7 lý do bạn không cần lo sợ sẽ hối tiếc vì đã không sinh con

Nỗi sợ hối tiếc trong tương lai xuất phát từ sự hiểu lầm về hạnh phúc và chính bản thân mình ở thì tương lai.
Nhưng liệu bạn có hối tiếc không?
Nếu bạn đang cân nhắc khả năng sẽ không có con, đây hẳn là câu hỏi bạn thường đặt ra cho chính mình. Và rất nhiều người khác, khi nhìn vào lựa chọn bạn đang hướng đến, cũng sẽ tự hỏi điều tương tự.
Những người thật sự suy nghĩ nghiêm túc về chuyện có con hay không bao gồm cả nam lẫn nữ, nhưng áp lực đối với phụ nữ trong việc phải sinh con thường nặng nề hơn. Bởi chúng ta từ lâu đã được dẫn dắt tin rằng làm mẹ là điều tất yếu để làm trọn vẹn một người phụ nữ. Trong khi đó, một người đàn ông vẫn có thể được xem là “nam tính đích thực” mà chẳng cần phải làm cha.
Tôi rất quan tâm đến trải nghiệm của cả đàn ông và phụ nữ khi họ sống mà không có con, và thú thật, tôi không mấy thiện cảm với từ “không con”. Rachel Chrastil, trong cuốn sách How to Be Childless (Làm sao để sống mà không có con), tập trung chủ yếu vào câu chuyện của phụ nữ. Dù vậy, chương sách nói về sự hối tiếc của bà là một trong những phần sâu sắc và thấu đáo nhất mà tôi từng đọc về đề tài này. (Tôi cũng đã từng bàn về những góc nhìn sáng suốt trong các chương khác của bà.)
Image: Alliance Images/Shutterstock
Dưới đây là 7 bài học quan trọng nhất về sự hối tiếc trích từ How to Be Childless.
1. Lo sợ sẽ hối tiếc về một quyết định mà hiện tại bạn thấy đúng, là đang đánh mất niềm tin vào chính mình.
Năm tôi 37 tuổi, tôi gặp một vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng kéo dài hơn một năm và chẳng phương pháp điều trị nào mang lại hiệu quả. Tôi mệt mỏi đến mức chỉ muốn phẫu thuật cho xong, dù trước đó tôi vẫn do dự. Nhưng nếu tôi thực hiện ca phẫu thuật này, tôi sẽ vĩnh viễn mất khả năng sinh con.
Tôi chưa bao giờ muốn có con. Chưa từng. Dù chỉ một lần. Thế nhưng, trước khi quyết định phẫu thuật, tôi đã nói chuyện với một nhà trị liệu. Tôi muốn biết liệu mình có đang tự dối mình về chuyện không muốn có con hay không, và liệu sau này tôi có đổi ý.
Giá mà khi ấy tôi đã có thể đọc cuốn sách của Chrastil. (Nó mãi đến năm nay mới được xuất bản.) Chrastil viết: “Khi ta sợ sẽ hối tiếc trong tương lai, nghĩa là ta đang không tin vào chính mình.” Bà mô tả nỗi sợ thầm lặng trong tâm trí nhiều phụ nữ như sau: “họ nghi ngờ rằng mình không thật sự hiểu bản thân, rằng cuộc sống hiện tại và những điều họ yêu thích bây giờ không đủ căn cứ để đoán định điều họ sẽ mong muốn trong tương lai.”
Quyết định của tôi đã diễn ra gần ba mươi năm trước. Và tôi chưa từng một lần hối tiếc.
2. Hối tiếc không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn bắt nguồn từ áp lực văn hoá buộc ta phải cảm thấy theo một cách nhất định.
Với những người phụ nữ không bao giờ có con, Chrastil nhận thấy rằng: “Việc chìm đắm trong cảm giác hối tiếc được xem là điều tự nhiên, là điều ai cũng mong đợi, thậm chí được cho là hoàn toàn bình thường. Điều này đúng dù người phụ nữ đó không có con vì lựa chọn cá nhân, vì hoàn cảnh, hay vì vô sinh.”
Nhưng thực ra, đắm chìm trong nỗi tiếc nuối không hề là điều tất yếu như thế. Việc hối tiếc vì không có con không phải là điều nhất định phải xảy ra. Trái lại, đó là cảm xúc mà xã hội đã âm thầm gieo vào tâm trí ta.
“Hối tiếc, sau cùng, không phải là con quái vật lẩn khuất đâu đó rồi bất chợt nhảy xổ ra dọa nạt ta. Nó là… một cảm xúc tiêu cực được khuyến khích và nuôi dưỡng nơi những người phụ nữ không con, những người đã được dạy phải sợ một tương lai đầy dằn vặt, tội lỗi và cô đơn...
“Việc mặc định rằng phụ nữ không con nên trải qua một giai đoạn đau khổ vì lựa chọn của mình chính là một ‘quy tắc cảm xúc’, một quy chuẩn vô hình củng cố niềm tin rằng sống không con cái là điều không ai mong muốn, và rằng thiên chức làm mẹ là bản năng đến mức không cần phải suy xét.”
3. Về sau trong cuộc đời, có một số phụ nữ nhắc đến nỗi hối tiếc vì không có con, nhưng chỉ khi họ được hỏi trực tiếp về điều đó.
Các nhà tâm lý học quan tâm đến trải nghiệm hối tiếc ở những người phụ nữ không sinh con có thể hỏi họ thẳng thắn: “Chị có hối tiếc vì đã không sinh con không?” Hoặc họ cũng có thể chỉ đơn giản hỏi: “Chị có điều gì hối tiếc trong cuộc đời mình không?” và chờ xem điều gì sẽ được nhắc đến.
