Tôi bị làm sao thế này?: cần làm gì khi bạn đang cảm thấy như thế này? 

toi-bi-lam-sao-the-nay-can-lam-gi-khi-ban-dang-cam-thay-nhu-the-nay- 

“Tôi bị làm sao thế này?” là một câu hỏi mà hầu hết mọi người đều thỉnh thoảng tự hỏi bản thân mình.

“Tôi bị làm sao thế này?” là một câu hỏi mà hầu hết mọi người đều thỉnh thoảng tự hỏi bản thân mình. Cảm giác choáng ngợp, căng thẳng hay bị bế tắc có thể tạo ra những khoảnh khắc nghi ngờ bản thân hoặc thậm chí những cảm giác không thể đo lường hoặc cảm thấy bản thân không đủ tốt trong một thời gian dài. Trong một số trường hợp, bạn có thể hỏi câu hỏi này vì bạn đang trong một tình huống mà bạn tự hỏi liệu bản thân có thể vượt qua được hay không.

Dù nguyên nhân gây ra việc bạn cảm thấy có gì đó sai sai với bạn là gì đi nữa, bạn chỉ cần biết rằng vẫn có nhiều cách bạn có thể làm để bản thân cảm thấy tốt hơn. Một điều quan trọng nữa đó là khi những cảm giác ấy xuất hiện, đừng vội đẩy chúng ra xa. Thay vào đó, hãy dành thời gian ngồi lại và khám phá những cảm xúc ấy. Nếu bạn nghĩ điều đó khiến bạn cảm thấy choáng ngợp, hãy cân nhắc việc nói chuyện với chuyên gia sức khỏe tâm thần về những gì bạn đang trải qua.

Hãy cùng nhau tìm hiểu thêm nguyên nhân tại sao bạn lại hay đặt câu hỏi “Tôi bị làm sao thế này/ Có chuyện gì với tôi vậy?” và những việc bạn có thể làm để cảm thấy tốt hơn.

Tại Sao Bạn Lại Cảm Giác Như Bản Thân Có Gì Đó Sai Sai

Trước khi chúng ta nói về cách kiểm soát những cảm xúc “sai trái” bên trong bạn, hãy xem xét đến các nguyên nhân có thể gây ra chúng. Từ những thất bại nho nhỏ trong cuộc sống cho đến việc phải chịu đựng một căn bệnh về thể chất hoặc tinh thần kéo dài, có nhiều lý do có thể khiến bạn cảm thấy có điều gì đó không ổn với mình. Hãy nhìn qua danh sách bên dưới và xem liệu có điều nào trong số này giống với bạn hay không.

Cảm Thấy Choáng Ngợp

Khi bạn nghĩ về điều gì đó không ổn đang xảy ra với mình, đó chủ yếu là cảm giác choáng ngợp hoặc bạn không thể suy nghĩ thông suốt có phải không nào? Hay bạn cảm thấy mình không thể hoàn thành mọi nghĩa vụ và những việc mà bạn cần làm? Bạn thậm chí có thể bị choáng ngợp đến mức cảm thấy như bản thân đang bị dìm xuống dòng nước sâu.

Cảm giác choáng ngợp là một trải nghiệm phổ biến. Đôi khi, cảm giác có điều gì đó không ổn xảy ra với bạn có thể phản ánh rằng đơn giản là bạn đang gặp phải một hoàn cảnh sống rất khó khăn. Bạn đang có một công việc đòi hỏi khắt khe quá mức, trách nhiệm gia đình nặng nề, căng thẳng về tài chính hoặc bất kỳ tình huống nào khác khiến bạn cảm thấy như không thể theo kịp nhịp sống.

Cảm Thấy Bế Tắc

Bạn có cảm thấy bị mắc kẹt trong cuộc sống của chính mình theo một cách nào đó, như thể người khác đều hiểu được mọi thứ còn bạn thì không thể? Hay bạn đang vật lộn để vượt qua nỗi đau sau một cuộc chia tay, từ bỏ công việc bạn ghét hoặc giải thoát bản thân khỏi một mối quan hệ độc hại?

