3 rào cản tinh thần ngăn bạn làm điều chính mình từng tha thiết muốn

Tin không vui là: ai trong chúng ta cũng đều vấp phải những rào cản tâm lý mạnh mẽ khiến ta chùn bước khi đang cố gắng chạm tới mục tiêu.
Tin không vui là: ai trong chúng ta cũng đều vấp phải những rào cản tâm lý mạnh mẽ khiến ta chùn bước khi đang cố gắng chạm tới mục tiêu. Nhưng tin tốt là: ta có thể vượt qua chúng bằng sự hiểu biết và kiên trì. Dưới đây là cách, theo góc nhìn của nhà tâm lý học nhận thức Amanda Crowell.
Bạn hãy thử nhớ lại lần gần nhất mình từng nói muốn làm một điều gì đó. Có thể bạn từng muốn ăn uống lành mạnh hơn, viết nhật ký mỗi ngày hay dọn dẹp lại căn nhà cho gọn gàng. Nhưng dù bạn thật lòng mong đạt được mục tiêu ấy, thì cuối cùng bạn cũng chỉ đi được vài bước rồi dừng lại. Vì sao vậy?
Ta thường đổ lỗi cho sự lười biếng hay thiếu ý chí, nhưng theo tiến sĩ Amanda Crowell, một nhà tâm lý học nhận thức kiêm huấn luyện viên tại New York, hiện tượng đó có một cái tên khác: “thất bại mang tính phòng vệ”.
Crowell chia sẻ chính câu chuyện đời mình để minh họa. Khi còn nhỏ, cô rất ghét vận động. Cô thường đùa: “Tôi chỉ chạy khi có gấu rượt, còn thì không bao giờ.” Thói quen này kéo dài suốt 34 năm, cho đến một sáng cô thức dậy với tấm lưng nhức nhối và một đứa bé sơ sinh đang chờ cô chăm sóc. Nếu muốn trở thành người mẹ năng động, người mẹ có thể đuổi theo con trong công viên, bế con lên xoay một vòng tròn thật cao như cô hằng mơ, thì cô cần phải khỏe mạnh.
Một Chủ nhật nọ, cô nói với chồng rằng bắt đầu từ tuần sau, cô sẽ đến phòng tập đều đặn. Nhưng rồi thứ Hai trôi qua, cô vẫn chưa đi. Rồi những ngày khác cũng lần lượt qua đi. Tuần, rồi tháng... cô vẫn chưa một lần bước vào phòng tập. Cô bối rối: “Tôi thật sự muốn đến phòng gym, tôi đã có ý định rất rõ ràng, vậy mà sao tôi vẫn không làm?”
Câu hỏi ấy đã dẫn cô vào ba năm nghiên cứu. Và cuối cùng, cô đặt tên cho hiện tượng ấy là “thất bại mang tính phòng vệ”, khi ta rất muốn đạt được điều gì đó, ngày đêm nghĩ về nó, nhưng cuối cùng lại chẳng hành động gì cả. Cô phát hiện ra rằng có ba rào cản tâm lý mạnh mẽ khiến ta bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn ấy. Dưới đây là ba rào cản đó và cách vượt qua từng cái một.
Image: Jordan Awan
Rào cản số 1: “Tôi nghĩ mình không thể làm được”
Sau khoảnh khắc thức tỉnh về việc cần vận động, Crowell quyết định thử chạy bộ. Cô mang giày vào và bắt đầu chạy. Nhưng cô lại mặc một chiếc quần yoga rộng thùng thình, không có chỗ để đựng điện thoại, trong khi cô đang dùng một ứng dụng chạy 5K. Cô kể lại: “Tôi thật lôi thôi. Một tay giữ quần, một tay cầm điện thoại mà chạy.”
Với nhiều người trong chúng ta, một khởi đầu vụng về như vậy đủ để khiến ta muốn bỏ cuộc luôn. “Trong thâm tâm, bạn nghĩ mình không thể làm được,” cô nói. “Bạn cho rằng có những người sinh ra đã có năng khiếu hay gen phù hợp, còn bạn thì không.” Và nếu bạn tin rằng thành công dựa vào tài năng hay di truyền, thì những lần thất bại vặt vãnh như vậy sẽ trở thành bằng chứng rằng bạn vốn không có khả năng.
(Trong trường hợp của Crowell, cô không để cú vấp đầu tiên ngăn cản mình, về sau, cô đã hoàn thành cả một cuộc thi ba môn phối hợp và một nửa chặng marathon.)
Làm sao để vượt qua rào cản này?
Hãy rèn luyện thói quen nhìn mọi thất bại như những bước đi cần thiết trên con đường tiến bộ, nhờ đó, bạn sẽ dần hình thành một thứ gọi là tư duy phát triển (growth mindset), một khái niệm do giáo sư Carol Dweck (Đại học Stanford) và nhiều nhà nghiên cứu khác cùng phát triển.
Với tư duy này, Crowell nói, “những lỗi lầm ban đầu không còn đáng sợ. Chúng không còn là bằng chứng cho thấy bạn chẳng nên bắt đầu từ đầu. Ngược lại, chúng trở thành cơ hội để học hỏi, bởi vì bạn hiểu rằng, cốt lõi của thành công không nằm ở tài năng, mà là ở nỗ lực bền bỉ theo thời gian.”
Lần tới nếu bạn cảm thấy mình lại vừa thất bại, hãy tự nhủ: “Thêm một bước nhỏ nữa đưa mình gần hơn đến mục tiêu.”
