3 dấu hiệu bạn trở nên khó ưa
Thái độ khó ưa bắt nguồn từ những cảm xúc tiêu cực bị dồn nén lâu ngày. Thường xuyên thể hiện sự buồn bã và tức giận, bạn sẽ dần đánh mất bản thân và các mối quan hệ thân thiết.
Thái độ khó ưa bắt nguồn từ những cảm xúc tiêu cực bị dồn nén lâu ngày. Thường xuyên thể hiện sự buồn bã và tức giận, bạn sẽ dần đánh mất bản thân và các mối quan hệ thân thiết.
Một người bị đánh giá là khó chịu khi thường xuyên giận dữ và cáu kỉnh. Ảnh: Rodnae Productions/Pexels.
Không ai muốn ở cạnh một người thường xuyên buồn bã, cáu giận và nổi nóng vô cớ. Tuy nhiên, ai cũng có khả năng trở thành một người đáng ghét như vậy.
Chúng ta thường ít khi quan sát lại thái độ và hành vi cư xử của mình đối với những người xung quanh. Vì vậy, nhiều người tỏ ra bất ngờ khi bị bạn bè, đồng nghiệp nhận xét là khó chịu.
Dựa trên ý kiến của một số chuyên gia tâm lý, Psychology Today đã phân tích chi tiết về những đối tượng bị đánh giá là khó ưa.
Dấu hiệu bạn trở nên khó ưa
Khi để cảm giác buồn bã và tức giận tích tụ theo thời gian, bạn sẽ dần trở thành một người khó chịu. Những người này dễ bị kích động bởi những điều nhỏ nhặt không đáng bận tâm. Dưới đây, Psychology Today liệt kê 3 dấu hiệu phổ biến của một người khó ưa:
- Gửi tin nhắn, email thể hiện sự tức giận hoặc thất vọng.
- Liên tục tranh cãi với đồng nghiệp, sếp, bạn bè, người thân.
- Có ác cảm với một người lạ khi chưa tiếp xúc.
Nếu nhận thấy bản thân thường xuyên có những hành vi ứng xử như trên, bạn đã trở thành một người khó chịu trong mắt người khác.
Thường xuyên nổi nóng và cáu giận vô cớ là biểu hiện của sự khó ưa. Ảnh: Timur Weber/Pexels.
Nguyên nhân trở nên khó ưa
Sự khó ưa bắt nguồn từ nỗi thất vọng dồn nén trong khoảng thời gian dài. Chúng ta không thể nuôi dưỡng sự lạc quan và hy vọng sau khi trải qua những biến cố trong cuộc sống. Đó là những tình huống mà bạn cảm thấy bị hiểu lầm, bị coi thường hoặc bị bỏ rơi.
Ở trong những hoàn cảnh như vậy, bạn dễ dàng cảm thấy cuộc đời mình khắc nghiệt và trớ trêu. Tâm lý nạn nhân (victim mentality) có thể xảy ra. Theo lonerwolf.com, tâm lý nạn nhân là một thuật ngữ trong tâm lý học để chỉ một loại tư duy rối loạn chức năng. Những người mang tâm lý nạn nhân thường cho rằng cuộc sống này bất công.
Bạn luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc người khác khi mọi thứ không diễn ra đúng như mình mong muốn. Từ đó, bạn nổi nóng và cáu giận với những người xung quanh.
Ảnh hưởng đến các mối quan hệ
Khi bạn liên tục buồn bã và cáu giận, các mối quan hệ xung quanh sẽ bị ảnh hưởng xấu. Mặc dù người thân, bạn bè mang đến sự hỗ trợ và tình yêu thương, bạn luôn cảm thấy không thỏa mãn và tỏ thái độ khó chịu với họ. Cảm giác thiếu sự quan tâm xuất hiện mọi lúc mọi nơi. Bạn thường xuyên tự hỏi những câu sau:
- Bạn trai/bạn gái trân trọng tôi như thế nào?
- Những người xung quanh có hiểu sự thất vọng và tức giận của tôi không?
Các câu hỏi này thể hiện sự đòi hỏi của bạn. Những người xung quanh sẽ cảm thấy chán nản và mệt mỏi khi không thể làm hài lòng bạn. Sự quan tâm mà họ trao đi không được trân quý.
Thái độ khó chịu có thể khiến bạn mất dần các mối quan hệ thân thiết. Ảnh: Mart Production/Pexels.
Không còn khó ưa
Khi nhận ra bản thân thường xuyên cáu giận vô cớ, bạn hoàn toàn có quyền quyết định thay đổi hoặc không. Một số người không nỗ lực cải thiện và dần bị cô lập. Trong khi đó, bạn có khả năng trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
Để thay đổi, bạn cần tìm kiếm một hoạt động đánh lạc hướng sự tức giận và cáu kỉnh của mình. Các hoạt động như đi bộ, tập thể dục hoặc thiền định có khả năng xoa dịu cơn cáu giận vô cớ.
Thay vì cho phép cảm giác thất vọng tích tụ lâu ngày, bạn nên chia sẻ với những người thân thiết nhất. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia tư vấn tâm lý.
Nguồn: https://zingnews.vn/3-dau-hieu-ban-tro-nen-kho-ua-post1380451.html