Lời khuyên (bất ngờ mà sáng suốt) của Nietzsche về việc chọn bạn đời

Từ bao thế kỷ nay, đã có vô vàn lời khuyên được đưa ra về điều gì tạo nên một cuộc hôn nhân hạnh phúc và bền vững.
Thật trớ trêu thay, một trong những người đưa ra những nhận định sâu sắc nhất về chủ đề này lại là một kẻ độc thân suốt đời, với thái độ đầy mâu thuẫn về hôn nhân, đó chính là Friedrich Nietzsche.
Nietzsche chưa từng bước vào lễ đường, dù ông đã nhiều lần cầu hôn cùng một người phụ nữ và bị từ chối không ít lần. Có thể, cũng giống như Henry David Thoreau, những lần yêu đơn phương không thành ấy đã để lại trong ông chút vị chát của “nho xanh”, khiến cái nhìn về phụ nữ và hôn nhân sau này có phần chua cay. Nietzsche từng công khai bày tỏ những cảm xúc đầy mâu thuẫn về hôn nhân: ông xem đó là một thiết chế hữu ích cho việc nuôi dạy con trẻ, và từ đó góp phần xây dựng xã hội; nhưng đồng thời, ông cũng coi đó là gánh nặng có thể cản trở sự phát triển và sự mãn nguyện cá nhân của một người đàn ông.
Tuy nhiên, Nietzsche vẫn thường tiếp cận mọi vấn đề theo cách lưỡng diện, thậm chí gây tranh cãi. Phong cách của ông là sự pha trộn giữa mỉa mai và nghiêm túc, không nhằm đưa ra câu trả lời rạch ròi, mà để khơi dậy suy tư. Thế nhưng, giữa những tầng lớp tư tưởng cố ý mơ hồ ấy, ông vẫn khéo léo cài cắm những chân lý vững chắc và vượt thời gian.
Chính vì vậy, trong những dòng ông viết về hôn nhân, người ta có thể tìm thấy không ít mảnh ngọc sáng của trí tuệ, những lời khuyên mà ai đang yêu cũng có thể dùng làm thước đo để cân nhắc xem mình có nên tiến xa hơn nữa trong mối quan hệ hiện tại hay không.
Cốt lõi trong quan điểm của Nietzsche về hôn nhân chính là: nếu muốn có một cuộc hôn nhân tốt đẹp, chỉ cảm xúc lãng mạn hay hấp dẫn thể xác thôi là chưa đủ; mối quan hệ ấy phải được đặt nền tảng trên một tình bạn vững chắc. Như ông từng nói đầy nổi tiếng: “Không phải thiếu tình yêu, mà là thiếu tình bạn đã khiến những cuộc hôn nhân trở nên bất hạnh.”
Vậy để đánh giá xem mối quan hệ yêu đương hiện tại của bạn có được nền móng tình bạn ấy hay không, và liệu nó có thể tiến triển thành một cuộc hôn nhân viên mãn hay không, Nietzsche sẽ mời bạn tự hỏi chính mình ba câu sau đây:
Người bạn đời của bạn có thật sự là một người bạn tốt trong mọi mặt đời sống hay không?
Để trở thành một người bạn đời tốt, trước hết, người ấy phải là một người bạn tốt. Nietzsche từng nói: “Người bạn tốt nhất có lẽ sẽ tìm được người vợ tốt nhất, bởi một cuộc hôn nhân đẹp được xây dựng trên tài năng làm bạn.” Nếu người bạn đang hẹn hò có những mối quan hệ bạn bè lành mạnh, sâu sắc và lâu dài, đó là dấu hiệu cho thấy họ có khả năng trở thành một người bạn đời tuyệt vời. Ngược lại, nếu những mối quan hệ bạn bè của họ thường xuyên đổ vỡ, đầy mâu thuẫn, hoặc thậm chí hoàn toàn không có, thì bạn nên thận trọng và cân nhắc kỹ.
“Bạn có tin rằng mình sẽ còn hứng thú trò chuyện với người phụ nữ này khi cả hai đã già?”
Đây là một câu hỏi trực tiếp từ Nietzsche, và ông còn bổ sung thêm một nhận định rất đáng suy ngẫm: “Mọi thứ khác trong hôn nhân đều chỉ là thoáng qua, nhưng phần lớn thời gian hai người bên nhau là dành cho những cuộc trò chuyện.”
Tình yêu lãng mạn và đam mê thể xác rồi sẽ phai nhạt; cơ thể rồi cũng sẽ già đi theo năm tháng. Nhưng người bạn đời ấy sẽ trở thành nguồn an ủi, hứng thú, và niềm vui chính trong cuộc sống của bạn, nếu mọi thứ suôn sẻ, là trong suốt nửa thế kỷ hoặc hơn. Hôn nhân, rốt cuộc, là một cuộc đối thoại dài lâu. Thế nên, khi bạn đang yêu, hãy tự hỏi: cuộc trò chuyện giữa hai người hiện tại có chất lượng không?
