10 bí quyết để trong nhà không có tiếng mắng trẻ
Làm thế nào để kiểm soát sự tức giận của bản thân trước cảnh con làm đổ sữa ra bàn, con để quên ba lô khi đi học, hay con quên làm việc nhà?
Dưới đây là những cách đơn giản nhưng hiệu quả giúp phụ huynh giữ được bình tĩnh và tránh la mắng trước sai sót của trẻ:
1. Chuẩn bị sẵn sàng từ trước
Với hầu hết hoạt động liên quan đến trẻ, từ đưa đến trường mỗi sáng đến việc về thăm nội ngoại vào các ngày nghỉ lễ, điều tốt nhất bạn nên làm là chuẩn bị sẵn sàng từ trước. “Thông thường thì vấn đề nằm ở chỗ mọi người đều cần nhiều thời gian hơn”, tiến sĩ Eileen Kennedy-Moore, chuyên gia tâm lý và là đồng tác giả của cuốn Smart Parenting for Smart Kids đến từ Mỹ chia sẻ
Để giải quyết vấn đề này, hãy chuẩn bị cho bản thân sẵn sàng trước. Bằng cách đó, bạn không phải vừa trang điểm hoặc vừa tìm chìa khóa xe vừa thúc giục và hướng dẫn trẻ. Hãy dán danh sách những việc trẻ cần làm và thời điểm phải làm trên cửa phòng ngủ của trẻ để các bé dễ dàng tuân theo.
2. Điều chỉnh kỳ vọng
Bạn có thể bảo với con trai đang ở tuổi mẫu giáo dọn dẹp phòng chơi mỗi ngày. Và 5 ngày đầu tiên thì cậu bé làm đúng lời dặn, nhưng sang ngày thứ 6 thì quên mất. Đó là bởi vì con bạn còn quá nhỏ chứ không phải bé cố tình tỏ ra chống cự, tiến sĩ Kennedy-Moore chia sẻ. Chính vì thế, việc bạn la mắng con trong tình huống này sẽ không mang lại hiệu quả.
Hơn ai hết, bạn là người hiểu rõ nhất khả năng của con, cho nên hãy đặt kỳ vọng phù hợp hoặc hơn một chút so với khả năng của con. Ví dụ, với con trai 5 tuổi bạn không nên yêu cầu sắp xếp sách và truyện của cậu bé gọn gàng trên giá mà chỉ nên đề nghị con không để chúng vương vãi trên sàn mà thôi.
3. Là một tấm gương tốt
Lần đầu tiên bạn nghe thấy con trai 10 tuổi la mắng em gái (đặc biệt khi cậu bé sử dụng chính những từ ngữ mà bạn thường sử dụng) thì cần hiểu rằng người đầu tiên và quan trọng nhất trẻ nhìn vào để học giao tiếp chính là bạn, Vicki Hoefle, chuyên gia về nuôi dạy con cái (Mỹ) chia sẻ. “Một ngày nào đó, trẻ sẽ nói với bạn theo cách mà bạn nói với trẻ”. Chính vì thế, hãy tự nhắc nhở bản thân phải làm gương cho con cái bằng cách sử dụng những từ ngữ và giọng điệu mang tính tôn trọng. Hãy thử âm thầm nhắc lại những gì bạn nói và sau đó tưởng tượng xem bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu trẻ nói như thế với bạn.
Ảnh: FirstCry Parenting.
4. Đưa ra cảnh báo công bằng
Đôi khi khó có thể kiểm soát việc la hét, nhưng nếu bạn biết mình sắp mất bình tĩnh “thì hãy cho trẻ biết điều đó và bảo trẻ ra khỏi phòng trước tiên”, bà Hoefle khuyến khích. Điều này sẽ dạy cho trẻ về trách nhiệm cá nhân đối với lời nói và hành động của bản thân. Nó cho trẻ thấy rằng tất cả chúng ta đều có lúc có những cảm xúc mạnh mẽ, nhưng vẫn phải tôn trọng cảm xúc của người khác.
