Ngừng Suy Nghĩ Quá Mức Và Bắt Đầu Hành Động: 5 Phương Pháp Bạn Cần Biết Để Bắt Đầu

ngung-suy-nghi-qua-muc-va-bat-dau-hanh-dong-5-phuong-phap-ban-can-biet-de-bat-dau

Có những ngày tôi phải suy nghĩ quá nhiều đến mức bị tê liệt khả năng phân tích. Những suy nghĩ không mong muốn sẽ xuất hiện trong đầu tôi mà chính tôi cũng không hề hay biết, và cứ thế cuốn tôi ra khỏi nhiệm vụ trong tầm tay.

Tôi nghĩ mình khá giỏi và thông minh trong việc đưa ra quyết định, từ những công việc nhỏ thường ngày như ăn gì vào bữa trưa, mặc váy gì đến văn phòng, cách để tránh kẹt xe trên đường đi làm, đến các hoạt động lớn hơn như đưa ra một kế hoạch tuyển dụng, xác định cấu trúc tổ chức và suy nghĩ về chiến lược tương lai của tổ chức của mình.

Tuy nhiên, có những ngày tôi phải suy nghĩ quá nhiều đến mức bị tê liệt khả năng phân tích. Những suy nghĩ không mong muốn sẽ xuất hiện trong đầu tôi mà chính tôi cũng không hề hay biết, và cứ thế cuốn tôi ra khỏi nhiệm vụ trong tầm tay. Những giọng nói nhỏ này cứ lặp đi lặp lại làm tôi cạn kiệt về mặt tinh thần.

Lúc đầu, tôi hoàn toàn không để ý hiện tượng này và thường tự hỏi sao thời gian trôi nhanh vậy. Sau đó, khi tôi bắt đầu chú ý đến chúng, tôi nhận ra rằng hầu hết những suy nghĩ này đều liên quan đến việc phân tích quá kỹ các hành động và quyết định trong quá khứ hoặc lo lắng quá nhiều về tương lai - Tại sao tôi lại nói như vậy trong cuộc thảo luận, những người khác sẽ nghĩ như thế nào về cách tôi đã hành động , cuộc họp có diễn ra tốt đẹp không, nếu quyết định của tôi không diễn ra như mong đợi thì sao?, v,v....

Tôi đã cố gắng để im lặng tiếng nói đó bằng cách giả vờ như chúng không tồn tại. Nhưng nó không hiệu quả. Dù không cố tình "lắng nghe" chúng, nhưng bằng một cách nào đó, chúng lại xuất hiện trong những thời điểm tôi dễ bị tổn thương nhất.

Qua thời gian, tôi nhận ra rằng tôi không thể thay đổi quá khứ. Ám ảnh về quá khứ hoặc những điều tôi có thể làm khác đi sẽ không giúp ích được gì, nhưng tôi luôn có thể sử dụng những gì học được từ quá khứ của mình để trải nghiệm hiện tại và tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn.

Mặc dù chúng ta không giống với những suy nghĩ phát sinh tự thân, nhưng những suy nghĩ ấy lại giúp xây dựng nên con người chúng ta. Theo Sahi Bahcall, một nhà vật lý và doanh nhân công nghệ sinh học - “Thay vì đấu tranh với những suy nghĩ của bạn, hãy hợp tác với chúng.”

Trước khi chúng ta đi sâu vào một số chiến lược giúp quản lý suy nghĩ của chính mình, ta phải hiểu nguyên nhân dẫn đến việc suy nghĩ quá nhiều. 

Điều gì gây ra suy nghĩ quá mức?

Có hai yếu tố chính góp phần vào xu hướng suy nghĩ quá nhiều:

  1. Môi trường

Hoàn cảnh mà chúng ta được nuôi dưỡng, điều kiện mà chúng ta làm việc và những người xung quanh chúng ta quyết định phần lớn cách mà chúng ta suy nghĩ.

Nếu chúng ta ở trong một môi trường phạt nhiều hơn thưởng, thành công được tôn vinh và thất bại được coi là dấu hiệu của sự yếu kém, chúng ta có xu hướng trở nên quá thận trọng và đề phòng mọi việc mình làm, dẫn đến phân tích mọi tình huống một cách quá đà

Nếu lo lắng và căng thẳng là một phần bình thường trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, ta sẽ dễ áp đặt và đánh giá hành động của người khác theo tiêu chuẩn của riêng ta.