Bạn có cảm thấy lúc nào cũng còn điều để nói với người ấy, đến mức thời gian chẳng bao giờ là đủ? Bạn có thấy thích thú khi được trò chuyện với họ? Hai người có thể bàn luận đủ mọi chủ đề, từ những chuyện tầm phào vui vẻ đến những câu hỏi sâu xa về cuộc sống và triết lý?
Như Nietzsche từng nói: “Những người bạn thật sự không chỉ đơn thuần là tán đồng và lặp lại quan điểm của ta, mà họ mang đến một góc nhìn mới, thách thức những định kiến có sẵn trong ta.” Vậy thì, người yêu bạn có thích được thử thách một chút trong suy nghĩ? Cô ấy có sẵn lòng tham gia vào những cuộc tranh luận nhẹ nhàng, và giữ vững quan điểm của mình mà không cảm thấy khó chịu hay tổn thương?
Ngược lại, nếu những cuộc trò chuyện giữa hai người thường chỉ lướt qua trên bề mặt, và bạn nhận ra cô ấy chẳng mấy khi có điều gì để nói về bất cứ điều gì thì đó là điều bạn không thể xem nhẹ.
Nếu điều đó đã xuất hiện ngay từ những ngày đầu, khi cả hai vẫn còn đang trong giai đoạn yêu đương nồng cháy, thì hãy thử tưởng tượng xem: sau nhiều năm nữa, khi cả hai đã kể cho nhau nghe hết những chuyện trong quá khứ, hiện tại và cả những dự định tương lai, những cuộc đối thoại ấy sẽ trở nên khô khốc và trống rỗng đến mức nào?
Có thể hiện tại, vì đang đắm chìm trong men say của tình yêu mới, bạn không nhận ra rằng hai người hầu như chẳng nói chuyện thật sự với nhau, thời gian bên nhau chủ yếu trôi qua bằng việc xem phim, trao nhau những cái hôn, gửi vài mẩu meme vui vui, hay những lời trêu đùa vu vơ chỉ để lấp khoảng trống. Nhưng theo thời gian, sự nhàm chán sẽ dần hiện rõ, và rồi bạn sẽ choàng tỉnh khi nhận ra: phía trước là năm mươi năm dài đằng đẵng với những ngày im lặng vô nghĩa nối tiếp nhau.
Nietzsche đã từng quan sát và nói một cách thấm thía: “Có biết bao người đàn ông đã kết hôn rồi một sáng thức dậy chợt nhận ra rằng vợ trẻ của mình thật buồn tẻ.”
Chúng ta có thể đang đánh giá quá mức hình ảnh cặp vợ chồng già ngồi ăn trong im lặng tại quán ăn, nhưng đừng quên: một đặc ân đáng quý trong sự thân mật chính là khả năng ngồi cạnh nhau trong im lặng mà vẫn cảm thấy bình yên. Tuy vậy, trong những mối quan hệ sâu sắc và sống động nhất, người ta thường không muốn im lặng. Bởi vì giữa họ luôn có quá nhiều điều để chia sẻ, và những cuộc trò chuyện của họ quá thú vị đến mức không thể bỏ lỡ.
Hai người có thật sự ngưỡng mộ lẫn nhau không?
Cũng giống như Aristotle, Nietzsche cho rằng dạng tình bạn cao quý nhất không dựa trên sự tiện lợi hay khoái lạc, mà được xây dựng từ một cam kết chung hướng đến sự xuất sắc. Những người bạn như vậy không chỉ yêu quý nhau vì những lợi ích thực tế hay cảm giác dễ chịu người kia mang lại, mà vì phẩm chất rực rỡ, truyền cảm hứng của nhau. Giữa họ tồn tại một sự ngưỡng mộ song phương. Họ thúc đẩy nhau trở nên tốt hơn, và cùng nhau theo đuổi những giá trị giúp họ vươn lên.
Người ta vẫn thường nói: những kẻ yêu nhau thì nhìn vào mắt nhau, còn bạn bè thì cùng nhau bước đi song hành giữa đời. Nhưng thật ra, những cặp đôi hạnh phúc nhất chính là những người biết linh hoạt chuyển đổi giữa hai vị thế ấy: vừa gắn bó trong sự sẻ chia tâm hồn, vừa cùng nhau vươn về một lý tưởng cao đẹp vượt lên trên chính mình. Họ có “một cơn khát chung hướng về một lý tưởng cao hơn chính họ.”, như Nietzsche gọi.
Tình yêu, theo Nietzsche, “đánh thức trong con người khát vọng hướng về Siêu Nhân”, một biểu tượng cho bản thể mạnh mẽ, sáng tạo và can đảm nhất mà con người có thể trở thành. Điều này đúng với cả tình yêu trong tình bạn lẫn tình yêu trong hôn nhân.
Một người bạn đời đáng để gắn bó lâu dài chính là người thúc đẩy bạn trở thành phiên bản mạnh mẽ, sáng tạo và dũng cảm nhất của chính mình, là người mà qua tấm gương từ chối sự tầm thường của họ, sẽ truyền cảm hứng cho bạn, như Nietzsche từng nói, “trở thành con người mà bạn vốn là.”