5. Chuyển hướng tập trung
Bạn giận sôi lên khi bước vào bếp và thấy những chiếc giày thể thao nằm rải rác trên sàn, bồn rửa đầy bát đĩa bẩn? Trước khi la mắng con, hãy làm bản thân xao lãng, bà Hoefle chia sẻ. “Hãy luôn chuẩn bị cho mình một số chiến lược hay đồ vật có thể giúp bạn bình tĩnh lại, ví dụ bóp chặt một quả bóng, nhai kẹo cao su, hay ngắm một bức ảnh gia đình mà bạn thích”. Làm như vậy sẽ dập tắt “nhu cầu” la hét tức thời của bạn và giúp bạn lấy lại sự kiểm soát.
6. Ghi nhớ vai trò bản thân
Khi dùng đến sự la hét là bạn đang tự mình đánh mất phần nào uy lực của bản thân. “Một người cha/mẹ la hét con cái nghĩa là anh ấy/cô ấy đã hạ thấp mình xuống ngang hàng với anh chị em hoặc bạn bè của con”, tiến sĩ Kennedy-Moore chia sẻ. Bạn không thể yêu cầu con tôn trọng bằng cách la hét chúng, nhưng bạn có thể nhận được sự tôn trọng bằng cách cư xử như người có trách nhiệm một cách bình tĩnh và có kiểm soát.
7. Tập thói quen nói nhỏ
Dù không hề tức giận nhưng đôi khi bạn vẫn thấy mình to tiếng với con cái. Nếu bạn tự luyện cho mình thói quen nói năng nhẹ nhàng hơn thì sẽ ít có xu hướng la mắng hơn, tiến sĩ Kennedy-Moore cho biết. Để làm được điều này, hãy cố gắng chỉ nói chuyện hay trao đổi thông tin với các thành viên gia đình khi bạn đang ở cùng phòng với họ mà thôi.
8. Suy nghĩ như một giáo viên
“Người giáo viên tốt nhất không tức giận trước các hành vi sai trái của trẻ mà coi đó là một cơ hội học tập”, tiến sĩ Kennedy-Moore chia sẻ. Vì thế, nếu con bạn bỏ quên hộp đựng kem trống không trong tủ lạnh hay để quần áo mốc meo trong máy giặt thì hãy tự hỏi bản thân: Con cần học điều gì và làm thế nào để dạy được con? Ví dụ, có thể cậu bé/cô bé cần một tờ giấy nhỏ dán ở cửa tủ lạnh để nhắc nhở những việc phải làm hay một tờ giấy ghi hậu quả của quần áo để lâu không giặt.
9. Lại gần
Bạn thấy mình đứng từ dưới hét vọng lên cầu thang hay hét qua sân? Điều đó sẽ khiến trẻ dễ dàng lờ tịt những gì bạn muốn truyền tải và sẽ tạo thành vòng tròn luẩn quẩn là bạn hét, trẻ lờ đi, và bạn càng hét to hơn. “Các bậc cha mẹ thường chia sẻ với tôi rằng: ‘Tôi nói điều đó đến 14 lần rồi mà thằng bé không hề nghe theo”, tiến sĩ Kennedy-Moore chia sẻ. “Nguyên nhân là thằng bé đã lờ đi không thèm lưu ý đến lời quát mắng của cha mẹ. Nếu bạn nói một lần mà trẻ không làm theo thì hãy lại gần chỗ trẻ, yêu cầu trẻ chú ý, nhìn thẳng vào mắt trẻ và nói kiên quyết nhưng nhẹ nhàng”, bà khuyến khích.
10. Tưởng tượng có “khán giả” chứng kiến
Nếu bạn la mắng con trong lúc cửa sổ nhà mở toang thì rất có khả năng người khác nghe thấy. Hãy nghĩ kỹ về điều này. Sẽ ra sao nếu sếp của bạn, người bạn thân nhất, hay bà của bạn đang ở trong phòng với bạn lúc đó, bà Hoefle chia sẻ. Liệu bạn có la hét như thế không? “Chúng ta thường đối xử với những người yêu thương tệ hơn so với người quen”, tiến sĩ Kennedy-Moore cho biết.
Thanh Mai dịch (theo womansday)