Nếu bạn vạch ra một cuộc sống lý tưởng của mình sẽ như thế nào và rồi bạn cảm thấy như thể mình đang không sống đúng với cuộc sống mà mình mong muốn, điều này có thể khiến bạn nghĩ rằng có điều gì đó sai sai xảy ra với mình.

Cảm Thấy Cô Đơn

Sự cô đơn có liên quan đến các căn bệnh mãn tính như bệnh tim, phổi và là yếu tố chính có nguy cơ gây ra các vấn đề sức khỏe tâm thần như lo âu và tr*m c*m.

Một số yếu tố có thể khiến bạn cảm thấy cô đơn hoặc lạc lõng. Có lẽ bạn có mối quan hệ căng thẳng với gia đình hoặc lo lắng về việc kết bạn mới. Bạn thậm chí có thể cảm thấy cô đơn khi ở bên bạn bè hoặc gia đình.

Thông thường, việc cảm thấy bản thân không ổn vì cô đơn có nghĩa là bạn gặp khó khăn trong việc tạo dựng các kết nối xã hội phù hợp.

Các Vấn Đề Về Mối Quan Hệ Cá Nhân

Các vấn đề trong đời sống xã hội của bạn có thể dẫn đến các cảm giác không mấy vui vẻ. Bạn có thể cảm thấy như bố mẹ hoặc người thân trong gia đình không ủng hộ bạn. Bạn có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một người quan trọng khác, hoặc có lẽ bạn vẫn cảm thấy nuối tiếc mối quan hệ với người cũ. Bạn thậm chí có thể cảm thấy thật khó để liên lạc với bạn bè hoặc những người khác trong vòng kết nối xã hội thân thiết của mình.

Những Rắc Rối Nơi Làm Việc

Công việc của bạn có thể tạo ra rất nhiều áp lực, đặc biệt là khi bạn vừa được nhận một vị trí mới hoặc thay đổi ban lãnh đạo.

Cảm thấy căng thẳng trong công việc là điều bình thường. Đảm nhận quá nhiều trách nhiệm, làm việc quá nhiều giờ hoặc có nhiều nhiệm vụ tồn đọng cần hoàn thành có thể góp phần gây ra cảm giác căng thẳng hoặc thiếu năng lực. Đồng nghiệp đôi khi cũng có thể góp phần tạo nên những cảm xúc này.

Trải Qua Tổn Thương

Nếu bạn đang tự hỏi có chuyện gì với bạn vậy, nó có thể là do bạn đang phải trải qua tổn thương hoặc đang hồi phục lại từ một trải nghiệm tổn thương. Đây có thể là chấn thương tâm lý rõ ràng, chẳng hạn như mất đi người thân, trở thành nạn nhân của bạo lực hoặc trải qua một vụ tai nạn bi thương trong cuộc sống như cháy nhà.

Tuy nhiên, tổn thương cũng có thể xảy ra theo những cách ngấm ngầm hơn, chẳng hạn như sống chung với kẻ bạo hành tự ái. Tổn thương dưới mọi hình thức có thể tác động đáng kể đến trạng thái tinh thần của bạn. Nếu đây là những gì đang xảy ra với bạn, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ một chuyên gia.

Đang Mắc Các Bệnh Về Thể Chất

Liệu cảm giác về điều gì đó không ổn với bạn có liên quan đến cơ thể của bạn không? Cho dù bạn được chẩn đoán đã mắc bệnh, đang gặp phải các triệu chứng mới hay bạn có các triệu chứng vẫn chưa biết tới hoặc chưa được chẩn đoán, có thể bạn đang cảm thấy bối rối và lo lắng về những gì đang xảy ra với cơ thể mình.

Trong trường hợp này, câu hỏi “Có chuyện gì với tôi vậy?” là điều hoàn toàn bình thường. Thông thường, câu trả lời nằm ở việc tìm ra tận gốc vấn đề thông qua sự trợ giúp từ chuyên gia y tế.

