2 bí mật của một cuộc sống tốt đẹp – từ trí tuệ cổ đại đến khoa học hiện đại

2-bi-mat-cua-mot-cuoc-song-tot-dep-tu-tri-tue-co-dai-den-khoa-hoc-hien-dai

Vào ngày đầu tiên của khóa học về triết học Trung Hoa cổ đại, giáo sư Michael Puett hứa với các sinh viên:

Vào ngày đầu tiên của khóa học về triết học Trung Hoa cổ đại, giáo sư Michael Puett hứa với các sinh viên:
“Nếu các em thực sự nghiêm túc với những tư tưởng trong những cuốn sách này, chúng sẽ thay đổi cuộc đời các em.”

Một tuyên bố lớn lao. Nhưng có lẽ ông không nói quá – bởi lẽ đây hiện là một trong ba khóa học được yêu thích nhất tại Harvard. May mắn thay, bạn không cần phải trải qua mùa đông lạnh giá ở Cambridge để lắng nghe những điều ông chia sẻ…

Michael Puett và Christine Gross-Loh là tác giả cuốn sách The Path: What Chinese Philosophers Can Teach Us About the Good Life (tạm dịch: Con Đường – Các Nhà Triết Học Trung Hoa Dạy Chúng Ta Gì Về Một Cuộc Sống Tốt Đẹp).

Nhiều người phương Tây nghĩ rằng triết học Trung Hoa chỉ toàn những câu danh ngôn sâu sắc về sự cân bằng và hài hòa. Nhưng thực tế lại khác. Phần lớn triết học Trung Hoa nói rằng cuộc sống vốn dĩ rối ren.

Trong The Path, họ viết:

“… Sự thật là nhiều triết gia Trung Hoa cổ đại nhìn thế giới theo một cách rất khác: họ thấy cuộc đời là một chuỗi những tương tác hỗn loạn, không ngừng thay đổi. Quan điểm này bắt nguồn từ niềm tin rằng mọi khía cạnh của đời sống con người đều bị chi phối bởi cảm xúc – bao gồm cả vô vàn mối quan hệ mà chúng ta có.”

Vậy nên, những tư tưởng này không chỉ thực tế mà còn cực kỳ hữu ích. Vì trong một thế giới đầy hỗn loạn như ngày nay, ai mà chẳng muốn tìm thấy sự mãn nguyện và hạnh phúc?

Và đây là hai bài học từ Khổng Tử cùng các bậc tiền nhân – những bài học mà ngay cả khoa học hiện đại cũng đang chứng minh là đúng.

1. Chú Trọng Những Điều Nhỏ Bé

Nhắc đến Khổng Tử, có thể bạn sẽ nghĩ đến những câu danh ngôn sâu sắc, mang tầm vóc vĩ mô, thậm chí đôi khi hơi trừu tượng. Nhưng không.

Tác phẩm Luận Ngữ của ông thực tế lại đi vào những chi tiết nhỏ nhất, như cách đặt khuỷu tay khi ăn hay những cử chỉ tinh tế trên bàn tiệc. Bạn có thể nghĩ: “Thế thì có gì quan trọng?”

Khổng Tử không quan tâm đến những câu hỏi triết học xa vời. Ông thực tế. Ông tin rằng cuộc sống tốt đẹp không đến từ những tư tưởng cao siêu, mà được xây dựng từ những thói quen nhỏ bé hàng ngày.

Và ông không hề sai. Nghiên cứu cho thấy 40% những gì chúng ta làm mỗi ngày là thói quen. Nếu ta rèn được những thói quen tốt và loại bỏ những thói quen xấu, thì gần một nửa cuộc đời sẽ được sống tốt.

Chúng ta thường tự dán nhãn bản thân:

  • “Tôi là người dễ xúc động, bản chất tôi là vậy.”
  • “Tôi không thể tập trung lâu, não tôi vốn thế rồi.”

Ngày nay, chúng ta hay nói về việc “tìm ra bản thân đích thực”. Nhưng các triết gia Trung Hoa cổ đại lại không nghĩ vậy.

