thật với chính mình, hay sống sao cho được chấp nhận. Và phần lớn thời gian, ta buộc phải chọn điều thứ hai.
– Để thật sự lắng nghe và thấu cảm một ai đó, cần rất nhiều năng lượng. Ta không nên trách người khác vì đã không hiểu mình – không phải vì họ không muốn, mà vì chính họ cũng đang vật lộn trong thế giới riêng, với câu chuyện và mối quan tâm của riêng họ. Họ gặp ta, nhưng luôn mang theo chính mình trong cuộc trò chuyện.
– Cuối cùng, tất cả chúng ta đều phải đối mặt với cái chết một mình – đồng nghĩa với việc, nỗi đau lớn nhất của đời người là điều không ai có thể gánh thay. Người khác có thể động viên ta bằng vài lời, nhưng trong khoảnh khắc sinh tử ấy, ta như đang lênh đênh giữa đại dương, còn họ – dù có thương ta đến mấy – cũng chỉ có thể đứng trên bờ vẫy tay.
– Khó có ai thật sự ở cùng “trang tâm hồn” với ta. Ta luôn mong muốn tìm được người đồng điệu tuyệt đối, nhưng điều đó hiếm khi xảy ra – bởi mỗi người là kết tinh từ những hoàn cảnh, thời gian, ký ức và xuất thân quá khác biệt. Họ sẽ không có cảm nhận giống ta sau khi cùng xem một bộ phim. Khi ta nhìn lên bầu trời đêm và chờ đợi một lời bình thơ mộng, có thể họ lại đang nhớ ra việc phải mua xà phòng. Hoặc ngược lại. Sự lệch pha ấy, đôi khi, thật nực cười.
– Người lý tưởng nhất để hiểu ta, rất có thể ta sẽ chẳng bao giờ gặp. Có lẽ họ đã từng đi ngang qua ta ngoài phố – cả hai đều không hề hay biết về khả năng kết nối đầy kỳ diệu. Cũng có thể họ đã mất ở Sydney cách đây hai tuần. Hoặc sẽ chưa chào đời cho đến thế kỷ 22. Không có âm mưu nào ở đây cả – chỉ là, ta thiếu một chút may mắn.
– Càng suy tư và sâu sắc, nỗi cô đơn càng dễ ghé đến. Đơn giản là, những người giống ta sẽ ngày càng hiếm. Đây không phải một câu chuyện lãng mạn hóa sự buồn bã – mà là thực tế. Cô đơn chính là cái giá phải trả cho sự phức tạp trong tâm hồn.
– Khát khao được chạm vào một ai đó, lâu nay vẫn thường mạnh mẽ hơn nhu cầu được trò chuyện tử tế. Thế nên ta có thể bị cuốn vào một mối quan hệ chỉ vì say mê đôi mắt ai đó, trong khi giữa hai người chẳng có mấy điều để nói cùng nhau.
Nhưng dẫu là như thế, ta không nên hoảng sợ hay xấu hổ trước sự cô đơn luôn hiện diện quanh mình.
Goethe – nhà văn lừng danh người Đức – từng than thở chua chát ở cuối đời, dù ông có vẻ có rất nhiều bạn: “Chưa từng có ai thật sự hiểu tôi. Và tôi cũng chưa từng hiểu ai hoàn toàn. Cũng chẳng ai thật sự hiểu ai cả.”
Một lời bộc bạch đầy an ủi từ một con người vĩ đại.
Bởi vì: sự xa cách và việc không thể hiểu nhau trọn vẹn, không có nghĩa là cuộc sống đã sai đường. Nó chỉ đơn giản là điều hiển nhiên, lẽ ra ta nên chấp nhận ngay từ đầu. Và khi làm được điều đó, ta sẽ nhận lại những điều bất ngờ:
– Khi chấp nhận cô đơn, ta trở nên sáng tạo hơn. Ta bắt đầu viết những lời nhắn gửi trong những chiếc “chai thủy tinh”, gửi ra đại dương: viết thơ, viết sách, viết blog… Những hoạt động ấy bắt nguồn từ nhận thức rằng, có thể người quanh ta không hiểu ta – nhưng đâu đó, ở một nơi xa trong không gian hay thời gian, sẽ có người hiểu được điều ta đang mang theo trong lòng.
– Lịch sử nghệ thuật là dấu vết của những tâm hồn từng không tìm thấy ai để chuyện trò. Nhưng họ vẫn để lại đó lời mời gọi thầm lặng – trong một bài thơ Latin viết từ năm 10 trước Công nguyên, hay trong ca khúc hát về nỗi buồn quen thuộc thu âm ở Nashville năm 1963.
– Cô đơn làm ta biết trân quý sự kết nối thật sự nếu may mắn có cơ hội. Nó khiến những đối thoại nội tâm trở nên sâu sắc, định hình tính cách của ta. Ta không còn nói theo người khác, mà dần dần hình thành một cái nhìn riêng biệt. Dù cô lập ở hiện tại, ta vẫn có khả năng xây dựng những mối gắn bó sâu sắc, thú vị hơn nhiều nếu gặp được người phù hợp.
– Ngay cả những người trông có vẻ không cô đơn – họ cũng thế thôi. Có thể nhiều năm sau, trong một biến cố, họ sẽ thú nhận rằng họ luôn cảm thấy lạc lõng, chưa từng được hiểu đúng. Tiếng cười và sự thân mật ngoài mặt chưa hẳn là dấu hiệu của hạnh phúc – mà đôi khi chỉ là cách che giấu nỗi đơn độc tận cùng.
– Cô đơn khiến ta trở nên đẹp đẽ, và kỳ lạ một cách cuốn hút. Nó cho thấy bên trong ta có nhiều điều đáng khám phá hơn những mẫu đối thoại thông thường có thể chạm tới. Ta nên tự hào về điều ấy. Vì cảm giác cô đơn, nếu ta dám nhìn thẳng, thực ra chính là biểu hiện của chiều sâu. Khi ta dám thừa nhận mình cô đơn, cũng là lúc ta gia nhập một “câu lạc bộ” đầy danh giá – nơi có những con người hiện diện trong tranh của Edward Hopper, thơ của Baudelaire hay nhạc của Leonard Cohen. Cô đơn, hóa ra, là dấu hiệu của một truyền thống lớn lao. Và bất ngờ thay, ta nhận ra: ta không hề đơn độc trong nỗi cô đơn ấy.
Chịu đựng sự cô đơn gần như lúc nào cũng tốt hơn việc chấp nhận một cộng đồng giả tạo. Cô đơn đơn thuần chỉ là cái giá ta phải trả – để giữ lấy một niềm tin thành thật, đầy khát vọng về ý nghĩa thực sự mà tình bạn hay tình yêu nên có – và có thể có.
Nguồn: WHY WE’RE FATED TO BE LONELY (BUT THAT’S OK) | The School Of Life