Vì sao ta dễ dàng cảm thấy mình bị ghét bỏ?
Những khoảnh khắc tăm tối nhất trong đời là khi ta chợt nhận ra người mà ta từng tin là yêu thương mình thực ra lại ghét bỏ ta đến sâu sắc.
Những khoảnh khắc tăm tối nhất trong đời là khi ta chợt nhận ra người mà ta từng tin là yêu thương mình thực ra lại ghét bỏ ta đến sâu sắc. Dù từng tin rằng họ luôn đứng về phía mình, nhưng rồi ta tình cờ bắt gặp cuốn nhật ký họ bỏ quên trên ghế sofa phòng khách, để rồi đọc được những dòng phũ phàng rằng họ thấy thói quen của ta thật kiêu căng, lời nói của ta chẳng khác gì giả tạo. Hoặc trong một bữa tiệc, ta nghe thoáng qua họ nhận xét chẳng mấy tốt đẹp về gu ăn mặc hay triển vọng công việc của mình. Hoặc khi ta phát hiện ra họ đã gửi tin nhắn tán tỉnh đồng nghiệp trong lúc nằm cạnh ta trên giường.
Những lúc ấy, ta chỉ có thể rút ra một kết luận duy nhất: người bạn hay người yêu này thực sự không thể chịu đựng nổi ta. Dù họ có nói gì từ đây đi nữa, dù có hùng hồn hay khéo léo đến đâu, cũng không thể khiến ta tin ngược lại. Có thể họ sẽ cố gắng làm lành bằng những lời ngọt ngào, nhưng ta đã biết sự thật rồi. Và đó là lý do ta đang khóc nức nở trong phòng và tự nhủ sẽ không bao giờ, không bao giờ có thể tha thứ cho họ.
Glyn Philpot, St Sebastian, 1932
Những lúc đau đớn thế này, sẽ rất có ích nếu ta cố gắng nhớ đến một ý tưởng mà dù có khó giữ đến mấy cũng hứa hẹn sẽ làm ta nhìn nhận lại niềm tin tuyệt vọng của mình: rằng ta hoàn toàn có thể ấp ủ đủ thứ suy nghĩ tiêu cực và phê phán về một người mà vẫn thực lòng, chân thành yêu thương họ.
Bằng chứng cho luận điểm này không cần tìm đâu xa mà nằm ngay trong tâm trí của chính ta. Khi ta dũng cảm tự nhìn lại bản thân một cách trung thực, ta nhận ra rằng ta thường xuyên nuôi dưỡng những suy nghĩ không mấy trung thành về người khác mà không hề làm lung lay tình cảm sâu sắc dành cho họ. Ta có thể vô cùng kính trọng một người thân trong gia đình, nhưng vẫn thấy họ không đẹp lắm (đặc biệt là chiếc mũi, và gần đây là mái tóc). Ta có thể rất quý mến một người bạn, nhưng vẫn thấy họ hơi tự cao khi giao tiếp nơi công cộng. Ta có thể cảm thấy gần gũi với một người yêu dấu, nhưng vẫn không muốn mời họ đến dự tiệc vì có những điều ở họ làm ta ái ngại. Và ta có thể thích trêu đùa cùng một đồng nghiệp, nhưng vẫn tuyệt đối chung thủy với người bạn đời của mình.
Nói cách khác, từ chính tâm trí mình, ta hiểu (hoặc ít nhất là có khả năng hiểu) rằng tình yêu và lòng tốt có thể tồn tại song song với phán xét, giả dối, yếu đuối, chua cay và cả sự bội bạc.
Dù lý thuyết là vậy, rằng ta hiểu bản thân mình phức tạp đến đâu, nhưng dường như ta khó lòng cho phép sự phức tạp ấy ở người khác. Với ta, họ — không giống ta — chỉ có thể đứng về phía ta hoặc hoàn toàn chống đối ta. Họ phải hoặc yêu ta hết lòng, hoặc đương nhiên là ghét ta. Họ phải hoàn toàn bên cạnh ta, nếu không sẽ được coi là kẻ thù sâu sắc. Ta không chấp nhận rằng họ có thể dành cho ta bất kỳ chút nghiêm khắc, bất đồng hay nhỏ nhen nào, những điều luôn hiện diện trong tâm trí của chính ta. Và vì thế, ta dễ tổn thương, dễ nghi ngờ hơn nhiều so với những gì đáng lẽ ta nên có.
Giải thích cho sự bất đối xứng cảm xúc này có lẽ bắt nguồn từ một nơi đầy nhạy cảm: cách cha mẹ hay người chăm sóc ta đã cư xử với ta khi ta còn nhỏ. Vì những động cơ tốt nhất, họ có thể đã giấu kín những suy nghĩ phũ phàng và thể hiện một tình cảm thuần khiết, khiến ta có cái nhìn méo mó về tình yêu đích thực. Họ có thể đã tỉ mỉ che đậy rằng đôi khi họ không thực sự thích vẻ ngoài của ta, nghĩ ta hơi mè nheo, hay đôi khi thấy mệt khi nghe ta trò chuyện, hoặc có phần thích vui đùa với anh chị em của ta hơn — những sự thật có thể đau lòng nhưng vẫn hòa quyện được với tình yêu.
Nếu hồi ấy ta hiểu rằng người chăm sóc mình không phải lúc nào cũng “tử tế” theo mọi cách (và có thể đã vui mừng ngấm ngầm khi ta cuối cùng cũng chịu đi ngủ hay khi năm học mới bắt đầu), có lẽ ta đã không đặt mức tiêu chuẩn lòng trung thành lên quá cao — hoặc không tức giận, thất vọng đến thế khi người khác không đạt tới ngưỡng ấy.
Lần tới, khi biết rằng người bạn đời mong ta giảm cân chút, hoặc thích đi bảo tàng với ai khác, ta hãy ghi nhớ một sự thật ban đầu có thể đau lòng nhưng về sau lại đầy an ủi: họ vẫn yêu ta rất nhiều. Chỉ là ta đã hiểu sai những gì mà tình yêu bao hàm. Có lẽ, ta được yêu thương nhiều hơn ta từng nghĩ — chỉ cần ta nhớ rằng, theo bằng chứng của chính tâm trí mình, tình yêu chân thật có thể bao dung được nhiều đến thế nào.
Nguồn: WHY WE CAN SO QUICKLY END UP FEELING HATED/ The School Of Life