Họ tin rằng bạn chính là những gì bạn làm. Tính cách không quyết định hành vi – mà hành vi mới định hình tính cách.

Trong The Path, họ viết:

“Mỗi người đều có nhiều tính cách khác nhau, đôi khi mâu thuẫn. Những đặc điểm này không phải do chúng ta ‘sinh ra đã có’, mà được hình thành qua những gì chúng ta làm mỗi ngày. Nó không đến từ việc ngồi thiền hay đi du lịch để ‘tìm lại chính mình’, mà đến từ cách ta ứng xử với thế giới xung quanh. Nói cách khác, chúng ta không chỉ là chính mình – mà còn có thể tự rèn luyện để trở thành phiên bản tốt hơn.”

Và khoa học cũng đồng ý với quan điểm này.

  • Giáo sư Tim Wilson (Đại học Virginia) phát hiện ra rằng làm việc tốt không phải vì ta vốn là người tốt – mà chính hành động tử tế sẽ khiến ta trở thành người tốt.
  • Nhà khoa học thần kinh Alex Korb (UCLA) nghiên cứu cách cảm xúc được hình thành và nhận ra rằng những thói quen nhỏ có thể tạo ra vòng xoáy tích cực, giúp não bộ hạnh phúc hơn.

Trong The Upward Spiral, Korb viết:

“Mọi thứ đều liên kết với nhau. Lòng biết ơn giúp ngủ ngon hơn. Ngủ ngon giảm đau đớn. Giảm đaucải thiện tâm trạng. Tâm trạng tốt giảm lo âu. Ít lo âu giúp tập trung tốt hơn. Tập trung giúp ra quyết định chính xác hơn. Ra quyết định đúng làm giảm lo âu và tăng niềm vui. Niềm vui khiến ta có thêm lý do để biết ơn, tạo nên một vòng xoáy tích cực.”

Vậy nên, những điều nhỏ bé mà bạn chọn làm mỗi ngày có thể giúp bạn thoát khỏi vòng lặp tiêu cực.

  • Khi tắm rửa sạch sẽ và mặc quần áo chỉnh tề, bạn thấy sẵn sàng cho ngày mới.
  • Khi dọn dẹp bàn làm việc, bạn cảm thấy có tổ chức và kiểm soát cuộc sống tốt hơn.

Những nghi thức nho nhỏ này giúp bạn trở thành một phiên bản khác của chính mình – một cách mạnh mẽ hơn nhiều so với việc chỉ tự nhủ “Cố lên nào!” hay “Bình tĩnh lại đi!”.

Trong The Path, họ viết:

“Khổng Tử hiểu rằng những hành động tưởng chừng nhỏ bé có thể thay đổi hoàn toàn môi trường xung quanh và cảm xúc của chúng ta. Ví dụ, việc sắp xếp vị trí chỗ ngồi trong một cuộc gặp mặt có thể tạo ra không khí hoàn toàn khác. Trong đời sống hiện đại, điều này giống như những nghi thức trên bàn ăn – khi ta bày biện bàn ăn, trải khăn, thắp một ngọn nến… Những việc nhỏ bé ấy giúp ta bước ra khỏi guồng quay căng thẳng của cuộc sống, tạo nên một thế giới khác cho mình và người thân.”

Ngay cả khoa học cũng chứng minh điều này. Giáo sư Francesca Gino (Harvard Business School) phát hiện ra rằng chỉ cần có một nghi thức nhỏ trước bữa ăn, đồ ăn cũng sẽ ngon hơn.

Vậy nên, muốn một gia đình hạnh phúc? Hãy tạo ra những nghi thức.