Trong bản tổng hợp nghiên cứu, Chrastil phát hiện rằng những phụ nữ tự nhận mình không con vì hoàn cảnh thường có xu hướng bày tỏ sự hối tiếc nhiều hơn so với những người lựa chọn không sinh con. Nhưng điều đó chỉ xảy ra khi họ được hỏi cụ thể về sự hối tiếc liên quan đến chuyện không có con.
“...khi phụ nữ được hỏi một cách tổng quát về những điều họ hối tiếc trong đời, mà không nhắc gì đến chuyện con cái, thì không có sự khác biệt nào về số lượng điều hối tiếc giữa ba nhóm: phụ nữ có con, phụ nữ không con do tự nguyện, và phụ nữ không con ngoài ý muốn. Ngay cả trong nhóm không con ngoài ý muốn, khi được hỏi về những điều hối tiếc nói chung, phần lớn họ cũng không tự nhiên nhắc đến việc không sinh con như một điều khiến mình day dứt.”
4. Quyết định không sinh con là quyết định duy nhất bị đem ra hoài nghi, trong khi vẫn có người hối tiếc vì đã có con.
Hãy thử tưởng tượng một người phụ nữ 37 tuổi, luôn tin chắc rằng mình thật sự muốn có con. Từ bé đến lớn, cô ấy luôn khao khát làm mẹ. Chưa từng có một giây phút nào cô nghi ngờ điều đó. Liệu cô ấy có tìm đến một chuyên gia tâm lý để xác minh xem liệu mình có đang tự đánh lừa bản thân hay không? Hay để dò xét xem biết đâu tương lai cô sẽ đổi ý?
Câu trả lời là: không. Chỉ duy nhất quyết định không sinh con mới bị đặt dấu hỏi. Người ta ít khi lo lắng về khả năng sẽ hối hận vì đã có con.
Thế nhưng, vẫn có những người phụ nữ mang nỗi tiếc nuối vì đã làm mẹ. Ngay cả những người mẹ hết mực yêu con mình. Đó là điều Orna Donath phát hiện qua các cuộc phỏng vấn được sử dụng làm nền tảng cho cuốn sách Regretting Motherhood (Khi làm mẹ là điều khiến tôi tiếc nuối). Cô khởi động dự án ấy sau khi quá mệt mỏi vì cứ bị người khác cảnh báo rằng rồi cô sẽ hối hận nếu không có con.
5. Lo sợ sẽ hối tiếc vì không sinh con là hiểu lầm về bản chất của hạnh phúc.
Những người phụ nữ mang trong lòng nỗi sợ về một tương lai đầy tiếc nuối nếu không có con có thể đã quá tin vào những câu chuyện dọa dẫm mà xã hội rót vào tai họ, nhất là câu chuyện nói rằng “chỉ có một con đường duy nhất dẫn đến hạnh phúc cá nhân, đó là sinh con, và nếu không đi theo con đường ấy, thì cuộc sống bạn sẽ trống rỗng và vô nghĩa.”
Nhưng hạnh phúc không vận hành như thế. Ngay cả khi chúng ta đối diện với những mất mát hay thất vọng thực sự (chứ không phải những “nỗi thất vọng” do văn hoá áp đặt), chúng ta thường có khả năng ứng phó tốt hơn nhiều so với điều mình từng hình dung.
Trong đời sống thường ngày, điều thực sự khiến ta cảm thấy trọn vẹn là những niềm vui – hay nỗi buồn – đang diễn ra trong hiện tại. Đó có thể là một buổi chiều ngồi cạnh những người bạn tâm giao, một khoảnh khắc bình yên khi được ở một mình, hay đơn giản là cảm giác mong chờ một cuối tuần nhẹ tênh sắp đến.
6. Lo sợ sẽ hối tiếc vì không sinh con là đánh giá thấp sự khôn ngoan của chính mình trong tương lai.
“Già hơn và khôn hơn” không chỉ là một câu cửa miệng. Đôi khi, nó thật sự đúng.
“Nỗi sợ về sự tiếc nuối trong tương lai cho thấy rằng ta không tin mình sẽ biết cách vượt qua những nỗi thất vọng của cuộc đời, rằng bản thân của ta khi già đi sẽ không khôn ngoan hơn hiện tại, hoặc rằng sự trưởng thành của tuổi tác sẽ chỉ khiến ta quay lưng với con người của hiện tại, thay vì thấu hiểu và bao dung cho chính mình của hôm nay.”
7. Lo sợ sẽ hối tiếc vì không sinh con là nhìn cuộc sống bằng một lăng kính quá hẹp về ý nghĩa của việc làm người.
Những người không có con không sống trong một khoảng trống vô nghĩa. Họ hoàn toàn có thể tạo nên một cuộc đời rộng lớn, sâu sắc, đầy ý nghĩa. Thậm chí, nhiều cánh cửa chỉ mở ra khi ta không chọn con đường làm cha mẹ. Ta có thể có những mối quan hệ sâu đậm, thân thiết mà không nhất thiết phải sinh con. Ta có thể theo đuổi đam mê, những hành trình sống chẳng hề dính dáng gì đến chuyện làm cha mẹ.
Rachel Chrastil đã khép lại chương viết về sự hối tiếc bằng một lời khuyên giản dị nhưng sâu sắc: “Thay vì mãi lo lắng về việc lựa chọn cho đúng, chúng ta nên sống hết mình với những gì mình đã chọn.”
Tác giả: Bella DePaulo Ph.D.
Nguồn: 7 Reasons People Shouldn't Worry That They'll Regret Not Having Kids | Psychology Today