Mặc dù môi trường của chúng ta có thể không nằm trong tầm kiểm soát của mình, nhưng chúng ta có thể kiểm soát suy nghĩ của mình bằng một số nỗ lực.

  1. Bí ẩn của tâm trí con người

Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy thất bại gắn bó với chúng ta lâu hơn thành công. Thành công có thể mang lại cho chúng ta niềm hạnh phúc nhất thời, nhưng thất bại có thể sống mãi với chúng ta.

Một khi tâm trí của chúng ta bị mắc kẹt trong những tiêu cực, đó là tất cả những gì nó nhìn thấy. Mọi hành động và quyết định có thể trở thành một trận chiến trong tâm trí chúng ta vì nó có xu hướng chỉ thể hiện ra một dạng suy nghĩ mà không có khả năng thay đổi.

Một lý do khác dẫn đến suy nghĩ quá đà chính là mong muốn được kiểm soát. Là loài người, tất cả chúng ta đều khao khát một thế giới có trật tự hoàn hảo. Chúng ta suy nghĩ quá nhiều với mong muốn định hình tương lai của mình và sắp xếp kết quả theo cách chúng ta muốn mà không nhận ra rằng phần lớn cuộc đời không nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta.

Gần đây, ta bị kích thích quá mức bởi internet và mạng xã hội. Mọi người sẽ rơi vào việc nghi ngờ bản thân nếu không nhận được đủ lượt thích trên trang cá nhân, cũng như bận tâm quá nhiều đến cách người khác nhìn nhận họ thay vì nhận ra giá trị của chính bản thân mình.

Khi thân phận bên ngoài trở thành cách chính chúng ta nhìn vào bản thân, chúng ta sẽ dành nhiều thời gian suy nghĩ làm sao để có thể bắt kịp điều đó, thực chất là chiếm lấy tâm trí của chúng ta với một hướng đi sai lầm.

Chúng ta hoàn toàn có thể quyết định cách tư duy của mình, tư duy cố định phân tích quá mức hay tư duy phát triển, tin tưởng vào việc thực hiện hành động.

Quan điểm mà bạn áp dụng cho bản thân ảnh hưởng sâu sắc đến cách bạn dẫn dắt cuộc sống của mình. Nó có thể xác định liệu bạn có trở thành người mà bạn muốn trở thành hay không và liệu bạn có hoàn thành được những điều mình đánh giá hay không

Tác động của việc suy nghĩ quá nhiều

Suy nghĩ là một phần của con người. Điều cần thiết là tách sự thật khỏi niềm tin, tốt với xấu, điểm mạnh và điểm yếu của chúng ta và chuyển từ áp dụng các mô hình cũ sang áp dụng các mô hình tinh thần mới để đưa ra quyết định đúng đắn.

Tuy nhiên, đâu là ranh giới đúng giữa "suy nghĩ" và "suy nghĩ quá nhiều"?

Dưới đây là một số câu hỏi để giúp bạn xác định xem bạn có phải là người hay suy nghĩ quá đà không:

  • Bạn có thường xuyên ám ảnh về vấn đề thay vì tìm ra giải pháp?
  • Bạn có thể chuyển góc nhìn của mình từ tiêu cực sang tích cực?
  • Bạn có cảm thấy mệt mỏi khi phải quyết định?
  • Bạn mệt mỏi vì muốn tìm ra giải pháp hoàn hảo nhất?
  • Bạn có xu hướng giải quyết các vấn đề trong đầu thay vì thực hiện chúng?

Dù khả năng tư duy ở cấp độ cao khiến chúng ta trở nên độc nhất vô nhị giữa các loài, nó cũng khiến chúng ta dễ bị nhầm lẫn. Các loài động vật khác có cuộc sống đơn giản hơn nhiều, chúng không có bất kỳ sự đấu tranh nào về mặt đạo đức. Trái ngược với động vật, hầu hết mọi người phải vật lộn để điều hòa cảm xúc và bản năng với lý trí của mình. Cuộc đấu tranh này khiến mọi người nhầm lẫn những gì họ muốn với những gì thực sự là đúng

Suy nghĩ quá mức chiếm giữ tâm trí của chúng ta, khiến ta không thể suy nghĩ rõ ràng, khiến chúng ta mất tập trung và tiêu hao năng lượng tinh thần, làm tiêu tốn thời gian và năng lượng hơn để thực hiện công việc thực sự. Nó khiến chúng ta phân tâm và khó đạt được tiến bộ thực sự.