Từ “100 Bí Mật Đơn Giản Của Những Gia Đình Hạnh Phúc”

Những nghi thức gia đình được duy trì đều đặn không chỉ giúp trẻ phát triển kỹ năng xã hội mà còn tăng sự gắn kết trong gia đình lên hơn 17%. – Eaker và Walters, 2002

Bạn sẽ có những thói quen, đó là điều không thể tránh khỏi. Nhưng chẳng phải tốt hơn nếu bạn tự định hình chúng, thay vì để chúng tự nhiên hình thành sao? Theo Khổng Tử, khi rèn luyện thói quen, bạn không chỉ định hình cách mình sẽ làm mọi việc trong tương lai mà còn tạo nên chính con người mình.

Vậy thì, những nghi thức kiểu Khổng Tử đúng là một chìa khóa quan trọng. Những điều nhỏ bé lại tạo nên khác biệt lớn. Nhưng khi đứng trước những mục tiêu lớn lao, ta nên tiếp cận chúng thế nào? Liệu có cần một bản kế hoạch chi tiết để sống hạnh phúc và thành công không? Không hẳn…

Đừng lập kế hoạch cuộc đời. Hãy nuôi dưỡng cơ hội.

Mạnh Tử – một triết gia Trung Hoa cổ đại mà Michael Puett nhắc đến trong các bài giảng của mình – cũng tin rằng cuộc sống vốn dĩ là một mớ hỗn độn.

Ai cũng gật gù đồng ý rằng không ai đoán trước được tương lai. Nhưng khi lập kế hoạch, ta vẫn vô thức tin vào những điều chắc chắn. Và rồi, khi mọi thứ không đi theo kế hoạch, ta thất vọng, tức giận.

Được rồi, có thể bạn là một người lên kế hoạch siêu đỉnh. Giống như nhân vật chính trong phim trộm cắp – đồng hồ được căn chỉnh từng giây. Nhưng có một vấn đề: không chỉ cuộc sống đầy biến số, mà chính bạn cũng vậy. Bạn có thể dự đoán những thay đổi trong thế giới, nhưng liệu bạn có thể dự đoán sự thay đổi trong chính mình? Điều bạn mong muốn hôm nay có thể không còn là điều bạn mong muốn ngày mai. Và thế là…

Ta rơi vào khủng hoảng tuổi trung niên. Ta thực hiện hoàn hảo kế hoạch của mình, nhưng trên hành trình đó, những ước mơ thầm kín đã thay đổi, và giờ thì chẳng còn đường lui.

Trong cuốn sách The Path: What Chinese Philosophers Can Teach Us About the Good Life có viết:

Khi bám chặt vào một kế hoạch, bạn có thể bỏ lỡ những cơ hội quý giá. Và đến một ngày nào đó, khi thức dậy trong tương lai, bạn nhận ra mình đang mắc kẹt trong một cuộc đời chỉ phản chiếu một phần nhỏ con người mà bạn từng nghĩ mình sẽ trở thành.

Oscar Wilde từng nói: “Có hai bi kịch trong đời: một là không đạt được điều mình mong muốn, hai là đạt được nó.”

Vậy nên, trong một thế giới đầy bất định – và một con người cũng đầy bất định như chính bạn – đừng cố bám vào kế hoạch cứng nhắc. Hãy tạo dựng những cơ hội.

Hãy thử những điều mới. Có sở thích. Phát triển những khía cạnh khác nhau của bản thân.

Trong The Path, có một đoạn viết thế này:

"Hầu hết chúng ta đều có sở thích, những điều ta làm vào cuối tuần hay lúc rảnh rỗi. Nhưng ta thường không coi chúng là chìa khóa để tìm ra mình muốn làm gì trong cuộc đời. Thực ra, chuẩn bị cho tương lai có thể đơn giản như dành thời gian cho những hoạt động giúp ta khám phá nhiều khía cạnh khác nhau của bản thân: tham gia một lớp thử rượu vang, học vẽ màu nước, hay ôn lại tiếng Pháp mỗi tuần một lần qua chương trình trao đổi ngôn ngữ. Khi chủ động mở rộng không gian trong đời cho những khả năng mới, đồng thời luôn sẵn sàng đón nhận chúng, bạn cũng giống như một người nông dân chuẩn bị đất đai để cây cối có thể đơm hoa kết trái.”