Thiếu Giá Trị Bản Thân

Đôi khi cảm giác bản thân có gì đó không ổn có thể bắt nguồn từ lòng tự trọng thấp hoặc giá trị bản thân thấp. Cảm giác này có phản ánh thực tế hay không cũng không thực sự quan trọng. Chính nhận thức của bạn về bản thân mới là nguyên nhân tác động đến suy nghĩ của bạn. 

Khi bạn thiếu lòng tự trọng hoặc thiếu đi giá trị bản thân, suy nghĩ về việc bản thân có gì đó không ổn sẽ thẩm thấu vào mọi lĩnh vực trong cuộc sống của bạn, khiến bạn cảm thấy như thể bạn không xứng đáng với bất cứ điều gì. Thông thường, giải pháp là xác định các giá trị cốt lõi nằm sau vấn đề về lòng tự trọng của bạn, những giá trị này có thể bắt nguồn từ cảm giác xấu hổ hoặc tội lỗi.

Đang Phải Đối Mặt Với Các Vấn Đề Sức Khỏe Tinh Thần

Nguyên nhân tiềm ẩn cuối cùng về cảm giác bản thân có gì đó không ổn có thể là những vấn đề sức khỏe tinh thần có thể chẩn đoán được như là tr*m c*m, rối loạn lo âu hoặc rối loạn nhân cách.

Cũng giống như một căn bệnh về thể chất, cách làm tốt nhất trong những trường hợp này là nói chuyện với chuyên gia chăm sóc sức khỏe để được chẩn đoán và điều trị. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải phát triển các kỹ năng đối phó để tự mình quản lý sức khỏe tinh thần của bản thân nhiều nhất có thể.

Cách Đối Phó

Bất kể lý do khiến bạn cảm thấy có điều gì đó không ổn xảy ra với mình là gì đi nữa, vẫn có những điều bạn có thể làm để giảm bớt những cảm giác đó. Việc bạn lựa chọn phương pháp đối phó sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể của vấn đề bạn đang gặp phải.

Tập Cách Giữ Bình Tĩnh

Thỉnh thoảng, những suy nghĩ rằng có gì đó không ổn với bạn có thể đến một cách bất ngờ và gây ra sự lo lắng và cảm xúc tiêu cực. Trong trường hợp này, đầu tiên, tốt nhất là bạn nên làm gì đó để giữ bình tĩnh.

Để thực hiện điều này, hãy lập danh sách “các hoạt động giúp bình tĩnh lại” mà bạn có thể tham khảo bất cứ khi nào những suy nghĩ ấy xảy ra. Dưới đây là một số ý tưởng về những điều bạn có thể đưa vào danh sách các hoạt động giúp bình tĩnh lại.

Sau đó, hãy nhớ lấy danh sách đó ra xem bất cứ khi nào bạn cảm thấy chán nản bản thân hoặc cảm thấy như thể mình không thể bình tĩnh lại được.

Các Hoạt Động Giúp Bản Thân Bình Tĩnh Lại

  • Đi dạo đâu đó ngoài trời.
  • Viết nhật ký về cảm xúc của bạn.
  • Gọi điện cho một người thân, một người bạn hoặc một người có thể thấu hiểu bạn, những người mà họ sẵn sàng giúp đỡ bạn.
  • Viết ra một danh sách “việc cần làm” (nếu bạn đang cảm thấy choáng ngợp và không biết bắt đầu từ đâu).
  • Sử dụng một ứng dụng thiền định, ví dụ như Headspace.
  • Hít một ít tinh dầu (ví dụ: hương Lavender).
  • Tập một bài yoga online hoặc một bài tập thư giãn nào đó khác.
  • Đọc sách (đọc thể loại nào đó nhẹ nhàng hoặc cuốn hút để giúp bạn thoát khỏi những cảm xúc mất bình tĩnh ấy).
  • Xem một bộ phim hoặc một chương trình truyền hình bạn yêu thích (tốt nhất là một thể loại nào đó êm dịu hoặc hài hước, hoặc cả hai càng tốt).