Rào cản số 2: “Người như tôi thì không giỏi việc này”
Suốt bao năm, ta vẫn âm thầm gọt giũa nên bản thân mình: qua hành động, trải nghiệm, những va vấp và suy ngẫm về ta là ai, ta đến từ đâu, và ta mong muốn trở thành người như thế nào. Bản sắc ấy dù được hình thành rất gian nan, vẫn cho ta cảm giác có ý nghĩa, có chỗ đứng trong đời. Nhưng đôi khi, chính nó lại cản bước ta khi ta muốn thử một điều mới mẻ.
Khi Crowell vừa được cấp chứng chỉ làm huấn luyện viên, cô đã rất chật vật trong việc quảng bá bản thân và tìm kiếm khách hàng. Cô lên kế hoạch tham gia các buổi kết nối, nhưng cứ đến gần ngày hẹn là cô lại lấy lý do bận rộn để hủy. Sau khi nghiên cứu về hiện tượng “thất bại mang tính phòng vệ”, cô nhận ra rằng: sự chần chừ đó không xuất phát từ lười biếng mà vì việc phải tự quảng bá bản thân mâu thuẫn với cái cách cô nhìn nhận về chính mình.
Điều này rất phổ biến, nhiều người trong chúng ta sẽ tìm mọi cách né tránh bất cứ điều gì đe dọa đến cảm giác “tôi là ai”. Với Crowell, cô luôn nghĩ mình là người giàu cảm xúc, sống vì người khác, đặt trái tim lên hàng đầu. Và vì thế, việc tự quảng bá, rao bán dịch vụ của bản thân khiến cô cảm thấy giả tạo và gượng ép, cứ như thể mình đang ép buộc người khác.
Làm sao để vượt qua rào cản này?
Câu trả lời thật ra rất giản dị:
“Hãy tìm những người giống bạn – những người đang làm điều bạn muốn làm – rồi chia sẻ những băn khoăn của bạn với họ,” Crowell nói.
Cô đã tìm được một người cũng là kiểu sống tình cảm như mình, nhưng lại rất giỏi quảng bá việc kinh doanh. Người ấy đã giúp cô nhìn ra rằng vẫn có cách để giới thiệu bản thân mà không đánh mất con người thật, không cần phải “đổi vai”. Khi mục tiêu của bạn gắn liền với bản sắc cá nhân, bạn sẽ dễ dàng bước tới hơn rất nhiều.
Rào cản số 3: “Tôi cảm thấy mình phải làm điều này, nhưng thật lòng tôi không muốn”
Hay như cách Crowell nói:
“Trong sâu thẳm, bạn không thật sự muốn làm điều đó; bạn chỉ nghĩ là mình nên muốn mà thôi. Nghĩa là bạn đang theo đuổi điều ấy vì những lý do không đúng với mình.”
Cô chia sẻ rằng thường có hai kiểu động cơ chính khiến ta muốn điều gì đó. Một là lý do nội tại, những động lực đến từ bên trong bạn: từ sở thích, trí tò mò, hay những ước mơ dài lâu của chính bạn. Hai là lý do bên ngoài, kiểu như “ai cũng làm nên mình cũng làm”, “mẹ mình sẽ tự hào”, hay “mình muốn được người khác ngưỡng mộ”.
Ví dụ, giả sử bạn đang cố gắng tiết kiệm tiền. Bạn nhận ra bữa trưa là khoản tiêu tốn nhiều nhất nên quyết định sẽ mang cơm đi làm. Nhưng một hôm bạn quên mang theo, và đồng nghiệp rủ bạn đi ăn ngoài. Giờ bạn đứng trước hai lựa chọn: đi ăn với bạn, tốn 25 đô, hay mua thanh năng lượng giá 2 đô từ máy bán hàng.
Nếu bạn tiết kiệm vì lý do nội tại, chẳng hạn, bạn vừa đính hôn và đang cố để dành mua nhà, chuẩn bị cho cuộc sống gia đình, thì bạn sẽ dễ giữ vững quyết tâm. Nhưng nếu bạn tiết kiệm chỉ để “chiến thắng” cô em gái thích đọ tiền, một lý do bên ngoài, thì khả năng cao bạn sẽ bỏ cuộc và đi ăn cùng bạn.
“Lý do ấy không đủ mạnh để thắng nổi cơn cám dỗ nhất thời, là cảm giác thích thú khi được ăn ngoài với bạn bè. Và điều này đúng với mọi điều bạn đang vật lộn,” Crowell nói.
Làm sao để vượt qua rào cản này?
Hãy xem động lực nội tại của bạn, lý do vì sao bạn thật sự muốn làm điều đó, như một nguồn năng lượng cá nhân. Nó là điểm tựa mà bạn có thể quay về bất cứ lúc nào bạn thấy nản lòng. Và chắc chắn sẽ có những lúc như vậy.
Crowell nói: “Nếu điều bạn đang theo đuổi là điều khó, thì sẽ có những khoảnh khắc bạn muốn bỏ cuộc. Và chính động lực nội tại mới là thứ giúp bạn bám vào con đường đó.”
Nếu bạn chỉ nghĩ ra được toàn lý do bên ngoài, có thể đó chưa phải mục tiêu đáng để theo đuổi. Nhưng nếu bạn thật sự cảm thấy trái tim mình có mặt trong đó, thì bạn cần vạch rõ ranh giới giữa điều bạn đang làm và ước mơ dài lâu của mình.
Một khi tìm được nguồn cảm hứng sâu xa ấy, hãy viết nó ra lên một mảnh giấy nhỏ và giữ trong ví. “Khi đến lúc bạn muốn bỏ cuộc, hãy lấy tờ giấy ấy ra, Đọc nó, và để nó tiếp thêm năng lượng cho bạn.” Crowell nói.
Nguồn: 3 mental blocks that keep you from doing what you say you want to do | ideas.ted.com