5 phương pháp để ngừng suy nghĩ quá mức và bắt đầu hành động

Để tìm ra những sai lầm của việc suy nghĩ quá nhiều và ngăn chúng tiêu hao tâm trí, thời gian và năng lượng của bạn, hãy áp dụng 5 phương pháp sau:

  1. Nhắc nhở bản thân rằng mọi người thực sự không quan tâm đến bạn

Nếu quan sát kỹ, ta sẽ nhận thấy rằng hầu hết suy nghĩ của chúng ta đều dồn vào những người khác - họ sẽ nghĩ gì về tôi, họ sẽ phản ứng như thế nào, họ có thấy ý tưởng của tôi hữu ích không, nếu họ không thích tôi thì sao...

Chúng ta phụ thuộc vào người khác để khẳng định giá trị bản thân đến nỗi ta sẵn sàng dành toàn bộ thời gian để suy nghĩ về sự chấp thuận của người khác. Bản chất của chúng ta không còn là sự phản ánh nỗ lực và sự chăm chỉ của chúng ta mà còn là của người khác.

Tôi đã học được một cách khó khăn rằng: mọi người thực sự không quan tâm đến chúng ta. Ta đã tự huyễn hoặc mình, chứ thực tế không phải như vậy. Nỗi sợ hãi sâu thẳm của chúng ta đã khiến chúng ta nghĩ ra những thứ thậm chí không tồn tại. Khi nhận thức này bắt đầu, chúng ta có thể chuyển từ tìm kiếm sự chấp thuận của người khác sang tìm kiếm giá trị bản thân, đặt câu hỏi bản thân ta muốn gì, làm thế nào và tại sao điều này lại quan trọng đối với chúng ta, đây có phải là bản sắc mà ta muốn kiếm tìm cho bản thân không và mục đích của ta là gì?

Tự nói với bản thân rằng những người khác không quan tâm đến ta có thể thay đổi quan điểm cá nhân để tìm câu trả lời cho những câu hỏi sẽ thúc đẩy ta tiến về về phía trước thay vì kìm hãm chính mình.

  1. Bước ra khỏi "Tam giác kịch tính" và chịu trách nhiệm

Tất cả chúng ta đều chấp nhận những vai trò bất thường trong cuộc sống của mình trong những tình huống khác nhau và điểm nổi bật nhất là xu hướng đóng vai nạn nhân.

Thật dễ dàng để mắc vào tam giác kịch tính - đóng vai là nạn nhân của hoàn cảnh và đổ lỗi cho những thế lực nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta về cách ta nghĩ, nhưng ta cũng cần có dũng khí để nhận ra rằng ta còn có sự lựa chọn.

Chúng ta có thể dựa vào suy nghĩ của mình và cho chúng sức mạnh để tham gia vào các hoạt động lãng phí thời gian, tiêu hao tinh thần hoặc phụ trách và làm chủ tâm trí của chính mình.

Bằng cách tự nhận thức và chịu trách nhiệm về tâm trí của mình, chúng ta có thể cho phép não bộ tìm ra các kiểu suy nghĩ quá mức và cam kết suy nghĩ khác đi.

  1. Giải quyết những suy nghĩ của bạn và không trốn chạy chúng

Bỏ qua suy nghĩ của chúng ta hoặc đánh lạc hướng bản thân vào các hoạt động khác là những chiến thuật ngắn hạn không giải quyết được nguồn gốc cơ bản của việc suy nghĩ quá nhiều. Nếu không cho suy nghĩ của chúng ta một phần công bằng trong tâm trí của mình, thì chúng cũng sẽ không để chúng ta yên.

Vì vậy, thay vì chạy trốn hoặc tránh chúng, điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta thực sự lắng nghe chúng?