Tha Thứ Cho Bản Thân

Đôi khi chúng ta đòi hỏi quá nhiều về bản thân mình, việc tha thứ cho bản thân có thể có ích khi nó nhắc bạn nhớ rằng không ai là hoàn hảo cả.

Cố gắng đừng dằn vặt bản thân khi bạn mắc lỗi hoặc chỉ vì bạn không thể đáp ứng được kỳ vọng của chính mình. Thay vào đó, hãy cố gắng học hỏi từ những sai lầm và nhớ rằng những người khác cũng không hoàn hảo.

Lập Một Kế Hoạch Hành Động

Nếu cảm xúc của bạn gắn liền với những vấn đề cụ thể trong cuộc sống, hãy lập một kế hoạch hành động. Mặc dù bạn có thể dễ dàng mắc kẹt trong suy nghĩ tiêu cực của mình, nhưng việc hành động sẽ tạo thêm động lực để bạn bước tiếp khi mọi việc trở nên khó khăn.

Những hành động bạn thực hiện sẽ còn tùy thuộc vào hoàn cảnh của bạn nhưng bạn có thể thực hiện một trong những hành động sau đây:

  • Tìm kiếm sự giúp đỡ từ một chuyên gia sức khỏe tinh thần.
  • Tìm một công việc tốt hơn hoặc một công việc phù hợp với tài năng của bạn hơn.
  • Đặt những mục tiêu có thể đạt được sẽ giúp bạn cảm thấy như mình đang tiến về phía trước.
  • Tập trung vào việc đạt được một việc tại một thời điểm. Điều này có thể giúp bạn cảm thấy bớt choáng ngợp hơn.
  • Nỗ lực cải thiện các mối quan hệ của bạn (ví dụ: các mối quan hệ trong gia đình, tình bạn, tình yêu).
  • Phát triển các sở thích hoặc niềm đam mê (ví dụ: tham gia một môn thể thao, học đan lát).
  • Đọc các sách cải thiện bản thân về những chủ đề mà bạn hứng thú.
  • Tìm một người bạn đời có trách nhiệm, giúp bạn tiến về phía trước.

Quan Sát Cơ Thể Bạn

Bây giờ bạn đã bình tĩnh lại và đã lập một bản kế hoạch hành động để giải quyết những vấn đề bạn đang gặp phải, điều quan trọng là bạn phải theo dõi cảm giác của mình để có thể ngăn chặn vòng xoáy tiêu cực trước khi nó vượt quá tầm kiểm soát.

Khi bạn hòa hợp hơn với những cảm xúc bên trong cơ thể mình, bạn sẽ có thể làm những việc cải thiện tâm trạng và quan điểm của mình tốt hơn.

Dưới đây là một số cảm xúc mà bạn có thể đang gặp phải và một số điều bạn có thể làm để giải quyết chúng.

  • Quá tải/không thể tập trung: Thực hiện một cuộc "xả hơi" bằng cách viết ra một danh sách công việc hoặc kế hoạch hành động để đưa mọi thứ ra khỏi đầu bạn và ghi chúng xuống giấy.
  • Mệt mỏi: Hãy đi ngủ và thức dậy cùng một khung giờ các ngày. Hãy chắc rằng bạn ngủ đủ giấc (không quá ít cũng không quá nhiều).
  • Bồn chồn/ không thể ngồi yên: Hãy đi tản bộ hoặc tập vài bài thể dục (ví dụ: các bài tập cường độ cao, đi bộ trên máy chạy bộ, tập yoga).
  • Tổn thương/buồn rầu: Xác định vấn đề và tìm kiếm hướng giải quyết (ví dụ: gọi cho bác sĩ của bạn).
  • Căng thẳng/ không thể thư giãn: Tập cách hít thở sâu, thiền, sử dụng liệu pháp thư giãn, căng - chùng cơ (PMR).