Nghe thật thú vị, nhưng liệu đây có phải là một triết lý sống đáng tin cậy?

Câu trả lời là: Có!

Việc thử nghiệm nhiều điều mới và thực hiện những “cược nhỏ” chính là cách mà các thiên tài sáng tạo phát triển những tác phẩm xuất sắc nhất. Nhưng còn một lợi ích lớn hơn: nó giúp bạn may mắn hơn.

Giáo sư Richard Wiseman từng nghiên cứu những điểm chung của những người may mắn và nhận ra rằng họ luôn cởi mở với những trải nghiệm mới, sẵn sàng nắm bắt các cơ hội bất ngờ. Ông còn tiến hành thí nghiệm: khi những người “bình thường” thử áp dụng thói quen của người may mắn, họ cũng trở nên may mắn hơn.

Richard Wiseman chia sẻ:

"Những người may mắn luôn thử nghiệm. Người kém may mắn thì phân tích quá nhiều. Họ không làm gì cả cho đến khi tính toán xong mọi góc độ, nhưng lúc đó thế giới đã chuyển động rồi. Họ không có cơ hội học hỏi từ thực tế. Tôi luôn ủng hộ việc bắt đầu từ những bước nhỏ, thử nghiệm nhiều dự án, quan sát cái gì hiệu quả, cái gì không, rồi điều chỉnh theo phản hồi.”

Có rất nhiều thứ giúp bạn hạnh phúc hơn, làm việc hiệu quả hơn. Nhưng có bao nhiêu thứ có thể khiến bạn may mắn hơn? Khi bạn chủ động tạo ra những cơ hội ngẫu nhiên, bạn mở ra một thế giới của những khả năng. Và điều đó có nghĩa là, dù kế hoạch lớn của bạn có thất bại, bạn cũng sẽ không bị mắc kẹt.

Tóm lại:

Chúng ta có thể học được gì từ các triết gia Trung Hoa cổ đại?

Những điều nhỏ bé quan trọng. Nghi thức, thói quen chính là chìa khóa. Bạn chính là những thói quen của mình, vì thế hãy dành thời gian loại bỏ những thói quen xấu và nuôi dưỡng những thói quen tốt.

Đừng lập kế hoạch cuộc đời. Hãy nuôi dưỡng cơ hội. Kế hoạch lớn có thể thất bại. Mục tiêu của bạn có thể thay đổi. Vì vậy, hãy luôn mở ra những cánh cửa mới bằng cách thực hiện những “cược nhỏ”.

Không có công thức thần kỳ nào cho cuộc sống. Ai nói có thì họ đang bán hàng mà thôi.

Tin rằng “cuộc sống vốn dĩ hỗn độn” không phải là bi quan hay bao biện – mà là thực tế. Nói rằng “Tôi có thể trở thành bất cứ ai tôi muốn” là viển vông và không thực tế. Nhưng nói rằng “Tôi chưa biết mình có thể trở thành ai” lại là một niềm hy vọng chân thực.

Trong The Path có đoạn viết:
"Thay vì nghĩ rằng ‘Tôi có thể trở thành bất cứ ai tôi muốn’, hãy tiếp cận theo cách: ‘Tôi chưa biết mình có thể trở thành ai’. Bạn không thể biết trước những điều này. Nhưng những gì bạn khám phá về bản thân và những gì khiến bạn hào hứng sẽ không còn là lý thuyết nữa – mà là trải nghiệm thực tế. Bạn chính là thành quả của những gì bạn vun trồng.”

Làm những điều đúng đắn. Cảm thấy trọn vẹn khi những cơ hội mới không ngừng đến với mình.

Nghe có vẻ giống như một cuộc đời đáng sống, phải không?

Nguồn: 2 Secrets To The Good Life, Backed By Ancient Wisdom And Research 

Tác giả: Eric Barker. Anh cũng là tác giả của bộ sách CHÓ SỦA NHẦM CÂY và THÂN AI NẤY LO – sự thật về tình yêu, tình thân và bản chất con người
 
 
menu
menu