David A. Carbonell nhấn mạnh tầm quan trọng của nó trong cuốn sách The Worry Trick

Việc bạn thừa nhận rằng những lo lắng của bạn là phóng đại hoặc phi thực tế và sẽ không giúp ích gì cho bạn nếu bạn vẫn tiếp tục trốn tránh những gì bạn sợ hãi. Nếu bạn né tránh đối tượng gây lo lắng, bạn sẽ trở nên sợ hãi họ hơn. Những gì bạn làm có giá trị hơn những gì bạn nghĩ

Khi những suy nghĩ này xuất hiện, điều đầu tiên cần làm là nói với chúng rằng bạn sẵn sàng lắng nghe chúng trong một khung thời gian đã định (giả sử 10 phút), nhưng sau đó chúng phải ngừng làm phiền bạn.

Khi thời gian kết thúc, bạn có thể chưa kết thúc suy nghĩ của mình, nhưng hợp đồng được thiết lập từ đầu sẽ cho phép bộ não của bạn tiến lên phía trước.

Lúc đầu, điều này có thể không hiệu quả vì suy nghĩ thực sự có sức mạnh và chúng có cách để quay trở lại xâm chiếm tâm trí ta, nhưng thông qua luyện tập và củng cố liên tục, bạn sẽ có thể kiểm soát tâm trí của mình và hướng dẫn bản thân ngừng suy nghĩ quá mức.

  1. Thử thách tư duy của bạn

Khi bạn đã dành thời gian để lắng nghe những suy nghĩ của mình, hãy tương tác với chúng bằng cách thách thức như sau:

Tại sao tôi lại nghĩ theo cách này?

Nếu suy nghĩ của tôi không đúng thì sao?

Kết quả mà tôi đang hình dung là chính xác như thế nào, nguồn của tôi là gì?

Tác động của quyết định này trong tương lai là gì? Hệ quả của nó là gì?

Nó có thực sự quan trọng như vậy không? Làm sao?

Có giải pháp nào mà tôi có thể thực hiện và xem điều gì sẽ xảy ra không?

Những cách giải thích có thể có khác về tình huống này mà tôi chưa xem xét là gì?

Bằng cách chuyển từ việc mắc kẹt trong một hình thức tư duy sang khám phá các giải pháp thay thế, hình dung kết quả tiêu cực sang tìm kiếm mặt tích cực, suy nghĩ về vấn đề để tìm ra giải pháp, chúng ta có thể ngừng phân tích và bắt đầu hành động.

Bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng những gì bạn lo lắng, nội dung cụ thể của những suy nghĩ lo lắng của bạn, thường không phải là tất cả những điều quan trọng. Điều quan trọng nhất là cách bạn liên hệ với những suy nghĩ đáng lo ngại của mình, bất kể nội dung của chúng có thể là gì

  1. Luyện tập não bộ để hành động

Bộ não của chúng ta rất biết cách thích nghi. Nó có thể học hỏi, thích nghi với hoàn cảnh mới và cách làm mới rất nhanh. Mồi là quá trình tiếp xúc với một ý tưởng có thể ảnh hưởng đến các ý tưởng tiếp theo mà không cần nỗ lực có ý thức.

Hành vi và hành động có thể hướng dẫn suy nghĩ của ta. Khi bị mắc kẹt trong tình trạng tê liệt phân tích hoặc đơn giản là không thể đưa ra quyết định, chúng ta có thể thực hiện các bước nhỏ và thực hiện công việc giúp thúc đẩy bản thân phát triển theo hướng mục tiêu của mình. Bằng cách đạt được những tiến bộ nhỏ trong các nhiệm vụ, chúng ta có thể thúc đẩy bộ não của mình hoạt động.

Thay vì đợi suy nghĩ thay đổi, chúng ta hãy thay đổi hành vi của mình trước. Một khi bạn đã hành động, mô hình suy nghĩ sẽ phát triển từ việc tê liệt do thiếu quyết đoán sang việc tìm kiếm sự tự do trong hành động.

Đừng là tù nhân của tâm trí mà hãy học cách tìm tự do trong suy nghĩ của mình.

----------

Tác giả: TechTello

Link bài gốc: 5 Strategies To Stop Overthinking And Start Acting 

Dịch giả: Nguyễn Hải My - ToMo - Learn Something New 

menu
menu