Thiết Lập Khoảng Thời Gian Dành Cho Việc Lo Lắng

Bây giờ bạn đã bắt đầu theo dõi được cơ thể mình, bạn cũng sẽ muốn theo dõi cả tâm trí mình nữa. Bạn có thể làm điều này bằng cách lên lịch cho khoảng thời gian lo lắng của mỗi ngày, trong thời gian đó bạn viết ra mọi điều khiến bạn lo lắng nhất.

Sau đó, bạn có thể lập một kế hoạch hành động để tìm cách giải quyết từng vấn đề hoặc thay đổi cách nghĩ của bạn về vấn đề đó (ví dụ: bạn có thể cảm thấy như thể mình đang thổi phồng nó lên hoặc tạo ra một thảm họa từ một chuyện bé xíu).

Để lên kế hoạch cho khoảng thời gian lo lắng, hãy chọn một thời điểm cụ thể mỗi ngày để bạn viết ra tất cả những lo lắng của mình. Đặt giới hạn thời gian cho khoảng thời gian lo lắng của bạn và sau đó đừng nghĩ về những lo lắng của bạn trong thời gian còn lại trong ngày.

Trong suốt khoảng thời gian lo lắng, hãy đảm bảo rằng bạn không chỉ tập trung vào các vấn đề. Hãy lập danh sách những vấn đề khiến bạn lo lắng, đưa ra giải pháp hoặc thay đổi suy nghĩ của bạn về những vấn đề đó.

Học Cách Chăm Sóc Bản Thân

Bạn nên sắp xếp thời gian cụ thể trong ngày để chăm sóc bản thân. Tự chăm sóc bản thân có nghĩa là làm bất cứ điều gì giúp bạn cảm thấy tốt (cả về thể chất lẫn tinh thần). Dưới đây là một số điều bạn có thể làm để thực hành tốt việc chăm sóc bản thân trong một ngày của bạn.

  • Ngủ đủ giấc (7-8 tiếng một ngày. Không ngủ nhiều hơn 10 tiếng, bằng không bạn sẽ cảm thấy mệt hơn).
  • Ăn uống theo một chế độ lành mạnh (đầy đủ protein và chất xơ) và tránh ăn thức ăn nhanh, cafein, đồ uống có cồn, v.v…
  • Thường xuyên tập thể dục. Làm tăng nhịp tim và căng cơ. Thực hiện 10.000 bước đi mỗi ngày là một mục tiêu tốt, nhưng 5.000 bước là mức tối thiểu.
  • Dành thời gian để nghỉ ngơi mỗi ngày (ví dụ: có những khoảng nghỉ giải lao ngắn nếu bạn đang làm việc trước màn hình máy tính, hãy đảm bảo rằng bạn có thời gian cách ly màn hình).
  • Lập kế hoạch dành thời gian cho những điều bạn yêu thích mỗi ngày (ví dụ: đọc một cuốn sách hoặc xem một chương trình truyền hình mà bạn yêu thích). 
  • Ra khỏi nhà và hòa mình vào thiên nhiên (điều này có thể giúp bạn nhận được vitamin D và giúp bạn thư giãn).

Đến Gặp Một Chuyên Gia Sức Khỏe Tâm Thần

Bạn có quá khứ đau buồn hay đang phải đối mặt với hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống? Bạn có nghĩ rằng bạn có thể đang phải vật lộn với chứng rối loạn sức khỏe tâm thần không? Trong trường hợp đó, cách tốt nhất là tìm kiếm sự giúp đỡ từ một chuyên gia sức khỏe tâm thần.

Cho dù bạn đang đối mặt với chứng tr*m c*m, lo âu, rối loạn nhân cách hay các vấn đề khác, vẫn có những hình thức điều trị rất hữu ích (bao gồm dùng thuốc và liệu pháp trò chuyện) có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể trong cuộc sống của bạn.

Liệu pháp sử dụng thuốc có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn cũng như giúp bạn dễ dàng hơn trong việc thực hành các kỹ năng sẽ được học trong trị liệu. Liệu pháp có thể giúp bạn tìm hiểu quá khứ và thay đổi cách bạn nhìn nhận vấn đề ở hiện tại.

Đối Phó Với Lo Âu 

Ngoài việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia sức khỏe tâm thần, còn có những cách bạn có thể tự mình làm nếu cảm thấy bản thân đang sống trong lo lắng. Dưới đây là một số ý tưởng để giúp bạn bắt đầu.

  • Hãy dùng thực phẩm bổ sung như Ashwagandha để cảm thấy bình tĩnh hơn. Bằng chứng nghiên cứu cho thấy loại thảo mộc này có thể hữu ích cho một số chứng rối loạn về não.
     
  • Sử dụng các loại tinh dầu như hoa oải hương.
     
  • Tham gia các bài tập thư giãn như thư giãn căng - chùng cơ (PMR).
     
  • Tạm rời mạng xã hội và các mục tin tức.
     
  • Đọc sách self-help hoặc nghe podcast từ các chuyên gia về cách giảm lo lắng.
     
  • Thường xuyên tập thể dục như đi bộ, tập yoga hoặc giãn cơ.

Đối Phó Với Trầm Cảm

Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn đang sống chung với chứng tr*m c*m? Trước tiên bạn hãy chắc chắn gặp chuyên gia sức khỏe tâm thần để xem liệu sử dụng thuốc hoặc liệu pháp chữa trị có thể hữu ích trong trường hợp của bạn hay không. Tr*m c*m có thể cản trở suy nghĩ của bạn và khiến bạn cảm thấy như thể việc tìm kiếm sự giúp đỡ cũng chẳng ích gì hoặc bạn nghĩ rằng những người khác đang gặp vấn đề còn tồi tệ hơn bạn nên bạn không xứng đáng được giúp đỡ.

Nếu đó là trường hợp của bạn, hãy thử nói chuyện với người mà bạn tin tưởng về cảm giác của bạn. Để xem liệu họ có thể đặt lịch hẹn giúp bạn được hay không.

Ngoài việc gặp một chuyên gia, dưới đây là một số điều bạn có thể làm nếu đang phải sống chung với chứng trầm cảm:

Tránh sử dụng đồ uống có cồn: Đồ uống có cồn là một tác nhân gây tr*m c*m và có thể khiến chứng trầm cảm của bạn trở nên tệ hơn.
Thường xuyên tập thể dục: Tập thể dục giúp cơ thể tiết ra các endorphin (một chất tự nhiên trong cơ thể giúp giảm căng thẳng và tăng cảm giác thỏa mãn) có thể khiến bạn cảm thấy tốt hơn, dù chỉ là tạm thời.
Giữ một thời gian biểu cố định cho giấc ngủ: Ngủ quá nhiều hoặc quá ít đều có thể liên quan đến trầm cảm.
Ngăn chặn các suy nghĩ tiêu cực: Tìm một cuốn sách self-help về liệu pháp nhận thức - hành vi cho bệnh trầm cảm để giúp bạn ngăn chặn các suy nghĩ ấy.
Làm từng bước nhỏ mỗi ngày: Nếu bạn cảm thấy choáng ngợp, cố gắng đi từng bước nhỏ đối với bất cứ điều gì bạn đang cố đạt được. Điều này sẽ giúp bạn lấy được đà để bắt đầu tiến lên và làm được nhiều điều hơn nữa.
Theo dõi tâm trạng của bạn hàng ngày: Đánh giá tâm trạng của bạn trên thang điểm từ 1 đến 10 và viết ra những điều khiến bạn lo lắng hàng ngày là gì.
Viết nhật ký về những điều hạnh phúc: Viết ra những điều khiến bạn biết ơn và những thành công nho nhỏ mà bạn có.

Chấp Nhận Sự Bất Hạnh

Mặc dù có một lý tưởng về sự hạnh phúc nhưng sự thật là không ai có thể hạnh phúc mãi mãi. Tất cả chúng ta đều sẽ trải qua những thời điểm tốt và xấu trong đời, cho dù nó có kéo dài từ ngày này qua năm kia đi nữa.

Nếu bạn thường xuyên thắc mắc tại sao mình không hạnh phúc, có thể bạn cần phải chấp nhận sự bất hạnh của mình trong một thời gian.

Tất nhiên là nếu bạn đang phải vật lộn với vấn đề sức khỏe tâm thần thì đừng bao giờ bỏ qua điều đó. Tuy nhiên, sẽ an toàn hơn khi bác bỏ quan điểm cho rằng mọi người lúc nào cũng cần được hạnh phúc.

Nếu một tình huống cụ thể nào đó khiến bạn không vui, hãy hiểu rằng cảm xúc của bạn lúc này sẽ không kéo dài mãi mãi. Khi bạn từ bỏ lý tưởng về sự hạnh phúc vĩnh cửu, bạn cho phép bản thân chấp nhận cảm giác và cảm xúc của mình, điều nghịch lý là việc này có thể khiến bạn cảm thấy tốt hơn một chút.

Cần Làm Gì Khi Bạn Không Có Vấn Đề Gì?

Việc tự đặt câu hỏi “tôi bị làm sao thế này?” có thể là điều khiến bạn bối rối nhất vì có vẻ như cuộc sống của bạn không có gì sai về mặt khách quan. Nếu nhìn từ bên ngoài, cuộc sống của bạn có vẻ đang diễn ra tốt đẹp, điều gì có thể khiến bạn cảm thấy như vậy?

Ngoài khả năng mắc chứng tr*m c*m hoặc một vấn đề sức khỏe tâm thần khác, có thể có một số lý do khác khiến bạn cảm thấy như vậy. Dưới đây là một số nguyên nhân khả thi:

Bạn có thể đang cố gắng sống theo lý tưởng của người khác thay vì nghe theo giá trị của chính mình.
Bạn cảm thấy chán nản vì công việc quá nhàn hạ hoặc bạn ước gì mình chọn một con đường khác.
Bạn có thể đã đạt được một mục tiêu hoặc một cột mốc quan trọng nào đó và bây giờ bạn cảm thấy không có mục đích về con đường tương lai của mình.
Bạn có thể cảm thấy nhàm chán với một số khía cạnh trong cuộc sống và ước rằng mình có thể thay đổi chúng.
Điểm chung của những yếu tố này là có điều gì đó thiếu sót trong cuộc sống khiến bạn cảm thấy không ổn. Đây có thể là vấn đề khó giải quyết nhất, bởi vì đối với người quan sát khách quan bên ngoài, bạn đáng lẽ đang hoàn toàn hạnh phúc.

Tuy nhiên, không nhất thiết phải có điều gì đó không ổn xảy ra trong cuộc sống của bạn thì bạn mới cảm thấy có điều gì đó không ổn đang xảy ra với chính mình. Trong những trường hợp như thế này, viết nhật ký có thể giúp bạn giải quyết tận gốc cảm xúc của mình. Điều này đặc biệt đúng nếu không có mối lo ngại nào về sức khỏe tâm thần khiến bạn phải đến gặp bác sĩ trị liệu.

Khi viết nhật ký, hãy tò mò và tự hỏi bản thân những câu hỏi rằng điều gì sẽ khiến bạn cảm thấy tốt hơn. Tiếp tục đào sâu cho đến khi bạn bắt đầu tìm thấy một số câu trả lời. Quá trình viết tự do có thể là một cách hữu ích để khám phá những cảm xúc mà bạn khó có thể gặp trong cuộc sống hàng ngày.

Tác giả: Arlin Cuncic, MA

Dịch giả: Ngọc My –  Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ

Bài gốc: What Is Wrong With Me?' What to Do If You Feel This Way

menu
menu